Tác giả “Nụ cười sơn cước” rất ít… cười


Nhạc sĩ Tô Hải (24/ 9/1927– 11/8/ 2018)

Nhạc sỹ Tô Hải tác giả của bài hát nổi tiếng “Nụ cười sơn cước” là một người trầm tư, nghiêm nghị, có vẻ ngoài lạnh lùng, thậm chí khó gần. Chẳng cứ gì bây giờ, tuy ông luôn hết lòng sống rất tình cảm, nồng hậu với bè bạn, nhưng hiếm khi thấy một nụ cười trên môi ông.

Dân tộc Mường chiếm một tỉ lệ dân số khá đông trong các dân tộc ở miền núi phía Bắc nước ta và có bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng có lẽ rất nhiều người biết đến và thêm yêu những bản Mường, chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình là từ một bài hát nổi tiếng “Nụ cười sơn cước” của nhạc sĩ Tô Hải.

Các anh bộ đội thời kháng chiến chống thực dân Pháp không ai không biết bài hát này. Mãi tới tận hôm nay và chắc chắn về sau nữa, bài hát vẫn được tuổi trẻ ưa thích, say sưa hát: “Ai về sau dãy núi xanh lơ nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ, hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trong, một chiếc vòng sáng long lanh với nụ cười nàng quá xinh…”. Bài hát có giai điệu rất ngọt ngào, duyên dáng, điệu đà với tiết tấu khoan thai, uyển chuyển của nhịp van-xơ ngay lần đầu tiên nghe đã khiến người ta phải chú ý, rồi nhanh chóng yêu thích, đam mê. Một chút bâng khuâng, man mác, diễn tả một cảm giác xao động của trái tim non trẻ lần đầu tiên biết yêu, nhưng mới chỉ thầm kín, cất giấu ở trong lòng mà chưa thể ngỏ, trao. Cảnh, tình vừa rất thực lại có chút hư ảo, diễn tả sinh động tâm trạng tác giả - khi ấy là một chàng trai tiểu tư sản người Hà Nội, xếp bút nghiên, khoác balô lên đường kháng chiến.

Nhạc sĩ Tô Hải đã rất say sưa kể cho tôi nghe “đầu đuôi xuôi ngược” việc viết nên bài hát này: “Năm 1947, mình đóng quân ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Tình cờ quen biết một cô gái Mường tên là Phẩm. Vừa mới giao lưu chút ít rồi lại phải theo đơn vị ra đi. Cái lúc “người lên ngựa, kẻ chia bào” cũng khá bịn rịn. Thế là mình mang theo hình ảnh người con gái ấy trên khắp các nẻo đường chinh chiến. Rồi sáng tác nên bài “Nụ cười sơn cước”.

Có chuyện vui mình kể cậu nghe: “Sau ngày hòa bình lập lại, vào khoảng năm 1957, 1958 gì đó, mình không nhớ rõ, đang sống với vợ, con ở 26 B phố Huế, bỗng một ngày có hai người, một nam, một nữ xuất hiện trước cửa nhà. Đó chính là cô Phẩm cùng người anh ruột đã lặn lội từ Hòa Bình về Thủ đô tìm mình. Thì ra khi bài hát lan truyền, nghe được, Phẩm đinh ninh tình yêu sẽ khiến mình chờ đợi, về tìm mình với hy vọng nối lại duyên xưa. Thấy mình đã có gia đình, người anh trai cô Phẩm nói: “Anh lấy vợ rồi à, thế thì còn nước non gì nữa”…

Nghe câu chuyện trên, tôi mạo muội hỏi người nhạc sĩ đàn anh: “Thì đúng rồi còn gì nữa. Sao anh không nối tiếp liên lạc sau đó để duy trì mối tình để người ta chờ đợi, mà những mười năm? Anh có chút ân hận gì không về “kỷ niệm” này?”. Ông khẽ động đậy làn môi, nhoẻn miệng chút xíu để nói: “Cậu tính, đã có gì đâu, mới chỉ quen biết mình sao dám ngộ nhận được. Vả lại, mình cho rằng, họ quý bộ đội, tình quân dân mà, chứ sao có thể có tình ý gì, bọn mình chỉ có chiếc balô với khẩu súng, nay đây mai đó, khi ấy mới trên 20 tuổi, nào đâu dám nghĩ chuyện xa xôi. Nên chẳng thể cho rằng mình phụ tình được. Nhưng dẫu sao mình cũng rất ái ngại, băn khoăn cho cô Phẩm. Thế là mười năm chờ mình. Qua đây, mình hiểu thêm được phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Mường…”. Tôi lại hỏi Tô Hải: “Thế sau đó bà xã anh có biểu hiện gì không?”. Trả lời: “Chỉ lấy làm thú vị, càng hiểu và càng quý mình thôi”.

20 tuổi viết được bài hát để đời, liên quan đến một nụ cười! Quả là một tài năng hiếm có. Nhưng ở Tô Hải, tôi thấy ông có một điều lạ. Bắt đầu nổi tiếng từ rất trẻ, nổi tiếng bằng… “nụ cười”. Chẳng cứ gì bây giờ, tuy ông luôn hết lòng sống rất tình cảm, nồng hậu với bè bạn, nhưng hiếm khi thấy ông cười. Mà ngay từ thời trẻ hình như cũng như thế. Tôi nhìn cả chục tấm ảnh ông chụp thời trai trẻ chẳng tấm nào ông cười. Ngay cả tấm ảnh chụp ông cùng mấy nhạc sĩ khác trong lớp học bồi dưỡng âm nhạc đầu tiên do hai nhạc sĩ Triều Tiên dạy. Rồi khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong khi mọi người vui tươi hơn hớn thì ông cứ trầm tư, nghiêm nghị, vẻ mặt khó đăm đăm.

