Bài phát biểu trong Lễ kỷ niệm 915 năm Ngày sinh Đức Tô Hiến Thành


Hôm nay chúng ta long trọng kỷ niệm 915 năm ngày sinh Đức Tô Hiến Thành, người con kiệt xuất của xã Hạ Mỗ và của dòng Họ Tô Việt Nam.

    Về thân thế và sự nghiệp của Người, bài diễn văn súc tích của bà Đinh Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ đã nói đầy đủ. Chúng tôi chỉ xin cung cấp một số tư liệu không có trong sử sách, đã khảo cứu sưu tầm được từ khi thành lập Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đến nay.

1. Họ tên, quê quán Thân phụ Đức Tô Hiến Thành. Có 3 giả thuyết:

Tên là Tô Hiến Tín, quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long.

Tên là Tô Trung hoặc Tô Danh, quê ở làng Chung Dục, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc hội thảo năm 1997 ở Đan Phượng đã khẳng định Ông tên là Tô Trung. Vì Ông lấy vợ ở xã Hạ Mỗ, lúc trẻ sống ở quê vợ, sau làm quan ở Thanh Hóa, lúc về hưu lại về Hạ Mỗ nên quê ở phường Thái Hòa là hợp lý. Phường Thái Hòa, thành Thăng Long là hương Long Đỗ xưa nên rất có thể Ông là dòng dõi Thần Tô Lịch và như vậy Đức Tô Hiến Thành cũng có thể là hậu duệ của Thần Tô Lịch. Tộc phả Họ Tô làng Bao Hàm, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, viết cách đây hàng trăm năm đã ghi Viễn tổ là Tô Lịch, Thủy tổ là Tô Hiến Thành.

2. Họ tên, quê quán Thân mẫu Đức Tô:

Cũng có 3 nguồn tư liệu: Nguyễn Thị Đoan, Đào Thị Đoan, Lê Thị Vi Tố. Sách Thiền Uyển tập anh là quyển sách viết cuối đời Lý, đầu đời Trần có nói đến Thiền sư Nguyễn Trí Bảo, người Ô Diên là cậu của Tô Hiến Thành, đời Lý Anh Tông. Như vậy Thân mẫu Đức Tô là Nguyễn Thị Đoan, người họ Nguyễn Trí ở Ô Diên nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Theo ông Nguyễn Tọa, người làng Hạ Mỗ, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hà Nội thì Bà là em gái Thiền sư Nguyễn Trí Bảo. Tuy Tô Hiến Thành gọi Thiền sư là cậu, nhưng đó là cách xưng hô của người Hạ Mỗ xưa: anh trai, em trai mẹ đều gọi là cậu. Cũng theo ông Nguyễn Tọa thì họ Nguyễn Trí là một họ trung bình (không lớn, không nhỏ) trong 20 chi Họ Nguyễn của xã Hạ Mỗ.

Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ một việc: Chúng ta đã tôn vinh Họ Lã Lạc Thị là họ Phu nhân Đức Tô và hàng năm vẫn mời Họ Lã Lạc Thị dự ở vị trí trang trọng những ngày Lễ hội kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của Đức Tô. Họ Nguyễn Trí là họ Thân mẫu Đức Tô, lại ở ngay làng Hạ Mỗ. Đề nghị Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ tôn vinh họ Nguyễn Trí và mời đại diên họ Nguyễn Trí dự ở vị trí trang trọng tất cả các sự kiện của đền Văn Hiến. Đức Tô Hiến Thành là cháu ngoại họ Nguyễn Trí. Họ Tô làng Hạ Mỗ và nhiều người Họ Tô có mặt ở đây hôm nay là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành, cũng là cháu ngoại nhiều đời của họ Nguyễn Trí. Đề nghị Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam tôn vinh và giữ mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Trí Hạ Mỗ, coi đây là họ ngoại của chúng ta.

Chúng ta thường nói Hạ Mỗ là quê hương thứ hai của Họ Tô Việt Nam nhưng đúng ra Hạ Mỗ vừa là quê Tổ nội (vì Đức Tô Hiến Thành quê ở Hạ Mỗ) vừa là quê Tổ ngoại của nhiều người Họ Tô Việt Nam.

