BÁO CÁO THAM LUẬN CỦA HỌ TÔ TỈNH VĨNH PHÚC

Kính thưa các vị khách quý

- Kính thưa các ông trong Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam

- Kính thưa các ông, bà đại diện Ban Liên lạc Họ Tô các tỉnh, thành

- Thưa toàn thể Đại hội


Thay mặt toàn thể bà con Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc, tôi xin gửi lời chúc sức khoẻ đến các vị khách quý, các ông trong Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam, các ông, bà đại diện Ban Liên lạc Họ Tô các tỉnh, thành đã không quản ngại đường xa, công việc bận rộn về dự Đại hội đại biểu Họ Tô Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023 hôm nay. Chúc Đại hội đại biểu của Họ Tô chúng ta thành công rực rỡ.

- Thưa toàn thể Đại hội !

Trong kỳ Đại hội này, trước hết chúng tôi xin báo cáo lược lại quá trình thành lập Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc và một số kết quả hoạt động chính của Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ IV của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam vừa qua.

- Thưa  Đại hội !

 Ở Vĩnh Phúc, việc triển khai tổ chức Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc tổ chức như sau:

 Tháng 10-2010, ông Tô Bỉnh, Phó Trưởng ban Liên lạc Họ Tô toàn quốc, từ Hà Nội đã cung cấp các danh bạ, điện thoại những người Họ Tô Vĩnh Phúc và viết thư trao đổi về tổ chức gặp mặt anh chị em Họ Tô tại nhà ông Tô Quang Cương để bàn việc chắp nối dòng Họ Tô ở Vĩnh Phúc. Ban Liên lạc lâm thời Họ Tô Vĩnh Phúc được cử ra gồm 5 người, gồm: 1 Trưởng ban; 1 Phó Trưởng ban và 3 uỷ viên. Nhiệm vụ đề ra là: phân công tìm và chắp nối những người cùng dòng họ để thành lập Ban Liên lạc chính thức.

 Ngày 19-11-2011, tại Nhà Văn hoá xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), Đại hội lần thứ nhất của Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công rực rỡ, bầu ra Ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Vĩnh phúc gồm 13 thành viên để duy trì các hoạt động dòng họ. Từ đây, Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc lấy ngày 19-11 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự buổi lễ ra mắt có: đại biểu đại diện Thường trực Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam; đại biểu đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc; đại biểu đại diện Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, ban ngành của xã Cao Đại, cùng 10 chi Họ Tô với gần 100 đại biểu về dự.

Các kết quả chính đã đạt được trong 7 năm qua (2011 - 2018)

1. Về chắp nối dòng họ

Đến thời điểm hết tháng 10-2011 (Trước khi thành lập Ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc), đã đến làm việc và chắp nối được 4/8 đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn tỉnh, các chi họ Tô ở Vĩnh Phúc có 394 hộ với 1.376 khẩu.

Các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, Phúc Yên số hộ Họ Tô ít, sinh sống lẻ tẻ, vì lý do khác phải ly hương làm ăn sinh sống nơi xa. Sau khi tiếp thu tuyên truyền của Ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc là “Ly hương, không ly Tổ” đã về tu bổ, xây lại tường bao bảo vệ, sửa sang nhà thờ, cử người trông coi hương khói, tâm linh cho Tổ tiên, hàng năm đến ngày giỗ Tổ họ, các chi họ đã về tham gia.

Năm 2013 - 2014 đã chắp nối thêm được 5 chi họ mới: 4 Chi họ Tô Phạm Chí (ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội); 1 Chi họ Tô Văn (ở xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường).

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chắp nối được 4/9 đơn vị huyện, thị có chi họ Tô, là: huyện Vĩnh Tường có 3 xã (có 6 chi họ, 173 hộ, 702 khẩu); huyện Yên Lạc có 1 xã (có 4 chi họ, 317 hộ, 1.417 khẩu); huyện Tam Dương có 1 xã (có 1 chi họ, 14 hộ, 54 khẩu); huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội có 1 xã có 4 chi họ, với 150 hộ và 700 khẩu - huyện Mê Linh trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nên các chi họ này đề nghị vẫn được sinh hoạt với Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy, Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc có 4 huyện có 15 chi họ Tô với 654 hộ và 2.873 khẩu.

