Góp tiếng nói vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc


        Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng hiện là Trưởng ban Đại diện phía Nam - Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (Ảnh TL)

Tác phẩm của ba nhà báo quân đội “Xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên” đã giúp độc giả hiểu thêm về mảnh đất, con người cũng như vai trò quan trọng, nòng cốt của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc xây “cột mốc lòng dân” ở Tây Nguyên. Mới đây, tác phẩm đã giành Giải B- Giải thưởng Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” lần thứ XIII năm 2017-2018.

Tác phẩm “Xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên” gồm ba kỳ: Tây Nguyên hùng vĩ; Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia xây “cột mốc lòng dân”; Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây “cột mốc lòng dân”, do nhóm tác giả: Đại tá - nhà báo Tô Đình Kháng (Trưởng ban Đại diện phía Nam, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân), Đại tá - nhà báo Phan Hồ Đăng (phóng viên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân), Đại tá, nhà báo Nguyễn Đăng Bảy (Trưởng ban Đại diện phía Nam, Báo Biên phòng) đồng thực hiện. Để hiểu thêm về tác phẩm này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Trưởng nhóm tác giả: Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng - Trưởng ban Đại diện phía Nam, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân.

Nhận được giải thưởng ai cũng có những cảm xúc thật đặt biệt, thế còn ông thì sao?

Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng: Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được giải thưởng này và cũng là lần đầu tiên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân có giải thưởng cao như vậy. Chúng tôi rất vinh dự và xúc động vì đã đóng góp tiếng nói chung cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng và toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhóm tác giả đã bắt đầu xây dựng ý tưởng loạt bài: “Xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên” như thế nào, thưa ông?

Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng: Nhóm tác giả nhận thấy “Xây “cột mốc lòng dân” ở đại ngàn Tây Nguyên” thực chất là quá trình khơi dậy, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức tự giác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề có tính quyết định sự thành công của xây “cột mốc lòng dân”. Nếu không dựa vào “lòng dân”, trực tiếp là sức mạnh của “triệu tai, triệu mắt, triệu chân tay” của đồng bào các dân tộc đang định cư ở khu vực biên giới thì nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ không thể hoàn thành.

Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, nhân dân khu vực biên giới là lực lượng thường xuyên, trực tiếp. Những kết quả đạt được của Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chế độ, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, mà còn giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn yên tâm gắn bó với thôn, buôn, với khu vực biên giới. Đây chính là lực lượng đảm bảo hậu cần tại chỗ; nhân tố cơ bản để xây “cột mốc lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới nơi đại ngàn Tây Nguyên. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm tác giả chúng tôi đã xây dựng ý tưởng và chọn loạt bài này.

Nhóm tác giả đã dành kì 1 để nói về “Tây Nguyên hùng vĩ”. Xin ông hãy cho biết rõ hơn về sự hùng vĩ của Tây Nguyên?

Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng: Trong quá trình thực hiện tác phẩm, chúng tôi đã đi dọc đại ngàn Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chúng tôi nhận thấy, Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Về nông nghiệp với 2 triệu héc-ta đất bazan màu mỡ (chiếm đến 74,25% đất bazan cả nước). Rừng Tây Nguyên chiếm hơn 1/3 diện tích rừng của cả nước, có vai trò quan trọng về môi trường, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu. Các cây dược liệu quý được tìm thấy ở đây, mở ra triển vọng cho những vùng sản xuất dược liệu có giá trị thương phẩm cao. Tài nguyên thủy điện nơi đây rất lớn, nhờ địa hình dốc, dòng chảy mạnh, đang được khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả. Tây Nguyên còn có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, âm nhạc, văn hóa ẩm thực độc đáo. Hiện nay, Tây Nguyên lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử cao - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

          Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn, Tây Nguyên đã và đang “thay da, đổi thịt”, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững. Tuy nhiên, còn đó Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức và các nhà báo quân đội tại Lễ trao Giải thưởng báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” lần thứ XIII năm 2017-2018. (Ảnh: NVCC)

Trong sự nghiệp xây dựng “cột mốc lòng dân” ở Tây Nguyên chắc chắn không thể không nhắc đến lực lượng Bộ đội Biên phòng. Tiếp xúc với họ, ông cảm nhận được những điều trân quý gì?

Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng: Trong chuyến đi thực hiện bài viết, tới các buôn làng vùng biên, các đồn Biên phòng, kỷ niệm đẹp để lại trong mỗi chúng tôi đó là hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Các anh hầu như là người xa quê đến từ miền Bắc, miền Trung. Các anh bỏ lại gia đình, vợ con phía sau, đến với Tây Nguyên “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sống” với đồng bào dân tộc. Một năm chỉ có 30 ngày dành cho gia đình, vợ con, còn lại hơn 300 ngày dành cho đồng bào. Có những sĩ quan trẻ 3 năm liền chưa được gặp gia đình. Các anh vẫn chia ngọt, sẻ bùi, hết mình với đồng bào.

Nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới”; “Nâng bước em tới trường”… đã từng bước giúp nhân dân tuyến biên giới Tây Nguyên nâng cao dân trí, phát triển dân sinh. Các lớp học tình thương, phổ cập giáo dục do Bộ đội Biên phòng tổ chức đã giúp hàng ngàn người dân tộc thiểu số đọc thông, viết thạo; nhiều người đã phấn đấu học lên cao hơn, trở thành cán bộ nòng cốt của địa phương. Hiện tại, các đồn Biên phòng đã nhận đỡ đầu 216 học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 22 cháu quốc tịch Lào và Campuchia. 

Nối tiếp sự thành công của tác phẩm này, trong thời gian tới nhóm tác giả có tiếp tục viết bài phản ánh về việc xây dựng “cột mốc lòng dân” tại các khu vực khác?

Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng: Xây “cột mốc lòng dân” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhằm củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường quốc phòng - an ninh. Xây được “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên thực sự vững chắc không chỉ là vấn đề cơ bản, lâu dài, mà còn mang tính cấp bách hiện nay và rất cần sự vào cuộc một cách kiên trì, quyết liệt, hiệu quả của các tổ chức, lực lượng trên địa bàn, trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt.

Ngoài Tây Nguyên, nhóm tác giả chúng tôi dự định phản ánh tiếp loạt bài: “Dựng cột mốc sống trên vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc”. Loạt bài sẽ phản ánh hoạt động của các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát Biển đồng hành cùng Ngư dân, dựng “cột mốc  chủ quyền sống”, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Xin trân trọng cám ơn ông!

                                                 Đoàn Mai (Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam)