Nghị lực phi thường của những cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo


Cô Tô Thị Hoàng, giáo viên Trường tiểu học Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) dù mắc bệnh hiểm nghèo vẫn lo tròn việc trường, chăm sóc nuôi dạy con. Ảnh: PDN

Mang trong mình căn bệnh ung thư, hiểm nghèo, nhiều khi phải đội tóc giả, nén những cơn đau quằn quại, kiệt quệ về sức khỏe và kinh tế, các cô giáo vẫn đứng trên bục giảng với học trò thân yêu.

Nghịch cảnh số phận

Gắng vượt qua những cơn đau về thể xác do căn bệnh ung thư hoành hành, ngày ngày, hai cô giáo Lê Thị Thúy và Trần Thị Lợi (Trường tiểu học Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn đến trường, đứng lớp để ươm những mầm xanh cho đời. Với họ, việc được đến trường, được đứng trên bục giảng luôn là liều thuốc hữu ích để chiến thắng căn bệnh ung thư.

Là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đã từng đạt giải “Giáo viên viết chữ đẹp cấp tỉnh”, cô giáo Lê Thị Thúy luôn dành trọn tình yêu với nghề dạy học. Những tưởng cuộc sống êm đẹp luôn đến với cô, nhưng vào năm 2017, cô nhận được hung tin khi nghe bác sĩ kết luận “K tuyến giáp”.

Cô Trần Thị Liễu - Trường TH Hương Vĩnh - Hương Khê (Hà Tĩnh) dù mang bệnh ung thư nhưng vẫn kiên cường trụ vững trên bục giảng. Ảnh: PDN

Cũng mang trong mình nỗi đau bệnh tật, ngày ngày cô giáo Trần Thị Lợi phải "chiến đấu" với căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Tại Trường tiểu học Hương Vĩnh (Hương Khê) một trong những giáo viên có thâm niên và tuổi đời cao là cô Trần Thị Liễu (sinh năm 1968). 5 năm trước cô phát hiện mình bị ung thư da, từ đó đến nay cùng với việc điều trị bệnh cô vẫn duy trì bám lớp bám trường. Trừ những ngày tái khám, những ngày điều trị phải xa trường, còn lại cô vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành công việc được giao.

Sinh ra trong một gia đình nhà giáo, quê ở xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cô Phạm Minh Hiếu (sinh năm 1979) hiện là giáo viên dạy môn Âm nhạc và phụ trách công tác Đội tại trường tiểu học Xuân Lam (Nghi Xuân) là một tấm gương vượt lên nghịch cảnh. “Ngày cầm bệnh án xác định mình bị ung thư buồng trứng tôi không tin đó là sự thật, khủng khiếp lắm...” - cô Hiếu ngân ngấn nước mắt nhớ về những ngày đầu mắc bệnh. 

Tỉnh dậy sau một ngày, một đêm ở bệnh viện và nhận được hung tin bị u não giai đoạn 3, đó là nỗi đau tột cùng của cô giáo Phan Thị Thúy Hoa (sinh 1976), giáo viên Trường tiểu học Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Những cơn đau quằn quại giày vò cơ thể liên miên, nhất là những hôm thời tiết thay đổi cơn đau lại càng quằn quại hơn, gia đình đưa đi khám mới biết cô bị viêm đa khớp dạng thấp, một căn bệnh nan y chưa có thuốc đặc trị. Đó là căn bệnh quái ác mà cô Tô Thị Hoàng, giáo viên Trường tiểu học Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) mắc phải khi chưa tròn 30 tuổi.

Vịn vào… tình yêu bục giảng

Với những cơn đau hành hạ thể xác và tinh thần những tưởng các cô sẽ buông xuôi mặc cho số phận. Nhưng không, các cô đã vượt qua nỗi đau, vịn vào tình yêu bục giảng để đến lớp, đến trường đến với học sinh thân yêu.

Ngày ngày, cô Tô Thị Hoàng nhờ chồng chở đến trường để dạy học, luôn nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tích đáng khâm phục. Đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt giải Nhì thi tìm hiểu Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giải Ba thi tìm hiểu về Cương Lĩnh - Điều lệ và các Nghị quyết của Đảng. Là một đảng viên gương mẫu, hết lòng thương yêu học trò và luôn sẵn sàng chia sẽ, giúp đỡ đồng nghiệp.

Mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo – ung thư tuyến thượng thận nhưng cô giáo Phan Thị Tuyết (sinh 1975), Trường tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày ngày vẫn miệt mài, hăng say giảng bài cho học trò lớp 1 thân yêu của mình.

Chống chọi với căn bệnh ung thư vú ác tính đã 3 năm nay nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Trường tiểu học Thạch Trị (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn luôn say mê, cần mẫn, thầm lặng bên trang giáo án để ngày ngày truyền cảm hứng cho học trò.

Bản thân phải chiến đấu với bệnh tật, chồng đi làm ăn xa, lại phải chăm sóc bố mẹ già và các con nhỏ. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng khốn khó hơn. Thế nhưng, thay vì đầu hàng số phận, cô giáo Nguyễn Thị Vân, Trường tiểu học Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã nuốt nước mắt kiên cường đứng dậy. Mỗi ngày, bên các "thiên thần nhỏ", cô vẫn lạc quan yêu đời với nụ cười luôn nở trên môi khiến đồng nghiệp hết sức khâm phục.

Nén các cơn đau các cô vẫn cười tươi trên bục giảng. “Đối với tôi, được đứng trên bục giảng nhìn những ánh mắt yêu thương của học trò là những giây phút thấy mình có ích, hạnh phúc vô cùng, các em chính là liều thuốc đặc biệt giúp tôi vượt qua bạo bệnh” – cô Phạm Minh Hiếu chia sẻ.

Các giáo viên bị bệnh hiểm nghèo bên cạnh phải chịu cảnh đau đớn về thể xác và tinh thần thì hầu hết gia cảnh của họ lại càng cảm thương hơn. Nhiều giáo viên đã phải bán đi những vật dụng giá trị, vay mượn tiền để chữa bệnh. Vì vậy cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng nghiệp và các mạnh thường quân để giúp họ vượt qua nghịch cảnh.

                 PHAN NỮ LA GIANG (Báo Lao động)