HỌ TÔ THÔN NÀ KHANH Xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn

Thủy tổ dòng họ là Tô Văn Cẩu, Tổ bà là Đinh Thị Nở người dân tộc Tày. Bà Đinh Thị Nở, người vùng Vũ Loan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Bà đi làm thầy cúng và gặp ông Tô Văn Cẩu. Hai người lấy nhau và sinh được ba người con: Con gái cả Tô Thị Sinh, con thứ hai Tô Văn Hiển và con thứ ba Tô Văn Khạnh. Sau khi ông Tô Văn Cẩu mất, bà Đinh Thị Nở đưa các con về lại quê Vũ Loan, Na Rì để nương nhờ người cậu em.

Thời gian thấm thoát trôi đi…, con gái bà đã có chồng, các con trai có vợ thì cũng là lúc bà không còn nữa. Mộ phần của bà được táng tại quê Vũ Loan, năm 1958 được con cháu đưa về táng tại thôn Nà Tu, xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Ông Tô Văn Hiển (đời thứ 2), con trai đầu của bà Đinh Thị Nở nối theo nghiệp mẹ, tiếp tục làm nghề thầy cúng. Khi đi hành nghề qua vùng Nà Khanh, Nà Tu, Nà Thác xã Đổng Xá, thấy thôn Nà Khanh là vùng đất đai màu mỡ, nhưng còn hoang hóa rất thuận lợi cho việc trồng lúa và sinh cơ lập nghiệp cho con cháu nhiều đời. Hơn nữa, đường sá đi lại cũng thuận tiện, nên vào khoảng năm 1950 ông Tô Văn Hiển đã bàn bạc với người chị cả Tô Thị Sinh và người em út Tô Văn Khạnh cùng chuyển gia đình về thôn Nà Khanh, xã Đổng Xá khai hoang phục hóa sinh cơ lập nghiệp.

Ông Tô Văn Hiển chỉ sinh 1 con gái, nên con cháu hình thành chi họ là hậu duệ của ông Tô Văn Khạnh (ngành thứ). Tính từ Khởi tổ Tô Văn Hiển, Thế tổ Tô Văn Khạnh đến thế hệ con cháu mới sinh ngày nay đã truyền kế được 4 đời.

Hiện nay, ông Tô Viết Thiệu, đời thứ 4 (cháu nội cụ Tô Văn Khạnh) là Trưởng Họ Tô thôn Nà Khanh, xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Việc thờ cúng thường được tổ chức tại nhà trưởng họ, không có nhà thờ họ chung. Theo phong tục từ xa xưa không tổ chức cúng giỗ sau khi hết vòng tang mà chỉ đến tiết Thanh Minh ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hàng năm, con cháu gần xa mới tập trung về nhà làm mâm cơm đưa ra mộ cúng và sửa sang phần mộ.

Gia phả, tộc phả thường là truyền ngôn là chính, vì vậy không có tư liệu.

Nghề nghiệp chính của dòng họ là làm ruộng. Có một số là công chức, viên chức nhà nước, làm bác sỹ, y tá, giáo viên…

Chi họ thôn Nà Khanh, hiện nay có 6 hộ ở huyện Na Rì với 30 nhân khẩu, 1 hộ ở Thái Nguyên có 4 nhân khẩu.

Mặc dù điều kiện miền núi khó khăn, nhưng con em trong dòng họ vẫn cố gắng học hành; chi họ hiện có 4 người tốt nghiệp đại học. 

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc có ông Tô Viết Thiệu (đời thứ 3), tham gia chiến đấu năm 1979 đến 1983 xuất ngũ.

Những người tiêu biểu của dòng họ:

Ông Tô Viết Hành (1939 - 2010), đời thứ 3, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đổng Xá, Chủ tịch Công đoàn huyện Na Rì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.

Ông Tô Viết Hảo, sinh năm 1943 (đời thứ 3), nguyên giảng viên Trường đại học Lâm nghiệp, Phó Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bắc Thái 10 năm, Phó Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh Thái Nguyên 7 năm.

Ông Tô Viết Hoan, sinh năm 1966 (đời thứ 4), Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Na Rì.

                                                                    TÔ VĂN SÂM

             (Viết theo lời kể của bà Nguyễn Thị Ninh mẹ ông Tô Viết Thiệu, thôn Nà Khanh, xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn)