HỌ TÔ XÃ LANG SƠN, HUYỆN HẠ HOÀ, PHÚ THỌ


                                                      Đại biểu tại đại hội Phụ nữ xã Lang Sơn

          Theo phả tộc chữ Hán, Họ Tô ở Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ nguyên gốc là Họ Nguyễn Hữu, quê ở Gia Miêu, nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Cụ Tổ là Nguyễn Công Duẩn, có công trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, được vua Lê Thái Tổ phong: Bình Ngô khai quốc. Cụ Thủy tổ là Nguyễn Bặc, giúp vua Đinh dẹp loạn 12 xứ quân, lập ra Nhà nước phong kiến Việt Nam đầu tiên thống nhất. Cụ được phong chức: Định Quốc Công – hậu duệ có nhiều người hiền đạt làm quan triều Lý, Trần như: Hòa quốc công Nguyễn Quang Lợi, làm quan đời vua Lý Thái Tổ; Nguyễn Viễn Tả Tướng quốc; Nguyễn Phụng giữ chức Tả Đô đốc; Nguyễn Đương giữ chức Thái Bảo đời Lý; Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên) làm Binh bộ Thượng thời đời Trần.

          Sang thời Lê, dòng Họ Nguyễn Hữu càng thịnh, có rất nhiều người làm quan trong triều. Cụ Tổ Họ Tô Lang Sơn là Nguyễn Hữu Cửu (tức Nguyễn Hữu Đặc), là chắt nội của cụ Nguyễn Công Duẩn, là cháu nội cụ Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung, là con thứ 5 của Hoằng Quận công Nguyễn Hữu Vĩnh.

          Năm 1527 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông, lập ra nhà Mạc, các quan lại nhà Lê chiêu binh diệt Mạc. Cụ Nguyễn Hữu Cửu lúc đó giữ chức Đại Đô đốc Tùng Dương hầu cùng với anh trai là Phú Hòa hầu Nguyễn Hữu Thuần đem quân về Phú Thọ để mưu đồ diệt Mạc.

          Cụ Nguyễn Hữu Thuần cùng cụ bà Nguyễn Thị Chính đem quân lên Mê Lôi (nay là huyện Trấn Yên) Yên Bái thì mất ở đó.

          Cụ Nguyễn Hữu Cửu thấy anh và chị dâu mất, đã đem quân đồn trú tại Lương Sơn (nay là Lang Sơn), Hạ Hòa, Phú Thọ. Tại đây cụ lấy cụ bà là Tô Thị Tám (tức Tài), con cụ Tô Đình Tài – một hào trưởng có thế lực ở Lang Sơn. Lúc đó thế lực Mạc Đăng Dung còn rất mạnh, nên theo gương các cụ đời trước, cụ đổi họ sang họ vợ là Họ Tô để bảo toàn cho con cháu.

          “Từ nay Nguyễn đổi sang Tô

           Cháu con Họ Nguyễn nương nhờ mẹ đây

           Lang Sơn ngụh tại đất này

           Muôn đời ghi nhớ không ngày nào quên”.

         Tuy đổi sang Họ Tô nhưng phả tộc vẫn ghi Nguyễn Hữu. Sau này Họ Mạc bị diệt, con cháu cụ Nguyễn Hữu Cửu vẫn không đổi lại họ vì lúc đó ở Đàng Ngoài Họ Trịnh nắm quyền chống với Họ Nguyễn ở Đàng Trong (Trịnh – Nguyễn phân tranh), mà Họ Nguyễn Hữu là cùng họ với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vẫn có người ra làm quan ở các triều Lê – Nguyễn sau này. Hai cụ làm quan cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam ở Lang Sơn là:

          1.Cụ Tô Đình Quế: Tri huyện Hạ Hòa

           2.Cụ Tô Văn Sách: Cai đội tỉnh Phú Thọ.

         Khi triều đình Huế đưa cụ Nguyễn Hữu Đại ra làm quan đầu tỉnh Phú Thọ; cụ Sách có đem gia phả cho cụ Đại xem. Hai cụ nhận ra đều là dòng Nguyễn Hữu (dòng hoàng tộc, cùng họ với vua). Năm vua Khải Định làm lễ mừng thọ 40 tuổi (Tứ tuần Đại Khánh), cụ Nguyễn Hữu Đại đưa cụ Tô Văn Sách vào Huế, đem gia phả so thấy trùng khớp, vua ban cụ Sách thẻ Ngà (dòng hoàng tộc) và chuẩn y cho chuyển sang Họ Nguyễn Hữu. Nhưng chưa kịp đổi thì chế độ phong kiến Việt Nam bị đánh đổ, con cháu Họ Nguyễn Hữu ở Lang Sơn vẫn giữ nguyên Họ Tô cho tới ngày nay.

           Năm 1992, Trưởng tộc Tô Văn Viện (bố ông Tô Kim Tiền) còn lưu giữ được cuốn phả tộc bằng chữ Hán, đã cùng ông Tô Sang đem cuốn phả tộc này về Viện Hán Nôm nhờ cụ Vũ Thiên Thai dịch ra chữ quốc ngữ. Cùng năm đó đã thành lập Ban chấp hành Hội đồng Gia tộc. Hội đồng Gia tộc đã đề ra một số việc quan trọng:

           1.Viết tiếp gia phả (bằng chữ quốc ngữ) nối các đời thứ 11, 12, 13, 14…

           2.Xây mộ hai cụ: Nguyễn Hữu Thuần và Nguyễn Hữu Cửu.

          3.Tổ chức giỗ hai cụ: Nguyễn Hữu Cửu (ngày 23 tháng Chạp âm lịch) và Tô Thị Tám (Ngày 10 tháng Tám âm lịch).

          4.Vận động con cháu đóng góp xây dựng nhà thờ họ.

           5.Ra một số quy chế của dòng họ như tổ chức lễ tang, mừng thọ các cụ từ 70 tuổi trở lên…

          Trải qua gần 500 năm, từ một cụ Tổ Nguyễn Hữu Cửu chuyển sang Họ Tô, đến nay truyền kế 15 đời con cháu. Hiện chi họ có trên 500 gia đình, gần 2000 nhân khẩu sống ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, có một số định cư ở nước ngoài; nhưng vẫn luôn phát huy truyền thống của dòng họ: Yêu nước, cần cù, hiếu học, nhân hậu và đảm đang. Con cháu dòng họ Nguyễn Tô quyết không hổ thẹn với các bậc tiền nhân.

           Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người trong dòng họ đã ra đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có 4 liệt sĩ, 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là các cụ:

            -Bùi Thị Hào có một con duy nhất là Tô Lương -  liệt sĩ.

            -Nguyễn Thị Thứ có 3 con là Tô Văn Thạch, Tô Văn Vượng và Tô Văn Thảo là liệt sĩ.

           Là dòng họ có văn hóa khoa cử, con cháu Họ Tô luôn giữ truyền thống thông minh, cần cù, chịu khó. Người Họ Tô đã trở thành những nhà trí thức đầu tiên ở xã Lang Sơn, có học vị, học hàm cao nhất, những cán bộ đầu ngành của nhà nước Việt Nam. Sau cách mạng, những chuyên viên kinh tế, văn hóa như các ông: Tô Ngọc Đạo – ngành Ngân hàng; Tô Đình Lưỡng – ngành Tài chính; Tô Sang – ngành Giáo dục, nhiều cháu đã và đang dạy học ở các trường đại học trong và ngoài nước, nghiên cứu sinh có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ…

          Họ Tô có hai nhà giáo ưu tú:

         1.Tô Sang – Hiệu phó, Bí thư Đảng  ủy Trường Lào (đã mất)

          2.Ngô Thị Lan – Hiệu trưởng Trường tiểu học Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ (vợ ông Tô Thính).

         Họ Tô là một trong ba họ có Hội Khuyến học lớn nhất và có nhiều con cháu được nhận phần thưởng học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học, cao đẳng hằng năm.

          Con cháu Họ Tô Lang Sơn luôn tự hào được mang hai dòng máu của cụ Tổ Nguyễn Hữu Cửu và cụ bà Tô Thị Tám (dòng cụ Tô Hiến Thành), nguyện theo gương các cụ Tổ, để viết tiếp những trang sử vẻ vang cho dòng họ.

                                                                                      Tô Ngọc Lư (đời thứ 10)