Đền Miếu Mây, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh


Tổ chức lễ khánh thành và đón nhận Bằng công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa

Theo lời các cụ cao tuổi trong làng thì đền Miếu Mây được xây dựng cách ngày nay từ 200 đến 300 năm, trong khuôn viên rộng hơn 2 hecta. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, mỗi năm đền làm lễ hai lần: ngày 7 tháng Giêng là lễ Khai hạ, ngày 12 tháng Sáu là lễ Kỳ phúc. Do thiên nhiên, chiến tranh và cả con người tàn phá nên tòa miếu tôn nghiêm khi xưa chỉ còn là một am nhỏ, giữa rừng cây rậm rạp, phần lớn là cây cọ và một số loài cây khác. Cảnh quan u tịch, trẻ con không dám vào chơi; đi chăn trâu, trâu có lạc vào đó, phải về gọi người lớn vào tìm. Ngày rằm, mùng một, vẫn có người hương khói, nhưng việc tế lễ không còn.

Một cụ già năm nay đã 96 tuổi, là con cụ thủ từ ngày xưa, còn giữ được một bài văn khấn. Văn khấn dịch ra cho biết xưa kia miếu thờ: Tô Đại Liêu thượng thượng đẳng thần; Hoàng Minh Tự thượng đẳng thần; Tả đông chinh và Hữu dực thánh nhị vị Thành hoàng thượng đẳng thần và một số vị thượng đẳng tôn thần khác.

Nhân dân cũng không biết vị Thần chủ Tô Đại Liêu là ai. Gần đây đọc một số tài liệu, được biết, ngày 12 tháng Sáu là ngày hóa của Đức Tô Hiến Thành nên mới khẳng định đây là một trong những ngôi đền thờ Đức Tô Hiến Thành ở tỉnh Hà Tĩnh.

Với sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân địa phương và các doanh nghiệp, lãnh đạo xã Thạch Vĩnh và tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện dự án xây dựng lại ngôi đển.

Được đầu tư hoàn toàn bằng tiền đóng góp của các doanh nhân, trong đó có những người con Họ Tô và của nhân dân gần xa, ngôi đền khởi công xây dựng ngày 12-3-2017. Trước khi khởi công, Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh đã cử cán bộ ra đền Văn Hiến dâng hương xin Đức Tô Hiến Thành cho phép xây dựng và cho phép xoay hướng đền từ hướng Nam như trước đây sang hướng Đông nhìn ra biển và tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Cả hai việc đó đều được Người cho phép qua việc gieo quẻ xin âm dương.

Trong thời gian kỷ lục tròn 10 tháng, một ngôi đền đồ sộ với ba tòa nhà và nhiều công trình phụ trợ; cột kèo bằng gỗ lim, tường xây, mái ngói mũi hài đã được xây dựng xong. Các đồ thờ, vàng son rực rỡ cũng được mua sắm đầy đủ. Và cũng chỉ trong thời gian sau hơn ba tháng từ ngày làm hồ sơ đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tinh đã có quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cho đền Miếu Mây. Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh quyết định làm lễ khánh thành và lễ đón nhận Bằng công nhận di tích qua các bước:

+ Ngày 24-1-2018, Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh cử đoàn cán bộ do ông Phó Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban nhân dân xã, ra đền Văn Hiến làm lễ xin rước chân nhang trên ban thờ Đức Tô Hiến Thành về đền Miếu Mây. Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ cũng cử đoàn cán bộ, gồm: ông Tô Văn Thắc, hậu duệ của Đức Tô, Phó Trưởng ban quản lý di tích đền Văn Hiến và ông Nguyễn Xuân Việt, Trưởng ban Văn hóa - Thông tin xã Hạ Mỗ được thay măt Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ, cùng đoàn của xã Thạch Vĩnh rước chân nhang từ đền Văn Hiến về đền Miếu Mây và dự lễ.

+ Ngày 24-1-2018, làm lễ hô thần nhập tượng (Đức Tô Hiến Thành) và lễ an vị bát hương có chân nhang đưa từ đền Văn Hiến về.

+ Ngày 27-1-2018, tổ chức rước Bằng công nhận di tích từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh ra đền Miếu Mây để tổ chức lễ khánh thành và lễ đón nhận, gắn Bằng công nhân Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam cử đoàn, gồm các ông: Tô Bỉnh, Tô Quang Mậu, Tô Văn Liệt, Tô Văn Giang giúp Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh chuẩn bị và làm lễ rước chân nhang, lễ hô thần nhập tượng, lễ an vị bát nhang.

Sau lễ hô thần nhập tượng, Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam, Ủy ban nhân dân xã Hạ Mỗ, Hội doanh nghiệp, doanh nhân người Họ Tô và Đoàn Thanh niên Họ Tô Việt Nam đã cung tiến 4 lẵng hoa tươi thắm vào đền. Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam còn trao tặng Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh quyển sách Họ Tô Việt Nam, 15 quyển Tạp chí Thông tin Họ Tô Việt Nam số 21 (12/2017) và số tiền 10 triệu đồng đóng góp vào việc xây dựng đền. Đoàn đại biểu Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam đã được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh đón tiếp trọng thị và nồng hậu.

Vì không lưu lại để dự hết mấy ngày lễ hội, nên Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam phân công ông Tô Hồng Hải, Trưởng ban và ông Tô Đình Quang, Phó Trưởng ban Liên lạc Họ Tô Nghệ Tĩnh; ông Tô Hồng Khoái, Chủ tịch Hội đồng Họ Tô tỉnh Thái Bình - cả ba ông đều là Ủy viên Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam ở lại để dự lễ khánh thành và lễ đón nhận Bằng công nhận di tích.

Theo ý kiến của ông Ngô Xuân Hảo, Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Đình Nghệ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Vĩnh thì năm Đinh Dậu, nhân dân xã Thạch Vĩnh đón nhiều niềm vui: Đầu năm, đón ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an về thăm; cuối năm (ngày 23-1-2018, tức ngày mồng 7 tháng Chạp năm Đinh Dậu) đón bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội về thăm. Bằng nguồn vốn xã hội hóa đã xây dựng được ngôi đền trị giá hơn 20 tỷ đồng. Đền được đón Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa và xã được công nhận đạt chuẩn “Nông thôn mới”.

Chuyến đi ngắn ngày của đoàn đại biểu Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam đã đạt mục đích là giúp đỡ và cùng Uỷ ban nhân dân xã Thạch Vĩnh chuẩn bị và tổ chức lễ rước chân nhang từ đền Văn Hiến về đền Miếu Mây và dự lễ hô thần nhập tượng, lễ an vị bát hương (bát nhang có chân nhang đưa từ đền Văn Hiến về). Đoàn còn ghi nhận thêm được hai nơi có đền thờ Đức Tô Hiến Thành ở tỉnh Hà Tĩnh, đó là: đền Miếu Mây (xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà) và đền thôn Đồng Tranh (xã Thạch Đồng, huyện Thạch Hà). Đến hôm nay, Hà Tĩnh cùng với Ninh Bình là nơi có 7 đình, đền, miếu thờ Đức Tô Hiến Thành - đứng hàng thứ ba (sau Thanh Hóa và Bắc Ninh) là các tỉnh có nhiều đình, đền, miếu thờ Đức Tô Hiến Thành.

                                                                                                Tô Bỉnh