3. Về con cháu của Đức Tô Hiến Thành

 Sử sách chỉ nói đến Phu nhân Đức Tô là Lã Thị Dung mà không nói gì về con cháu của Người. Theo bản Thần tích ở đền Cẩm Đới (Cẩm Đới chính từ), xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thì Đức Tô có một vợ cả  (chính thất) và ba bà vợ lẽ (trắc thất), sinh được 5 con trai, 3 con gái.

Chúng tôi nghiên cứu tài liệu và đi điền dã, đã phát hiện được hai người con (1 trai, 1 gái) của Đức Tô Hiến Thành, con bà vợ lẽ ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Hai bản tài liệu đáng tin cậy của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tỉnh Thái Bình nói Trần Lý, ông Tổ của các Vua nhà Trần là con rể Thái úy Tô Hiến Thành. Như vậy vợ Trần Lý là con gái Đức Tô Hiến Thành. Một quyển sách khác xuất bản ở Thái Bình, nói Bà tên là Tô Thị Hiền, lấy Trần Lý lúc 15 tuổi. Còn xem trong Phả hệ Họ Trần, in trong Tạp chí Văn hóa Họ Trần số 1 (tháng 9 năm 2010), thì Bà tên là Tô Phương Lan, sau được truy phong là Nguyên Từ Hoàng hậu. Có thể Tô Thị Hiền là tên húy, Tô Phương Lan là tên chữ. Trong Phả hệ ghi tên các con là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trân Thị Tam Nương và một dòng ghi chú: Có anh là Tô Trung Từ làm quan triều Lý. Tuy chỉ ngắn gọn vài dòng nhưng đủ nói lên tầm vóc lớn lao của Bà:

Bà là Thân mẫu của Thái Thượng hoàng Trần Thừa, Kiến Quốc Đại vương Trần Tự Khánh, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Nhạc mẫu (mẹ vợ) Thái sư Trần Thủ Độ.

Là Tổ mẫu (Bà nội) của Vua Thái Tông Trần Cảnh, An Sinh vương Trần Liễu, Khâm Thiên vương Trần Nhật Hiệu. Là bà ngoại của Lý Chiêu Hoàng, Lý Thuận Thiên công chúa đều là Hoàng hậu của Thái Tông Trần Cảnh và do đó lại là cháu dâu nội của Bà.

Là Cụ nội của Thánh Tông hoàng đế Trần Hoảng, Quốc công Tiết chế  Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật.

Và cũng từ đó suy ra, Đức Tô Hiến Thành là Ngoại tổ các Vua nhà Trần. Họ Trần đã nhận Họ Tô là họ Ngoại. Vì vậy trong Lễ kỷ niệm ngày hóa của Đức Tô, 12 tháng Sáu năm Bính Thân (2016), có 7 vị là Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã cung tiến lẵng hoa trước ban thờ Đức Tô, trong đó có 2 vị là cháu nội: Tô Lâm, Tô Huy Rứa; 3 vị là cháu ngoại: Trần Đại Quang, Trần Đức Lương, Trần Quốc Vượng và 2 vị họ Phạm: Phạm Minh Chính, Phạm Văn Trà.

Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ mời Ban liên lạc Họ Trần Việt Nam dự các Lễ hội của đền Văn Hiến để các cháu chắt ngoại nhiều đời của Đức Tô về dâng hương lên ban thờ Người.

Các tài liệu nói trên đều nói vợ Trần Lý là chị gái Tô Trung Từ, từ đó suy ra Tô Trung Từ là con trai Đức Tô Hiến Thành.

Về Tô Trung Từ thì bộ phim truyền hình nhiều tập “Thái sư Trần Thủ Độ” đã nói khá đầy đủ công lao của Tô Trung Từ với nhà Lý, nhà Trần. Họ Trần hiện nay đề cao vai trò của Tô Trung Từ. Vừa qua Họ Trần đã tổ chức một đoàn đi khảo sát tìm mộ Tô Trung Từ ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều tài liệu đều nói vợ Trần Lý là chị gái Tô Trung Từ, có lẽ chỉ vì Trần Thị Dung, con gái Trần Lý gọi Tô Trung Từ là cậu. Nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi thì Tô Trung Từ không phải là em vợ mà là anh vợ Trần Lý. Vì Tô Phương Lan (Tô Thị Hiền) lấy Trần Lý lúc mới 15 tuổi, nếu Tô Trung Từ là em thì lúc đó còn là thiếu niên, làm sao đã có thể làm quan triều Lý và xin cho Trần Lý làm chân quản lý vật liệu xây cung Ngự Thiên của Lý Cao Tông. Phả hệ Họ Trần ghi rõ: Tô Phương Lan có anh là Tô Trung Từ làm quan triều Lý. Còn Trần Thị Dung gọi Tô Trung Từ là cậu, đó là cách xưng hô của người Thái Bình, quê Tô Trung Từ và Trần Thị Dung. Trước năm 1945, ở Thái Bình, anh trai, em trai mẹ đều gọi là cậu.

Tô Trung Từ còn là ông Tổ nghề trồng cây cảnh Viêt Nam. Ông được thờ ở Đình làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trong Đình, cạnh ban thờ có đôi câu đối mà một vế là: “Tài thụ chủng hoa Tô tướng thủy”, có nghĩa là: Nghề tỉa cây, trồng hoa do ông tướng Họ Tô truyền dạy từ đầu.

Chúng tôi còn phát hiện được 3 người có thể là con trai Đức Tô Hiến Thành, nói là có thể vì chưa đủ tư liệu chính thức làm căn cứ.

Một người là Tô Tường Vân, ông Tổ của hai chi Họ Tô xã Ngư Lộc và xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2013, đoàn đại biểu Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đến khảo sát nhà thờ Họ Tô xã Ngư Lộc. thấy trên ban thờ có một hộp giấy đựng ba tờ giấy hoa tiên viết chữ Hán.

Tờ thứ nhất dịch ra có nghĩa là: Khởi tổ của dòng họ là Đại tướng quân Tô Quý công tự Hiến Thành, hóa ngày 5 tháng Chín. Ngày hóa này trùng với ngày hóa của Đức Tô Hiến Thành được thờ ở Đình xã Hoằng Trường. huyện Hoằng Hóa gần đó nên có thể kết luận là Khởi tổ của chi họ này là Đức Tô Hiến Thành.

Tờ thứ hai viết về một bà Thánh mẫu hiệu là Ngọc Dung công chúa. Chúng tôi cho đây có thể là Phu nhân Đức Tô (ở Đình làng Lạc Thị thì hiệu của Bà là Phương Dung công chúa).

Tờ thứ ba dịch ra có nghĩa là: Thủy tổ là Tô Quý công tự Tường Vân, ngày hóa 25 tháng Hai. Theo lời truyền lại của Họ Tô xã Hải Lộc thì Thủy tổ Tô Tường Vân vào đây khai hoang lập ấp khoảng năm 1165, lúc đó chắc tuổi đã ngoài hai mươi, kém Đức Tô trên 20 tuổi. Là hậu duệ của Đức Tô, kém Đức Tô trên 20 tuổi nên Tô Tường Vân có thể là con trai hoặc cháu nội Đức Tô.

Một người là Tô Khang Sơn, Thủy tổ Họ Tô xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Chi họ này còn có các nhánh họ ở ba xã Nguyên Khê, xã Bắc Hồng, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Trong nhà thờ Họ Tô xã Yên Phụ có tấm bia đá ghi: “Thủy tổ Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc Đại phu, Lễ bộ Hữu Thị lang, tước Phong Dự nam trí sĩ Tô Tướng công tự Khang Sơn, thụy Vân Trung”. Ngài Tô Khang Sơn làm quan đến chức Hữu Thị lang là phó của Thượng thư. Theo cụ Tô Hoàn, Họ Tô xã Yên Phụ, nguyên Phó trưởng ban liên lạc (đầu tiên) Họ Tô Việt Nam, người cung cấp nhiều tư liệu quý về dòng họ thì Tô Khang Sơn là con trai Đức Tô Hiến Thành. Nếu Tô Khang Sơn là con trai Đức Tô thì em trai ông là Hà Trạch hầu Tô Danh Hiển, Thủy tổ Họ Tô thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm cũng là con trai Đức Tô và em gái Tô Khang Sơn, chị gái Tô Danh Hiển là Tô Thị Kim Liên, hiệu là Quỳnh Hoa công chúa  là con gái Đức Tô.

Nếu các tư liệu trên là đúng thì ta đã tìm được 4 trong 5 người con trai (Tô Trung Từ, Tô Tường Vân, Tô Khang Sơn, Tô Danh Hiển); 2 trong 3 người con gái (Tô Phương Lan, Tô Thị Kim Liên) của Đức Tô Hiến Thành, biết được chính thất của Người là Lã Thị Dung và 1 trong 3 bà trắc thất là bà mẹ sinh ra Tô Trung Từ và Tô Phương Lan.

4. Hai người cháu đời thứ sáu của Đức Tô Hiến Thànhnêu cao tấm gương trung trinh bất khuất, để lại giai thoại “Tứ đồng” (Theo Bản Lý lịch Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Thượng Lao, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Vào đời Trần, cháu tằng tôn (cháu 5 đời) của quan Thái phó Tô Hiến Thành là Tô Hiến Chương làm quan ở đất Gia Viễn, Ninh Bình, vì sợ mưu sát nên đổi tên là Tô Hiến Thái về sống ẩn dật ở trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông kết duyên với người con gái địa phương là Lê Thị Nga chuyên nghề dệt vải. Hai ông bà tính tình hiền hậu. hay làm phúc cứu người, đem nghề dệt vải dạy cho dân làng. Hiềm nỗi hiếm muộn, hơn 40 tuổi vẫn chưa có con. Sau khi đến động Hương Tích cầu tự, bà Lê Thị Nga hoài thai. Ngày 12 tháng Hai năm Ất Dậu (1345) sinh đôi được hai bé trai khôi ngô tuấn tú. Nhân vì hiếm muộn hoặc vì lý do nào khác, cho hai con theo họ mẹ, đặt tên người anh là Lê Hiến Phủ, em là Lê Hiến Tứ. Hai anh em tư chất thông minh, học hành chăm chỉ, văn chương uyên bác, võ lược siêu phàm. Đi thi Hương đỗ đầu khoa.

Tháng Hai năm Giáp Dần (1374). Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình. Hai anh em cùng đi thi. Do phải kiêng tên húy của Thượng hoàng Trần Phủ, Lê Hiến Phủ phải đổi tên là Lê Hiến Giản. Khoa thi đó Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn  (đỗ thứ nhì sau Trạng nguyên Đào Sư Tích), Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ.

Hai ông được bổ làm quan triều Trần Duệ Tông. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang Đại học sĩ Tri thẩm hình viện, trông coi về pháp luật. Lê Hiến Tứ làm quan Hạ đại phu, được điều đi trấn thủ Cao Bằng, phong chức Trung lang tướng, có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành được phong chức Trấn Nam tướng quân.

Lúc đó Hồ Quý Ly được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tin dùng (là con rể Trần Nghệ Tông), lấn át ngôi Vua, âm mưu cướp ngôi nhà Trần. Để trừ hậu họa, Lê Hiến Giản sai người tâm phúc hành thích Hồ Quý Ly. Việc không thành, Lê Hiến Giản bị Hồ Quý Ly xử trảm vào ngày 12 tháng Chạp năm Ất Sửu (1385). Vua Trần vô cùng thương tiếc, sai quần thần đưa thi hài Ông vào quan đồng quách đá, đưa về quê Thượng Lao an táng.

Lê Hiến Tứ đang làm quan ở Hưng Yên, nghe tin anh trai bị sát hại đã xuống thuyền chạy về núi Thần Thiệu ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cuối năm 1386, Hồ Quý Ly cho quân đến bắt. Lê Hiến Tứ đem số quân ít ỏi của mình ra chống cự. Biết không thể thoát, Ông đã gieo mình xuống sông Hoàng Giang tuẫn tiết vào ngày 12 tháng Chạp năm Bính Dần, đúng một năm sau ngày Lê Hiến Giản bị sát hại.

Hai ông được nhân dân bốn xã Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì, huyện Nam Trực lập đền thờ. Người đời sau tặng hai ông 4 chữ “Đồng” (Tứ đồng), mà hiện nay nhân dân trong vùng vẫn còn truyền tụng:

                                Đồng sinh: Cùng  sinh một ngày

                        Đồng khoa: Cùng đỗ một khoa

                        Đồng liêu: Cùng làm quan triều Trần

                        Đồng tử: Mất cùng một ngày (12 tháng Chạp)

5. Các chi họ là hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành.

Trải qua 18 năm chắp nối dòng họ, ngoài chi Họ Tô xã Hạ Mỗ, chúng ta đã tìm được các chi họ sau đây là hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành:

Chi Họ Tô làng Bao Hàm, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và chi Họ Tô làng Đồn Điền, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Hai chi họ này cùng một ông Tổ là Tô Văn Bảo tự là Chính Đạo. Ông từ làng Bao Hàm vào Thanh Hóa làm quan triều Lê Thái Tông, được phong tước Quận công. Khi Ông mất, được dân làng Đồn Điền tôn làm Thành hoàng, lập đền thờ. Trong đền có đôi câu đối:

                  Kinh lý cộng đồng Uông lệnh Tổ

                  Trung trinh hệ xuất Lý danh Thần

Vế thứ nhất nói về công lao của ông cùng ông Uông Ngọc Châu khai phá hàng ngàn mẫu ruộng, lập Sở Đồn điền ở huyện Quảng Xương. Vế thứ hai ca ngợi lòng trung thành của ông, xứng đáng là dòng dõi danh thần Họ Tô đời Lý (Tô Hiến Thành).

Ngoài việc ông Tô Văn Bảo vào làm quan ở Thanh Hóa, thì mấy trăm năm sau con cháu ông ở làng Bao Hàm còn nhiều đợt chuyển cư vào Thanh Hóa, lập nên các chi Họ Tô ở thôn Lộc Xá, thôn Xuân Bảng, xã Quảng Long; thôn Văn Đồng, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương; các chi họ Tô Doãn, Tô Văn, Tô Tế, Tô Vĩnh (có Anh hùng Tô Vĩnh Diện), xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn; chi Họ Tô thôn Nam Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia. Tổng cộng 9 chi họ.

Hai chi Họ Tô xã Ngư Lộc và xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, như trên đã chứng minh là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành vì ông Tổ của hai chi họ này là Tô Tường Vân là con trai hoặc cháu nội Đức Tô.

Ở làng Sơn Viện , xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một chi Họ Tô có thể là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành vì ở đây có đền thờ Đức Tô Hiến Thành được Vua Khải Định sắc phong cho chi họ này (Tô Xá) thờ phụng, có một ngôi mộ tương truyền là mộ Đức Tô.

Ở tỉnh Thái Bình, ngoài chi Họ Tô làng Bao Hàm, còn 3 chi Họ Tô là chi họ Tô Tiến, Tô Đình ở làng Hương Xá, xã Phúc Khánh; chi họ Tô Văn ở thôn Quan Khê và thôn Thọ Khê, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà cũng là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành vì 3 chi họ này là hậu duệ của Tô Trung Từ, con trai Đức Tô.

Nếu Tướng công Tô Khang Sơn ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đúng là con trai Đức Tô Hiến Thành (như lời khẳng định của cụ Tô Hoàn, nguyên cố Phó trưởng ban liên lạc Họ Tô Việt Nam) thì các chi Họ Tô xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; xã Nguyên Khê, xã Bắc Hồng, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cũng là dòng dõi Đức Tô.

Theo bản tham luận của Giáo sư Tô Ngọc Thanh trong cuộc hội thảo Đan Phượng - 1997 thì chi họ Tô Văn của Giáo sư ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ , huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có thể là dòng dõi Đức Tô.

Như vậy đến nay, chúng ta đã tìm được 17 chi Họ Tô chắc chắn là hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành và 6 chi Họ Tô có thể là dòng dõi của Người ở các tỉnh và thành phố Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội.

