Ông Tô Phong - Một nông dân cần cù sáng tạo


Ông Tô Phong (áo trắng) trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp với nhân dân

Trong thời gian qua, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm trên địa bàn Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đã xuất hiện những tấm gương nông dân cần cù sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình. Trong đó ông Tô Phong ở ấp 1, xã Tắc Vân là một trong những điển hình.

Ông Tô Phong được xem như là người tiên phong và thành công trong việc áp dụng chế phẩm sinh học, trong nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với khoảng hơn 1ha đất nông nghiệp, thay vì sử dụng phương pháp nuôi tôm truyền thống hay gặp dịch bệnh và năng suất tôm rất thấp, qua nghiên cứu sách báo ông đã sưu tầm các cây thuốc nam, nghiên cứu chế biến thành chế phẩm sinh học, theo phương pháp bổ sung thêm các loài vi khuẩn có lợi, để loại trừ các vi khuẩn có hại trong ao nuôi. Từ đó con tôm mau lớn, ít bị bệnh, tôm thương phẩm sạch không có dư lượng thuốc kháng sinh nên giá bán ra cũng cao hơn. Liên tiếp trong nhiều năm qua vụ tôm nào gia đình ông cũng trúng lớn, không bị rủi ro, ước tính mỗi vụ tôm nuôi gia đình thu lời trên 300 triệu đồng. Ông Tô Minh Quang - Phó ban nhân dân Ấp 1 xã Tắc Vân, Thành phố Cà Mau cho biết: “Mô hình nuôi tôm của ông Tô Phong, nuôi tôm bằng công nghệ tự chế biến các sản phẩm thuốc nam làm cho môi trường tôm rất là tốt, chi phí thấp, mà sản phẩm tạo ra con tôm sạch giá bán ra cao hơn so với người ta nên hiệu quả cao”.

Hiện nay, nhiều cơ sở nuôi tôm vẫn đang sử dụng các loại kháng sinh và hóa chất xử lý môi trường mạnh để phòng và trị bệnh cho tôm, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn thực phẩm. Mô hình nuôi tôm công nghiệp chuyển sang sử dụng các chế phẩm sinh học bằng cây thuốc nam thay cho hóa chất và kháng sinh trong nuôi tôm của gia đình ông Tô Phong đạt hiệu quả tốt, không những giải quyết được vấn đề môi trường mà còn tạo ra tôm sạch, không kháng sinh, đồng thời hạ giá thành sản phẩm mở ra hướng sản xuất bền vững cho người dân địa phương. Ông Tô Phong chia sẻ: “Nói chung nuôi tôm bằng phương pháp áp dụng chế phẩm sinh học thuốc nam trong quá trình nuôi thì chi phí thấp, thứ hai con tôm phát triển nhanh, khỏe mạnh, rất ít khi bị bệnh, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giúp đỡ để mọi người cùng thành công”.

Ông Tô Phong cho biết thêm, thực hiện mô hình này, không sử dụng kháng sinh, hóa chất xử lý môi trường trong suốt quá trình nuôi tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Sử dụng chế phẩm sinh học để cho tôm ăn và xử lý môi trường nhằm đảm bảo chất lượng nước, môi trường nuôi thủy sản, thức ăn tự nhiên trong ao phát triển mạnh sẽ làm giảm chi phí thức ăn. Phân hủy chất hữu cơ trong nước, chất thải đáy ao nuôi bổ sung hệ vi sinh vật có lợi, tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi. Tăng cường sức khỏe, tăng khả năng kháng bệnh cho tôm giúp tôm ăn và tiêu hóa tốt hơn. Giảm thiểu sự hình thành tảo, chất hữu cơ dư thừa và chất thải, giảm thiểu mùi hôi tanh của chất thải, nước ao nuôi, giảm tỷ lệ phát sinh bệnh trên tôm, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay đã có khá nhiều hộ nông dân đến tham quan, học hỏi để nhân rộng. Ông Dương Thái Đông Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tắc Vân nói: “Mô hình nuôi tôm của ông Tô Phong đạt hiệu quả kinh tế rất là cao, xã đã tổ chức cho bà con nông dân đến tham quan học hỏi và nhiều hộ đã áp dụng thành công mô hình này”.

Ngày nay trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng đã xuất hiện ngày một nhiều những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, họ là những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng sẵn có tại địa phương, mạnh dạn ứng dựng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tấm gương cần cù lao động, sáng tạo như  ông Tô Phong là một trong những điểm hình của người nông dân trong thời đại mới, chung tay góp sức  vì mục tiêu nông dân giàu, nông thôn mạnh.

                                         Ninh Hải (Thành phố Cà Mau)