Vinafor Sài Gòn chủ động đối mặt với biến động thị trường


           Ông Tô Ngọc Ngời – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn

          Năm 2019, ngành gỗ đã đạt mức độ tăng trưởng tới 18%, mức tăng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sang năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid-19, những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả EU, Mỹ đều bị ảnh hưởng nặng nề, khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tới các thị trường này đang gặp khó.

          Là một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẫm gỗ sang thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ, ông Tô Ngọc Ngời – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn (VinaFor Sài Gòn) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

 
 

          Thưa ông, hiện nay, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như đồ gỗ nội, ngoại thất giảm mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ 1/3 - 15/3/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 485,40 triệu USD, lũy kế từ 1/1 – 15/3/2020, đạt 2,07 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2019. Ông đánh giá như thế nào về thị trường xuất nhập khẩu gỗ ở Việt Nam trong giai đoạn này?

          Với kết quả trên cho thấy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên do đặc thù của ngành gỗ là trước khi xuất hàng, khách hàng phải đặt hàng trước từ 3 - 6 tháng, và xuất khẩu gỗ trong hơn 2 tháng qua có sự tăng trưởng là nhờ các đơn hàng của năm 2019. Đến khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc, một số doanh nghiệp làm hàng đi thị trường này bắt đầu gặp khó, tháng 2 dịch xảy ra ở một số nước châu Âu nhưng chỉ ở một số vùng nên tác động chưa nhiều.

          Đầu tháng 3, doanh nghiệp làm hàng đi châu Âu nhận được thông báo từ khách hàng tạm thời chưa nhận hàng cho các đơn hàng đã ký, và chậm thanh toán tiền hàng do nhân viên nghỉ tránh dịch, trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đợi qua mùa dịch mới có thể ký các đơn hàng mới. Từ ngày 11/3, khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu, một số hợp đồng xuất khẩu có ghi điều khoản “dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng nên khách hàng có thể hủy ngang”, đã có nhiều khách hàng gọi điện thoại cho doanh nghiệp yêu cầu tạm dừng giao hàng và chưa đặt hàng mới. Trong 2 tuần đầu của tháng 3, tuy có một số doanh nghiệp vẫn còn xuất được nhưng đến giữa tháng 3 hoạt động xuất hàng đã chững lại mà không có đơn hàng mới. Để nền kinh tế phục hồi và người tiêu dùng nghĩ đến việc mua các sản phẩm gỗ nội thất sẽ phải mất thêm 3 tháng nữa, phải đến cuối quý III, đầu quý IV, doanh nghiệp mới có đơn hàng mới, vì ngành gỗ luôn có độ trễ nhất định, đòi hỏi đơn hàng phải đi trước từ 3-6 tháng. Mục tiêu 12 tỷ đô kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm nay sẽ đứng trước thử thách lớn bởi Covid-19.

          Được biết Vinafor Sài Gòn là Công ty xuất khẩu chủ yếu vào Hoa Kỳ và Châu Âu nhưng với tác động của dịch bệnh vừa qua, công ty đã bị ảnh hưởng như thế nào? Xin ông cho biết về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020?

          Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành gỗ bị dừng các đơn hàng và dự báo khó khăn có thể tiếp tục kéo dài từ 3 - 6 tháng tới, thậm chí là tác động kép nhiều vòng đến cuối năm và kéo dài sang năm 2021, nên các doanh nghiệp gỗ đang phải tìm mọi cách để cắt giảm tối đa chi phí, kể cả chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí lao động.

          Hiện nay, Công ty Vinafor Sài Gòn mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Do dịch Covid-19 xảy ra và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thị trường. Đặc biệt là các thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của công ty, khoảng 50% các đơn hàng bị tạm dừng, các thị trường lớn kim ngạch xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Vinafor Sài Gòn vừa nhận được đơn hàng trị giá 50.000 USD từ Hoa Kỳ. Nhưng số lượng và khối lượng xuất khẩu không nhiều như thời trước dịch.

 

 

          Với những khó khăn và thách thức hiện nay của xuất nhập khẩu gỗ, Công ty Vinafor Sài Gòn đã có những giải pháp chính như thế nào để hoạt động ổn định và phát triển?

          Để tiếp tục tồn tại, Công ty đang nỗ lực khắc phục khó khăn, xử lý nhiều vấn đề tồn đọng để nhanh chóng thích nghi với biến động thị trường, đẩy mạnh việc bán hàng online thay cách bán hàng truyền thống. Công ty phải cân đối nguồn lực, kể cả thu chi về tài chính; chọn các phương án như cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên sang làm việc bán thời gian; đăng ký nghỉ xoay ca; làm việc tại nhà để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mướn, di chuyển vv...

          Ông có những kiến nghị và đề xuất như thế nào với cơ quan quản lý Nhà nước để có thể tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp? Định hướng phát triển trong tương lai sắp tới của Vinafor Sài Gòn sẽ như thế nào?

          Theo tôi, để giúp các doanh nghiệp gỗ vượt qua khó khăn, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất vay ngân hàng, vì ngành gỗ dùng rất nhiều nhân công, hàng chưa xuất được nhưng các chi phí khác vẫn phải trả nên phí tài chính bị đội lên, doanh nghiệp kham không nổi các khoản như: lãi vay, phí đầu tư, lương công nhân,… Chính phủ cũng cần xem xét hoàn thuế xuất khẩu nhanh, giãn tiền thuê đất, giãn các loại bảo hiểm cho người lao động, phí công đoàn... Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Ngành gỗ Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Do tác động của Covid-19 cho thấy các chuỗi cung ứng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện nay chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu một số quốc gia khác như Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội giảm sự lệ thuộc vào một thị trường, giúp ngành gỗ Việt Nam có thể đón nhận các chuyển dịch sản xuất, đơn hàng, đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng từ các quốc gia Châu Âu và Mỹ, Nhật Bản...

          Việt Nam có dân số gần 97 triệu dân và tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, nên đây sẽ là thị trường nội địa không hề nhỏ. Vì thế, công ty bên cạnh chú trọng vào mở rộng xuất khẩu sẽ có những chính sách và hoạt động cụ thể nhằm phát triển thị trường nội địa trong tương lai.

          Xin cảm ơn ông!

                                                          Yến Lê (Công Thương)