MIỀN TRUNG KHÔNG CÒN LÀ NƠI NẰM DƯỚI CÁNH MÁY BAY

Từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, những chuyến đi công tác của cán bộ từ Thủ đô Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện bằng máy bay, nhưng nhiều tỉnh miền Trung chủ yếu “vẫn chỉ nằm dưới cánh máy bay”. Đây là câu nói của một vị lãnh đạo cấp cao lúc đó, muốn nhắc nhở cán bộ các ngành cần quan tâm hơn đến tình hình thực tiễn đang diễn ra tại miền Trung đất nước. Câu nói này vẫn văng vẳng đâu đây và lần này nó lại được nhen nhóm khi tôi được gặp nhiều bác trong Họ Tô từ các tỉnh miền Trung ra dự Đại hội Họ Tô Việt Nam lần thứ V tại đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

          Ngay lần gặp đầu ngày 27/10/2018, tại một nhà hàng trên phố Vũ Phạm Hàm, tôi được gặp khá nhiều người đàn ông Họ Tô từ các tỉnh xa về, trong đó từ Phú Yên và Bình Định có các ông Tô Minh Quang, Tô Đình Văn, Tô Văn Bơ, Tô Kim Thơ … Có mấy người phụ nữ đi cùng là các bà vợ và con, cháu, vì đi dự Đại Hội Họ Tô Việt Nam là dịp viếng thăm những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của đất nước.

          Từ những cảm nhận tốt đẹp ban đầu, sau Đại hội V, tôi báo cáo với Thường trực Hội đồng Họ Tô Việt Nam kết hợp công tác chuyên môn, tôi sẽ đi gặp gỡ và tìm hiểu thêm về bà con Họ Tô ở Phú Yên, Bình Định và Nha Trang, rồi sau đó vô Thành Phố Hồ Chí Minh.

          Chiều một ngày cuối năm 2018, chuyến bay của Vietnam Airline đã đáp xuống sân bay Tuy Hòa dù trời mưa tầm tã. Bác Quang cùng với cậu con cả Tô Minh Tuấn ra sân bay đón tôi. Được biết, trước đây Tuấn làm chế tác đá quý và đồ trang sức, nay chuyển sang kinh doanh ẩm thực. Tuấn có mấy nhà hàng đặc sản với biển hiệu “Dê núi Ninh Bình”. Từ sân bay qua cầu Hùng Vương (cầu Đà Rằng cũ) dài ngút tầm mắt, trên đường qua thành phố Tuy Hòa, chúng tôi đến thăm bác Tô Nhiên, 84 tuổi, đang nằm trên giường bệnh. Bác Tô Nhiên tập kết ra miền Bắc, làm bác sĩ từ cách đây hơn 50 năm, biết chúng tôi tới thăm nhưng không nói được, rưng rưng nước mắt. Bác được vợ là Bác sĩ Phan Thị Tín chăm sóc chu đáo. Gặp nhau vừa mừng vừa tủi, chúng tôi chỉ biết nói những lời thăm hỏi ân cần và mong sao Bác sớm bình phục.

      Tiếp theo chúng tôi đi xe máy 15 km về nhà bác Quang ở thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hóa. Thay đồ và lấy thêm áo mưa, bác Quang đưa tôi đến gặp các bác cao niên cách đó 8 cây số trong chi họ Tô ở thôn Sơn Cẩm Thọ (xã Hòa Kiến, huyện Tuy Hòa); đến nơi đã 5 giờ chiều.

       Bác Tô Miên 83 tuổi, Trưởng chi; bác Tô Trí 81 tuổi và một số con cháu trong Họ Tô đợi sẵn trong nhà. Hai bác ra sân và gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Mọi người chuyện trò về gia đình, về chi họ; hỏi thăm sức khỏe bác Tô Đa Mạn, bác Tô Bỉnh và nói về việc kết nối, tìm về cội nguồn của dòng Họ Tô trên cả nước. Rõ ràng là tiêu chí hoạt động 20 năm qua của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam “Chắp nối dòng họ, tìm về cội nguồn” đã rất trúng và thấm vào lòng từng người dân Họ Tô nơi đây. Lát sau, tôi được bác Trưởng chi đưa lên tầng 2 xem Biểu đồ phả hệ của Chi họ và thắp nén hương hướng về Tổ tiên. Được biết Chi Họ Tô ở đây và một số chi Họ Tô ở Phú Yên là cùng một ông Tổ với khá nhiều chi Họ Tô ở bên tỉnh Bình Định. Đó là cụ tổ Tô Văn Luận, từ ngoài Bắc vô đây định cư lập nghiệp đã được hơn 300 năm, khoảng 12-13 đời. Điều đó nói lên tính năng động cũng như sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của người Họ Tô  và các dòng họ Việt nói chung trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Thực tế đã chứng minh, ai có khả năng vượt ra khỏi lũy tre làng, có khả năng đi càng xa khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, thì người đó càng thể hiện khả năng tiếp thu cái mới, càng có khả năng tự lập và từ đó tự mình vươn tới tự do - hạnh phúc.

      Trời mưa nặng hạt và tối đậm sau hơn 2 tiếng chuyện trò. Chia tay Chi Họ Tô Hòa Kiến, các Bác cao niên ôm chặt lấy tôi và cùng nhau nói lời chúc sức khỏe, lời chia tay nghẹn ngào của những người thân đã sống hơn nửa thế kỷ bây giờ mới được gặp mặt. Trời se lạnh cùng với những hạt mưa bay phần phật nhưng tôi cảm nhận rất rõ, dòng máu đang chảy trong người mình và trong các người Họ Tô tuổi đã cao này, vẫn đang nóng hừng hực và đang cùng một nhịp đâp hướng về cội nguồn, hòa chung nhịp để tạo nên sự “đoàn kết, nghĩa tình” và để cùng hướng về tương lai mà “tự cường, phát triển”.

        Đêm hôm đó gia đình bác Quang cố giữ tôi ở lại nhà như người anh em ruột thịt lâu ngày xa vắng. Hôm sau ra Quy Nhơn chúng tôi lại được gặp gỡ các anh Tô Đình Văn, Tô Bửu Long và mấy anh em khác. Buổi chiều mọi người được đưa đến nghỉ tại Khách sạn của con trai anh Tô Bửu Long, đồng thời cùng đi với tôi có anh Bùi Hữu Hoàng và cháu Tô Minh Thiên. Gặp gỡ tại Quy Nhơn, chúng tôi biết thêm chút về lịch sử và sự phát triển của các chi Họ Tô nơi  đây. Bình Định là quê hương bác Tô Tử Hạ, Trưởng ban đầu tiên của Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam. Bình Định cũng là quê và địa bàn công tác lâu năm của bác Tô Tử Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy; Bình Định còn là quê hương của nhiều người Họ Tô thành đạt,… Ở Bình Định có đến 8 Chi Họ Tô  có cùng một ngày giỗ Tổ và anh Tô Đình Văn đã cùng mọi người kết nối, tìm được Cụ Tổ chung. Ở Bình Định đã đã xây dựng được một nghĩa trang riêng cho người Họ Tô yên nghỉ khi từ trần. Làm được điều này phải kể đến tầm nhìn của anh Tô Bửu Long và những người đồng sự. Anh Tô Bửu Long còn rất tích cực tham gia xây dựng Quỹ khuyến học và các quỹ xã hội khác. Những nội dung này cần được cổ vũ, khuyến khích và mở rộng hình thức hoạt động cho phù hợp với từng địa bàn để dần dần  hoạt động dòng họ đi vào chiều sâu.

