Tô Bá Ngọc với phong trào Cần Vương xứ Nghệ


Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi lập chiếu Cần Vương, mảnh đất xứ Nghệ trở thành một trong những nơi phong trào Cần Vương kháng Pháp phát triển rầm rộ nhất cả nước với 2 cuộc khởi nghĩa nổi tiếng mãi lưu danh trong sách sử nước nhà. Đó là cuộc khởi nghĩa của cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu và cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Hà Tĩnh do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo. Trong 2 cuộc khởi nghĩa đó, có một vị điền chủ ở làng Đông Yên (nay là xã Minh Thành, huyện Yên Thành) giàu lòng nghĩa hiệp sẵn sàng bán toàn bộ gia sản đề giúp nghĩa quân, cốt mong sao cho nước nhà sớm giành độc lập... Đó chính là cụ Tô Bá Ngọc.

Tô Bá Ngọc, tên thật là Tô Viết Trác, sinh năm 1838, tại làng Đông Yên, tổng Vân Tụ (nay là xã Minh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An); là con của các cụ Tô Viết Hiệu và Nguyễn Thị Mỹ, một gia đình điền chủ có tiếng trong vùng.

Khi Tô Viết Trác tròn 20 tuổi (1858) cũng là năm thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1/9/1858), mở đầu xâm lược Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ là vua Tự Đức đã từng bước nhượng bộ và đầu hàng quân Pháp với các hiệp ước bất bình đẳng, đặc biệt sau khi triều đình ký hiệp ước Hác-măng (25/8/1883) và Pa-tơ-nốt (6/6/1884), đất nước Việt Nam chia thành 3 kỳ, chịu sự bảo hộ của thực dân Pháp.

Đứng trước nguy cơ đất nước trở thành nô lệ, bản thân lại không thể làm gì để nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nên ngoài việc chuyên tâm vào khai phá đất hoang, mở rộng  trang trại làm nông nghiệp, Tô Bá Ngọc hy vọng trở thành một điền chủ để có điều kiện giúp đỡ quân lương cho các phong trào kháng Pháp sau này.

Nhờ sự thông minh, hiền lành, ham học hỏi, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, khi phong trào Cần Vương chống Pháp nổ ra (1885), Tô Bá Ngọc đã trở thành một điền chủ có tiếng giàu có, “Ruộng đất đến hàng mấy trăm mẫu, trâu bò hàng ngàn con,… đi thăm đồng hay thăm đàn trâu, bò chăn thả trên đồi, ông phải đi ngựa”. Tô Bá Ngọc còn là người nổi tiếng trong vùng với tính tình cởi mở, đối xử rộng rãi, ăn ở nhân hậu, luôn giúp đỡ những người nghèo. Các quan lại cai trị trong địa phương và nhân dân trong vùng ai cũng nể. Nói về tinh thần nghĩa hiệp và thương dân của Tô Bá Ngọc, cụ Phan Đình Phùng đã nhận xét: “Những anh em con cháu, ai túng thiếu ông giúp tiền gạo, giống như phép nhà của Trương Công Nghệ và Trần Cảnh ngày xưa. Làng xóm có người nghèo cần xin giúp đỡ, ông không hỏi tiền nhiều hay ít đều để gạo cho cả. Gặp nạn mất mùa, được ông cứu đói khá đông”. 

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nghệ Tĩnh cũng như các địa phương khác trong cả nước, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An và cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh.

Trong những ngày Nguyễn Xuân Ôn dấy binh theo nghĩa Cần Vương, để có một căn cứ địa vững chắc giúp nghĩa quân có thể hoạt động lâu dài, Nguyễn Xuân Ôn đã quyết định chuyển căn cứ lên khu vực miền núi phía Tây huyện Yên Thành. Tại đây, cụ Nghè cho xây dựng các căn cứ địa như: Đồng Thông, Đồng Bản,… Thời gian này, Nguyễn Xuân Ôn đã nghe nói tới Tô Bá Ngọc, vị điền chủ ở Đông Yên có hàng trăm mẫu ruộng, hàng ngàn con trâu, bò, dê, ngựa và có tấm lòng nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước luôn giúp đỡ dân nghèo. Nguyễn Xuân Ôn liền cho người thân tín đến gặp gỡ Tô Bá Ngọc để nhờ giúp đỡ lương thực cho nghĩa quân.

Từ lâu, vốn nghe tiếng cụ nghè Ôn là một người cương trực giỏi giang, thành đạt trên con đường học vấn, nay được biết cụ lại dấy binh đánh Pháp, Tô Bá Ngọc rất mến mộ và đồng lòng hưởng ứng. Tô Bá Ngọc đã cho gia nhân tiếp đãi tử tế người nhà của cụ nghè Ôn và nói rằng: “Các ngài làm việc nghĩa cử, Tô tôi đâu có dám tiếc gì. Quan trên cần những gì, Tô đây xin vui lòng, dù phải bán cả gia tài”. Cảm phục tinh thần yêu nước, đầy nghĩa hiệp của Tô Bá Ngọc, cuối năm 1886, cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn đã đích thân đến nhà thăm và lưu lại tại từ đường dòng họ Tô để tìm hiểu và chọn vùng đất Đông Yên làm căn cứ thu giấu quân lương phục vụ lâu dài cho cuộc khởi nghĩa.

Lúc bấy giờ, Tô Bá Ngọc muốn xin cụ Nghè được theo nghĩa quân đánh Pháp, song cụ nghè Ôn cười và nói rằng: “Ông Tô làm quân thì chỉ là người lính tồi, để ông làm tướng thì chưa biết thế nào. Nhưng nuôi quân, nuôi tướng thì sức ông có thừa”. Tô Bá Ngọc coi đó là lời giáo huấn sâu sắc, từ đó cụ tập trung toàn tâm toàn ý, hết lòng giúp đỡ nghĩa quân, mong sao có ngày đánh đuổi được giặc Pháp, giành độc lập cho quê hương đất nước.

Để tập trung quân lương cho phong trào đánh Pháp của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Tô Bá Ngọc không những đem nhiều lương thực và tiền của ra ủng hộ mà còn vận động nhiều người tham gia: “Hàng năm thuế nạp cho triều đình thì Tô Bá Ngọc viện cớ dây dưa, chậm trễ, nhưng đến mùa gặt hái xong, cụ lại chở thóc lúa mang tiền bạc cho nghĩa quân và mỗi khi nghe tin thắng trận, đều cho người dắt trâu, bò, gánh gạo, nếp, lợn, gà để khao quân”. Sự giúp đỡ tận tình của Tô Bá Ngọc về cả sức người và sức của đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng quan trọng của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn như: Đồn Sy, Đồn Sở, Đồn Trần (huyện Diễn Châu); Động Sôi, Ngọc Thượng, Bảo Nham (huyện Yên Thành), đồn Bảo Lâm (xã Hoa Thành). Tiêu biểu là trận đánh ở đồng cây Vội (xã Minh Thành). Nhân dân Minh Thành, cùng nghĩa quân đứng đầu là Tác Bảy đánh tan quân Pháp, tiêu diệt được tên chỉ huy người Pháp là Coóc, gây tiếng vang lớn, đối với phong trào Cần Vương chống Pháp khắp 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. 

Mùa Xuân năm Đinh Hợi (1887), nhằm liên kết với các cuộc khởi nghĩa đang nổ ra ở phía Bắc, đồng thời tìm sự hỗ trợ và củng cố thêm lực lượng, tháng 2 năm 1887, Phan Đình Phùng đã giao toàn quyền lãnh đạo căn cứ Hương Khê cho Cao Thắng để ra Bắc. Việc đầu tiên lúc này là đến Nghệ An, tìm gặp cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn đang lập căn cứ tại vùng đất phía Tây huyện Yên Thành. Sau khi gặp Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, được nghĩa quân bí mật giới thiệu nghỉ ngơi tại nhà Tô Bá Ngọc, để tiện cho việc đàm đạo liên lạc với các nghĩa quân đang lập căn cứ tại khu vực miền núi Nghệ An như: Bố Việm, Lãnh Ngợi, Đốc Nhoạn, Đề Niên, Hiệp Trần, Tá Hai,….

Bên cạnh đó, Phan Đình Phùng cũng muốn “nhờ Tô Bá Ngọc một tay” trong mưu đồ phục quốc của mình. Bởi cụ Đình biết Tô Bá Ngọc là một điền chủ yêu nước, đang tích cực giúp đỡ tiền tài, lương thực và vận động nhiều người khác ủng hộ nghĩa quân của cụ Nguyễn Xuân Ôn. Được sự quan tâm và giúp đỡ của Tô Bá Ngọc, cụ Phan Đình Phùng đã lưu lại nhà thờ họ Tô một thời gian để nghiên cứu tình hình, gia nhập thêm các nghĩa tướng, chuẩn bị cơ sở, nghe ngóng nhân tâm, sau đó sẽ khuyếch trương căn cứ địa kháng chiến ra khắp vùng Nghệ Tĩnh. Nhờ có Tô Bá Ngọc liên lạc và chắp mối, cụ Đình đã gặp gỡ được nhiều nhân vật quan trọng tham gia phong trào Cần Vương ở xứ Nghệ.

 



Ông Tô Sỹ Giơu bên bản di bút của ông nội Tô Bá Ngọc.

Theo ông Tô Sỹ Giơu, cháu nội của cụ Tô Bá Ngọc cho biết thì trong thời gian lưu trú tại nhà cụ Ngọc, thể hiện sự tôn kính của mình với bề trên, cụ Ngọc đã thu xếp cho cụ Đình ở trong ngôi từ đường của dòng họ để tiện cho công việc cũng như tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp. Cụ Ngọc xem cụ Đình Nguyên là một thượng khách, hàng ngày qua lại cùng bàn việc nước, đàm đạo văn chương với cụ Phan Đình Phùng như người tri kỷ. Tại đây, vì cảm kích tấm lòng của Tô Bá Ngọc, cụ Phan Đình Phùng đã đổi tên Tô Viết Trác thành Tô Bá Ngọc. Tại gia đình Tô Bá Ngọc, hai người cùng nhau xướng họa thơ ca, trong đó có bài họa của cụ Phan Đình Phùng như sau:

Văn chương từ trước có tiền duyên.

Mới cũ làm gì chỗ lạ quen.

Khoa giáp non Tùng ta ấy chủ,

Thi thư núi Lạp bạn là tiên.

Vì sao mắt trắng thành bầu bạn,

Để khiến trời xa hóa láng giềng.

Gặp gỡ phen này nhiều thú lạ,

Ghi mùa Xuân đẹp mảnh hoa tiên.

Non Tùng núi Lạp đâu xa,

Trước còn lạ mặt sau ta biết lòng

Gần xa cũng một trời chung,

Cái duyên kỳ ngộ ngụ trong mấy vần!

Thực ra, cụ Phan Đình Phùng cũng đã rất có cảm tình với gia đình Tô Bá Ngọc, ngay từ buổi ban đầu gặp nhau:

Đến nhà thoạt thấy biển treo,

Khiến cho lòng khách biết bao nặng tình.

Non xanh nước biếc vòng quanh,

Một dòng thi lễ rành rành họ Tô.

Ở nhà Tô Bá Ngọc một thời gian, cụ Đình phải ra xứ Thanh gặp Tống Duy Tân, rồi sau đó tiếp tục ra Bắc. Tô Bá Ngọc xin đi theo, nhưng khi lên đến huyện Đô Lương, cụ Đình khuyên họ Tô nên quay lại, để giúp đỡ ông trong việc liên hệ với các tướng lĩnh đang hoạt động trong vùng và chuẩn bị quân lương cho cuộc kháng chiến lâu dài. Nghe lời khuyên cụ Đình, Tô Bá Ngọc trở về Đông Yên tính mưu toan việc lớn. Trước khi lên đường ra Bắc, cụ Phan Đình Phùng đã không quên để lại di bút bày tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ Tô Bá Ngọc.

Một thời gian sau khi cụ Đình lên đường ra Bắc, ngày 28 tháng 5 năm 1887 âm lịch, lấy cớ “ tích trữ quan trên hung trung bạo nghịch”, quân Pháp đã cho lính đến nhà vây bắt Tô Bá Ngọc, tịch thu  toàn bộ gia sản. Sau đó, bọn chúng đem  cụ đi xử bắn tại đồn chợ Rỏi, thuộc xã Minh Thành để thị uy dân chúng. Trước khi ra pháp trường, Tô Bá Ngọc đã dặn con cháu: “Đời cha chẳng có gì đáng hận, các con hãy coi tiền tài như phấn thô, đạo ngãi tựa ngàn vàng. Giang sơn đã về tay kẻ khác, còn gì thánh đạo nho phong, còn gì cương thường nhân nghĩa, hãy ăn ở làm sao cho trong sạch, đừng làm những điều điểm nhục tổ tiên. Lúc này việc nước trọng, việc nhà nhỏ. Cụ Đình có trở lại, hãy cho cha gửi lời bái biệt”. Tô Bá Ngọc còn dặn thêm: “Cha sống theo nghĩa Cần Vương, nay chết, cha muốn mang theo hơi ấm của thủ lĩnh Cần Vương, các con hãy lấy chiếu hoa vắt trên nhà mà bó thi hài của cha, vì chiếu đó còn mang hơi ấm của cụ Nghè Ôn và cụ Đình Nguyên ngồi bàn việc lớn”.

 



Nhà thờ họ Tô, nơi cụ Phan Đình Phùng và cụ Nguyễn Xuân Ôn từng lưu lại.

Cảm kích trước tấm lòng vì nước, vì dân và tình cảm giữa Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn và Tô Bá Ngọc, đồng thời thực hiện di nguyện của Tô Bá Ngọc trước lúc hy sinh, năm 1900, trên nền đất cũ của gia đình, con cháu và anh em trong dòng họ Tô đã dựng một ngôi nhà để thờ cụ Tô Bá Ngọc và cùng phối thờ cụ Phan Đình Phùng, cụ Nguyễn Xuân Ôn. Để tôn vinh và nhắc nhở hậu thế luôn luôn nhớ đến tấm gương nghĩa liệt của Tô Bá Ngọc, ngày 13 tháng 6 năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2452/QĐ.UBND, công nhận nhà thờ Tô Bá Ngọc là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh!

                                                                                    Theo Báo NA