HỌ TÔ LÀNG GIA HÒA Thị trấn Phúc Thọ, thành phố Hà Nội

Làng Gia Hòa nắm sát quốc lộ 32 (tại km 35 từ Hà Nội đi Sơn Tây), xưa kia là thôn Hòa Trang, xã Hòa Triền, phủ Vĩnh Khang, xứ Đoài gắn liền với phủ Quốc Oai, Sơn Tây.

Thị trấn Phúc Thọ chính là nơi cụ Tô Hòa cùng cụ bà Nguyễn Thị Cẩn và nhiều người của các dòng họ khác cùng chung sống, khai thác vùng đất này để sinh tồn. Cụ Tô Hòa được con cháu hậu duệ cùa dòng họ Tô làng Gia Hòa tôn là Thủy tổ bởi các thế hệ bề trên của cụ Tô Hòa trong gia phả không ghi lại, ngay cả cụ từ đâu về và về đây khi nào đến nay cũng chưa rõ, trong khi đó cả huyện Phúc Thọ chỉ duy nhất một làng, là làng Gia Hòa có người Họ Tô cư trú.

Tộc phả Họ Tô làng Gia Hòa viết bằng chữ Hán Nôm trên bản gỗ vào đời vua Nguyễn Quang Toản, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1802); ngày 07 tháng 7 năm 1952 (Nhâm Thìn) được dịch ra chữ Quốc ngữ; đến tháng 3 năm 1996 (Bính Tý), Hội đồng gia tộc có sao chép bổ sung sơ đồ hệ đời và giao cho mỗi chi 1 quyển để lưu giữ.

Theo tư liệu Hán Nôm do Viện Hán Nôm lưu giữ, do PGS.TS Đinh Khắc Thuân, cán bộ Viện Hán Nôm dịch mới nhất (ngày 24-10-2012) thì thôn Kỳ Úc thuộc thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội có ngôi chùa tên chữ Sùng Kính Tự. Đây là ngôi chùa hàng tổng, là danh lam bậc nhất trong vùng, được văn bia mô tả khá cụ thể. Chùa có từ rất sớm, đến năm Đức Nguyên thứ nhất (1674) đời vua Lê Gia Tông được xây mới, quy mô to lớn, tượng Phật nguy nga, có chuông lớn và gác chuông, nhưng chuông này bị thất lạc vào thời Tây Sơn; nên đến ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ 9 (Canh Ngọ 1810) được đúc lại. Trên minh chuông khắc lại năm 1810 và văn bia được xây dựng tháng 12 năm Đức Nguyên thứ nhất (1674) có khắc tên nhiều người họ Tô làng Hòa Đông, nay là làng Gia Hòa do các cụ có lòng hưng công công đức xây dựng chùa. Trong đó có thể có cụ đã qua đời từ năm 1674 nên mới có khắc ghi cả tên hiệu như cụ Tô Gia Triệu hiệu Phúc Tân, cùng cụ bà Nguyên Thị Quy hiệu Diệu Vinh là đời thứ 10 theo gia phả để lại. Như vậy có thể khẳng định cụ Tô Hòa sống ở đây từ khi mới lập làng.

Phần đầu gia phả để lại có chúc thư bằng thơ song thất lục bát có đoạn viết:

Trải bao thế kỷ dài lâu

Đến cụ lục đại vẫn hầu độc đinh

Cụ thất đại tự danh Kiêm Toàn

(Hiệu Phúc Thuận chức Thập lý hầu lại kiêm Hội chủ)

Có ân công tu tiến hành nhân

Một lòng hiếu đễ trung thuần

Có lòng tích đức sinh dần 5 chi

Đời thứ nhất: Cụ Tô Hòa cùng cụ bà Nguyễn Thị Cẩn sinh được cụ Tô Đình Mạnh.

Đời thứ hai: Cụ Tô Đình Mạnh cùng cụ bà (không rõ họ tên) sinh được cụ Tô Huy Điểm (làm quan khuyến nông).

Đời thứ ba: Cụ Tô Huy Điểm cùng cụ bà Nguyễn Thị Biền sinh được cụ Tô Đình Sản đỗ tú tài.

Đời thứ tư: Cụ Tô Đình Sản cùng cụ bà Kiều Thị Quỳnh sinh được cụ Tô Quý Đức giữ chức Thập lý hầu.

Đời thứ năm: Cụ Tô Quý Đức cùng cụ bà Nguyễn Thị Tuyển sinh được cụ Tô Quang Hiển.

Đời thứ sáu: Cụ Tô Quang Hiển cùng cụ bà Nguyễn Thị Nơi sinh được cụ Tô Kiêm Toàn (giữ chức Thập lý hầu kiêm Hội chủ). Như vậy, từ đời thứ nhất đến đời thứ 6 Họ Tô làng Gia Hòa là độc đinh.

Đời thứ bẩy: Cụ Tô Kiêm Toàn cùng cụ bà Nguyễn Thị Thái sinh được 5 cụ tổ của 5 chi: Giáp: cụ tổ là Tô Kiêm Lượng, Ất: cụ tổ là Tô Kiêm Lễ;Bính: cụ tổ là Tô Kiêm Chức; Đinh: cụ tổ là Tô Kiêm Phúc; Mậu: cụ tổ là Tô Kiêm Phú.

Thống kê từ đời thứ 17:

+ Chi Giáp: Trưởng chi là Tô Văn Vũ.

+ Chi Ất: Trưởng chi là Tô Văn Lương.

+ Chi Bính: Trưởng chi là Tô Xuân Mùi.

+ Chi Đinh: Trưởng chi là Tô Văn Dần.

+ Chi Mậu: Trưởng chi là Tô Văn Chiến.

Dưới các chi là ngành, nhánh, bếp. Tới nay Họ Tô làng Gia Hòa có hậu duệ đến đời 19; nhiều gia đình Họ Tô làng Gia Hòa có 4 thế hệ cùng chung sống trong một nhà (tứ đại đồng đường). Họ Tô làng Gia Hòa hiện có 281 hộ với 1.679 nhân khẩu; trong đó, đang sinh sống và làm việc ở làng Gia Hòa là 233 hộ với 1.453 nhân khẩu, có 48 hộ với 226 nhân khẩu đang đi làm ăn và định cư ở 14 tỉnh thành trong cả nước: Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghĩa Lộ, Lạng Sơn, Hà Giang, Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Lâm Đồng, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh.

Nghề chính tổ tiên để lại là nghề trồng lúa nước, vì nghề thuần nông nên nhìn chung đời sống kinh tế còn khó khăn, nhưng Họ Tô làng Gia Hòa không còn hộ nghèo.

Phát huy truyền thống hiếu học của tổ tiên, các thế hệ hậu duệ của Họ Tô làng Gia Hòa phấn đấu học hành và thành đạt hơn. Hiện Họ Tô làng Gia Hòa có 74 người có bằng đại học, 10 người có bằng thạc sĩ (thuộc thế hệ đời thứ 17 và 18), 1 người có bằng tiến sĩ (đời 18), có 1 người giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức báo Nhân Dân (đời 16). Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới của Tổ quốc, có hàng trăm con em Họ Tô làng Gia Hòa tham gia lực lượng vũ trang: chống Pháp có 6 liệt sĩ; chống Mỹ và chiến tranh biên giới có 16 liệt sĩ; 9 thương binh; 4 Mẹ Việt Nam anh hùng; sĩ quan trong quân đội: có 2 thượng tá và 2 đại tá.

Do biến động thăng trầm của lịch sử, hiện nay Họ Tô làng Gia Hòa không có nhà thờ họ, nhưng từ trước kia, Họ Tô làng Gia Hòa đã thống nhất lấy ngày 15 tháng 11 âm lịch (nay đổi lại ngày 01-01 dương lịch) - ngày nghỉ Tết dương lịch, con cháu Họ Tô làng Gia Hòa tập trung tại gia đình ông trưởng họ để họp mặt làm lễ tưởng niệm và báo cáo thành tích, cũng như rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được của dòng họ trong một năm, kết hợp biểu dương khen thưởng con cháu học hành đỗ đạt trước linh vị các cụ tổ từ đời thứ nhất đến đời thứ 7, sau đó cả họ đi tảo mộ.

Mộ của các cụ tổ từ đời thứ nhất đến các cụ chi, ngành, nhánh, bếp đều đã được con cháu xây và quy tụ tập trung. Họ Tô làng Gia Hòa là họ có số nhân khẩu lớn nhất so với các dòng họ trong thị trấn Phúc Thọ nói chung và làng Gia Hòa nói riêng.

Để gia phả được phù hợp với sự phát triển của con cháu dòng Họ Tô làng Gia Hòa, ngày 01 tháng 01 năm 2014 họp mặt con cháu trong họ đã bàn quyết định bổ sung chỉnh lý in ấn gia phả cho hoàn thiện hơn.

Họ Tô làng Gia Hòa đã tham gia chắp nối với dòng Họ Tô Việt Nam ngay từ năm 1998 và có ông Tô Điện (đời thứ 16), Vụ trưởng Vụ Tổ chức báo Nhân Dân đã tham gia Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam nhiều năm đến lúc từ trần (12-2010). Hàng năm, nhiều bà con Họ Tô làng Gia Hòa đã về Đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) dâng hương tưởng niệm ngày sinh (22 tháng Giêng) và ngày hóa (12 tháng Sáu) của Đức Tô Hiến Thành và tích cực tham gia đóng góp vào các công việc tâm linh công đức của dòng họ.

             

      Trưởng chi:Tô Văn Kiêm