HỌ TÔ LÀNG CỔ ĐAM, XÃ YÊN PHƯƠNG, HUYỆN Ý YÊN, TỈNH NAM ĐỊNH


Xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Phương, huyện Ý Yên, Nam Định.   Ảnh TL

          Họ Tô làng Cổ Đam nguyên gốc là Họ Trương. Theo quyển “Gia phả họ tộc Trương Gia”, thì khởi tổ Họ Trương là Trương Công Tào, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau làm quan trong Bộ Lễ nhà Lê. Được vua Lê Thánh Tông phong đất. Cụ chọn phần đất ở xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, xứ Sơn Nam làm nơi mở đồn điền.

          Sau cụ thấy tiếp giáp với xã Thiên Kiện, có xã Trà Châu là nơi đất có thế đẹp, nên rời nhà về đó định cư. Đến đời thứ 9 Họ Trương có ông Trương Công Giai, là người tài cao học rộng, mới 21 tuổi thi một lần đỗ Tiến sĩ (Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân), khoa Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (1685), đời Lê Hy Tông. Ông làm quan trên 40 năm dưới thời vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Làm đến chức Thượng thư Bộ Hình, tước lỵ Quận công. Ông quê Trà Châu nên gọi là cụ Thượng Chè, có thơ rằng:

                   Ai qua thị xã Ninh Bình

          Qua đò Giám Khuất đến dinh Thượng Chè

          Cụ được dòng Họ Trương sau này tôn làm Thượng tổ, là người tiêu biểu, là tấm gương sáng ngời cho con cháu đời đời thế thế noi theo.

          Đến đời thứ 13 có Trương Công Yêu, tự là Phúc Tâm, là chắt trưởng của Trương Công Giai, sinh khoảng năm 1730. Lúc đó nhà Lê đã đến hồi suy mạt, các vua tranh ngôi nhau, các quan trong triều tìm cách hãm hại nhau. Để tránh bị hãm hại, mẹ Trương Phúc Tâm là bà Từ Mỹ phải đem con đi lánh nạn. Đem người con đầu là Trương Phúc Tâm gửi một nhà thuyền chài Họ Tô trên sông Đáy và đem con út là Trương Công Điền vào Hoằng Hóa nương nhờ em chồng là Trương Minh Huệ. Mấy năm sau, bà Từ Mỹ về bến sông Đáy tìm con thì nhà thuyền chài đã chuyển đi nơi khác.

          Gia đình thuyền chài Họ Tô đã lên cạn định cư. Trương Phúc Tâm mang Họ Tô và trở thành Thủy tổ Họ Tô làng Cổ Đam Tô Phúc Tâm, nhưng con cháu vẫn nhớ gốc là Họ Trương. Những năm gần đây Họ Tô đã tìm về Thanh Liêm, Hà Nam để nhận họ và chắp nối gia phả với Họ Trương.

          Từ Thủy tổ Tô Phúc Tâm đến nay là đời thứ 13.

          Hiện nay chi họ có 3 cành, với khoảng 120 hộ, chiếm 2/3 số hộ làng Cổ Đam. Chi họ cũng có một số hộ đi làm ăn xa và định cư ở các địa phương khác như huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), hoặc ở các tỉnh phía Nam, lập nên các nhánh Họ Tô làng Cổ Đam ở đó. Nghề nghiệp chủ yếu của chi họ là làm ruộng. Chi họ đã xây dựng nhà thờ năm 1994. Giỗ Thủy tổ Tô Phúc Tâm vào ngày 20 tháng Mười âm lịch. Chi họ đã lập Hội đồng gia tộc, do ông Tô Xuân Dần, Tộc trưởng là Trưởng Hội đồng và các ông Tô Xuân Tiết, Tô Văn Phước làm Phó Hội đồng.

          Cành 3 Họ Tô Cổ Đam (cành ông Tô Xuân Tiết), còn giữ được 3 cuốn gia phả bằng chứ Hán, viết vào năm Thành Thái thứ tư (1893), nhưng cũng bị rách nát nhiều trang.

          Chi họ chưa dịch được gia phả để viết lại, viết tiếp gia phả mà mới ghi được 4 đời, từ Thủy tổ Tô Phúc Tâm ghép trong sơ đồ tộc phả Họ Trương (là các đời 13 – 16 vẫn mang Họ Tô trong sơ đồ tộc phả Họ Trương).

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chi họ có 34 người tham gia lực lượng vũ trang; có 9 liệt sĩ; có 2 người là cán bộ cao cấp trong quân đội và dân chính; trong họ có 3 người là Thạc sĩ, Cử nhân.

          Họ Tô cũng đã sao Bia Tiến sĩ Trương Công Giai ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) về dựng Bia tại nhà thờ họ. Mấy năm nay, ngoài giỗ Thủy tổ Tô Phúc Tâm, Họ Tô cũng đã theo cúng giỗ ngày kỵ của Thượng thư Trương Công Giai. Theo sách “Đăng khoa lục” thì Trương Công Giai mất ngày 8 tháng Hai năm Mậu Thân (1728), thi hài được quàn ướp 100 ngày ở Viện Thiên Thanh (dinh thự của Tiến sĩ Trương Công Giai tại Kinh đô). Đến ngày 30 tháng Năm mới đưa về an táng ở núi A Hồ (thôn Trà Châu, xã Thanh Tâm ngày nay). Hiện nay Họ Trương làm giỗ vào ngày mất mùng 8 tháng Hai. Họ Tô Cổ Đam làm giỗ vào ngày an táng 30 tháng Năm. Những ngày này, hai họ đều mời nhau về cùng dự giỗ.

                                                                                                           (Theo Họ Tô Việt Nam)