Hai anh em cùng nghiên cứu Giáo dục học


                            PGS.TS Tô Bá Trượng

Nhờ sự giới thiệu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Tô Bá Trọng , chiều ngày 4-6-2016 NCV của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã có buổi làm việc với PGS.TS Tô Bá Trượng và được nghe ông chia sẻ về cơ duyên với ngành Giáo dục học của hai anh em mình.

Tô Bá Trọng vốn là giảng viên dạy môn Hóa Trường đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội kể từ năm 1965. Năm 1971, Viện Nghiên cứu chương trình và phương pháp hợp nhất với Viện Khoa học Giáo dục và lấy tên chung là Viện Khoa học Giáo dục, giảng viên Tô Bá Trọng nhận được quyết định chuyển công tác về Viện để nghiên cứu về cải cách giáo dục.

Còn với người em Tô Bá Trượng vốn là giảng viên dạy môn Vật lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1975. Ông cũng là người có công gây dựng khoa Vật lý ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ngay từ khi trường chuyển lên cơ sở Xuân Hòa, Sóc Sơn, Hà Nội (1) vào cuối năm 1975. Cứ ngỡ, Vật lý sẽ là ngành gắn liền với cuộc đời ông, nhưng đến năm 1988, TS Tô Bá Trượng nhận được quyết định chuyển về Viện khoa học Giáo dục Việt Nam công tác. PGS.TS Tô bá Trượng vui vẻ cho rằng, anh em mình có mối lương duyên với nghiên cứu về giáo dục.

Dù cả hai anh em đều nghiên cứu về giáo dục nhưng mỗi người lại chọn cho mình những hướng đi khác nhau. Người anh Tô Bá Trọng chọn hướng nghiên cứu chính là cải cách giáo dục. Còn người em Tô Bá Trượng lại luôn đau đáu về việc phải xóa mù chữ cho dân tộc thiểu số và ông đã trở thành chủ nhiệm của nhiều đề tài liên quan đến vấn đề này như: Phát triển tổng thể các dân tộc miền núi (1995 -1998); Xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái (1998 - 2000)…

Đến nay, dù đã đến tuổi nghỉ dưỡng, nhưng cả hai anh em họ Tô vẫn miệt mài nghiên cứu. Riêng người em Tô Bá Trượng đã cùng một số đồng nghiệp xin Bộ Khoa học và Công nghệ ký duyệt dự án thành lập Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển giáo dục do ông làm Viện trưởng.

                                Lê Thị Lợi (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam )