Nhà văn Tô Ngọc Hiến với những trang viết về mỏ


                         Nhà Văn Tô Ngọc Hiến (1942 - 1998)

Tô Ngọc Hiến là một trong những nhà văn sống và viết tại Vùng mỏ Quảng Ninh, đã có hàng loạt các tác phẩm về đề tài công nghiệp khai thác than và người thợ mỏ. Vừa tròn 20 năm ông giã từ cõi tạm nhưng những trang văn mà ông để lại vẫn còn được nhiều thế hệ thợ mỏ nhắc mãi.

Đơn cử như truyện ngắn “Người kiểm tu” đã phản ánh về người công nhân mỏ trong khí thế của thời kỳ xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Sự giản dị, chân thật nhưng cũng không kém phần trí tuệ cùng với khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế của mình, sự đối lập của sáng và tối, sang và hèn đã được tác giả khắc họa một cách triệt để. Và cuối cùng, chân lý của thế hệ ấy, những người đang làm chủ công trường xưởng máy ấy là nỗi tự vấn lương tâm với cái xấu luôn lăm le đe dọa cái tốt. Nhà văn đã có “con mắt xanh” đi trước thời đại về tệ nạn tham ô, móc ngoặc..., dù là chuyện rất nhỏ như nhà văn nhận định “chưa thể hết những cái bu lông và cả những con người lỏng lẻo...”.

Đó là hiện thực không phải chỉ hôm qua, hôm nay mà nó hiện diện ở mọi thời đại khi con người có lòng tham, luôn muốn mang của cải, vật chất của tập thể về làm của riêng. Sự tư hữu cá nhân của một bộ phận người Việt đã len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, nếu có điều kiện sẽ phát huy. Trong cái dòng chảy của công cuộc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, những loại người đó xuất hiện khá nhiều và làm cho cán cân đạo đức xã hội có phần báo động.

Tuy nhiên, cái tốt, cái thiện luôn lấn át cái xấu, chính vì thế mà chúng ta có được một truyện ngắn hay, một nhân vật hay đại diện cho thời đại ấy với cái tên dung dị chỉ vùng đất than mới có: Người kiểm tu. Cái cụm từ “người kiểm tu” không chỉ dừng lại ở một công việc nghề nghiệp cụ thể của người làm mỏ, mà nó đã nghiễm nhiên như một phép chơi chữ tạo ra sức lôi cuốn đặc biệt của truyện ngắn này. Truyện ngắn “Người kiểm tu” cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội dù ở phạm vi của một tổ sản xuất, một anh công nhân cụ thể thì vẫn sẽ có ngày lây lan thành căn bệnh xã hội...

Nhà văn Tô Ngọc Hiến sống ở mỏ nên có cách khắc họa nhân vật rất sống động. Các truyện như: “Chuyện riêng của chị Bờ”, “Mùa than trôi”, “Mùa hoa sim cuối cùng”... mỗi tác phẩm có vẻ đẹp riêng của người làm mỏ. Các nhân vật được Tô Ngọc Hiến xây dựng đều chân chất, cái chất của người thợ mỏ trung thực, hồn hậu và cũng vô cùng day dứt người đọc về mỗi phận đời, phận người của một xã hội vùng mỏ thu nhỏ. Ở góc này hay góc kia, Tô Ngọc Hiến đều chắt chiu ngôn ngữ giàu hình tượng để khắc họa người Vùng mỏ trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

                                    Một góc vùng mỏ Cẩm Phả

Trong các truyện của Tô Ngọc Hiến, truyện ngắn nào cũng hiện lên vẻ đẹp lấp lánh phẩm chất người thợ. Ông viết như viết về chính mình, viết bằng máu thịt của mình để cống hiến cho bạn đọc hiểu tường tận về những người thợ mỏ chất phác, hồn hậu. Họ dám sống, dám chết vì những điều mà họ đã và đang sống với nhân cách được định hình.

“Hãy cho tôi sống lại” là cuốn tiểu thuyết Tô Ngọc Hiến ấp ủ và kỳ vọng sẽ trở thành một cuốn sách để đời của nhà văn. Khát vọng ấy khiến ông dốc hết tâm sức vào từng con chữ, từng trang bản thảo. Sinh thời, ông vẫn nói với bạn bè văn chương Vùng mỏ, dù đã có nhiều giải thưởng về các truyện ngắn, nhưng khát vọng làm “một cái gì đó” thì ông đặt vào cuốn tiểu thuyết "Hãy cho tôi sống lại". Ông đã viết như một điềm báo trước khi từ giã cõi đời - “trước khi chết phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết tự thuật về đời mình. Và cái vòng luân hồi của cuộc đời mà mình làm thư ký, vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân”. Cuốn tiểu thuyết được ra đời với niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời, cái tốt thắng cái xấu, cái tử tế át cái khốn nạn. Nhân vật chính có học hàm Phó tiến sĩ nhưng cũng đành “thúc thủ” với nghiệp làm mỏ đầy say mê nhiệt huyết của mình, mong muốn được góp một phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Vùng mỏ trở thành lạc lõng giữa cuộc sống bộn bề của cơm ăn, áo mặc, của sự ti tiện.

Mỗi tác phẩm viết về mỏ, về người thợ mỏ, Tô Ngọc Hiến đều dồn sức viết một cách say mê, không lệ thuộc vào bất cứ khuôn mẫu nào. Ông dốc hết lòng cho tình yêu với những người thợ mỏ. Họ hiện ra dưới ngòi bút của Tô Ngọc Hiến với vẻ đẹp cao khiết và bề thế của một vùng công nghiệp than sôi động nhất nhì miền Bắc.

Cho đến bây giờ, những tác phẩm và hệ thống nhân vật người ở mỏ, Vùng mỏ của ông vẫn còn nguyên giá trị nóng hổi của cuộc sống, những giá trị về nhân tình thế thái hôm nay, dù nó có biến thiên theo dạng thức nào...


                                                    Nhà văn Vũ Thảo Ngọc