Xây dựng thương hiệu nông sản cho Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng


Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu sáng ngày 30/10/2021.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho Việt Nam cũng là vấn đề hết sức quan trọng và tôi đề nghị cũng nên xác định rõ ở trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Sáng 30/10/2021, tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chia sẻ tán thành với các nội dung của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Góp ý kiến xung quanh nhiệm vụ, giải pháp, cơ cấu lại nông nghiệp, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng nông nghiệp luôn luôn thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Cơ cấu lại nông nghiệp trong kế hoạch của Chính phủ đã tiếp cận theo hướng này.

Về mục tiêu của kế hoạch đã được xác định trong cơ cấu lại, đó là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu xác định như vậy là đúng và chính xác.

Trong kế hoạch có đề cập đến xây dựng nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh - sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, v.v.. Nhưng mô hình cơ cấu lại nông nghiệp như thế nào thì chưa được rõ.

"Tôi nghĩ nên làm rõ thêm mô hình cơ cấu lại nền nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 như thế nào, phải có mô hình cụ thể. Đề nghị làm rõ hơn về mô hình",đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến.

Còn một cách hiểu cơ cấu lại nông nghiệp đó là kỳ thực, về thực chất là quá trình sắp xếp lại các yếu tố liên quan đến chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp từ khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ, sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, v.v.. Nếu cách hiểu này là đúng thì đại biểu Tô Văn Tám cho rằng nên bổ sung rõ hơn nội hàm của vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong kế hoạch rõ hơn để từ đó chúng ta xác định rõ mô hình cơ cấu ngành nông nghiệp.

Về giải pháp, kế hoạch đã nêu rõ các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu một cách khá đầy đủ. Đại biểu Tô Văn Tám cũng góp ý thêm một số ý kiến.

Thứ nhất, cần quan tâm tổ chức lại kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Kinh tế hợp tác xã có thời kỳ phát triển rất rực rỡ, sau đó không tồn tại được vì không phù hợp với giai đoạn phát triển mới và không tồn tại. Sự không tồn tại của mô hình hợp tác xã theo mô hình cũ đó là sự không tồn tại của một mô hình cụ thể chứ không phải là sự mất đi của tư tưởng hợp tác mà các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã đề ra.

"Cho nên kinh tế hợp tác và hợp tác xã vẫn là tất yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp, bởi vì chỉ có kinh tế hợp tác và hợp tác xã mới đảm bảo cho người nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt. Cho nên chúng tôi thấy cần chú trọng thêm vấn đề phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong kế hoạch. Đề nghị rà soát lại hệ thống pháp luật về hợp tác xã để chúng ta có thể hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển",vị đại biểu đoàn Kom Tum đề nghị.

Cũng theo đại biểu Tô Văn Tám, thứ hai, cần xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Là một nước nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, những sản phẩm nông sản của ta, thương hiệu trên thị trường quốc tế còn ít.

Nhiều nông sản trong nước được xuất khẩu dưới dạng thô, sau khi nhập về doanh nghiệp nước ngoài họ chế biến nên thương hiệu của họ và chúng ta có đồng bằng thì chúng ta có gạo, thế mạnh là gạo và miền núi Tây Nguyên có thế mạnh là cà phê và điều.

"Đấy là những thế mạnh của chúng ta, nhưng vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho gạo và cà phê, hạt điều thì đang có vấn đề. Mới đây chúng tôi thấy có một thông tin là giống lúa ST2, ST25 là do các nhà khoa học của nước ta nghiên cứu, sản xuất thành công nhưng hiện tại đã có 40 doanh nghiệp nước ngoài đang đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Họ đăng ký được thì chúng ta rõ ràng rất thiệt thòi. Tôi nghĩ rằng vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản cho Việt Nam cũng là vấn đề hết sức quan trọng và tôi đề nghị cũng nên xác định rõ ở trong kế hoạch này",đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm./.

           Minh Đức (VietNam.vn)