ĐÁNH GIẶC KIÊN CƯỜNG, NGHĨA TÌNH TRỌN VẸN


               Thiếu tướng Tô Thuận

Ông Tô Thuận sinh năm 1926, nhập ngũ tháng 8 năm 1945. Trải qua 9 năm làm lính bộ binh, 36 năm làm lính pháo binh, 5 lần bị thương trong chiến đấu, ông đã trưởng thành từ chiến sỹ lên cấp Thiếu tướng, Phó Tư lệnh binh chủng Pháo binh năm 1985. Ông là người có tài, đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong suốt 45 năm binh nghiệp.

    Là một thanh niên con nhà nghèo, lúc 20 tuổi vào bộ đội, vốn liếng kiến thức của ông là trình độ văn hóa lớp ba trường làng và tay nghề là mấy năm phụ giúp cha làm thợ may trong thôn xóm, ở làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh (nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình.

    Tài năng của ông có là do được Đảng, quân đội bồi dưỡng về chính trị, quân sự, văn hóa và những kinh nghiệm ông tích lũy được trong 9 năm chiến đấu ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi ông đã qua các cấp từ chiến sĩ đến Tiểu đoàn trưởng, trong biên chế của các Trung đoàn 64, 42, 50. Đặc biệt là trong 9 năm kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên và Quân khu 5, với cương vị Trung đoàn trưởng pháo binh và Chủ nhiệm pháo binh mặt trận, quân khu dưới quyền các danh tướng Hoàng Minh Thảo, Chu Huy Mân. Trong điều kiện chiến trường rất khó khăn ác liệt, ông cùng cán bộ, chiến sĩ pháo binh sáng tạo ra cách đánh độc đáo là dùng sức người đưa pháo xe kéo (lựu pháo 105, canông 85) “lên cao, vào gần, bắn thẳng” đạt hiệu quả cao trong các trận đánh Plây Cần, Đắc Siêng, Đắc Pét, Chư Nghé, Đức Cơ (Tây Nguyên), Nông Sơn, Minh Đức, Giá Vụt (Khu5) đã trở thành cách đánh truyền thống của pháo binh Tây Nguyên, Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ.

    Điển hình như trận tiêu diệt cụm cứ điểm Nông Sơn ở độ cao 380m, pháo binh Quân khu 5 do ông chỉ huy đã tháo hai khẩu pháo 85, khiêng, kéo lên dãy An Châu Đao cao 420m ngắm bắn trực tiếp vào từng mục tiêu địch. Kết quả, đã phá hủy 38/41 lô cốt và hàng loạt hỏa điểm tiền duyên, chi viện cho Sư đoàn 2 bộ binh tiêu diệt gọn hai tiều đoàn địch, ta chỉ thương vong hơn 10 người.

    Chiến tranh đã lùi xa, những trận đánh lẫy lừng rồi cũng lui dần vào quên lãng dưới lớp bụi thời gian, nên điều làm người ta biết và nhớ đến ông không phải ở tài trận mạc, mà chính là ở đức độ sống chí nghĩa, chí tình. Với tính quảng giao bặt thiệp, ông có tài làm quen, do đó quen biết rất nhiều người, không chỉ là bộ đội mà cả cán bộ Đảng, chính quyền, người dân thường ở những nơi ông từng đóng quân, hành quân qua hoặc có mối quan hệ công tác. Sự quen biết rộng rãi đã giúp ông giải quyết được nhiều việc lúc còn là người chỉ huy trong quân đội và khi về hưu là Trưởng ban liên lạc nhiều hội truyền thống của các đơn vị từ chống Pháp, chống Mỹ, cũng như thời gian làm Trưởng ban liên lạc Họ Tô Việt Nam.

    Ai đã một lần tiếp xúc, đều thấy ở ông một con người sôi nổi, dễ gần, toát lên một tình cảm chân thành, không lấy lòng giả tạo.

    Tuy chỉ có ba năm học chữ nhưng đến nay tuổi đã 82, ông vẫn hết lòng tri ân bẩy thầy giáo cũ, có người chỉ dạy ông mấy tháng vỡ lòng. Ông luôn đến thăm, lúc các thầy còn sống, săn sóc lúc thầy ốm đau, chịu tang lúc thầy qua đời và đến nhà thắp hương tưởng niệm thầy những ngày giỗ tết.

    Với cán bộ đã từng là cấp trên, ông luôn tỏ lòng kính trọng biết ơn và thường xuyên đến thăm hỏi, kể cả những người sau này ở cương vị thấp hơn ông.

    Với cán bộ chiến sĩ dưới quyền, ông hết lòng yêu thương, chăm sóc, dìu dắt và đồng cam cộng khổ cùng anh em.

    Đại tá Hoa Lan, nguyên là Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn 40, Pháo binh Tây Nguyên kể: Cuối năm 1968 trong một lần chuẩn bị trận địa cho pháo, tuy việc đó chỉ là nhiệm vụ của Chủ nhiệm trinh sát, nhưng ông Tô Thuận lúc đó là Trung đoàn trưởng đã đi cùng anh em và như lời ông nói là phải đi ra phía trước mới nắm được tình hình. Khi đi chỉ đem theo 7 ngày gạo. Nhưng gặp địch đổ quân phải vòng tránh nên thời gian trinh sát kéo dài. Tuy đã phải hết sức dè sẻn nhưng trên đường về cũng hết gạo không còn một hạt, anh em phải kiếm rau rừng như: Tầu bay, môn thục, cả khoai ngứa rát họng để nấu cháo ăn trừ bữa. Một lần đồng chí Hoa Lan xem lại trong bồng thấy còn nắm đậu xanh, đã nấu riêng bát cháo để bồi dưỡng cho thủ trưởng. Đến khi anh em quây quần bên nồi cháo khoai ngứa thì Trung đoàn trưởng xách hăng gô cháo đậu đến đổ vào nồi cháo, khuấy đều lên và động viên mọi người: Ăn đi các cậu, ngon đáo để.

    Ông còn có tài, biết khơi dậy và phát huy hết khả năng của cấp dưới. Vì ông sống với anh em hết lòng, nên mỗi người được ông giao nhiệm vụ - do hiểu anh em nên thường được giao đúng người, đúng việc - đều mang hết khả năng, tìm mọi cách khắc phục khó khăn để hoàn thành.

    Từ ngày về hưu, hình như ông lại bận việc hơn lúc đương chức. Ông hầu như đi suốt ngày. Đó là công việc với đồng đội và vì đồng đội. Ông đi thăm người ốm. Ông có mặt trong mọi đám tang của những người quen biết. Do có mối quan hệ rộng rãi nên ông đã giúp đỡ giải quyết chế độ chính sách, quyền lợi vật chất, tinh thần của nhiều cựu chiến binh, từ cán bộ trung cao cấp đến chiến sĩ.

    Chiếc xe ba bánh tự chế của anh thương binh hạng đặc biệt Nguyễn Thanh Sơn (nguyên là chiến sĩ thông tin của Trung đoàn pháo binh 208), cụt cả hai chân đến tận mông, do anh tự lái đã đưa ông đi khắp Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, có lần còn lên tận Điện Biên để làm việc tình nghĩa là hình ảnh đẹp và độc đáo về tình cảm của ông với bạn bè, đồng đội cũ.

    Và từ khi ông về hưu thì khách đến nhà ông cũng đông hơn. Đó là bạn bè đồng chí, cấp trên, cấp dưới đến thăm ông. Nhiều người từ miền Nam ra, từ miền núi xuống, mỗi lần về Hà Nội đều nhớ đến ông.

    Gần đây ông có làm một cuốn hồi ký, cách viết khác thường. Trong đó có khoảng mươi bài do ông tự viết nhưng không nói về ông, mà là những trang viết bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng tổ tiên, dòng họ, quê hương, cha mẹ, thầy giáo xưa và những người chỉ huy cũ. Còn hơn một trăm bài viết là của bạn bè, đồng đội, cán bộ chiến sỹ cũ viết về ông. Chỉ một điều này cũng chứng tỏ ông là người được bạn bè đồng đội yêu mến, kính trọng, mà tình cảm đó lại được thể hiện khi ông đã về hưu, đó là tình cảm thực, tự đáy lòng.

    Nghệ sỹ Vũ Quý, nguyên là chiến sỹ trinh sát Trung đoàn 40, Pháo binh Tây Nguyên, nay là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái đã viết: “Ông đã thương lính như một người mẹ, hiền dịu như một người chị, công bằng như một người anh và thân thiết như một người bạn”.

    Quyển sách dày đến 500 trang, mỗi người một nét, đã vẽ nên chân dung ông, anh bộ đội Cụ Hồ, 45 năm đánh giặc kiên cường và suốt đời nghĩa tình trọn vẹn.

                                                                                                                        Tô Bỉnh