Người Anh hùng huyền thoại trong trận chiến Điện Biên


                      Anh hùng Tô Vĩnh Diện (Ảnh tư liệu)

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, một trong ba anh hùng không chỉ góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của trận đánh, mà còn là tấm gương hy sinh ngời sáng về tinh thần gan dạ, kiên cường. Sự hy sinh của anh đã trở thành bất tử trong lòng Nhân dân, được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, vinh danh. Tô Vĩnh Diện - người Anh hùng quên thân mình cứu pháo lăn xuống vực sâu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy.

Chèn lưng cứu pháo

Cho đến bây giờ sau 66 năm kể từ ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hình ảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo vẫn mãi kiêu hùng đẹp đẽ. Dẫu đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh quên mình vì dân tộc. Dẫu đã khắc sâu trong tâm khảm của thế hệ người Việt về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ của thế kỷ XX. Song, không phải ai cũng tường tận chuyện Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh trong trận chiến đấu khốc liệt ngày ấy thế nào?

66 năm trôi qua, chính sử vẫn còn nguyên vẹn chuyện Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo được ngợi ca, truyền tụng, mang thông điệp của khát vọng hòa bình, đại diện cho triệu triệu người dân đất Việt vào giữa thập kỷ 50 của thế kỷ trước.

Ngày ấy, để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, cùng với các loại vũ khí như DKZ-82, B10, P40, P41, và các loại súng bộ binh như đại liên, tiểu liên AK, thì hai khẩu pháo lựu loại 105mm và cao xạ 37mm được quyết định đưa đến chiến trường. Nhưng đưa pháo vào trận địa bằng cách nào vừa bảo đảm an toàn bí mật, vừa kịp thời gian khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu là cả một kế hoạch hành quân gian khổ. Trong khi đó lực lượng ta mỏng, địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu, rừng rậm chằng chịt và liên tục bị quân địch trinh thám dò la kiểm soát bằng không quân. Trước tình hình ấy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định: “Huy động lực lượng tại chỗ, kéo pháo vào trận địa bằng sức người, hành quân ban đêm, bảo đảm tuyệt mật”. Hai khẩu pháo hạng nặng loại 105mm và cao xạ 37mm do Liên Xô sản xuất lúc đó được coi là “gia bảo quốc gia” khẩn trương được chằng dây, ngụy trang cho cuộc hành quân bí mật. Sau 3 ngày vận chuyển từ Tuần Giáo, Lai Châu, trưa ngày 16/1/1954, hai khẩu pháo được tập kết tại ki-lô-mét 63, đường 42.

Cuộc hành quân bắt đầu từ đêm 16/01/1954. Với tinh thần quyết tâm “bằng sức người, đưa pháo vào trận địa”, các chiến sĩ Điện Biên và công binh sử dụng dây thừng, dây dù, dây rừng tại chỗ để kéo pháo. Có chỗ phải vượt qua núi cao 1.450m, kéo pháo lội qua dòng suối chảy xiết do nước mưa rừng đổ về. Mặc cho trời rét căm căm, mặc cho núi cao, đèo dốc, vực thẳm, rừng chằng chịt, các chiến sĩ Điện Biên vẫn kiên cường kéo pháo. Tất cả không ai chùn bước.


Khẩu pháo 37mm gắn với câu chuyện anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo hiện trưng bày tại bảo tàng Phòng không - Không quâ (Ảnh Thành An).

Trước tình hình phòng ngự kiên cố của địch, để thay đổi chiến thuật cách đánh, ngày 26/01/1954, Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ  “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra. Đơn vị của anh Tô Vĩnh Diện được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại bản Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.

Ngày 01/2/1954, đơn vị anh trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối. Anh cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, thì bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Pháo mất đà lăn qua chèn. Chiến sĩ pháo thủ Lê Văn Chi bị càng pháo hất xuống vực. Pháo tiếp tục mất đà trôi dần về phía sau. Trước tình thế nguy kịch ấy, anh Tô Vĩnh Diện đã dùng sức cố đẩy để càng pháo đâm vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng Tô Vĩnh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Giây cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, nhưng không kịp. Trước khi hy sinh, câu cuối anh hỏi đồng đội: “Pháo có việc gì không?”

Thân thế người Anh hùng

Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình làm nông. Cha ông là Tô Uy - một bần nông 5 đời trong làng Dược Khê. Anh là con trai đầu của gia đình. Do gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn, nên từ năm 8 tuổi, Tô Vĩnh Diện đã phải đi ở, lớn lên làm tá điền cho nhà địa chủ ở làng bên. Khi Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương năm 1946, Vĩnh Diện tham gia cách mạng và dần trở thành Chỉ huy dân quân ở địa phương. Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, anh bị những người nổi loạn bắt giữ. Sau đó, anh được giải cứu và chính thức nhập ngũ trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.


Địa hình kéo pháo bằng tay của anh hùng Tô Vĩnh Diện được mô phỏng lại (Ảnh tư liệu)

    Trước khi hy sinh, anh được cấp trên tin tưởng cho sang Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để huấn luyện loại súng lựu cỡ nòng 37mm. Trong thời gian huấn luyện, anh được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 7/5/1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956. Hiện nay, mộ anh Tô Vĩnh Diện nằm ở khu đặc biệt của Nghĩa trang Điện Biên, cùng với mộ của 3 anh hùng nổi bật khác trong trận Điện Biên Phủ là Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Một bia tưởng niệm cũng được dựng lên gần vị trị đường kéo pháo nơi anh hy sinh.

Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 sau đó tiếp tục được đưa vào tham chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 chiếc khác. Năm 1958, khẩu pháo được đưa về trưng bày tại Phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Phòng không, nay là Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân. Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận khấu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 là Bảo vật quốc gia đợt 1.

66 năm đã trôi qua, hành động chèn lưng cứu pháo của Anh hùng Tô Vĩnh Diện mãi mãi khắc sâu vào tim những người lính Cụ Hồ và những người đang sống. Đối với thế hệ trẻ ngày nay, hành động dũng cảm của anh như một “cú hích” về sự xả thân hy sinh. Nó sống mãi với thời gian, tươi mới về tinh thần cống hiến và vẹn nguyên giá trị quên mình vì Tổ quốc.

                                                      Mai Thắng (Sóc Trăng)

 Để đưa hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm vào trận địa Điện Biên Phủ, vừa bảo đảm bí mật an toàn, vừa không để pháo lăn xuống vực sâu, các chiến sĩ Điện Biên đã dùng sức người kéo pháo vượt qua núi cao, đèo thẳm. Không để pháo tuột dốc, Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn bánh pháo. Anh đã dũng cảm hy sinh ở rừng Pá Có, sườn phía Tây Pha Sung, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.