           Xin được nói thêm, khi từ Tuy Hòa ra Quy Nhơn, hai anh em Tô Minh Tuấn và Tô Minh Thiên đã đưa và đón chúng tôi tại trạm thu phí gần Thị xã Sông Cầu. Một hình ảnh hiếm gặp là có 2 ông già được bàn giao từ ô tô này sang ô tô kia chính xác đến từng phút, thật là hiện đại mà rất lãng mạn, thể hiện một sự phối hợp ăn khớp rất cao và phải chăng đó là phong cách mới của các chàng trai 7X - 8X Họ Tô! Tại Thị xã Sông Cầu chúng tôi đến thăm gia đình anh chị Tô thị Thanh - Đoàn Hữu Hoà. Điều đặc biệt là anh Đoàn Hữu Hoà đồng ý để cho 2 con trai và con gái mình lấy họ mẹ theo di nguyện của ông ngoại, bù đắp cho sự hiếm hoi trong gia đình. Tôi rất cảm động về điều đó và nói với anh Đoàn Hữu Hoà, đây là một nghĩa cử rất đẹp đẽ mà chúng tôi muốn ghi nhận.

        Hôm sau tôi trở lại Phú Thạnh để thắp nén hương nhân ngày giỗ ông nội tại gia đình bác Quang. Quả thật đây là một sự trùng hợp hy hữu vì chỉ sớm hay muộn vài ngày là tình thế sẽ khác. Được gặp mặt hầu như tất cả người nhà bác Quang, tôi cảm nhận đây là một gia đình Họ Tô khá điển hình và rất nhiều gia đình đều mong được như vậy. Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh ác liệt và đất nước bị chia cắt, chàng trai Tô Minh Quang đã kịp hoàn thành khóa học Đại học Sư phạm Sài Gòn (1968), đồng thời cố gắng học cả ngành Y và ngành Luật. Ba lĩnh vực chuyên môn nói trên đều có ích cho mỗi con người và cả cộng đồng, giúp mỗi người có thể vững vàng trước mọi biến cố cuộc đời và xây đắp hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Do điều này mà bác Tô Minh Quang có khả năng định hướng và hỗ trợ cho các con, cháu sau này: Tất cả con trai và gái đều vững vàng trong cuộc sống. Cậu út Tô Minh Trường (sinh1987), quản lý một cơ sở khai thác và chế biến gỗ với 120 công nhân, hoạt động trên Đắc Lắc. Nhìn sự trưởng thành của con trẻ, tôi suy nghĩ đến công việc cần làm khi gây dựng ý chí, lòng tự tin, bồi đắp kiến thức cũng như khả năng tổ chức, quản lý từ cha mẹ cho con cái trong quá trình lập thân, lập nghiệp của thế hệ trẻ trong mỗi gia đình, mỗi chi họ cũng như toàn xã hội.

           Xin trở lại chút cảm nhận ngay từ ban đầu khi gặp người trong họ. Vẫn là những người đàn ông Họ Tô hiền hòa và tự tin, nụ cười đôn hậu, sảng khoái làm rung động lòng người, những người con Họ Tô ở Phú Yên và Bình Định như ông Tô Minh Quang, Tô Đình Văn, cả con rể Họ Tô: anh Đoàn Hữu Hoà …, còn mang theo vẻ chân chất và cởi mở, vừa gặp như đã quen thân tự thuở nào! Họ rất  quan tâm và chia sẻ với vợ và con, cháu: Bà vợ ông Quang, cùng mấy con trai, con gái, cả cháu Tô Thị Vị Thơ cùng ra Hà Nội dự Đại hội và viếng thăm những di tích lịch sử của dân tộc và của dòng họ.

          Chuyến đi của tôi còn tiếp tục về Nha Trang vào Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ chưa đầy 4 ngày ở Phú Yên và Bình Định, tôi đã được gặp gỡ và chia sẻ với nhiều con người trong Họ Tô và liên quan với Họ Tô, được cảm nhận nhiều điều ý nghĩa và được hun đúc thêm những nét văn hóa riêng có của con người Họ Tô nói riêng và người Việt Nam nói chung.

         Hy vọng rằng, chuyến đi ngắn ngủi nói trên góp được một phần nhỏ để làm cho miền Trung  không còn là "nơi nằm dưới cánh máy bay” nữa.

                                          Phú Yên  -  Bình Định - Hà Nội tháng 01/2019

                                                                                                                                          Giáo sư  Tô Xuân Dân