Từ hai bản gia phả của Họ Tô làng Bao Hàm và Họ Tô làng Đồn Điền, chúng ta có thể sắp xếp được thế thứ các đời con cháu Đức Tô Hiến Thành. Đức Tô Hiến Thành là Khởi tổ (đời 1), đến nay con cháu đã phát triển đến đời 27. Từng đời con cháu đều ghi danh được từng người, chỉ còn thiếu đời 3 (cháu), đời 4 (chắt) chưa biết là ai. Có người cho là tính từ Đức Tô đến nay mới 27 đời là không đúng vì cho là mỗi đời là 25 năm thì từ Đức Tô đến nay là 915 năm phải là 35 đời. Nhưng đọc gia phả của các chi Họ Tô ghi chép được đầy đủ, chúng tôi thấy phổ biến là các đời cách nhau 30 đến 35 năm.

         Họ Tô Bao Hàm: 700 năm, 20 đời  ---> 35 năm / 1 đời

         Họ Tô Thượng Tầm 550 năm, 18 đời ---> 31 năm / 1 đời

         Họ Tô xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ 488 năm, 15 đời ---> 31 năm / 1 đời

Nên nếu tính từ Đức Tô đến nay là 915 năm, 27 đời ---> 34 năm / 1 đời là phù hợp

6- Những nơi có đền thờ Đức Tô Hiến Thành

Theo tư liệu trong một số quyển sách thì sau khi Đức Tô Hiến Thành mất, đã có 200 làng xã xây đình, đền, miếu thờ Người, có nơi còn xây đền thờ ngay từ khi Người còn sống như bản thần tích ở đền Cẩm Đới, xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã viết. Nhưng đến năm 1998, chúng ta mới biết có 4 nơi có đền thờ Đức Tô ở thành phố Hà Nội:

                Đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng

                Đình Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì

                Đình Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì

                Đình Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì

Để chuẩn bị tư liệu cho quyển sách Họ Tô Việt Nam, Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát điền dã tìm các đình, đền, miếu thờ Đức Tô Hiến Thành. Con số 200 làng xã có thể là đúng, nhưng trải qua thời gian, thiên nhiên, chiến tranh và đặc biệt là con người tàn phá (vào nhũng năm 60 thế kỷ trước), nên số đình, đền không còn được bao nhiêu. Như ở tỉnh Thanh Hóa, theo Dư địa chí, có hơn 70 nơi có đền thờ Đúc Tô, nhưng qua khảo sát, đến nay chỉ còn 13 đình đền, trong đó có một nơi (thôn Nam Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia) chỉ còn là phế tích, đất nền đình còn nhưng đình đã bị phá vào đầu những năm 70 để lấy vật liệu làm trường học !?

Trải qua 3 năm (2012-2014) tích cực sưu tầm (đến tận nơi chụp ảnh, ghi thần tích, đọc sắc phong) đã tìm được 45 đình, đền, miếu ở các tỉnh sau đây:

                                   Thành phố Hà Nội: 4 đình, đền

                                   Tỉnh Hưng Yên: 1 đình

                                   Tỉnh Hải Dương: 1 đình

                                    Tỉnh Thái Bình: 1 miếu

                                    Thành phố Hải Phòng: 4 đình, miếu

                                    Tỉnh Bắc Ninh: 8 đình, đền

                                    Tỉnh Nam Định: 1 miếu

                                    Tỉnh Ninh Bình: 7 đình, đền

                                     Tỉnh Thanh Hóa: 13 đình, đền

                                     Tỉnh Hà Tĩnh: 5 đình, đền

Ngoài ra ở Hà Tĩnh có thể còn 6 đình, đền và ở tỉnh Quảng Bình có thể có 1 đình nhưng do nhận được thông tin muộn, chúng tôi chưa có điều kiện đến khảo sát.

Chi tiết có thể xem trong sách Họ Tô Việt Nam, trang 96 đến trang 162.

Chúng tôi đã công bố một số tư liệu chủ yếu là về đời tư của Đức Tô Hiến Thành mà Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã nghiên cứu, sưu tầm được, như nén tâm nhang thành kính dâng lên ban thờ Đức Tô trong Lễ kỷ niệm 915 năm ngày sinh của Người.

                                                                             Tô Bỉnh

                                              Phó trưởng ban liên lạc Họ Tô Việt Nam