Họ Tô làng Bao Hàm xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình


Một góc xã đạt chuẩn nông thôn mới Thái Hà, Thái Thụy (Ảnh TL)

Họ Tô làng Bao Hàm, Thái Hà, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là dòng họ lớn nhất làng Bao Hàm có bề dày lịch sử gần 600 năm.

Làng Bao Hàm có diện tích trên 1km2, có một con kênh chảy giữa làng theo hướng Đông - Tây chia làng thành hai nửa làng trên và làng dưới. Làng Bao Hàm được đổi tên từ làng Bao Ngạn thời Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận tam niên năm (1462). Làng có đủ đình, đền, chùa và 4 ngôi miếu ở bốn góc làng. Tại đền, ngoài việc thờ Thành hoàng làng còn có bài vị Thủy tổ các dòng họ. Họ Tô được ghi dòng đầu.

Qua hai cuộc kháng chiến từ đường Họ Tô cũng như các di tích văn hóa khác của làng Bao Hàm bị tàn phá sạch. Các tư liệu như gia phả, tộc phả hoành phi câu đối đều bị rách nát, thất lạc nay chỉ còn 3 chi Họ Tô giữ được tộc phả gốc, 1 mộc chủ bài vị của 2 cụ cử nhân, 1 đạo sắc phong nhưng cũng bị rách nát mối mọt không còn đủ chữ.

Thủy tổ Họ Tô Bao Hàm gồm 2 anh em là: Tô Huệ Ân, Tô Huệ An làm quan thời kỳ đầu nhà hậu Lê (Lê Thái Tổ).

Hai ông được triều đình Lê Lợi cử đi trấn ải, khai hoang lập làng vùng duyên hải Trấn Sơn Nam (gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình). Hai ông là người đặt chân đầu tiên lên đất Bao Ngạn, lập gia đình, lập làng và trở thành Thủy tổ của Họ Tô Bao Ngạn nay là Bao Hàm.

- Thủy Tổ anh Tô Huệ Ân vợ là bà Đông Quan không có con nối dõi.

- Thủy Tổ em Tô Huệ An vợ là bà Bình Đẳng sinh hạ được 2 trai 1 gái.

Tô Văn Bảo (Tự Chính Đạo) và Tô Văn Đậu (tự Huệ Đạo), một gái Tô Thị (hiệu Từ Long)

Cụ Tô Văn Bảo tự Chính Đạo đỗ giải nguyên triều Lê Thái Tông (1434 - 1442) làm quan tới chức Thanh Hoa Thừa Tuyên Xứ Sứ thần được phong tước Quận công.

Ngài Tô Văn Bảo có 2 vợ, vợ cả hiệu Hoa Tiên người làng Thụy Anh, Thái Bình. Bà sinh được 4 trai, 1 gái.

Tô Nhất Lang tự Chân Tính, Tô Nhị Lang tự Trực Tính, Tô Tam Lang tự Vô Vi, Tô Tứ Lang tự Huệ Phúc và 1 con gái là Tô Nhất Nương hiệu Từ Tính.

Khi ngài Tô Văn Bảo được Vua Lê Thánh Tông cử làm Thừa Tuyên Xứ Sứ thần Thanh Hóa. Bà cả Hoa Tiên cùng 4 con trai ở lại Bao Hàm, sau này thành 4 chi họ Tô ở làng dưới.

Vợ hai của ngài Tô Văn Bảo là Lê Lệnh Thị hiệu Từ Tôn cũng người làng Thụy Anh, Thái Bình theo chồng vào Ái Châu, Thanh Hoa và lập nghiệp tại làng Đồn Điền khai sinh ra dòng Họ Tô Đồn Điền, Quảng Xương, Thanh Hóa đông đúc như ngày nay.

Theo phả tộc Họ Tô làng Đồn Điền bà sinh hạ được 5 trai, 1 gái. Trưởng nữ hiệu Thanh Tân cùng với con trai thứ 3 và thứ 5 mất sớm còn lại 3 nam là:

Tô Đại Lang tức Tô Văn Dinh tự Huyền Cơ, Tô Nhị Lang tức Tô Văn Vinh tự Phả Quang, Tô Tam Lang tức Tô Văn Linh tự Huyền Thông

Nhờ hoạt động “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn” của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam và sự quan tâm đặc biệt của ông Tô Ngọc Cừ dòng đích của Họ Tô làng Đồn Điền và ông Tô Ca cũng dòng đích của Họ Tô Bao Hàm. Hai bên Họ Tô Bao Hàm và Họ Tô Đồn Điền chính thức nhận nhau là anh em cùng một gốc Tổ sinh ra tại Bao Ngạn nay là Bao Hàm, Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.

Ngài Tô Văn Đậu tự Huệ Đạo là em trai của ngài Tô Văn Bảo ở lại Bao Hàm sau này phát triển thành 7 chi Họ Tô Bao Hàm ở nửa làng trên.

Họ Tô Bao Hàm các chi đều có từ đường riêng. Con cháu các chi đã chung tay góp sức xây dựng lăng mộ của Thủy tổ Tô Huệ An và Tô Huệ Ân khang trang đẹp đẽ. Ngày kỵ Tổ là 22 tháng Tám âm lịch, con cháu các chi đều cử đại diện về từ đường chi Nhất dâng hương và cúng tế. Từ năm từ 2010 đến nay, ngày kỵ tổ Tô Huệ An và Tô Huệ Ân tại Bao Hàm còn có đại diện các chi Họ Tô làng Đồn Điền, Quảng Xương, Thanh Hóa cử đoàn con cháu ra Bao Hàm tế Tổ. Đồng thời ngày kỵ Thủy tổ Họ Tô làng Đồn Điền Tô Văn Bảo mồng 4 tháng Tư âm lịch con cháu Họ Tô Bao Hàm cũng cử đoàn vào Đồn Điền để tham dự lễ tế Tổ.

Căn cứ Bức đại tự “Bao Cáo đường” và bài Văn khấn:

Tiền cư Noi Cáo

Hậu đáo Tô Xuyên

Ký cư Quảng Nạp

Lập ấp Bao Hàm

Cho ta thấy các cụ Tổ Họ Tô Bao Hàm đã từ Làng Noi là làng Cổ Nhuế, làng Cáo là làng Cáo Đỉnh thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội rời quê đi đánh giặc, sau hai lần đổi chỗ ở đã lập ấp định cư tại làng Bao Hàm cho đến ngày nay.

Từ khi đến Bao Hàm lập cư đến năm 2012 đã có 20 đời con cháu. Ngoài ra con cháu còn phát tán ra các ngành khác ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên. Cụ thể:

Nhánh Họ Tô Thái Nguyên đã tìm về nhận họ gốc là Họ Tô Bao Hàm nhưng chưa xác định gốc gác ở chi họ nào thuộc Họ Tô Bao Hàm.

Nhánh Họ Tô ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng có 20 nhân khẩu đã về nhận họ.

Nhánh Họ Tô Cát Hải, Hải Phòng có 40 nhân khẩu đã về nhận họ.

Nhánh Họ Tô xã Thái Nguyên, tỉnh Thái Bình có 65 nhân khẩu đã tìm về nhận họ.

Đặc biệt Họ Tô làng Đồn Điền - Thủy tổ họ là Tô Văn Bảo tự Chính Đạo là con trai cả của Thủy tổ Họ Tô Bao Hàm Tô Huệ An. Những tư liệu, gia phả Họ Tô Làng Đồn Điền còn cho biết thêm ông nội của cụ Tô Văn Bảo là ngài Tô Huệ Hưng làm quan Triều Trần, Ông là bố đẻ ra Tô Huệ Ân và Tô Huệ An (Thủy tổ họ Tô Bao Hàm).

Truyền thống Họ Tô Bao Hàm trên dưới 600 năm với 20 đời hậu duệ vẫn giữ được truyền thống nam nữ trong Họ Tô không kết hôn với nhau.

Kể từ đời Thủy tổ đến nay con cháu Họ Tô Bao Hàm luôn có tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên:

Đời thứ nhất Thủy tổ thuộc tầng lớp quan triều được vua phái đi trấn ải lập làng.

Đời thứ 2 cụ Tô Chính Đạo đỗ Giải nguyên thời vua Lê Thái Tông và 3 cụ Đỗ Cử Nhân.

Đời thứ 13 cụ Tô Đính đỗ cử nhân năm giáp tuất 1874 làm quan Tri phủ huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cũng đời thứ 13 có cụ Tô Thiết Cử nhân năm Mậu Dần 1879 làm quan Bang Biện phủ Thái Ninh, Thái Bình. Ngoài ra cụ Tô Các đời 13 đỗ Tú tài năm Giáp Thân 1864 ở nhà dạy học; Cụ Tô Lãng đỗ Tú tài năm Ất Mão 1916 làm nghề dạy học ở làng, mẹ cụ Tú Lãng được Vua Duy Tân tặng 4 chữ vàng “tiết hạnh khả phong”.

Đời thứ 14 cụ Tô Tế Mỹ Cử nhân thời Nguyễn Gia Long trước Cách mạng Tháng 8 cụ làm Án sát tỉnh Khánh Hòa, sau Cách mạng Tháng 8 cụ về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến lâm thời tỉnh Nghệ An - làm Chủ tịch mặt trận tỉnh.

Họ Tô Bao Hàm đã thực hiện công tác khuyến học rất sớm, thể hiện bằng câu đối “nhân thích lạc giao diêm hải thành văn hải” nghĩa là dù đến vùng biển xa xôi này mong con cháu vẫn là người có học.

Thời kỳ phong kiến làng có 4 cụ cử thì Họ Tô có 3 cụ. Từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay số người đỗ đạt khoa bảng luôn nhiều hơn các họ khác trong làng. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay Họ Tô Bao Hàm có nhiều người tốt nghiệp đại học trên đại học. Hiện nay có 105 người tốt nghiệp đại học, trong đó có 9 Tiến sỹ, 1 Thạc sỹ.

Rất nhiều con cháu Họ Tô Bao Hàm các thế hệ tham gia các lực lượng vũ trang bảo về Tổ quốc trong các cuộc kháng chiến. Có 54 người là liệt sỹ, trong đó: Liệt sỹ chống Pháp là 13 người, liệt sỹ chống Mỹ là 41 người.

Có 4 người là Bà mẹ Việt Nam anh hùngđều là con dâu Họ Tô Bao Hàm.

Có 13 người là sỹ quan cấp Thượng tá, Đại tá QĐND Việt Nam.

Trong bộ máy nhà nước, ngoài cụ Tô Tế Mỹ - Án sát tỉnh Khánh Hòa - Chủ tịch tỉnh Lâm thời Nghệ An (đã mất), còn có 9 người là Thành ủy viên, Tỉnh ủy viên, trưởng, phó Ty (Sở), Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc các tổng công ty.

Họ Tô Bao Hàm xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là họ thuần dòng từ một gia đình anh em về đây lập làng, tình cảm anh em họ hàng rất gần gũi với 10 chi họ, 1300 nhân khẩu một gốc Tổ, một dòng máu. Bao dung, độ lượng đoàn kết tương thân tương ái là truyền thống của dòng họ như Báo Thái Bình đã từng viết “Họ Tô Bao Hàm một dòng họ nhân văn.

Tô Văn Hạnh (Đời thứ 16, trưởng chi 2 họ Tô Bao Hàm)