Ai mới tiếp xúc với ông thì rất ngại, cảm thấy khó gần. Từ người bình thường đến người nổi tiếng, ngay cả khi họ tỏ rõ sự ngưỡng mộ một số tác phẩm của ông, Tô Hải cũng chỉ đáp chuyện hết sức xã giao, đầy vẻ lạnh lùng. Tôi không khỏi ngạc nhiên: Phải nói ông là một người thành đạt, lại nổi tiếng từ rất sớm, luôn được mọi người nể trọng, để lại nhiều tác phẩm danh giá, khiến công chúng ái mộ. “Tiếng hát biên thùy” là hợp xướng đầu tiên ở nước ta chững chạc bề thế, ai nghe cũng thích thú. Hồi giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, bài “Sẵn sàng bắn” của ông hừng hực khí thế khiến toàn quân dân nức lòng cùng tiền tuyến đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Rồi từ “Mặt đất thân yêu”, “Lời thề Tổ quốc” phơi phới niềm lạc quan, sừng sững tư thế của dân tộc đang gan góc anh hùng. Không thể kể hết được những bài hát đã có sức sống mãnh liệt một thời, đến hôm nay nghe lại, ta vẫn còn thấy náo nức, ấm lòng.

Ông lại là một tài năng quý hiếm: Chỉ tự học nhạc là chủ yếu. Ngoài dự lớp bồi dưỡng sáng tác nói trên, không có dự học chính quy ở đâu nhưng tác phẩm của ông chững chạc cả trong hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Chắc chắn sẽ rất ít người biết chi tiết: Trong khi nhiều nhạc sĩ được đào tạo bài bản ở nhạc viện nhưng vẫn không thể tự phối khí thì hầu hết các bài hát của ông thu đài, đĩa, biểu diễn đều do ông tự hòa âm, phối khí. Ông lại là tác giả phần âm nhạc của rất nhiều vở kịch và bộ phim có giá trị như: “Chị Nhàn”, “Tiền tuyến gọi”, “Câu chuyện “Iếc-kút”, “Người đốt đền” (kịch) và “Bài ca ra trận”, “Tự thú trước bình minh”, “Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn”, “Xa và gần” v.v… Phải có năng lực viết khí nhạc như thế nào, ông mới viết được cho 151 vở kịch và bộ phim. Đó là chưa kể nhiều công-xéc-tô, xô-nát và các hình thức tác phẩm khí nhạc khác.

Tài năng và những thành quả được ghi nhận như thế, sao ông không tươi, vui?Không! Tuy từ 1965 trở đi, ông không còn đảm nhận chức vụ gì nhưng luôn là người không thể thiếu trong các nơi ông công tác mà thời gian dài nhất là Nhà xuất bản Âm nhạc. Chính ông là người đầu tiên có công đề xuất, thuyết phục lãnh đạo nhà xuất bản in phần đệm pianô kèm giai điệu ca khúc mà trước đó chưa hề có. Vả lại, chính ông chủ động từ chối mọi lời đề nghị làm quản lý kia mà! Cũng có thể chuyện gia đình, đời sống riêng tư chăng? Cũng không. Ông thỏa mãn hạnh phúc với cuộc sống gia đình: Các con đều phương trưởng, đàng hoàng. Người vợ trẻ đẹp, ít hơn ông tới vài chục tuổi - một cô giáo quê gốc ở Lạng Sơn - rất đỗi thương yêu và tận tụy vì ông. Ngôi nhà của ông ở ngoại thành Sài Gòn hiện nay luôn tấp nập bạn bè lui tới, luôn đầy ắp tiếng đàn, tiếng cười của học sinh đến học sáng tác do ông dạy. Cuộc sống như thế, gặt hái như thế, mà trông ông lúc nào cũng cứ phiền muộn, ưu tư.

Khổ người cao lớn,  bộ râu con kiến luôn được tỉa gọn, tóc không để dài, luôn chải ngược về phía sau, ánh mắt luôn ánh lên vẻ lạnh lùng, cất lời thì luôn có âm lượng quá mức cần thiết khiến ai mới gặp cũng dễ nghĩ ông gần với một võ sư hơn là một nhạc sĩ. Cũng vì vậy mà cả Huy Du, Nguyễn Văn Thương đều từng nhận xét trước mặt Tô Hải: “Giữa tác phẩm và diện mạo Tô Hải có sự đối lập rất lớn. “Nụ cười sơn cước” thì duyên dáng, tình, lẳng là thế mà “dung nhan” anh thì lại khác xa”.

Mấy năm nay nhờ kiến thức khá thông thái về văn hóa, nghệ thuật, ông đã viết tới vài trăm bài báo, góp phần phê phán, uốn nắn mọi biểu hiện lệch lạc và biểu dương những tốt đẹp trong đời sống âm nhạc cộng đồng. Chia tay ông lần gần đây nhất, trước khi ông bay vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi bồi hồi nói với ông:

“Anh Hải ơi! Hãy luôn trở lại với “Nụ cười sơn cước” ngày xưa đi. Vô tư, thoải mái, thanh thản đi anh. Mọi người luôn yêu và nhớ anh. Hãy năng ra Hà Nội với anh em, anh nhé!…”

                                                                      Nguyễn Đình San