Bài phát biểu trong Lễ nhận họ ngoại Nguyễn Trí ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội

Trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế Đức Tô Hiến Thành, căn cứ bản kết luận cuộc Hội thảo Đan Phượng tháng 7 năm 1997 và các bản thần tích, thần phả ở các đình, đền thờ Đức Tô Hiến Thành, chúng ta biết Thân mẫu Đức Tô là Nguyễn Thị Đoan, người ở Ô Diên, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Gần đây, khi trao đổi với ông Nguyễn Tọa, người xã Hạ Mỗ, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hà Nội, chúng tôi được biết rõ thêm, Bà là người họ Nguyễn Trí ở xã Hạ Mỗ vì Bà là em gái Thiền sư Nguyễn Trí Bảo.

   Vì vậy trong lời phát biểu trong Lễ kỷ niệm 915 năm ngày sinh Đức Tô Hiến Thành, chúng tôi có đề nghị Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam tôn vinh và giữ mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Trí Hạ Mỗ vì đây là họ ngoại của Họ Tô Việt Nam. Việc này đã được đưa vào chương trình công tác Quý II- 2017 của Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam. Ngày 16-5-2017, chúng tôi đã lên bàn với ông Tộc trưởng và đại diện các chi họ Nguyễn Trí, được các ông nhất trí để Họ Tô Việt Nam về nhận họ ngoại.

   Hôm nay ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp, đoàn đại biểu Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam có lễ vật dâng lên ban thờ Tổ họ Nguyễn Trí và báo cáo các cụ, các ông, các bà trong họ cho phép từ giờ phút này, Họ Tô Việt Nam được nhận họ Nguyễn Trí xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội là họ ngoại.

   Nhân đây chúng tôi xin báo cáo với họ ngoại một số kết quả Họ Tô Việt Nam đã làm được trong gần 20 năm qua từ sau cuộc Hội thảo khoa học Đan Phượng-1997 ”Danh nhân Tô Hiến Thành- Cuộc đời và sự nghiệp”.

   - Ngày 3-8-1998(12 tháng Sáu năm Mậu Dần), nhân ngày giỗ lần thứ 819 Đức Tô Hiến Thành, hơn 150 đại biểu của 21 chi Họ Tô thuộc 12 tỉnh, thành phố ở Miền Bắc, lần đầu họp mặt ở đình Vạn Xuân, xã Hạ Mỗ, tọa đàm về dòng Họ Tô Việt Nam và quyết định thành lập Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam. Hội nghị đã tôn vinh Đức Tô Hiến Thành, người Họ Tô đầu tiên được ghi vào chính sử, danh nhân kiệt xuất của đất nước là biểu tượng tinh thần của dòng họ để xây dựng và phát huy truyền thống của dòng Họ Tô Việt Nam.

   Hội nghị đã đề ra tiêu chí và mục đích của hoạt động dòng họ là“ Chắp nối dòng họ- Tìm về cội nguồn”. Trong gần 20 năm qua Họ Tô Việt Nam đã hoạt động theo tiêu chí đó, thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

   - Ngay sau hội nghị và tiếp tục cho đến ngày nay, đã xúc tiến thành lập Ban liên lạc Họ Tô các tỉnh, thành phố để hoạt động chắp nối dòng họ. Đến nay đã thành lập 25 Ban liên lạc Họ Tô tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tầu, Bình Dương, Bến Tre, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ.

   - Thường trực Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã tổ chức các đoàn đi hàng vạn ki-lô-mét để liên lạc chắp nối các chi Họ Tô ở cả ba miền Bắc- Trung- Nam. Cùng với hoạt động chắp nối của các Ban liên lạc Họ Tô các tỉnh, đến nay đã chắp nối được hầu hết các chi Họ Tô(hơn 400 chi họ) suốt từ biên giới phía Bắc đến mũi Cà Mau.

   - Đã nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về thân thế và sự nghiệp của Đức Tô Hiến Thành. Họ Tô Việt Nam đã có nhiều bài viết về Đức Tô đăng trong tạp chí Thông tin Họ Tô Việt Nam và trên Trang tin điện tử của dòng họ. Thường trực Ban liên lạc còn tổ chức hàng chục đoàn đi khảo sát điền dã để tìm dòng dõi hậu duệ và các nơi còn đình, đền, miếu thờ Đức Tô Hiến Thành. Các tư liệu phong phú và súc tích về Đức Tô đã được tập hợp có hệ thống thành hơn 100 trang sách trong quyển sách “ Họ Tô Việt Nam” xuất bản tháng 12 năm 2015.

   - Đã góp sức cùng Ủy ban nhân dân và nhân dân xã Hạ Mỗ tôn tạo khu đền Văn Hiến để thờ phụng Đức Tô Hiến Thành, trong đó riêng phần đóng góp của Họ Tô Việt Nam đã dựng được Tượng đài và tôn tạo khu Lăng mộ Đức Tô. Hàng năm, hai lần động viên bà con Họ Tô cả nước về dâng hương kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Người, có năm đông trên ngàn người.

   Bà con Họ Tô coi Hạ Mỗ như quê hương thứ hai của mình. Ủy ban nhân dân và nhân dân xã Hạ Mỗ cũng coi bà con Họ Tô như người làng. Bằng việc nhận họ Nguyễn Trí là họ ngoại hôm nay thì Hạ Mỗ vừa là quê Tổ nội (vì Đức Tô Hiến Thành quê ở Hạ Mỗ), vừa là quê Tổ ngoại, trở thành mảnh đất thiêng liêng với dòng Họ Tô Việt Nam và tình cảm gắn bó giữa dòng họ với xã Hạ Mỗ ngày càng sâu sắc.

   - Cùng với các Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu sưu tầm tư liệu về Thần Tô Lịch. Đã xác định Tô Lịch là người có thực, làm quan ở hương Long Đỗ vào khoảng cuối thế kỷ 3, đầu thế kỷ 4, thời nhà Tấn cai trị nước ta. Ông là người đạo cao đức trọng, có nhiều công lao với dân làng nên khi Ông mất được tôn làm Thành hoàng và hương Long Đỗ mang tên Ông là làng Tô Lịch. Con sông chảy quanh làng cũng lấy tên là sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch còn đó, còn đất làng Tô Lịch đã được Cao Biền lấy xây thành Đại La và sau này Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long. Ngôi nhà của Ngài Tô Lịch chính là vị trí Điện Kính Thiên hiện nay.         Tô Lịch là vị thần rất linh thiêng đã phá tan bùa phép trấn yểm của Cao Biền, nên Cao Biền phải xây đền thờ Ngài. Ngài còn có công giúp vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long nên được Lý Thái Tổ tôn tạo lại ngôi đền, đặt tên là Bạch Mã linh từ      (Đền thiêng Ngựa Trắng) chính là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm hiện nay. Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền trấn bốn phía kinh thành Thăng Long (Thăng Long tứ trấn). Đền Bạch Mã trấn phía Đông nên có tên là Đông trấn chính từ. Thần Tô Lịch được vua Lý Thái Tổ phong là Thành hoàng thành Thăng Long và sau này còn được các vua nhà Trần phong nhiều tước vị cao quý nên duệ hiệu đầy đủ của Ngài là “ Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”, còn ở đền Bạch Mã thì Thần hiệu của Ngài là“ Long Đỗ Thần quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại vương “. Ở thành Thăng Long và vùng phụ cận trước đây có đến 24 ngôi đền thờ Thần Tô Lịch. Nhưng do thiên nhiên, chiến tranh và cả con người tàn phá nên hiện nay còn 11 đình, đền, miếu. Ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam cũng có đền thờ Ngài.

   Theo công trình nghiên cứu của Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam thì Đức Tô Hiến Thành là hậu duệ của Thần Tô Lịch. Nhân Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, ngày 19-9-2010, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã long trọng làm lễ suy tôn Thần Long Đỗ-Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam. Chúng tôi chọn dịp này để làm lễ suy tôn vì Ngài có công giúp vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long và là Thành hoàng của thành Thăng Long đã ngàn năm tuổi.

   - Ngay sau khi thành lập, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã xuất bản tạp chí Thông tin Họ Tô Việt Nam, nay đã phát hành đến số 20, mỗi số in hàng ngàn bản. Ngày 30-5-2010 lại khai trương Website Họ Tô Việt Nam là trang tin điện tử của dòng họ. Tạp chí và Website cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý về dòng họ nên được đông đảo người trong dòng họ và cả ngoài dòng họ đón đọc, truy cập.

   - Sau 17 năm sưu tầm tư liệu và 3 năm  tập trung biên soạn. tháng 12 năm 2015, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã xuất bản quyển sách  “ HỌ TÔ VIỆT NAM “. Sách được PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận , phê bình văn học , nghệ thuật Trung ương viết Lời giới thiệu.

   Sách gồm 4 phần:

       Phần thứ nhất: Họ Tô trong Lịch sử Việt Nam.

       Phần thứ hai: Họ Tô Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Phần thứ ba: Giới thiệu các chi Họ Tô cả nước. Có 403 bài giới thiệu do các chi họ viết.

       Phần thứ tư: Phụ lục.

   Sách dầy 1202 trang, in 1100 quyển.

   Quyển sách đã cung cấp một lượng thông tin phong phú, nhiều thông tin mới, đáng tin cậy, đáp ứng được yêu cầu của nhiều người trong ngoài dòng họ muốn tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của dòng Họ Tô Việt Nam. Đặc biệt thông tin về hơn 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và bài giới thiệu của hơn 400 chi họ, làm nên sự khác biệt của quyển sách Họ Tô Việt Nam với sách của các dòng họ khác. Tuy chỉ là quyển sách tổng hợp có hệ thống những thông tin, tư liệu về dòng họ tích lũy được trong 18 năm hoạt động của Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam, nhưng quyển sách có bố cục hợp lý, kết cấu chặt chẽ như một công trình khoa học về dòng họ, có tính chất như một quyển “Lịch sử dòng Họ Tô Việt Nam”.

Trưởng Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam tặng sách cho Họ Nguyễn Trí

   - Ngay từ khi mới thành lập, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã đề ra tiêu chí, mục đích là “ Chắp nối dòng họ- Tìm về cội nguồn”. Gần 20 năm qua hoạt động theo tiêu chí đó, Ban liên lạc đã chắp nối được hơn 400 chi Họ Tô trong cả nước. Từ những chi họ lẻ tẻ, không hề quen biết nhau, nay được tập hợp lại trong cộng đồng dòng Họ Tô Việt Nam, gắn bó với nhau trong tình nghĩa họ tộc. Nhiều chi họ đã tìm được cội nguồn, gốc tích Tổ tiên và từ đó nhiều chi họ đã nhận ra nhau là chi họ anh em, cùng một ông Tổ.

   Cả dòng họ đã tìm về cội nguồn là Đức Tô Hiến Thành và xa xưa hơn nữa đến Thần Tô Lịch, cách ngày nay đã hơn 1700 năm. Dòng Họ Tô Việt Nam rất tự hào vì Tổ tiên mình là những danh nhân kiệt xuất của đất nước.

   Lễ nhận họ hôm nay cũng là một hoạt động “Chắp nối dòng họ- Tìm về cội nguồn” nhưng ở tầm vóc cao hơn. Không phải là chắp nối một vài chi họ lẻ mà là việc chắp nối cả hai dòng họ nội, họ ngoại của Đức Tô. Không phải là việc tìm về cội nguồn vài trăm năm với dăm, bẩy đời mà tìm về cội nguồn cách đây 30 đời, hơn 900 năm. Đây là một hoạt động tình nghĩa rất cao đẹp.

Họ Tô Việt nam và họ ngoại Nguyễn Trí trong buổi lễ mhận họ

   Dòng Họ Tô Việt Nam cảm ơn dòng họ Nguyễn Trí đã sinh ra một người phụ nữ hiền thục, Phu nhân của quan Phủ doãn phủ Tràng An Tô Trung, Thân mẫu của Trung Tiết vương, Thái sư Tô Hiến Thành, danh nhân kiệt xuất của đất nước, của dòng Họ Tô Việt Nam.

   Kính chúc sức khỏe các cụ, các ông, các bà hai họ Tô- Nguyễn có mặt trong buổi lễ tình nghĩa hôm nay. Chúc mối quan hệ hai họ Tô- Nguyễn ngày càng thắm thiết.

    Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe bà Đinh Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Việt, đại diện cho Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ và ông Nguyễn Tọa, người bạn thân thiết của Họ Tô Việt Nam đã đến dự Lễ nhận họ của hai họ chúng tôi.

                                                                            Tô Bỉnh