HỌ TÔ TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC

                         

 Kính thưa quý vị đại biểu tham dự Đại hội

Rất hân hạnh được mời dự Đại hội đại biểu toàn quốc Họ Tô Việt Nam lần thứ 5 và lễ kỷ niệm trọng thể 20 năm hoạt động của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam, một sự kiện trọng đại trong dòng họ ta, ghi một dấu mốc mới với nhiều thành tựu quan trọng mà Ban Liên lạc đã làm được trong suốt chặng đường 20 năm đã qua… Cho phép tôi được thay mặt lãnh đạo Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam kính gửi đến quý vị đại biểu, các cụ trưởng lão cùng bà con Họ Tô lời chào trân trọng kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc đại hội thành công tốt đẹp…

Kính thưa quý vị đại biểu!

Hoạt động dòng họ là nhu cầu thực của xã hội, nó đã được nhen nhóm lên ngay từ cuối thập kỷ 70 sau khi chiến tranh kết thúc, nước nhà được thống nhất khởi đầu từ chính các cựu chiến binh khi gác lại cây súng trở về quê hương với ước nguyện bắt tay vào tu bổ nhà thờ, tìm lại họ hàng xem ai còn ai mất trong chiến tranh để thỏa mãn tâm linh rất đơn giản vậy thôi… Dần phát triển thành phong trào rộng lớn trong cả nước cuối thập kỷ 80 khi Câu lạc bộ UNESCO thông tin các dòng họ ra đời do UNESCO bảo trợ trực tiếp, thực nghiệm việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống dòng họ là một khái niệm rất mới lúc bấy giờ… Sau có mấy năm hoạt động đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có tính nền tảng nên năm 1997 Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam nối tiếp Câu lạc bộ để đi sâu vào nghiên cứu văn hóa dòng họ và đồnghành cùng các dòng họ bảo tồn di sản quý báu này…

Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam ra đời trong bối cảnh chung này, đã sớm tham gia vào các hoạt động chung của các dòng họ và hợp tác với UNESCO, qua 20 năm hoạt động của mình Ban Liên lạc đã làm được nhiều việc có tính nền tảng cho sự nghiệp chấn hưng dòng họ Tô rất đáng trân trọng, như: Kết nối được hàng trăm chi họ Tô cả nước, sưu tầm và phân định nhiều tài liệu gia phả quý, xuất bản cuốn “Họ Tô Việt Nam”, tổ chức tôn tạo Nhà thờ Mộ Tổ ở những điểm di tích lịch sử quan trọng của dòng họ, tôn vinh danh nhân lịch sử họ Tô, công nhận và suy tôn Thần Long Đỗ - Tô Lịch là Thủy tổ Họ Tô Việt Nam tại Đền Bạch Mã Hà Nội… Là những dấu ấn thu phục nhân tâm và quy tụ đoàn kết hàng triệu bà con họ Tô cả nước cùng sát cánh đồng hành với Ban Liên lạc trong nhiều năm qua….

Kính thưa quý vị đại biểu!

Ngay từ đầu thập kỷ 2000, UNESCO Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị về bảo tồn di sản nói chung, trong đó có di sản Văn hóa - Lịch sử dòng họ nói riêng đã được các nước có cùng bề dày lịch sử văn hóa truyền thống tương đồng với đất nước ta hưởng ứng, ở đó họ đã thực hiện rất thành công việc bảo tồn di sản quý báu này một cách cẩn trọng và khoa học…

Ở nước ta, công tác bảo tồn di sản văn hóa dòng họ có ít thuận lợi và nhiều khó khăn hơn các nước bạn bởi Đất nước phải trải qua chiến tranh, thiên tai địch họa triền miên nên đã làm thất tán nhiều tư liệu lịch sử dòng họ, chúng ta phải đối mặt với thực trạng thiếu nguồn tư liệu chính thống trong nghiên cứu, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật trong số hóa tư liệu, xây dựng tàng thư lịch sử dòng họ một cách bài bản, rồi các tổ chức dòng họ của từng họ trong cả nước lại dường như thiên về phát triển bề nổi về quy mô tổ chức, về hoạt động phong trào nhiều một cách tự phát theo kiểu trăm hoa đua nở hơn là đi sâu vào hợp tác cùng nghiên cứu lịch sử văn hóa dòng họ một cách bài bản theo một phương pháp luận khoa học tôn trọng thực chứng và tính logic của lịch sử trong khuôn khổ của sự hợp tác chặt chẽ giữa dòng tộc với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước - Tức hiện nay chúng ta đang thiếu định hướng chiến lược và nhạc trưởng tầm vĩ mô trong sự nghiệp nghiên cứu lịch sử văn hóa dòng họ nước nhà…

Mặt khác, trong quá trình hội nhập để phát triển của Đất nước đã để lại mặt trái của cơ chế thị trường làm ảnh hưởng lớn, trực tiếp gia tăng áp lực lên văn hóa truyền thống, làm xói mòn thuần phong mỹ tục, cuộc sống công nghiệp đã làm phá vỡ các nếp sống sinh hoạt truyền thống của gia đình Việt  là những nhân tố cơ bản làm lu mờ đi Gia phong, Gia huấn, Gia đạo trong giáo dục thế hệ trẻ hiện nay, để lại một hệ lụy về nền tảng đạo đức xã hội liên tục xuống cấp, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống gia đình ít được quan tâm và không được coi trọng như xưa một thời Cha truyền - Con nối đang là thách thức đòi hỏi các dòng họ cần phải hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu và thực hành;

