Họ Tô làng Thanh Đoài, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Qua kỷ thứ tư, cách đây khoảng một vạn năm, nước biển lại dâng cao. Lúc này ở vùng đất Quỳnh Lưu biển ăn sâu vào đất liền tới tận chân các dải đồi phía Tây (thuộc các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hồng bây giờ). Lúc đó, một dải đồi núi kéo dài từ miền Tây Bắc về qua vùng Hoàng Mai lấn ra biển khơi tạo thành mũi Rồng. Mũi Rồng có núi Rồng, núi Mành, núi Bàn Cờ, núi Phượng Hoàng, núi Kiến. Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ cho thấy: cách ngày nay hàng chục vạn năm đã có những cộng đồng người cổ đại sinh sống ở vùng bờ biển cổ này. Họ sử dụng đá thạch anh, đá ba zan chế tác các công cụ tự vệ và hái lượm, săn thú để sinh sống. Đến thời kỳ biển tiến, vẫn có những tộc người cổ sinh sống trên đảo này.

Năm 218 (trước công nguyên) sau khi thống nhất Trung Quốc, nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) đưa 50 vạn quân chinh phục Bách Việt. Trong cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm đó, hai chiến thuyền của nhà Tần do hai anh em ruột người họ Tô làm hoa tiêu, bị đắm do gặp bão tố bất thường đã trôi dạt vào mũi Rồng.

Người anh là Tô Yên Huệ có tước là Hải sư Mai Xuyên hầu còn sống sau trận phong ba nhờ ở tuổi thanh niên sống và làm nghề chài lưới trên biển. Em ruột Mai Xuyên hầu là Tô Đạt Đạo cũng tinh thông kiến thức và giàu kinh nghiệm đi biển, được giao làm hải sư hoa tiêu, đi trên chiếc thuyền của phó tướng cũng gặp nạn và dạt vào gò đảo này. Hai anh em ôm lấy nhau mà khóc than rồi cùng nhau xuống biển mò tôm bắt ốc, lên rừng hái củi lá, lặt đá đánh lửa, nướng thức ăn. Hai người được người sở tại giúp đỡ làm ăn sinh sống. Sau một thời gian người anh lấy một cô gái con nhà quyền quý thuộc dòng họ Nguyễn tên là Tại làm vợ. Người em cũng cưới cô gái dòng họ Trần có kiến thức văn nho thông thạo lấy hiệu là Từ Thiện.

Khi đã có con cháu đông đúc, Ngài Mai Xuyên hầu lập nhà thờ và tổ chức tế lễ theo phong tục dòng họ mà Ngài từng dự nhiều lần. Trong tục tế họ có việc rước Tổ cô - bà Tô Thùy Dương công chúa từ đền bên cạnh vào nhà thờ lớn.

Tổ cô bà Tô Thùy Dương là con một đại quan người họ Tô, ham học hỏi và thông minh. Từ tuổi thơ, bà đã giả dạng trai để đi học, đi thi. Bà thi đỗ được vua phong làm quan văn chuyên trách việc trông coi thư khố và dạy con cháu các quan trong triều. Bà có nhiều công trong việc xây dựng nền văn học, ghi chép lich sử vương quốc. Khi việc giả dạng trai bị lộ có người đòi truy tội bà, nhưng cân nhắc giữa công và tội, quan tòa đã xin vua tha bổng. Trong thời gian làm quan, bà luôn bí mật giúp họ Tô xây dựng nhà thờ, khuyến khích con cháu học hành. Do vậy, sau khi bà qua đời, họ Tô lập đền thờ riêng bên cạnh tộc đường và long trọng mời rước Bà vào tộc đường trước khi hành lễ. Sau khi kể lại chuyện này cho con cháu nghe, Ngài Tô Yên Huệ cũng lập đền thờ Tổ cô bà Tô Thùy Dương công chúa bên cạnh tộc đường để thờ cúng theo truyền thống của dòng họ.

