Tô Vương, người bạn của tôi


Nhà báo Tô Vương (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà báo Song Hà,Phan Thanh Phong, họa sĩ Thành Chương, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tại triển lãm Nhân Dân - Tranh trên báo cũ (Ảnh TL)

Cách đây năm năm. Áp Tết rồi rét đậm. Tôi tới Báo Nhân Dân thăm Phan Thanh Phong, người bạn thân ở Báo Nhân Dân. Tôi vào phòng đã thấy Song Hà có mặt ở đó. Anh Song Hà cũng là bạn xưa. Hóa ra Phong vừa nhận nhiệm vụ là được Ban Biên tập Báo Nhân Dân giao cho trách nhiệm mới ở tờ Nhân Dân hằng tháng. Phan Thanh Phong mời tôi đến không phải để tán gẫu. Biết tôi thân với họa sĩ Thành Chương, Phong và Hà muốn nhờ tôi làm cầu nối nhờ họa sĩ Thành Chương giúp làm bìa báo Tết. Tôi ủng hộ. Rồi chúng tôi hẹn ngày giờ lên Việt Phủ để gặp Thành Chương.

Chúng tôi cùng lên Việt Phủ sau đó. Xe đón tôi là xe công vụ của Báo Nhân Dân và từ đó một người cao lớn, đẫy đà, song khá nhanh nhẹn bước xuống. Đó là một con người có khuôn mặt đầy đặn, tóc dày, mủm mỉm cười và đôi mắt nheo nheo nửa như thăm dò, nửa như diễu cợt hòa theo nụ cười mủm trên đôi môi khá nét. Bàn tay ấm, cũng đầy đặn. Tôi cảm giác, tay này sẽ chơi được.

- Em là Tô Vương. - Phan Thanh Phong chưa kịp giới thiệu người đàn ông lạ ấy đã cất tiếng. Tất nhiên khi ấy Phong vẫn tiếp lời, thân mật, anh Thọ ơi, đây là sếp trực tiếp của anh Hà và em.

Con đường từ Hà Nội lên Phủ của Thành Chương ở Sóc Sơn không xa cũng chả ngắn để cho tôi và Tô Vương cùng làm quen. Có lẽ Phan Thanh Phong đã giới thiệu khá kỹ về tôi với anh nên xem ra câu chuyện của Tô Vương khá nhịp nhàng dẫn tôi về những tháng năm ác liệt. Tự nhiên tôi kể chuyện những ngày tháng ăn Tết bên Lào, những ngày leo thang gỗ cổ 400 năm lên đánh chiếm cao nguyên Boloven. Tô Vương là người thích đùa, vài chi tiết rất chính xác mà anh vẫn cứ chọc tôi, phản bác và tự nói: "Em chiến đấu bên Lào mãi, xin anh đừng bốc phét". Tính tôi quyết liệt và thẳng căng, nên cứ ra sức phản công lại bằng rất nhiều thí dụ, buộc Tô Vương bộc lộ lịch sử tham gia chiến tranh của anh. Câu chuyện nhờ thế rôm rả. Gần tới Phủ, bấy giờ mới thấy Tô Vương nói giọng nghiêm chỉnh. Anh truyền đạt cho tôi chủ trương đổi mới của Tổng Biên tập Thuận Hữu trong việc làm báo Tết năm ấy và đặc biệt về sự đổi mới của tờ Nhân Dân hằng tháng. Và, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc mời họa sĩ Thành Chương giúp vẽ bìa Tết Báo Nhân Dân năm ấy mà còn là lời mời Thành Chương và tôi tham gia cộng tác vào việc nâng cao chất lượng tờ Nhân Dân hằng tháng. Thành Chương thì đã đành, anh là họa sĩ nổi tiếng ở trong nước. Còn tôi ở hải ngoại, như vậy việc mời tham gia xây dựng phần văn học, một phần rất quan trọng của báo Đảng, chứng tỏ lòng tin của lãnh đạo báo khá mạnh dạn đã đặt nơi tôi, vì thế tuy bảo, để tôi suy nghĩ đã, nhưng quả thực khi ấy, tôi rất vui, coi như tin vui báo trước xuân năm ấy. Rồi xe tới Việt Phủ.

Áp Tết họa sĩ Thành Chương rất bận, anh có bao nhiêu công việc chuẩn bị cho việc đón khách du lịch ở Phủ, lại những bức tranh hẹn hoàn thành cho khách đặt trước Nguyên đán cho họ có cái mừng xuân. Buổi gặp mặt diễn ra hết sức suôn sẻ với sự nhận lời của Thành Chương. Trao đi đổi lại hơn cả hai giờ, mọi người say mê nói về nghề, về việc minh họa và vẽ bìa. Việc Thành Chương nhận lời tôi xác định rất quan trọng bởi anh là một họa sĩ có uy tín và nhiều ảnh hưởng không chỉ ở giới hội họa. Thái độ chân thành của Phan Thanh Phong, mềm mỏng của Song Hà, sự thật lòng cầu thị quý trọng nhân tài ở Tô Vương với những lỗi ràng khúc triết và ngắn gọn đã quyết định rất nhanh việc chúng tôi đồng ý hợp tác và cảm thấy cả trách nhiệm của mình với tờ Báo Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền tối cao của Đảng.

Càng cận Tết, công việc càng gấp gáp. Chúng tôi cùng nhau góp sức cho số đầu tiên của Nhân Dân hằng tháng bộ mới hoàn thành và ít nhiều đóng góp cho tờ Tết Nhân Dân năm ấy. Tôi viết lời bình và biên tập truyện ngắn cho cả hai báo Tết. Do nhiều lý do mà năm ấy cả hai phác thảo bìa Tết của Thành Chương đều không được sử dụng cho Báo Nhân Dân. Việc này làm Tô Vương hơi băn khoăn. Nhưng chính thái độ thật lòng của Tô Vương khi giải thích với Thành Chương, làm họa sĩ không hề tự ái. Chương vui vẻ bảo:

- Mình đã bảo mà, làm bìa cho Nhân Dân không hề đơn giản, khó nhất so với tất cả các tờ báo trên cả nước.

Thành Chương làm nghề hơn 40 năm rồi, anh thừa biết yêu cầu của báo Đảng mà nội hàm họa phẩm đòi hỏi rất cao khi kết hợp giữa chính trị và nghệ thuật. Nhưng quan trọng hơn nữa, là tôi nhận ra cái công tác chính trị như chính trị viên của Tô Vương rất có tình, uyển chuyển, mang hiệu quả cao để thuyết phục đám anh em văn nghệ. Anh đã làm cho người nghệ sĩ cảm thấy được tôn trọng. Lại xuất phát từ trái tim và trách nhiệm chứ không phải sự ứng phó khô cứng để người nghệ sĩ khó vui lòng chấp nhận.

TờNhân Dân hằng tháng bộ mới năm ấy ra số đầu có sức thuyết phục. Tô Vương mệt nhoài trở về nhà sau việc chuẩn bị số báo xuân. Cận ngày Tết, anh rủ tôi vào nghĩa trang Mai Dịch. Tới nơi mới vỡ lẽ đây là ngôi mộ bố vợ cũ của anh. "Năm nào em cũng tới đây để tâm sự với ông". Tôi lặng nhìn Tô Vương cúi gập cái thân hình cao lớn, khuôn mặt u buồn, chắp tay trước mộ bố vợ cũ. Bóng anh nổi bật trên đường chân trời ngược sáng, bóng một người đã luống tuổi trải qua bao nhiêu phong trần, vui buồn của đời người hằn mặt trời vừa bình minh để trong tôi một người cũng vô cùng bôn tẩu nhận ra Tô Vương là một người đàn ông thủy chung với điều thiện, với những khả tín chữ Trung, chữ Thủy, mà con người Việt ngày nay hiếm hoi gìn giữ. Chúng tôi đi trên con đường ra khỏi nghĩa trang, nhịp nhàng như hai người lính. Hôm đó tôi bật ra câu nói ngắn: "Tô Vương này, từ nay tớ càng tin cậu!".

Thời gian trôi đi, ba năm tôi cộng tác làm báo với Tô Vương tận khi anh về hưu. Kỷ niệm cuối với anh thật chưa khi nào phai nhạt. Năm ấy Tô Vương được Tổng Biên tập Thuận Hữu lại giao cho trách nhiệm trong Ban báo Tết. Một ngày anh gọi mời tôi tới phòng anh. Trên mặt bàn nước bày ra một bản thảo của một nhà văn nổi tiếng. Tô Vương nhờ tôi thẩm định truyện ngắn này. Cũng như mọi khi, anh nhẹ nhàng khiêm tốn: "Nhờ anh đọc ngay và cho ý kiến. Em đã đọc nó hai ba lần, song muốn nghe ý kiến của anh". Tôi uống trà sen và hút liền ba, bốn điếu thuốc, đọc đi đọc lại tới ba lần. Tôi lấy bút gạch chân những đoạn chú ý. Xong, tôi nói một mạch. Về văn phong và tư tưởng thật ra không có gì phải bàn, bởi đây là một tác giả có kích cỡ. Nhưng tôi nói thật lòng đây không phải là một truyện ngắn hay, lại có vài chi tiết dễ gây hiểu lầm, quy chụp, nên tôi nghĩ chưa nên in nó. Ngay sau đó, Phan Thanh Phong và tôi đã chọn hai truyện ngắn khác để dự phòng, nếu truyện này không được duyệt. Tô Vương cẩn thận trình lên cả ba truyện ngắn để Ban Biên tập lựa chọn. Quả nhiên Tổng Biên tập Thuận Hữu đã đồng ý duyệt chọn truyện ngắn mà chúng tôi chuẩn bị dự phòng, dù truyện ngắn kia đồng thời cũng được trình lên. Kỷ niệm này khó phai mờ trong tôi, cho tôi thấy một Tô Vương đầy trách nhiệm, biết sử dụng thế mạnh của người khác mà không sợ người ta đánh giá sự cao thấp khi lắng nghe người khác.