Đặc điểm chung của các chi Họ Tô trong tỉnh

Ở các huyện chúng tôi đã đến, hầu hết các chi Họ Tô đều sinh sống theo từng khu vực tập trung: thôn, xóm, xã.

Các chi Họ Tô đều đã ở đây từ rất lâu, nơi thấp nhất là 5 thế hệ, nơi cao  nhất là 11 thế hệ.

Các chi Họ Tô ở các huyện hầu hết đều có những hoạt động chung: xây dựng quỹ họ, xây dựng hương ước trong họ, tổ chức giỗ họ riêng, một số chi đã có nhà thờ họ riêng.

Thực hiện chủ trương tu bổ, sửa sang mồ mả Tổ tiên: đến nay 15 chi Họ Tô Vĩnh Phúc đều đã sửa sang tu bổ mộ phần Tổ tiên rất khang trang. Nhiều chi họ do anh em con cháu có điều kiện xây dựng khu vực ngôi mộ Tổ bề thế, trang nghiêm.

Nhìn chung việc phát triển và duy trì công việc họ ở tại các chi, phần lớn các chi họ đã hoạt động nền nếp: từ họp họ, các công việc như thăm hỏi ốm đau, việc hiếu, hỷ đều làm tốt. Riêng công việc chắp nối các dòng họ trong tỉnh, Ban Liên lạc đã phân công cho các thành viên nhưng chưa được triển khai chi tiết cụ thể hoặc chưa có kế hoạch triển khai bằng các hình thức (hỏi điện thoại, thông tin đài báo). Do vậy, 7 năm qua Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc mới chỉ chắp nối thêm được 4 chi họ. Đây cũng là tồn tại chúng tôi cần được khắc phục trong những năm tới phải có kế hoạch làm tốt hơn.

2. Về duy trì các hoạt động của Ban Liên lạc

a) Tổ chức duy trì các hoạt động tâm linh

* Lễ đền Tô Hiến Thành

Đối với hoạt động tưởng niệm danh nhân Tô Hiến Thành. Đây là một việc lớn có ý nghĩa thiêng liêng với Họ Tô Việt Nam nói chung và Họ Tô Vĩnh Phúc nói riêng. Trong đó có các chi Họ Tô xã Cao Đại là những người đầu tiên của Họ Tô Vĩnh Phúc tham gia cùng với Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam xây dựng ý tưởng và triển khai phương thức “Mỗi người con, cháu dòng Họ Tô đóng góp 1 giọt đồng” để đúc tượng Đức Tô Hiến Thành. Đã thực hiện có hiệu quả tốt việc xây dựng tượng Đức Tô Hiến Thành tại quê hương Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Hàng năm Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc đã vận động 15 chi họ tham gia tích cực và đông đủ ngày lễ trọng Đức Tô Hiến Thành (vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch), với số lượng lên đến hàng trăm người mỗi năm.

* Về xây dựng và tổ chức ngày giỗ danh nhân Tô Thế Huy

Tiến sỹ Tô Thế Huy, là người xã Bình Đắng, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), sau những thăng trầm trên đường quan lộ, ông được điều về Kinh giữ chức Tả Thị lang ở Bộ Lễ, tước Cảo Quận công. Ông về trí sĩ, mất ngày 24 tháng Tư (chưa rõ năm nào) tại quê nhà. Triều đình truy tặng chức Thượng thư Bộ Công. Nhà nước ghi danh tại bia số 54, Quốc Tử Giám, Hà Nội. Công lao to lớn của ông về mặt văn hóa là khi về trí sĩ đã xây miếu Bách Thần, như một thư viện, lưu giữ được hàng ngàn bản Thần tích của các đình, đền, miếu trong cả nước.

Để tôn vinh và ghi danh cho dòng họ, Ban Liên lạc đã làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Tường, Uỷ ban nhân dân xã Cao Đại đề nghị xin cấp phép xây dựng đền thờ Tiến sỹ Tô Thế Huy - danh nhân văn hóa của dòng họ và của đất nước.

Việc cấp phép xây dựng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đền thờ được xây dựng tại nơi cụ đã sinh ra và trưởng thành (thôn Bình Trù, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Công trình do Uỷ ban nhân dân xã Cao Đại làm chủ đầu tư.

Khó khăn lớn nhât là việc tìm các nguồn vốn hỗ trợ, các thành viên Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc, là những người đầu tiên gương mẫu công đức xây dựng đền, tiền công đức xây dựng đền không chỉ một lần mà nhiều lần, số tiền từ một triệu đến vài chục triệu đồng. Lễ khởi công, động thổ đã được tổ chức long trọng ngày 8-4-2014 (ngày 9 tháng Ba năm Giáp Ngọ).

Quá trình xây dựng, Ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm đặc biệt của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam, Ban Liên lạc Họ Tô Nam Bộ, Hội đồng Họ Tô tỉnh Thái Bình. Cộng với sự ủng hộ của bà con các chi Họ Tô trong tỉnh, bà con các chi họ khác ở xã Cao Đại, của các nhà hảo tâm, của các Mạnh thường quân khác, đã góp phần xây dựng công trình đảm bảo đúng tiến độ, đúng với dự toán thiết kế và được đưa vào sử dụng ngay sau khi tổ chức long trọng lễ khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 21-1-2015 (ngày mồng 2 tháng Chạp năm Giáp Ngọ).

Ngày 24 tháng Tư năm Ất Mùi, lần đầu tiên, Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức ngày giỗ cụ Tô Thế Huy long trọng tại đền mới xây dựng. Từ đó đến nay, công trình đã phát huy tác dụng, liên tục phục vụ văn hóa tâm linh cho nhân dân nói chung và Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

* Tổ chức mừng thọ, khuyến học hàng năm:

- Tổ chức mừng thọ:

Kính già, trọng thọ: là truyền thống tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu với người cao tuổi. Cùng với việc chăm sóc và phụng dưỡng ông bà cha mẹ thường ngày, đó là truyền thống đạo lý của con người Việt Nam chúng ta.

Trong 7 năm qua, việc tổ chức Mừng thọ các bậc cao niên đã được Ban Liên lạc quan tâm, đặc biệt đối với những cụ có tuổi thọ từ 80 trở lên theo quy chế của Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc sẽ có quà và Giấy mừng thọ (Giấy mừng thọ do Trưởng ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam ký). Bẩy năm qua đã cấp và tổ chức mừng thọ cho 1 cụ tuổi 104; 1 cụ tuổi 103; 2 cụ tuổi 100; 10 cụ tuổi 90; 27 cụ tuổi 85; 35 cụ tuổi 80; 28 cụ tuổi 75 và 40 cụ tuổi 70.

- Về khuyến học:

Với đặc thù đại đa số các hộ gia đình trong Họ Tô đều làm nông nghiệp, nên quỹ đóng góp khuyến học và mức khen thưởng còn hạn chế, với các mức khen thưởng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng cho các cháu học sinh giỏi hàng năm nhưng mang ý nghĩa về tinh thần rất lớn, mỗi phần thưởng được trao đều chứa đựng trong đó niềm tự hào, mong mỏi con cháu cùng nhau thi đua học tập. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay đã có 42 cháu đạt học sinh giỏi các cấp; 41 cháu học nghề ra trường có việc làm ổn định; 22 cháu đỗ Đại học; 4 cháu có bằng Thạc sỹ. Dòng họ không có cháu nào bỏ học ngang chừng và đều phổ cập hết THPT, không có cháu nào mắc vào các tệ nạn xã hội, 100% gia đình trong dòng họ đều được công nhận gia đình văn hóa. Có thể nói, Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc là một dòng họ tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

- Về vấn đề “Hiếu - Hỷ”:

Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc đã định hướng cho các chi họ đưa hẳn những quy định về vấn đề quan tâm chăm sóc, thăm hỏi khi có người trong chi họ đau ốm, quy định việc ma chay, tổ chức tang lễ làm “việc hiếu” khi có người qua đời, quy định việc cưới gả, tổ chức “việc hỷ” vào tộc ước để tất cả mọi người trong chi họ cùng thực hiện đầy đủ, tránh tình trạng không tự giác, mạnh ai nấy làm.

Việc hiếu là những việc làm nghĩa tình một giọt máu đào hơn ao nước lã, máu chảy ruột mềm mà Ban Liên lạc Họ Tô tỉnh Vĩnh Phúc đã duy trì thành nền nếp thường xuyên trong suốt 7  năm qua.

- Về duy trì họp định kỳ Ban Liên lạc:

Tất cả các thành viên Ban Liên lạc đều hoạt động trên tinh thần tự giác, tự nguyện, đã truyền đạt được nhiều thông tin đến các chi họ thực hiện. Đã tổ chức các cuộc tọa đàm bàn về việc họ của khu vực Vĩnh Phúc.

Hàng năm, Ban Liên lạc đều tổ chức họp sơ kết, đánh giá hoạt động của Ban Liên lạc, theo định kỳ 6 tháng và 1 năm đều đặn. Đặc biệt, cử người đại diện tham gia các ngày giỗ họ, các cuộc họp của các chi họ. Thông qua đó nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của bà con trong chi họ và truyền đạt các thông tin về chủ trương, định hướng hoạt động dòng họ từ Ban Liên lạc tỉnh.

Từ các hoạt động thiết thực của Ban Liên lạc ở trên, 7 năm qua những mục tiêu, các chủ trương hoạt động của Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc đã thấm vào tư tưởng và trở thành các hoạt động của nhiều người con cháu trong Họ Tô Vĩnh Phúc, góp phần xây dựng dòng tộc ngày càng bền vững, thịnh vượng.

3. Về tham gia viết, in Sách Họ Tô Việt Nam

Theo sự chỉ đạo của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam, các chi họ đã tích cực bố trí và cử người có học thức, tìm, bổ sung, sao chép, cập nhật các thông tin cần thiết vào gia phả của chi họ mình, thậm chí chi họ có điều kiện đã in kèm theo ảnh minh họa rất sinh động để gửi cho Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam tổng hợp biên soạn.

Ban Liên lạc Họ Tô Vĩnh Phúc cũng đã rộng đường tìm kiếm thông tin, tìm các vị bề trên vì lý do này nọ mà xa phương, nay thất truyền để chắp nối gia phả, tìm nhận anh em (Điển hình như chi họ Tô Phạm Chí thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội).

Một số công việc trọng tâm trong năm tới (2019)

1. Hạn chế còn tồn tại

- Về nhân sự: chưa tìm ra và sử dụng những người còn sức khỏe, đương chức, có điều kiện hoạt động.

- Bộ phận thường trực do khó khăn khách quan, lý do sức khỏe và phương tiện nên chưa đi xuống địa phương các chi họ được thường xuyên.

- Công tác vận động tuyên truyền, công tác tài chính, phát triển quỹ họ còn yếu.

2. Phương hướng sắp tới

- Thực hiện những công việc, những chỉ đạo của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam.

- Tổ chức đi xuống địa phương ít nhất 1 năm một lần; tiếp tục chắp nối dòng họ.

- Chú ý vận động tuyên truyền, tiếp tục phát hiện ra các chi họ Tô trên địa bàn.

- Các chi họ và địa phương bám sát vào việc gìn giữ, tu tạo 3 báu vật của dòng họ: nhà thờ, phần mộ và gia phả. Công việc dòng họ của mỗi địa phương, mỗi chi họ phải thiết thực, gắn với việc giúp đỡ nhau trong làm ăn, kinh doanh, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; quan tâm các việc hiếu hỷ, chăm lo người cao tuổi.

- Tiếp tục cùng các cấp chính quyền địa phương, đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đền thờ Tiến sỹ Tô Thế Huy.



TM. BAN LIÊN LẠC HỌ TÔ

TỈNH VĨNH PHÚC

TRƯỞNG BAN

Tô Quang Cương