“Ông vua” vịt trời


            Anh Dần đã thuần hóa được vịt trời khiến nhiều người kinh ngạc.

Từ một đôi vịt trời vô tình mắc vào lưới đã khiến cuộc đời của người nông dân Tô Quang Dần, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bước sang một trang mới. Giờ đây, sau vài năm thuần hóa vịt trời, anh Dần từ một người nông dân nghèo xơ xác đã trở thành tỉ phú. Không chỉ tự mình vươn lên mà anh còn giúp đỡ nhiều người trong địa phương mình làm giàu từ mô hình trang trại chăn nuôi vịt trời.

Từ đôi vịt trời mắc lưới

Nhìn cơ ngơi khang trang và trang trại rộng lớn của anh Tô Quang Dần, ít ai biết rằng chỉ trước đó vài năm thôi gia đình anh vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Vậy mà giờ đây cứ đến xã Đông Phú, hỏi thăm tới nhà anh Dần "tỉ phú vịt giời" thì không ai không biết.

Hỏi anh Dần lý do nào mà anh lại nghĩ tới việc thuần hóa vịt trời, anh cười bảo: “Cũng là cơ duyên cả thôi. Năm 2010, trong một lần tôi đi đặt lưới đánh cá ở hồ, lúc kéo lưới lên thì thấy hai con vịt trời mắc vào lưới của mình. Nói thật là lúc đầu cũng định làm bữa rượu mời bạn bè đến liên hoan cho vui. Nhưng từ lúc bắt được mang về nhà tôi cứ ngồi ngắm mãi. Thấy chúng lạ lạ, hay hay nên quyết định để lại nuôi. Ban đầu thì cũng chỉ định nuôi chơi như nuôi chim cảnh vậy thôi, nhưng khoảng một tuần sau thì tôi nghĩ sao mình không nhân giống nó lên nhỉ?”.

Nghĩ là làm, anh Dần dốc hết sức vào chăm sóc chúng. Ngày ngày anh bắt cá tôm cho vịt ăn. Thế nhưng, đặc tính của vịt trời là không ăn cá tôm đã chết. Anh Dần lại phải lấy cơm nguội, thóc cho chúng ăn. “Vịt trời không như vịt nhà đâu, nó sạch lắm. Nếu mình không chịu rửa bể thì nó nhất định không tắm đâu. Có lần tôi đã thử 3 ngày không rửa bể thì liền ba ngày đó không có một con vịt nào chịu xuống tắm. Thế nhưng nếu thay nước, rửa bể một cái là chúng lại ào ạt xà xuống tắm ngay” - anh Dần chia sẻ kinh nghiệm.

Sau 3 tháng gần gũi chăm sóc, hai con vịt trời đã không còn sợ hãi mỗi khi anh Dần đến gần. Khi đôi vịt đã thực sự quen với chủ mới và môi trường mới, anh Dần có thể thả chúng ra để rồi đến giờ ăn chúng vẫn quay về. “Tôi nuôi chúng đến khoảng tháng thứ 7 thì chúng bắt đầu đẻ trứng. Khi được vài chục quả, tôi mang cho gà ấp. Đến lúc này thì tôi thực sự nghĩ đến kế hoạch làm giàu từ đôi vịt trời này” - anh Dần kể lại.

Lứa vịt trời thuần hóa đầu tiên ra đời. Anh Dần tiếp tục nuôi lớn chúng và tìm cách đổ cho các nhà hàng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình. Lần đầu tiên đi giới thiệu sản phẩm vịt trời, nhiều chủ nhà hàng đã lắc đầu từ chối. Anh Dần đã phải năn nỉ họ nhận cho vài con “thử nghiệm” với giá rẻ và không quên để lại số điện thoại của mình. Và kết quả thật bất ngờ khi chỉ vài ngày sau, nhiều nhà hàng đã gọi điện cho anh Dần để đặt hàng. Họ nói khách ăn thử và rất thích. Thịt vịt trời vừa thơm ngon, xương lại nhỏ.

Dẫn chúng tôi ra thăm trang trại vịt của mình, anh Dần chia sẻ: “Khi tôi quyết định nuôi vịt trời, vợ và những người thân phản đối ghê lắm. Ai cũng bảo, trước giờ chưa ai làm việc đó cả, biết có ai mua không mà nuôi. Nhưng tôi vẫn quyết làm. Tôi nghĩ làm việc gì mà chẳng cần có người đi tiên phong. Nếu không phải người khác thì sẽ là mình thôi”.

Đúng thời điểm anh Dần quyết định nhân giống vịt trời từ đôi vịt trời bắt được cũng là lúc anh vừa vay vốn ngân hàng gần một trăm triệu để nuôi dê. Chuồng trại cũng vừa làm xong, dê con cũng vừa mua về. Vậy mà đùng một cái, anh bỏ ngang không nuôi dê mà quay sang nuôi vịt trời.

Nhiều người bảo anh Dần gàn dở, tự đánh cược cuộc đời mình. Chị Nguyễn Thị Nhung (vợ anh Dần) nhớ lại: “Hồi đó em bảo thế nào anh ấy cũng không chịu nghe, đầu tư cả đống tiền vào nuôi dê, đùng một cái anh ấy đập bỏ hết rồi vay mượn xây chuồng vịt. Nếu là vịt bình thường em cũng không phản đối gì, đằng này lại là vịt trời”.

Trở thành tỉ phú "vịt trời"

Giờ đây trong trang trại của anh Tô Quang Dần nuôi đủ các loại vịt. Từ vịt giống đến vịt thương phẩm và vịt bố mẹ. Mỗi con vịt giống có giá bán từ 60 đến 100 nghìn. Vịt thương phẩm khoảng hơn hai trăm nghìn một con. Riêng vịt bố mẹ thì có giá cao hơn cả, khoảng từ 300 đến 350 nghìn một con.

Anh Dần khoe: “Hôm qua tôi vừa xuất một lứa vịt giống gần bốn nghìn con. Nói chung cung vẫn chưa đủ cầu đâu”. Thu nhập bình quân mỗi tháng trừ hết mọi chi phí anh Dần thu về được trên dưới 100 triệu đồng. Giờ đây “Dần vịt trời” đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến.

Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Tô Quang Dần còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều anh em, bạn bè và những người trong xã cùng đi lên như mình. Bất kể ai là người của địa phương có nhu cầu nuôi vịt trời, anh Dần cũng sẵn sàng giúp đỡ từ giống, vốn và chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đông Phú đã có hàng chục hộ nuôi vịt trời theo mô hình trang trại lớn. Những gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ thì không đếm hết. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, anh Dần mạnh dạn mở thêm 1 trang trại khá lớn tại huyện Thường Tín (Hà Nội). Anh bảo: “Ở đó tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn, một là gần khu vực chợ đầu mối gia cầm, hai là có rất nhiều lò mổ. Riêng thu nhập của trang trại tại Thường Tín cũng cả trăm triệu đồng/ tháng. Cứ với đà này tôi sẽ nghiên cứu vào phía Nam đầu tư trang trại. Trong đó họ tiêu thụ mạnh hơn ngoài Bắc rất nhiều”.

Điều khiến anh Dần lo ngại là hiện nay có khá nhiều con buôn giả thương hiệu vịt trời của anh. Đã rất nhiều lần khách hàng gọi điện tới cơ sở của anh để phàn nàn về chất lượng vịt thịt và vịt giống. Chính vì vậy, điều anh Dần trăn trở và mơ ước là sẽ thành lập được hẳn một công ty, có thương hiệu tử tế.

Nhìn đàn vịt cả nghìn con chuẩn bị xuất chuồng, anh Dần tâm sự: “Nhiều lần khách hàng gọi điện phản ánh là sao vịt của tôi yếu, nuôi cứ chết. Khi hỏi ra thì họ mới bảo là giống mua có 20 nghìn/con, tôi bảo ngay đó không phải là vịt của tôi vì vịt giống lúc nào tôi cũng xuất ngót nghét 100 nghìn đồng. Không những vậy, nhiều nhà hàng cũng gọi nói là vịt của tôi ăn mỡ, không thơm. Khi đến kiểm tra thì đó là vịt Trung Quốc trộn vào. Lúc này đây tôi rất muốn mở được 1 công ty chăn nuôi, cung cấp vịt thương phẩm và vịt giống. Lúc đó hàng sẽ đảm bảo và có thể mở rộng ra thị trường. Tôi vẫn mạnh dạn ước mơ sẽ có một ngày vịt của tôi “bay” sang được trời Tây”.

Từ một anh nông dân nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn, giờ đây Tô Quang Dần đã đổi đời. Thu hoạch của anh là niềm mơ ước của nhiều người. Trên bốn bức tường trong ngôi nhà của anh, đâu đâu cũng thấy Bằng khen. Gần đây nhất là Bằng khen do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng cho sáng tạo của anh trong việc thuần hóa vịt trời. Anh Dần tâm sự: “Khi ông trời đã cho mình cơ hội thì mình phải biết nắm bắt và cũng phải có một chút máu liều nữa. Bản thân tôi nhiều khi nghĩ lại cũng không tin rằng mình sẽ có một ngày như ngày hôm nay”.

Ông Hoàng Sĩ Hà - Phó chủ tịch UBND xã Đông Phú chia sẻ: “Anh Dần là một tấm gương tiêu biểu của địa phương trong phong trào vươn lên làm giàu. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Dần còn giúp đỡ rất nhiều người khác thoát nghèo và có thu nhập cao nhờ mô hình chăn nuôi vịt trời. Hiện trên địa bàn xã có rất nhiều hộ gia đình có trang trại chăn nuôi lớn giống với mô hình trang trại của anh Dần. Không chỉ giúp về giống, kỹ thuật chăn nuôi mà anh Dần còn đảm bảo cho bà con cả đầu ra. Bởi vịt trời của anh Dần đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Thực sự thì Tô Quang Dần đã có những đóng góp không nhỏ giúp tình hình kinh tế của địa phương có sự cải thiện đáng kể”.

 

 

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Việc anh Tô Quang Dần thuần hóa được vịt trời, sau đó nuôi bán ra thị trường là điều thật tuyệt vời. Đã có rất nhiều nông dân từ miền Nam lặn lội ra Hà Nội rồi tìm đến Lục Nam - Bắc Giang để học hỏi mô hình của anh ấy. Chẳng có lý do gì để vịt trời không thể xuất khẩu sang nước ngoài được nếu như chúng ta nghiêm túc đầu tư cả về số lượng và chất lượng vịt. Có thể coi đây là đặc sản của Việt Nam".

                                   Phong Anh (Công an nhân dân)