Hơn ba năm trời cộng tác cùng Tô Vương, Song Hà và Phan Thanh Phong, chúng tôi cùng nhau chăm chút cho tờ Nhân Dân hằng tháng. Tôi thêm gắn bó và đặc biệt có bao kỷ niệm vui buồn cùng Tô Vương, chia sẻ cả những buồn vui cá nhân, những điều có thể từ đó chiếu dọi vào nhau, tha thứ, nhân ái để được sống sâu sắc hơn. Tôi nhớ, có lần do cách nhau nửa vòng Trái đất, thông tin thiếu, hiểu lầm nhau, tôi giận Tô Vương lắm, lời trách gở nặng nề. Trở về nước gặp nhau, Tô Vương vẫn mềm mỏng chân thành nói chuyện với người bạn lớn tuổi Vương coi như anh. Thái độ ấy làm dịu đi một ngọn lửa hay tự đốt cháy mình. Và, tôi ân hận. Tuy không còn làm báo với anh nữa nhưng đôi khi vẫn tới cái phòng nhỏ thăm Tô Vương, cho cả hai bớt đi sự cô đơn của hạnh phúc cá nhân chả thể kể lể cùng ai.

Năm nào, anh cùng chị gái tôi đi hỏi vợ cho tôi. Vẫn dí dủm mà chân thành, anh thật sự mừng rỡ trong lòng, toát hẳn ra vẻ mặt, nụ cười, đôi mắt suốt cả chuyến đi ăn hỏi ấy làm tôi đỡ căng thẳng.

Cách đây không lâu, tôi biết anh trọng bệnh. Thăm hỏi, anh vẫn cười tự tin lắm, không hề lộ ra sự sợ chết, ngại từ bỏ cõi dương gian này. Cách đây hai tháng lại gặp Tô Vương trong một cuộc ra sách của một bạn chung. Tôi giật mình thấy anh xọp gày vò võ. Thế mà nhìn đôi mặt đầy ưu tư của tôi, Tô Vương vẫn nói, anh đừng lo lắng cho em. Em sẽ qua mà.

Nhìn theo anh dần khuất, lòng tôi nhói đau.

Được tin Tô Vương mất, tôi bật khóc, bởi sao anh ra đi sớm thế. Báo Nhân Dân hằng tháng đã qua năm thứ năm bộ mới, trở thành một ấn phẩm sang trọng, được bạn đọc chú ý với số lượng phát hành lớn. Tết sau, tất cả những ai cùng góp sức xây dựng ấn phẩm này, sẽ không thấy một người đã dốc sức mình trong việc đặt nền móng cho diện mạo phải mới của ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng như bạn đọc mong muốn và Tổng Biên tập báo Thuận Hữu hướng đạo.

Con người có thể có một thiên đường khác nhau; mỗi người có thể tìm cho mình một cách sống! Nhưng tôi có thể công khai nói, tôi tự hào khi quen biết thân thuộc với Tô Vương. Bởi vì người ta thực đáng sống, sống giàu ý nghĩa cho đời sống cá nhân con người ta trên cõi dương gian này, không phải là danh vọng, tiền bạc, mà phải biết sống sao tới cho tận khi đi xa, vẫn để lại những dấu vết sâu đậm, chan chứa ấm áp cái tình, trách nhiệm với đời, trong lòng người khác.

Tô Vương, một con người với tôi là như thế!

Người ta thực đáng sống, sống giàu ý nghĩa cho đời sống cá nhân con người ta trên cõi dương gian này, không phải là danh vọng, tiền bạc, mà phải biết sống sao tới cho tận khi đi xa, vẫn để lại những dấu vết sâu đậm, chan chứa ấm áp cái tình, trách nhiệm với đời, trong lòng người khác.

                                         Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Nhân dân)

)