Một hệ lụy hết sức nguy hiểm nữa đang tồn tại trong xã hội chúng ta, đang đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của nòi giống Dòng tộc đó là tình trạng vô sinh trong cả nam và nữ thanh niên Việt Nam là rất cao như một tảng băng chìm, chưa có cơ quan có trách nhiệm nào của Chính phủ đưa ra con số thống kê chính xác - Nhưng dư luận Quốc tế thông qua các tổ chức phi Chính phủ đưa ra thì Việt Nam chúng ta đang ở Top 3 thế giới và Top 1-2 châu Á…  Rồi tình trạng lệch lạc giới tính ngày càng phát triển rộng, tình trạng bệnh hiểm nghèo (Ung bướu, HIV, bệnh xã hội…) vẫn đang còn bùng phát chưa kiểm soát được… Đang là báo động đỏ cho Chất lượng nòi giống Dòng tộc của chúng ta, tương lai Dân tộc Việt sẽ đi về đâu trước thực trạng xã hội này, câu hỏi đang còn bỏ ngỏ …?

Trung tâm UNESCO chúng tôi xin mạn phép đưa ra một số khuyến nghị chung đến các dòng họ như sau:

1/ Về nghiên cứu văn hóa lịch sử dòng họ: Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy việc nghiên cứu lịch sử về một Tộc họ nói riêng, hay văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của cả một Dòng họ nói chung rất cần được đặt trong bối cảnh chung của lịch sử các Tộc họ khác nói riêng và lịch sử của Đất nước nói chung mới là công bằng và khách quan. Theo logic này thì việc kiểm chứng các tư liệu lịch sử thông qua các tư liệu dẫn đường như khảo cổ, dư địa chí địa phương, các tư liệu Hán - Nôm khác có liên quan thuộc các lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật, Làng nghề, Danh nhân văn hóa - Lịch sử… cuối cùng là khảo cứu và điền giã thực địa để khép kín quy trình mới là hướng đi đúng đắn và khoa học trong nghiên cứu; Cần hình thành quan điểm và phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu: Lấy chính Sử làm gốc, dùng chính Sử để soi sáng Gia phả - Dùng Gia phả để bổ xung cho chính Sử trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lịch sử với khảo cổ - Đối chiếu lịch sử với dư địa chí địa phương cùng các loại hình tư liệu Hán Nôm khác để từ đó có cơ sở để đi điền dã thực địa, mắt thấy tay sờ làm đối chứng với tài liệu lịch sử mới làm rõ thêm những vấn đề mà chính Sử chưa nêu hoặc còn tồn nghi về Dòng họ… Phương pháp luận này rất cần được áp dụng trong nghiên cứu để xậy dựng những bộ Gia phả, tổng Phả hoặc cuốn lịch sử dòng họ… Giúp các nhà nghiên cứu tránh rơi vào tình trạng phỏng đoán, ngộ nhân và duy ý chí… Là bộ lọc để loại bỏ những tư liệu trôi nổi trên mạng intenet và ngoài xã hội đang phát tán với nhiều mục đích khác nhau mà không ai kiểm chứng được về tính xác thực, thậm chí cả tư liệu ngụy sử…

2/ Cần chú trọng quan tâm đến giáo dục nâng cao chất lượng nòi giống Dòng tộc trong giới trẻ của từng Tộc họ đến các Gia đình nhỏ một cách nghiêm túc và bài bản vì sự tồn vong của dòng họ mình… Cần được đặt thành một mục tiêu quan trọng trong hoạt động dòng họ bởi từng thành viên trong dòng họ phải khỏe mới có sức để bảo tồn văn hóa Dòng họ mình, để phát triển tài năng cho Đất nước. Đây là việc mỗi Dòng họ phải xác định là việc cần làm ngay trong Dòng họ mình không nên ỷ lại hay chông chờ vào Nhà nước hay xã hội mà ta hãy tự cứu lấy mình là hơn… Rất mong quý Hội đồng/Ban Liên lạc của từng dòng họ quan tâm chỉ đạo và hợp tác với các tổ chức chuyên môn, như: Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam để tranh thủ khai thác chuyên môn, tư liệu từ các tổ chức này trong giáo dục và truyền thông về Nâng cao chất lượng nòi giống Dân tộc đào tạo nhân tài cho Đất nước…

3/ Trung tâm có chủ trương mở rộng hợp tác Quốc tế và trong nước trong nghiên cứu, bảo tồn và xây dựng tàng thư UNESCO tư liệu dòng họ… Rất mong được các dòng họ tham gia chung tay cùng nghiên cứu, cùng chia sẻ nguồn tư liệu phục vụ chung cho các dòng họ

Kính thưa quý vị!

Trong Đại hội long trọng ngày hôm nay, chúng tôi rất cảm kích và nhận thấy rằng: Với sự nhiệt tình, đoàn kết, toàn tâm toàn ý hướng về Tổ tiên Dòng họ, vì ân đức Tiền nhân, quý vị trong hội đồng Dòng tộc, cùng tất cả bà con Dòng họ Tô cả nước sẽ thực hiện tốt những phương hướng nhiệm vụ hoạt động dòng họ, mà ngày hôm nay các vị đã minh chứng trong nghị quyết Đại hội này.

Xin kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể bà con dòng họTô của chúng ta, dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng và thành đạt. Kính chúc dòng họ Tô luôn đoàn kết gắn bó trong khối đại đoàn kết Dân tộc để luôn mãi trường tồn cùng Dân tộc Việt Nam!

Xin chân thành cảm ơn!


                                                                  NGUYỄN VĂN THỊNH

                                                          PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

                                                  TRUNG TÂM UNESCO NCVH CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM