Chi họ Tô An Thủy, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương


                                     Nhà thờ giáo sứ An Thủy, Hiến Thành (Ảnh TL)

Thủy tổ của chi Họ Tô An Thủy là cụ Tô Văn Viết, quê gốc từ tỉnh Bình Định, nhưng con cháu không biết huyện thôn nào, lấy vợ và lập nghiệp tại thôn An Thủy, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn (nay là cụm dân cư An Thủy, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn), tỉnh Hải Dương. Cụ bà họ tên không rõ. Tính từ Thủy tổ Tô Văn Viết đến nay mới 5 đời, với 8 hộ 40 nhân khẩu. Nghề nghiệp chính của bà con trong họ là làm ruộng. Đời sống bình thường không còn hộ nghèo. Cụ Tổ Tô Văn Viết khi về già bị bệnh phong hủi nên khi chết mồ mả bị san bằng. Do điều kiện kinh tế khó khăn chi họ chưa xây dựng được nhà thờ Tổ nhưng hàng năm cứ đến ngày kỵ Tổ ngày 3 tháng Ba âm lịch, anh em con cháu trong họ tập trung về nhà Trưởng tộc cúng Tổ và bàn việc họ tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chi họ có 1 liệt sĩ. Ngày nay việc học hành của con em trong họ hầu hết tốt nghiệp trung học, mới có 2 người tốt nghiệp đại học.

                                                     Tô Anh Thuận

           Ban Biên tập sách Họ Tô Việt Nam:

          Xưa kia ở đây có một chi Họ Tô rất đông. Không rõ do nguyên nhân gì mà người Họ Tô lưu tán đi hết. Họ Tô hiện nay là từ nơi khác đến, mới có 5 đời với 8 hộ và 40 nhân khẩu. Ban Biên tập xin cung cấp tư liệu dưới đây để tham khảo:

          Ở thôn An Thủy, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có cụm di tích đình và chùa. Đình là nơi thờ hai anh em họ Phạm là Phạm Tụng và Phạm Luận làm Thành hoàng làng. Chùa thờ Phật Tam tổ Trúc Lâm. Trong Chùa có tấm bia lập năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) đời vua Lê Dụ Tông. Mặt trước bia có bức ảnh phù điêu bà công chúa Tô Ánh Nguyệt. Mặt sau bia ghi tên 109 người đóng góp công đức xây đình và chùa, trong đó có 47 người Họ Tô. Điều đó chứng tỏ cách đây 300 năm Họ Tô ở đây đã là một dòng họ lớn. Nhưng hiện nay, ở đây chỉ có mấy hộ Họ Tô từ nơi khác mới đến định cư, còn người Họ Tô gốc ở đây không còn một gia đình nào!?

          Còn trong bản thần tích của chùa và đình thôn An Thủy ghi Tô Ánh Nguyệt là người con gái xinh đẹp nết na được dân làng tiến cử vào làm cung phi. Bà đã đóng góp nhiều công của để xây dựng đình và chùa làng. Khi bà mất được nhà vua phong tặng là công chúa và được dân làng tạc vào bia đá và lập lầu thờ.

          Cụm di tích đình, chùa và lầu công chúa ở thôn An Thủy, xã Hiến Thành đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

          Ngày 3 – 3 – 2015, Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã cử Đoàn đại biểu đi dự Lễ hội Cụm di tích lịch sử Đình, Chùa thôn An Thủy, xã Hiến Thành. Tại đây, Đoàn giao tiếp với một số người Họ Nguyễn, Họ Phạm được biết thêm một số thông tin như sau:

          Hiện nay ở thôn An Thủy có nhiều dòng họ, trong đó có Họ Nguyễn, Họ Phạm là lớn nhất, nhưng cả hai chi họ này nay mới đến đời thứ 12; chứng tỏ hai chi họ này đến định cư ở đây sớm nhất là cách nay 300 năm. Khi đó và có thể trước đó nhiều năm ở đây đã có người Họ Tô và là một dòng họ lớn (47 người trong 109 người đóng góp tiền công đức để xây dựng đình chùa vào năm 1718 là người Họ Tô).

          Cả hai chi họ Nguyễn, Phạm đều có các cụ con dâu là người Họ Tô. Như Thủy tổ Họ Nguyễn tự Phúc Bình có hai cụ Tổ bà là cụ Tô Thị Tiết và Tô Thị Trinh (có lẽ là hai chị em). Họ Nguyễn đến nay là 12 đời. Cụ Tổ đời thứ hai cũng lấy vợ người Họ Tô. Gần đây nhất là cụ Nguyễn Văn Sáu, đời thứ tám, có vợ là cụ Tô Thị Then. Cụ Tô Thị Then, nếu còn sống năm nay đã 125 tuổi.

Họ Phạm cũng có một cụ con dâu là người Họ Tô, cùng độ tuổi như cụ Tô Thị Then.

Sự việc đó chúng tỏ cách đây 80 – 90 năm, ở đây vẫn còn đông người Họ Tô. Rất tiếc là các cụ bà người Họ Tô cuối cùng đã qua đời cách đây 50 – 60 năm , nên chúng ta không biết được vì lý do gì mà cả một dòng họ đông đúc nhất làng, lại lưu tán không còn một ai và đi đây đến nay vẫn không ai biết.