Đồng chí Tô Ký - Danh tướng nghĩa khí, anh hùng của quân và dân Nam Bộ


Chân dung đồng chí Tô Ký

Hóc Môn là một quận thuộc tỉnh Gia Định, ở ngoại ô sát Sài Gòn, là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh chống đế quốc phong kiến. Đây là quê hương cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mười Tám thôn Vườn Trầu, giết đốc phủ Ca. Từ khi có Đảng lãnh đạo, Hóc Môn trở thành điểm mấu chốt quan trọng trong “vòng đai đỏ” vây quanh Sài Gòn, là nơi Trung ương Đảng đóng cơ quan an toàn suốt hàng chục năm, Hóc Môn - Bà Điểm đã viết lên những trang hào hùng Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Tất cả các xã trong quận Hóc Môn đều được gọi là “xã pháo đài”, có chi bộ, có nông hội, có du kích từ sau ngày lịch sử thành lập Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.

Tô Ký sinh năm Mậu Ngọ 1918, nhưng khai sinh năm 1919, trong một gia đình nông dân nghèo, học hết tiểu học, đồng chí phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Với bản tính cần cù, hiếu học, đồng chí vừa làm ruộng, vừa học chữ Hán để mong theo nghề thầy thuốc. Cha đồng chí Tô Ký là Tô Nếp, tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 tại xã Bình Lý và bị thực dân Pháp bắt giam ở xà lan cùng nhiều người khác, sau đó, địch đục xà lan nhận chìm trên sông Sài Gòn, mất tháng 5 năm 1941, được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ. Khi cha mất, đồng chí đang bị giam cầm trong nhà tù của địch.

Năm 16 tuổi, được sự giác ngộ của tổ chức và gia đình, đồng chí Tô Ký tham gia cách mạng. Trong những năm 1935 - 1936, hàng ngày đồng chí lao động một buổi, một buổi làm việc cho chi bộ Đảng với công việc là đọc báo chí cách mạng cho các đồng chí và những người chưa biết chữ nghe, viết khẩu hiệu, viết băng rôn để tuyên truyền. Sau đó, đồng chí Tô Ký hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ tại xã Bình Lý, tham gia Hội tương tế ái hữu. Do hoạt động tích cực, có hiệu quả và lập thành tích xuất sắc nên tháng 4 năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 12 năm 1937, được công nhận là đảng viên chính thức. Năm 1938, là Chi ủy viên - Tổng ủy viên tại Hóc Môn.

Từ tháng 7 năm 1939 đến tháng 3 năm 1945, đồng chí Tô Ký bị giặc bắt giam tù đày 2 lần. Lần một khi rải truyền đơn kỷ niệm đại cách mạng Pháp 1789, bị kết án 1 năm tù ở và 3 năm biệt xứ, nhưng đến tháng 2 năm 1941, đồng chí vượt ngục cùng 7 đồng chí khác là Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Châu Văn Giác, Trần Văn Kiết, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, Hoàng Văn Đức tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4 năm 1941 bị bắt lần thứ hai. Đến tháng 3 năm 1945, đồng chí tổ chức vượt ngục lần nữa. Trong thời gian bị tù đày, đồng chí Tô Ký đã tham gia học văn hóa, học chính trị và triết học, học chủ nghĩa Mác - Lênin, học lý luận cách mạng tư sản dân quyền, học thêm tiếng Pháp, tiếng Hoa; đồng thời, đồng chí cũng đã tiếp xúc và cảm hóa được nhiều người thuộc các tôn giáo và đảng phái khác như đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo, giới báo chí… Chính điều đó đã tạo được mối quan hệ thuận lợi cho công tác sau này.

Sau khi vượt ngục lần hai trở về, đồng chí Tô Ký bắt liên lạc với Tỉnh ủy Gia Định, được bổ sung vào Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách quân sự. Đồng chí đã trực tiếp vận động xây dựng lực lượng tự vệ, tham gia xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng đoàn thể và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, sau khi giành chính quyền ở Gia Định, đồng chí cùng một số đồng chí ở Gia Định - Hóc Môn dẫn đầu đoàn biểu tình kéo vào nội đô Sài Gòn, tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp có sự hỗ trợ của quân Anh nổ súng tiến đánh trụ sở của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ và các công sở của ta ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Được giao nhiệm vụ làm Ủy viên Quân sự Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, trước tình thế hiểm nghèo, đồng chí Tô Ký cùng đồng đội ở mặt trận Tây Bắc chỉ huy các lực lượng tự vệ Gia Định tổ chức chiến đấu, ngăn chặn quân Pháp mở rộng tiến công ra các tỉnh, tham gia lập Ủy ban kháng chiến để lo việc quân sự, phá hoại giao thông, đặt vật cản, đào chiến hào để chặn đường tiếp tế của địch và gấp rút chuẩn bị các mặt khác cho kháng chiến.

Năm 1946 là Chi đội trưởng của Chi đội 12 - Trung đoàn 312 Vệ quốc đoàn, đồng chí Tô Ký đã lãnh đạo lực lượng bám đất, bám dân, xây dựng, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Gia Định. Từ sự đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức xây dựng Đảng trong bộ đội, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự nhạy bén, năng động, sáng tạo của đồng chí Tô Ký, tỉnh Gia Định tổ chức được nhiều đội tự vệ chiến đấu và du kích. Đây mới thực sự là lực lượng vũ trang trung kiên của Đảng, do Đảng lãnh đạo, là con em của dân và chiến đấu vì nhân dân. Đồng chí Tô Ký cũng là người có công sáng tạo các cách đánh địch, đồng thời trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy bộ đội chiến đấu rất dũng cảm. Điển hình là các trận đánh cuối tháng 11 năm 1945 chống địch hành quân càn quét ra vùng Mỹ Hạnh; trận đánh tiêu diệt bót cầu Bà Hồng, làng Bình Nhị, Hóc Môn ngày 4 tháng 2 năm 1946; trận chống địch càn vào căn cứ của ta ở Tân Mỹ, Bình Lý ngày 8 tháng 4 năm 1946; trận phục kích địch ở Tân Hòa ngày 15 tháng 4 năm 1946; trận chống 2.000 quân Pháp tiến công căn cứ Tân Mỹ ngày 14 tháng 10 năm 1946… Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, bộ đội tích cực giúp đỡ và hướng dẫn nhân dân sơ tán phòng tránh địch tiến công, làm hầm bí mật, đào địa đạo chiến đấu. Nhân dân Gia Định rất tin tưởng và ủng hộ bộ đội cả tinh thần và vật chất, khuyến khích con em tòng quân. Lực lượng vũ trang của tỉnh, của Chi đội 12 từng bước củng cố, phát triển.

Đầu năm 1947, đồng chí Tô Ký là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 312; giữa năm 1947, làm Phó Tư lệnh Khu 7; năm 1949 là Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn gồm hai tỉnh Sài Gòn và Chợ Lớn; từ năm 1947 đến năm 1950, đồng chí kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Gia Định Ninh. Từ năm 1950 đến năm 1952 là Phó Tư lệnh miền Đông Nam Bộ kiêm Tỉnh đội trưởng, Chính trị viên tỉnh Gia Định Ninh. Tháng 10 năm 1951, do đồng chí Phạm Văn Chiêu chuyển sang công tác khác, đồng chí Tô Ký được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Cuối năm 1952, đồng chí về Trung ương - Tổng Quân ủy học.

Vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ, đồng chí Tô Ký hết sức chăm lo xây dựng lực lượng quân giới để tự bảo đảm vũ khí chiến đấu, phát động phong trào lấy súng giặc để trang bị cho ta, dựa vào dân và tăng gia tự túc để thực hiện việc bảo đảm hậu cần, chăm lo việc giáo dục, huấn luyện bộ đội, đặc biệt là tổ chức đào tạo thiếu sinh quân. Ở độ tuổi ngoài 20, trong đồng chí đã sớm nảy nở tư duy quân sự, hành động quân sự mang tính chất chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân quả là hiếm có lúc bấy giờ.

Năm 1954, đồng chí Tô Ký làm Trưởng đoàn Liên hiệp chuyển quân (thuộc miền Đông và miền Tây Nam Bộ). Với sự nhanh nhạy xử lý tình huống cùng với việc thông thạo tiếng Pháp, đồng chí đã ngăn chặn được tên quan năm Pháp phá rối đội hình bộ đội ta khi xuống tàu tập kết ra Bắc và được bộ đội ta tặng thêm một biệt danh là “quan mười Việt Minh”. Năm 1955, đồng chí là Trưởng Phòng Giao thông quân sự Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1957, là Chính ủy kiêm Tư lệnh Sư đoàn 338. Năm 1962, là Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương. Đầu năm 1965, là Giám đốc Trường Chính trị Trung Cao, sau đó là Phó Chánh án Tòa án tối cao. Đầu năm 1966, đồng chí trở về Nam làm Chính ủy Quân khu 7. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn là một tấm gương sáng về nhiệt tình cách mạng, về ý thức trách nhiệm, tác phong công tác, về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu III) được giao nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng như: sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; hết lòng dốc sức tăng cường lực lượng cho miền Nam; xây dựng lực lượng ba thứ quân… Từ năm 1967 đến tháng 10 năm 1975, trên cương vị làm Phó Chính ủy, Chính ủy Quân khu Hữu Ngạn, đồng chí Tô Ký đã có đóng góp quan trọng vào bảng vàng thành tích của Quân khu: bắn rơi 1.524 máy bay các loại, tuyển chọn 1,2 triệu thanh niên nhập ngũ, xây dựng và chi viện cho miền Nam 5 sư đoàn, 29 trung đoàn, 1.026 tiểu đoàn… Quân khu được Quân ủy Trung ương biểu dương là “Đoàn kết, nghiêm chỉnh, sáng tạo, chi viện hết lòng cho tiền tuyến, chiến đấu dũng cảm, xây dựng lực lượng tốt, xây dựng hậu phương vững mạnh”.