Con cháu họ Tô rất ham học ham làm; đã cùng với dân sở tại khai phá các vùng đất kiến thiết thành ruộng vườn, trồng lúa ngô, khoai, kê đậu, cây ăn quả. Nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, trồng bông xe vải, xe gai đan lưới, chế biến hải sản… phát triển cùng một lúc với nghề biển, nghề nông ở các làng xã đông người họ Tô cư trú. Một số con cháu trong dòng họ Tô làm nghề buôn thuyền, đóng thuyền mành cỡ lớn, chở hàng tơ lụa, đồ mỹ nghệ đi buôn bán khắp trong Nam, ngoài Bắc và sang tận Trung Quốc. Một số người biết đào cắt lớp sò kết dính tự nhiên dưới tầng đất sâu, thành những viên vuông vức làm vật liệu xây dựng; hốt vỏ sò trôi dạt vào trên mép sóng biển, trộn với than, đốt nung lên làm vữa xây dựng; nung đất sét làm ngói. Có vật liệu mới, nhà cửa, đền đài được xây dựng khang trang. Hầu hết lớp niên thiếu nam trong họ Tô đều đi học. Nhiều người thi đậu vào hội văn của làng. Con cái các gia đình khá giả đều tiếp tục học và tham gia viết văn, làm thơ trong hội Sĩ (hội Học trò) của hàng giáp. Một số người học thi lên bậc cao được bổ làm quan. Một số người thi đỗ không ra làm quan, ở nhà mở trường lớp dạy học hoặc bốc thuốc chữa bệnh tại địa phương.

Khi số người trên đảo đông đúc, các xã vùng trên thành đất liền, các con cháu dòng họ Tô lần lượt đi làm ăn ở các địa phương khác. Có người vào  Nam, có người ra Bắc. Đi đến đâu cũng đoàn kết giúp đỡ nhau làm ăn phát đạt, lập nhà thờ, tổ chức tế lễ thờ phụng tổ tiên theo truyền thống. Có thời phong ba bão táp luôn xẩy ra, sóng biển trào dâng tràn vào làng gây nhiều thiệt hại; nghề biển và nghề nông đều thất bát. Con cháu dòng họ Tô ở vùng biển Quỳnh Lưu nghèo dần, phải phát tán đi các nơi khác làm ăn.

Họ Tô làng Thanh Đoài đã 3 lần viết và bổ sung giả phả:

Lần thứ nhất: Năm Canh Tý (năm 40 sau công nguyên) ông chủ họ Tô Thanh Đoài là Tô Minh Hoàng thọ 80 tuổi. Ngài đứng ra lập “Tô tộc gia phổ” ghi chép các tư liệu về dòng dõi tổ tiên từ khi Ngài Yên Huệ đến miền đất này, tiếp theo là 9 đời chủ họ.

Làn thứ hai: Năm Giáp Ngọ (994), chủ họ Tô lúc đó là Tô Vũ Minh thọ 80 tuổi. Ngài Tô Vũ Minh cùng với các nhà nho trong họ viết tập gia phả bổ sung từ năm 40 đến năm 994 với 34 đời chủ họ. Ngài Tô Vũ Minh tổ chức tế tổ hai ngày mời các quan lại địa phương đến dự, có đoàn tuồng về biểu diễn ban ngày, cả tổng đến xem rất đông vui.

Lần thứ ba: Năm Nhâm Ngọ (1942) gia phả họ Tô lại được bổ sung một tập mới ghi về quá trình phát triển của dòng họ từ đời Lý Thái Tổ (1010) đến triều vua Bảo Đại với 34 đời chủ họ. Chủ họ lúc đó là ông Tô Văn Cốc.

Ông Tô Văn Kỳ làm chủ họ thay ông Tô Văn Cốc từ năm 1947, đến năm 1980 ông Tô Văn Quỳnh là chủ họ từ năm 1980 đến năm 2003.

Như vậy bộ gia phả của họ Tô Thanh Đoài là bộ gia phả cổ nhất ghi được suốt 2223 năm lịch sử của dòng họ với 77 đời chủ họ. Rất tiếc là tài liệu rất quý giá đó đã bị đốt sạch trong cải cách ruộng đất.

Đã trên 200 năm họ Tô Thanh Đoài phân chia thành 5 chi, gọi tên là các chi Giáp, chi Giáp thứ chi, Ất, Bính, Đinh, chi nào cũng phát triển đông nhân khẩu. Cả họ lên đến trên 500 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu.

Chi Giáp (chi 1) do ông Tô Ước làm trưởng chi và là trưởng tộc Họ Tô làng Thanh Đoài.

Chi Giáp thứ chi (chi 2) do ông Tô Huyến làm trưởng chi

Chi Ất (chi 3) do ông Tô Lý làm trưởng chi

Chi Bính (chi 4) do ông Tô Lan làm trưởng chi

Chi Đinh (chi 5) do ông Tô Thanh Cảnh làm trưởng chi.

Đất vùng biển vừa mặn vừa chua, kinh tế khó khăn. Con cháu nhiều người phải ly hương đi làm ăn khắp trong Nam, ngoài Bắc. Số còn lại ở quê làm nông nghiệp và làm muối.

Biên tập theo các bài viết của các ông

Tô Quốc Bảo và Tô Thanh Cảnh

(Họ Tô làng Thanh Đoài)