CHI HỌ TÔ XÃ ĐỒNG VĂN, HUYỆN THANH CHƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN


Thường trực Hội đồng Họ Tô Việt Nam và Họ Tô Nghệ Tĩnh tặng sách Họ Tô Việt Nam  cho Hội đồng gia tộc Họ Tô xã Đồng Văn ngày 24.2.2023 (tức ngày 5.2 Quý Mão)

          Di Luân là một làng thuộc xã Đồng Luân (nay là xã Đồng Văn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Làng nằm bên bờ tả ngạn của con sông Cả mà nhân dân thường gọi là sông Lam - Nơi đã từng chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử quê hương, đất nước.Đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 làng Di Luân đã có nhiều người con ưu tú tham gia, được Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương và tỉnh Nghệ An ghi nhận.

          Dòng họ Tô Di Luân sống trong một làng như vậy cho nên cũng mang đầy đủ bản sắc của con người Di Luân nói riêng và con người Thanh Chương nói chung.

          Theo tài liệu tổ tiên để lại, đời Tự Đức năm thứ 21 các bậc tiền bối có ghi lại:

          Tổ tiên ta theo đời trước truyền lại ở xứ Nam Sơn, Độ Nam Bắc quốc sinh con cháu trải qua ba, bốn đời.

          * Một chi ở lại xứ Nam Sơn.

          * Một chi có hai anh em:

          - Một người xiêu cư ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.

           - Một người xiêu cư ở xã Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - con cháu đông đúc, sau đó mỗi người lại rời quê hương đi lập nghiệp ở các nơi:

           + Một chi ở thôn Đông Sơn, xã Xuân Hoà, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

            + Một chi ở xã Thổ Hoàng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

            + Một chi ở thôn Đông Trù, xã Đông Yên, tổng Vân Tụ, huyện Đông Thành.

             + Một chi ở xã Dương Xá, tổng Dương Xá.

            + Một chi ở huyện Lương Sơn.

          Theo gia phả, thì Thái Thỉ Tổ là: Võ Công quận Tô công nhất lang đến ở làng Thái Bình Đoài, xã Canh Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đại tôn hiện nay ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Phần mộ thỉ Tổ mai táng ở rú Bờng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

           Chi Họ Tô ở làng Di Luân là miêu duệ của Đức Tổ Tô Trăm - Con trai thứ 3 của Thượng Cao cao Tằng tổ khảo Tô Nguyên. Tính từ Thỉ tổ Tô Trăm cho đến nay chi Họ Tô ở làng Di Luân có 11 đời. Hiện có 97 hộ, 185 đinh, cư trú rải rác ở một số tỉnh và thành phố từ Bắc vào Nam. Bởi Cách mạng có nhiều biến động, do đó cùng với các dòng họ khác trong làng, trong xã, con cháu Họ Tô đã có nhiều người do yêu cầu công tác đã phải xa quê hương, có nhiều gia đình theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã từ giã quê hương đi sinh cơ lập nghiệp ở nơi quê mới.

           Câu đối ở nhà thờ họ có ghi: Địa Tĩnh Bằng sơn thiên lý vọng

                                                      Lan yên Lam thủy nhất đường lâm

          Tạm dịch:                     - Nghìn dặm trông về núi Bờng đất Hà Tĩnh

                                                 - Một nhà sum họp bên bờ sông Lam đất Nghệ An

          Truyền thống của dòng Họ Tô ở Thanh Chương. Năm 1930 - 1931 nhiều người không ngại tù đày, khảo tra tham gia vào phong trào thành lập chính quyền Xô Viết như:

          Ông Tô Chiếng là Tỉnh ủy viên. Bị đày đi Lao Bảo, trong nhà tù của đế quốc thực dân đã kiên cường đấu tranh, mặc dù bị tra tấn tàn bạo nhưng vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Năm 1945 sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công ông trở về gia đình. Do bị tra tấn nhục hình trong những năm tháng lao tù nên ông qua đời năm 1947; được công nhận là liệt sĩ thời kỳ Cách mạng 1930 - 1931.

          Ông Tô Vấn (thường gọi là ông Chất) tham gia phong trào cách mạng 1930 - 1931 hi sinh. Được công nhận là Liệt sĩ thời kỳ Cách mạng 1930 - 1931.

          Ông Tô Huyên (đã mất) là đảng viên Cộng sản năm 1930 - 1931. Bị địch tù đày 10 năm. Ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng. Là người có nhiều công lao trong Cách mạng Tháng 8, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đảm đương các chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã; được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và  truy tặng Huân chương Độc lập hạng 3.

          Ông Tô Tiu tham gia Tự vệ Đỏ năm 1930 - 1931. Khi phong trào cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố, cơ sở Đảng phải rút vào rừng sâu (khe Kiêu), thực dân Pháp và tay sai đã phong tỏa triệt đường tiếp tế của dân nên ông đã cùng đồng đội hi sinh. Ông được công nhận là liệt sĩ thời kỳ Cách mạng 1930 - 1931.

          Bà Tô Thị Em (đã mất) năm 1930 - 1931 luôn luôn cầm cờ đi đầu trong các cuộc biểu tình chống áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến.

         Trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn có nhiều người tham gia cách mạng và duân đội nay đã về nghỉ hưu như:

          - Ồng Tô Tiềng, năm nay 91 tuổi. đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1953 đi bộ đội chiến đấu tại Điện Biên Phủ, Lào, nguyên là Thượng úy, Chính trị viên tiểu đoàn, được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến Hạng Nhất.

          - Ông Tô Tốn, năm nay 98 tuổi. Tham gia Cách mạng từ năm 1945. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Chương. Được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa.

          - Bà Tô Thị Sâm (bà Hứa). Tham gia cách mạng tháng 8/1945, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1947. Bà được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp Hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhất. Cán bộ tiền khởi nghĩa. (đã mất)

          - Ông Tô Chất. Năm 1948 đi bộ đội, sau chống Mỹ chuyển sang làm cán bộ ngành giao thông. Ông được tặng thưởng Huân chương chống Pháp hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (đã mất).

          Tiếp bước truyền thống của ông, cha. Trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, chi Họ Tô làng Di Luân có nhiều người gia nhập quân đội và có nhiều người đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp Cách mạng như: Chú Tô Bình, Chú Tô Vinh, Chú Tô Nghĩa, Chú Tô sơn, Chú Tô Thành. Tất cả đều được công nhận là liệt sĩ chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.

          Ngoài các bậc cách mạng tiền bối, con cháu Họ Tô còn có nhiều người tham gia hoạt động Cách mạng trong nhiều lĩnh vực như quân đội, công an, giáo viên, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, Hội luật gia v.v.  Như: Ông Tô Đức; ông Tô Tài; bác Tô Phong; bác Tô Hoài; bác Tô Châu; bác Tô Định (Điện Biên); bác Tô Bảy; chú Tô Tùng; chú Tô Đào; chú Tô Tám; o Tô Quế; chú Tô Từ; chú Tô Trí; o Tô Phương; chú Tô Tuấn Anh; chú Tô Toàn;cháu Tô Trần Lam Giang; cháu Tô An ...

          Trong số đó nổi bật có:

          - Ông Tô Đức, năm nay 83 tuổi;  đi bộ đội sau chuyển ngành sang công an. Ông nguyên là Giám thị Trại 3 - cấp bậc Đại tá; được tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; huân chương Chiến sỹ vẻ vang.....

          - Bác Tô Châu - Tiến sĩ, giảng viên chính Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

          - Chú Tô Tám - Thạc sỹ phư­ơng pháp hành chính, cao cấp chính trị, chuyên viên cao cấp. Chú từng là Giám đốc Sở Tư­ pháp, kiêm Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Kon Tum, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Kon Tum, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, là đại biểu Quốc hội 3 khóa (13, 14,15).

          - Cháu Tô Trần Lam Giang,  sinh 1983, Tiến sỹ, hiện nay là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

          Bên cạnh những người ra đi thì những gia đình ở lại quê hương cũng đã có những khởi sắc đáng tự hào như:

          Gia đình bà Viền, mự Nguyệt, mự Cổn, chồng mất sớm, nhưng con cái đều trưởng thành và phát triển. Gia đình chú Tô Hồng là một gương làm kinh tế gỏi, đồng thời các con hiện nay đã có công việc ổn định.

          Gia đình bác Tô Quế, bác Tô Quân, bác Tô Tư, chú Tô Kiên, chú Tô Thái ... trong làm ăn kinh tế cũng đã có bước khởi sắc đáng kể. Và nhiều gia đình, con em học giỏi, thành đạt khác.  

         Do sự biến động của thời tiết năm 1978 mà từ năm 1980 đến nay Nhà Thờ chi Họ Tô Thanh Chương tọa lạc trên khuôn viên này (xóm Phú Hậu xã Đồng Văn). Mấy năm gần đây nhà Thờ luôn luôn được tôn tạo, tu sửa và nâng cấp; tuy nhiên về mặt không gian thì còn quá khiêm tốn.

          Dòng họ có Hội đồng gia tộc do bác Tô Quế con trai bác Tộc trưởng làm chủ tịch. Có Ban Lễ nghi, cầu đương để chăm lo nghi lễ và xúc tiến các hoạt động hàng năm.

          Những năm trước đây, Họ Tô Thanh Chương tổ chức Lễ tế Tổ tập trung vào ngày 12, 13 tháng giêng. Song trong 3 - 4 năm gần đây dòng họ đã hợp nhất Lễ hội tế Xuân và Lễ Giỗ Tổ ngày 04, 05 tháng 02 âm lịch hằng năm làm một. Lấy ngày 04, 05 tháng 02 hàng năm là ngày đại Tế. 

          Trong những ngày này, con cháu từ mọi miền Tổ quốc đều cố gắng thu xếp thời gian, điều kiện để về dâng hương bái Tổ. Sau khi dâng hương cúng Tổ con cháu tụ tập đầy đủ để họp họ. Cuộc họp bàn các vấn đề quan trọng của dòng họ như mừng thọ người tuổi chẵn (70, 80, 90, 100); biểu dương những người có công, có lời khen ngợi các cháu học giỏi, đỗ đạt cao trong các kì thi, và làm công đức xây dựng quĩ của chi họ, xây dựng cơ sở hạ tầng... Họp xong, sau lễ hoá vàng con cháu quây quần bên nhau để thụ lộc. Mọi người nâng chén rượu vui xuân chúc sức khoẻ, chúc sự thành đạt của nhau, chia sẻ cùng nhau những niềm vui, nỗi buồn trong những ngày tháng xa cách, trao đổi với nhau những kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế, cách thức giúp các cháu học hành tiến bộ. Lễ cúng Tổ hàng năm thực sự là ngày hội lớn và thiêng liêng, ngày gặp mặt nghĩa tình ruột thịt của con cháu trong dòng họ.

                                     HỘI TẾ

      Từ đường Hội tế tiết thiều quang

       Trang trọng uy nghiêm, đẹp rỡ ràng

       Con cháu hân hoan về bái phụng

       Các chi cung kính đến dâng nhang

      Tiền nhân dựng nghiệp ngời tâm ngọc

      Hậu thế xây bồi sáng dạ vàng

      Tích đức lưu ân hồng phúc Tổ

      Danh thơm Tô Tộc mãi ngân vang!

 

          Một số hình ảnh trong giỗ Tổ chi Họ Tô xã  Đồng Văn ngày 24.2.2023 (tức ngày 5 tháng 2 năm Quỹ Mão), có đại diện Hội đồng Họ Tô Việt Nam và Hội đồng Họ Tô Nghệ Tĩnh về dự:

                          Thường trực Hội đồng Họ Tô Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng Họ Tô Nghệ Tĩnh

                        Ông Tô Văn Thặm – Phó chủ tịch Hội đồng Họ Tô Việt Nam phát niểu tại buổi Lễ

                         Con cháu Họ Tô Đồng Văn tế Tổ

                                      Đại biểu Họ Tô các huyện về dâng hương

                                 Một chi họ chuẩn bị vào tế Tổ

                            Đại diện Họ Tô Bá Nam Đàn, Nghệ An nhận Cờ đăng cai Lễ tế Tổ năm 2024

 

          Tô Văn Giang