Một gia đình Họ Tô mẫu mực

Cụ Tô Văn Bột (tức Tô Như Phất), sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Mồ côi cha mẹ từ sớm, lúc 12 tuổi cụ đã phải theo phu mỏ Nho Quan đi làm để nuôi thân và nuôi cô em gái 7 tuổi. Công việc nặng nhọc nơi rừng thiêng, nước độc không phù hợp với sức khỏe của một nho sinh ốm yếu đã gieo vào Cụ căn bệnh sốt rét ngã nước, khiến Cụ phải trở về quê, tá túc tại nhà bác ruột. Biết tin này, các bạn của người cha quá cố đã cùng nhau đưa Cụ trở lại con đường học vấn bằng cách giới thiệu để Cụ vừa đi học, vừa kèm cặp hai người con trai của quan tri huyện Phạm Đồng Mỹ. Sau này Cụ Bột làm nghề dạy học, còn hai người con quan tri huyện trở thành các cán bộ cấp cao của ngành giáo dục. Năm 1950, khi giặc Pháp chiếm đóng Thái Bình, Cụ theo cơ quan Sở Giáo dục Liên khu III vào dạy học ở Thanh Hóa. Là giáo viên kháng chiến, Cụ Bột chấp hành mọi sự phân công của Ty Giáo dục và Sở Giáo dục Liên khu III, thuyên chuyển công tác đến nhiều địa bàn khác nhau. Ở đâu Cụ cũng nêu cao tinh thần yêu nước, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cụ Tô Văn Bột được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Kỷ niệm chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Giấy khen các loại.

Cụ bà Lê Thị Trâm cũng xuất thân từ một gia đình nhà nho ở xã Đông Xuân, cùng huyện Đông Hưng. Cụ Bột và cụ Trâm là hai người tâm đầu, ý hợp. Chồng đi dạy học và dành dụm tiền lương để chu cấp cho gia đình. Vợ ở nhà tề gia nội trợ, thắt lưng buộc bụng, nuôi con khôn lớn để cho chồng yên tâm làm việc. Ngày ngày, cụ Trâm trồng chè, trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa, vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa dạy các con biết lao động. Tháng ba, ngày tám, gia đình Cụ thường nấu cơm để giúp những người nghèo trong xóm qua cơn đói khát. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Cụ tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc với các phong trào “Áo ấm chiến sĩ”, “Hũ gạo nuôi quân”. Giữa các trận càn quét, Cụ đã che chở, nuôi dấu cán bộ, giúp được nhiều người thoát khỏi tay giặc. Cụ Lê Thị Trâm được vinh danh là “Lão mẫu kháng chiến”.

Tiếp nối gia phong của cả hai bên nội ngoại, hai Cụ luôn giữ gìn nếp sống gỉn dị, cần kiệm, trung thành với sự nghiệp cách mạng, dành nhiều thời gian, công sức và tiền của cho việc học hành của các con. Nhờ vậy mà cả bảy người con (năm gái và hai trai) của hai Cụ đều được học hành đầy đủ, trở nên những người thành đạt, nối dòng nho gia, trong đó có hai nhà báo, hai Phó giáo sư, Tiến sỹ và ba giáo viên trường phổ thông.

Con gái đầu lòng của hai Cụ là Tô Thị Oanh - một giáo viên trung học, được tặng Kỷ niệm chương Kháng chiến chống Pháp. Chồng bà là Hoàng Kim Khánh, đảng viên, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch của Xưởng đóng tàu 4 Hải Phòng. Ông bà sinh hạ được hai con, một gái và một trai.

Người con gái thứ hai là bà Tô Thị Yến, giáo viên tiểu học, có Kỷ niệm chương Kháng chiến chống Pháp. Chồng bà là Lại Xương Sinh. Ông bà có ba con, một gái và hai trai.

Con trai trưởng của hai Cụ là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Cẩm Tú, 40 năm tuổi Đảng, thương binh trong kháng chiến chống Pháp, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Sinh thời, ông là Trưởng Bộ môn Toán-Cơ, Trưởng phòng Toán-Máy tính thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Vợ ông là bà Lê Bích Hòa, nguyên phóng viên Báo Nhân dân, rồi cán bộ Ban Kinh tế Trung ương. Ông bà sinh được hai con, một trai và một gái.

Bà Tô Thị Nhạn là người con thứ tư của hai Cụ. Bà từng làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Chồng bà là ông Phạm Mạnh Tưởng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản I. Ông bà sinh được ba con, hai gái và một trai.

Con trai thứ của hai Cụ là nhà báo Tô Chức, còn gọi là Tô Văn Chức, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân công về Đài Tiếng nói Việt Nam, làm phóng viên chương trình “Từ nhà máy đến công trường”. Là một phóng viên giỏi, kiên định, xông xáo và trung thực, lại sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nguy hiểm nào. Ông được Ban Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam tin tưởng và chuyển sang làm phóng viên chiến trường. Với cương vị mới, ông đã vào những vùng đất lửa để lấy tư liệu viết bài như khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Hải Phòng, cầu Hàm Rồng, tỉnh Quảng Bình và lên đến tận đỉnh Phu Khút trên đất nước Lào anh em. Năm 1968, ông được cử vào viết bài tại chiến trường Trị Thiên-Huế. Từ đây, ông đã gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam những thông tin nóng hổi về tinh thần kiên cường chiến đấu, hăng hái sản xuất của quân và dân ta, về vụ gặt mới ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Một hôm, giặc Mỹ kéo vào càn quét. Tô Chức cùng cán bộ, du kích địa phương xuống hầm bí mật. Địch phát hiện được hầm, kéo đến vây và gọi hàng. Tô Chức đã cùng đồng đội nhảy lên chiến đấu, tiêu diệt nhiều tên giặc và đã anh dũng hy sinh ngày 16-8-1968 trên những luống khoai của nhân dân thôn Trầm Ngang, xã Hướng Điền, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lúc đó, liệt sỹ Tô Chức mới 32 tuổi, chưa có gia đình riêng.

Người con thứ sáu của gia đình là bà Tô Thị Hồng Vân, tức Tô Vân. Trong hoàn cảnh mẹ sớm qua đời, bố phải nuôi em út và đứa cháu nhỏ, bà Vân tự lao động để tự nuôi bản thân và tiếp tục đi học. Với tinh thần thanh niên “Ba sẵn sàng”, bà đã xung phong nhận công tác tại nông trường 2-9, tham gia phá rừng, khai hoang và trồng cây công nghiệp. Năm năm sau, bà trở về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là để có điều kiện chăm sóc cụ Bột lúc này sống một mình. Làm việc ở một cơ quan mới, trái ngành, trái nghề, bà Vân đã nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện cả về chuyên môn và văn phong để đáp ứng được yêu cầu công tác và trở thành một cây bút có tên. Với những thành tích công tác hàng chục năm, bà Vân đã được bầu là Chiến sỹ thi đua, Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí và nhiều giải thưởng báo chí. Ông bà sinh được hai con trai đếu đã trưởng thành.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Tô Phi Phượng, con gái út của hai Cụ, lúc nhỏ ở nhà với mẹ, học phổ thông, khi lớn lên theo học ở những nơi bố công tác. Sau thời gian học đại học ở Liên Xô, bà làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy, bà Phượng không ngừng phấn đấu trong nghiên cứu khoa học, bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và sau đó được công nhận chức danh Phó giáo sư. Do những thành tích xuất sắc, bà Phượng được vinh danh là Chiến sỹ thi đua cấp thành phố Hà Nội, được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp thống kê. Chồng bà Phượng là Phó Giáo sư Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Hồ Sỹ Sà, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ông bà sinh được hai con, một trai và một gái.

Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, nay cả 14 cháu trai gái nội ngoại của hai Cụ đều ra sức phấn đấu, chăm chỉ học hành và đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó có một Đại tá, ba Tiến sỹ, hai Thạc sỹ, bốn Kỹ sư, một Bác sỹ. Đây là một trong những gia đình điển hình về khuyến học và ham học trong dòng họ Tô ở Thượng Tầm. Tấm gương khuyến học và hiếu học của gia đình hai cụ Tô Văn Bột và Lê Thị Trâm đáng được nhiều gia đình noi theo.

Nguồn: Tư liệu do bà Tô Thị Hồng Vân cung cấp