Từ tháng 11 năm 1975 đến tháng 11 năm 1978, đồng chí Tô Ký làm phái viên Tổng cục Chính trị công tác tại phía Nam. Từ tháng 12 năm 1978 đến năm 1988, đồng chí công tác ở Tổng cục Dầu khí. Sau đó nghỉ hưu và tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh khóa I.

Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác đầy gian lao, thử thách, đồng chí luôn thể hiện lòng kiên trung với nước, tận hiếu với dân, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II.

Về Đảng, đồng chí đã được cử giữ các chức vụ: Chi ủy viên, Tổng ủy viên quận Hóc Môn, Bí thư Đảng ủy, Thường vụ Tỉnh ủy Gia Định Ninh, Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Ninh, Thường vụ Quân ủy Sài Gòn, Thường vụ Khu ủy Khu 7, Khu ủy miền Đông, Phó Bí thư và Bí thư Quân khu ủy Hữu Ngạn.

Cuộc đời của đồng chí Tô Ký gắn liền với quê hương có truyền thống cách mạng kiên cường của Hóc Môn - Bà Điểm, của Củ Chi đất thép thành đồng. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí Tô Ký đã trở thành một trong những thủ lĩnh quân sự đầu tiên nổi tiếng ở Nam Bộ, đã thu phục nhiều hảo hán giang hồ có tinh thần yêu nước vào thời kỳ “hỗn quân, hỗn quan” để đương đầu với thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Đồng chí Tô Ký cùng người đồng đội chí thiết là Thượng tướng Trần Văn Trà (Tư lệnh Quân giải phóng) thành lập và chỉ huy lực lượng vũ trang đầu tiên ở Nam Bộ do Đảng Cộng sản lãnh đạo: Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa; rồi tận tình giúp đồng chí Nguyễn Bình - phái viên quân sự của Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang Nam Bộ.

Trong suốt chặng đường dài chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đồng chí đã chiến đấu ở nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của miền Đông Nam Bộ và chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy ở nhiều đơn vị như: Chính ủy Quân khu VII, Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Ninh, Chính ủy Quân khu III, Giám đốc Trường Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án Tòa án tối cao, đại biểu Quốc hội khóa II…

Trên 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, được trui rèn trong bão táp cách mạng, đồng chí có nhãn quan chính trị của người cộng sản, cảnh giác trước những luận điệu của kẻ thù, quan tâm theo dõi tình hình trong nước, tình hình thế giới, có chính kiến rõ ràng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân tình, không nể nang, né tránh. Kể cả khi đang đảm nhận chức vụ cao trong quân đội, trong chính quyền, cũng như khi trở về đời thường, đồng chí luôn quan tâm, gặp gỡ thương bệnh binh trong các trại an dưỡng, học sinh miền Nam trên đất Bắc, những gia đình chính sách, dân thường. Với khả năng và uy tín của mình, đồng chí đã giúp đỡ giải quyết đến nơi đến chốn nhiều trường hợp khó khăn, oan ức. Đồng chí luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng cao đẹp của người cán bộ đảng viên cộng sản, sống có nghĩa, có tình, sau trước vẹn toàn, được đồng bào, đồng chí, đồng đội, bạn bè tin yêu, mến phục. Nhà báo Phan Phú Đăng đã có bài ca ngợi: “Tướng Tô Ký, vị Anh hùng kiên trung, nghĩa hiệp”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nêu: “Tô Ký là một con người độc đáo từ sự nghiệp đến tính cách”, đối với gia đình họ hàng, đồng chí là một con người thủy chung, hiếu thảo, mẫu mực, làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Với những cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng nước ta, Thiếu tướng Tô Ký đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

Tại quê hương Hóc Môn, tên đồng chí vinh dự được đặt tên đường Tô Ký chạy dài từ phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12 đến trung tâm huyện Hóc Môn và Trường Trung học cơ sở Tô Ký tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh