Chi Họ Tô xã An Bình Huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long


Đông đảo du khách chọn Khu du lịch Vinh Sang (xã An Bình, Long Hồ) để đi du lịch dịp cuối tuần (Ảnh TL)

         Chi Họ Tô xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nằm trên cù lao của nhánh sông Cổ Chiên, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây cách Thành phố Hồ Chí Minh 135 km về hướng Bắc theo Quốc lộ 1, cách Thành phố Cần Thơ 33 km về hướng Nam theo Quốc lộ 1. Tỉnh Vĩnh Long ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long, phía Đông giáp tỉnh Bến Tre và Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp Thành phố Cần Thơ, phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang.

          Nguồn gốc chi Họ Tô tại xã An Bình, huyện Long Hồ xa xưa nhất theo Tờ khai tông chi được ông Tô Tấn Bích và Tô Tấn Tịnh đứng ra lập vào năm 1916 thì không rõ Tổ ông là ai nhưng có Tổ bà là Lâm Thị Ngoạn. Tổ bà Lâm Thị Ngoạn là người làng Bình Lương (cũng thuộc xã An Bình ngày nay). Ước tính từ Tờ khai tông chi ghi lại thì Tổ bà sống cách nay khoảng 200 năm.

          Tổ bà Lâm Thị Ngoạn sinh được 4 người con. Trong đó, có 3 người con gái là Tô Thị Mùi, Tô Thị Nên, một người không rõ tên và 1 người con trai là Tô Tấn Chỏ. Ông Tô Tấn Chỏ sinh 3 người con trai là Tô Tấn Long, Tô Tấn Bổn và Tô Tấn Cáo, trong đó có ông Tô Tấn Long chính là ông nội của ông Tô Tấn Bích, người đứng ra lập tờ khai tông chi cho dòng họ vào năm 1916. Tờ khai này nhằm xác định nguồn gốc các con cháu của bà Tô Thị Mùi, Tô Thị Nên. Kèm theo là tờ chúc ngôn, còn ghi rõ ông Tô Tấn Bích và con cháu được “ăn ruộng vườn của bà Tô Thị Mùi và Tô Thị Nên, vì có tờ chúc ngôn cho ăn, mà cúng quảy ông bà và hai bà này”. Như vậy, nhờ tờ khai và tờ chúc ngôn vào năm 1916 mà chi Họ Tô xã An Bình, huyện Long Hồ xác định được nguồn gốc xa xưa nhất Tổ bà là bà Lâm Thị Ngoạn ở làng Bình Lương (nay là xã An Bình) và người nối dòng cho chi Họ Tô phát triển tại đây là ông Tô Tấn Chỏ, con trai bà.

          Từ cụ Tô Tấn Chỏ, chi Họ Tô tại xã An Bình phát triển ra các nhánh từ hai người con trai là Tô Tấn Long và Tô Tấn Cáo. Nay đã phát triển đến đời thứ 9, với khoảng 80 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Dòng họ Tô tại xã An Bình vốn có ruộng vườn, nên phần lớn con cháu ngày trước sống tại cù lao, nghề chính là trồng cây, làm ruộng, làm vườn. Ngoài ra chi Họ Tô xã An Bình còn phát triển ra sinh sống ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ và ở các phường thuộc Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, phần lớn làm vườn và buôn bán. Các con cháu đều làm việc trong các cơ quan, ban ngành nhà nước, doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

          Một số người từ đời ông Tô Hồng Hải, cháu nội ông Tô Tấn Bích thì được học chữ Quốc ngữ, tư tưởng tiến bộ. Ông Tô Hồng Hải hoạt động cách mạng từ năm 1946, từng là cán bộ binh vận, kinh tài xã An Bình. Năm 1959 bị địch bắt giam ở khám Lớn Vĩnh Long nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Sau năm 1975, ông là Trưởng ban tài chính xã An Bình. Ông được Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì và Huân chương kháng chiến hạng Nhì, tặng Kỷ niệm chương vì bị địch bắt tù đầy.

          Em ông Tô Hồng Hải có người em là Tô Văn Sáu trong kháng chiến chống Mỹ là cơ sở hợp pháp, làm công tác giao liên được Hội đồng Bộ trưởng tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

          Anh em chú bác ruột với ông Tô Hồng Hải có:

           Ông Tô Tấn Sang sinh năm 1921, tham gia cướp chính quyền tỉnh Sa Đéc (Long Châu Sa) là Ủy viên Kháng chiến Hành chính tỉnh Long Châu Sa, Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Sa Đéc, Bí thư Đảng Đoàn tỉnh Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc). Năm 1954 tập kết ra Bắc làm Giám đốc mỏ than Đèo Nai. Được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (chống Mỹ), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (chống Mỹ).

          Bà Tô Thị Trọng, em gái ông Tô Tấn Sang sinh năm 1923, có 2 con trai hy sinh trong trong kháng chiến chống Mỹ được công nhận là liệt sĩ. Bà Tô Thị Trọng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng..

          Con cháu Họ Tô xã An Bình ngày nay vẫn tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của chi họ. Nhiều người tham gia lực lượng vũ trang, là cán bộ trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ở địa phương, được tặng thưởng Huân chương, Bằng và Giấy khen các loại.

                   Tô Hồng Huy (Đời 8)