Mẹ hiền của trẻ khuyết tật


           Cô giáo Tô Thị Hương hướng dẫn kỹ năng cho trẻ đặc biệt

Cô giáo Tô Thị Hương sinh năm 1988, ở khu phố Mới, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; được nhiều người biết đến là cô giáo - chủ cơ sở dạy trẻ khuyết tật đầu tiên trên địa bàn huyện.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), cô Tô Thị Hương tham gia dạy kỹ năng sống, cho học sinh tiểu học ở Hà Nội. Năm 2012, cô tiếp tục học lên thạc sĩ, chuyên ngành công tác xã hội và đến với nghề dạy trẻ đặc biệt. Năm 2016, trong thời gian nghỉ chế độ thai sản ở quê, thấy một số bạn bè có con mắc chứng tự kỷ phải xuống Thành phố Bắc Giang để học, nên cô nhận trợ giúp 2-3 cháu. Cháu nào được cô dạy dỗ cũng tiến bộ nhanh chóng. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh ở các huyện lân cận đến đặt vấn đề nhờ cô trợ giúp. Học sinh ngày càng đông, cô đã dành cả tầng một với diện tích gần 100 m2 đầu tư trang thiết bị, ngăn phòng học dạy trẻ. Đồng thời xin cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập Cơ sở trợ giúp trẻ đặc biệt Sao Mai. Cô tìm thêm một số người bạn cùng chuyên ngành, có tâm huyết để phối hợp cộng tác dạy trẻ.

Cô Tô Thị Hương chia sẻ, dạy trẻ mắc chứng tự kỷ khá phức tạp. Giáo viên cần có giáo án cụ thể, chi tiết về nội dung. Đặc biệt, phải gần gũi các cháu để hiểu rõ hơn sở thích, điểm mạnh, yếu của từng em từ đó lựa chọn phương pháp phù hợp. Mỗi cháu mắc bệnh khác nhau như: Rối loạn về nhận thức, ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc… nhưng cô luôn tận tâm, kiên trì dạy bảo để giúp học sinh sớm hòa nhập cộng đồng. Ví như, đối với trẻ chậm nói, nhút nhát, cô tăng cường giao tiếp với trẻ nhiều hơn, kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể lẫn lời nói, đồng thời thường xuyên gọi tên trẻ, giúp các em học cách biểu cảm ý muốn của mình phù hợp. Nếu trẻ có yêu cầu gì mà chỉ ra hiệu, không nói thì nhất quyết không đáp ứng yêu cầu mà cố để trẻ nói lên ý muốn của mình. Cách làm này đã giúp trẻ tiến triển tốt. Chị Trần Thị Lan, xã Minh Đức (huyện Việt Yên, Bắc Giang) phấn khởi cho biết, con chị bị chậm nói và ngọng, nghe mọi người giới thiệu, hằng ngày chị đều đưa cháu đến để cô Hương giúp đỡ. Sau hơn hai tháng theo học, cháu đã có thay đổi rõ rệt.

Được biết, hiện cơ sở giúp trẻ đặc biệt Sao Mai hiện có 19 cháu mắc chứng tự kỷ trong và ngoài huyện đang theo học.

                                          Thanh Tâm(Bắc Giang)