Tô Lan Phương hát ở chiến trường


Tiếng hát và cuộc đời của ca sĩ Tô Lan Phương gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hạnh phúc lớn nhất của chị là được hát phục vụ bộ đội và nhân dân đang cầm súng chiến đấu. Hạnh phúc bình dị mà to lớn đó đã lùi xa nhưng không dễ mấy ai quên.

Một đêm mưa bão đổ nhà, đổ cửa, trời đất tối sầm ở thị trấn Đống Năm (tỉnh Thái Bình) năm 1948, trong nhà hộ sinh nằm cạnh quán trà Bạch Ngọc, một đứa bé kháu khỉnh chào đời. Đó là Tô Lan Phương. Nhưng quê chính của chị lại ở Xuân Cầu, Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Mẹ của Tô Lan Phương là một nghệ sĩ đàn dân tộc. Bà kể: “Ông ngoại cháu Phương ngày xưa rất mê nhạc cổ. Cả họ chúng tôi cũng đều thế cả. Riêng tôi chơi đàn 36 dây từ thuở tóc còn để chỏm… Tôi có duyên nợ với cây đàn này từ thiếu thời. Sau này tôi công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng đàn, tiếng hát của mẹ thuở nào chắc đã thấm ngọt ngào vào tâm hồn Phương”.

Bố là cán bộ cách mạng, người họ Tô. Tô Hiệu chính là ông nội của Phương. Tô Hiệu sinh năm 1912 tại Văn Giang, Hưng Yên. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động, rồi bị địch bắt, kết án tù 4 năm đày đi Côn Đảo. Mãn hạn tù, ông về đất liền tiếp tục hoạt động, từng làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, rồi lại bị địch bắt đày lên nhà tù Sơn La giữa rừng núi hoang vu trùng điệp. Ông mất ngày 7-3-1944 do lao phổi. Tô Hiệu là một trong những chiến sĩ cộng sản ưu tú trước Cách mạng tháng Tám 1945. Nhắc một chút về ông nội để chúng ta hiểu về Tô Lan Phương hơn.

Tô Lan Phương thích hát và hát hay từ nhỏ. Thời gian học tại Trường phổ thông Thanh Quan, phố Hàng Cót (Hà Nội), Phương đã là đội viên Đội Sơn Ca của Đài Phát thanh, lứa tuổi đàn em của ca sĩ Bích Liên. Sau này, nhiều người thích tiếng hát Tô Lan Phương có hỏi về những ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự nghiệp ca hát của chị, Tô Lan Phương trả lời: “Tôi không quên những ảnh hưởng lớn nhỏ của nghệ thuật trong nhiều chặng của cuộc đời. Có những điểm tưởng như mơ hồ, vì nó xa xưa lắm, nhưng nó lại còn nguyên trong tiềm thức. Bà ngoại tôi có người anh ruột đủ tài cầm, kỳ, thi, họa (ông là cha của ca sĩ Thái Thanh). Ông đã tận tâm dạy cháu gái một số nhạc cụ dân tộc. Mẹ tôi nhờ ông mà biết đàn tam thập lục. Khi tôi còn rất nhỏ, tôi nhớ gia đình thường tổ chức hòa nhạc giữa anh chị em. Mẹ tôi dạo đàn và ca bản Tiếng tiêu theo làn điệu cải lương Hồ Quảng Khúc nghê thườnggây cho tôi ấn tượng sâu sắc đến bây giờ. Năm 1967, khi tôi vào miền Nam trong những dịp phục vụ bộ đội, đôi khi Đoàn ca múa Giải phóng chúng tôi cũng phải có vài điệu cải lương cho rôm rả, sẵn trong trí nhớ của mình, tôi cũng ca được vài làn điệu mà bài Em hát tặng anh một bài ca theo điệu Khốc hoàng thiên là bài tôi thích nhất”.

Chị kể, một lần ra Hà Nội, chị đến Trường Chu Văn An, nơi chị học trước đó để tìm lại bài vở và điểm học ngày trước nhưng không tìm thấy; trong phòng truyền thống của trường chỉ còn lưu tấm ảnh của cô học trò Tô Lan Phương trong bộ ảnh học sinh xuất sắc đã làm rạng rỡ cho nhà trường. Ngày ấy, Tô Lan Phương có giọng hát hay mà bài Phương hát hay nhất là bài nói về người con gái Anh hùng miền Nam - bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tô Lan Phương thi vào Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bạn đọc có biết cô chọn bài hát nào để thi tuyển không? Đó là bài Hoa mộc miên của Huy Du, một bài rất khó hát. Nhưng thí sinh Tô Lan Phương trình bày hết sức ấn tượng, đến nỗi Ban Giám khảo tuyển sinh hôm ấy cứ gật đầu lia lịa và tuyển luôn một tài năng mà không cần bàn luận.

Hết trung cấp khoa thanh nhạc, đang học dở đại học năm thứ nhất, thì nhà trường cùng lúc đưa ra hai quyết định cho Phương chọn: Đi học 7 năm tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Triều Tiên) hoặc đi B - vào chiến trường miền Nam của Tổ quốc sống, chiến đấu và hát, hoặc làm bất cứ việc gì mà cuộc kháng chiến cần. Năm ấy cô mới 19 tuổi! Chúng ta thử hình dung một cô gái “chân yếu tay mềm”, sống và lớn lên với tiện nghi ở Hà Nội, vậy mà “dám” bỏ lại tất cả để mặc bộ quân phục xanh lá úa, chiếc mũ tai bèo, ba lô trên lưng, đứng vào đội ngũ của những người “Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”, đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vào năm 1967.

Chiến trường miền Nam những tháng năm này hết sức ác liệt. Ta đang chuẩn bị vào chiến dịch xuân Mậu Thân 1968. Vào Nam có nghĩa là phải vượt núi cao, suối sâu, là mưa rừng, sốt rét, là bom đạn, là xa tình cảm gia đình… Và có thể hy sinh bất cứ lúc nào! Tại sao Tô Lan Phương dễ dàng chọn con đường sự nghiệp không bằng phẳng ấy? Sau này, nhiều lần gặp nhau, chị đều nhẹ nhàng: “Tại sao lúc đó Phương đi B, chả có gì phải kể lể, giải thích dài dòng. Trong không khí cả nước đánh giặc, mình suy nghĩ đơn giản, cảm xúc rất thật lòng như bao nhiêu người là phải cứu nước, giải phóng miền Nam, vậy thôi!”.

Ở chiến trường có nhiều chuyện đáng nhớ, đáng kể lại lắm. Nhưng với Tô Lan Phương, mỗi lần chúng tôi nhắc lại, chị chỉ cười. Cực khổ, bom đạn, thiếu thốn đủ thứ khi tập luyện và khi biểu diễn… Chỉ cần chịu một trận B-52 cũng đã đủ hiểu độ bền vững, chịu đựng của con người rồi. Một lần Tô Lan Phương “chịu” B-52. Đó là một ngày chủ nhật, năm 1971. Lúc ấy Phương và anh Trần Mùi (người yêu), xách cây đàn ghi ta lội bộ sang Tiểu ban Hội họa đóng tại ngã tư Đầm Be (Tây Ninh) tìm bạn. Mọi người đang quây quần bên nồi cháo gà thì máy bay B-52 tới dội bom. Tất cả đều nhào xuống hầm. Anh Trần Mùi nắm tay Phương nhanh chóng nhảy xuống căn hầm gần nhất. Một loạt tiếng nổ rung chuyển góc rừng. Cây cối ngã đổ rào rào. Khói bụi mù mịt. Hai người ngồi như thu nhỏ mình lại. Nhìn qua khe hở, thấy trên mặt đất cháy rần rần. Họ đếm từng giây, từng phút căng thẳng chờ đợt bom thứ hai. Xong đợt hai lại chờ đợt ba, và cũng là đợt cuối cùng. Cái im lặng giữa hai trận bom mới dài làm sao. Hai người, không ai bảo ai đều nghĩ rằng sẽ có hai trường hợp xảy ra: vĩnh viễn ra đi hay là sống!

Một lần Nhóm Xung kích của Tô Lan Phương thuộc Đoàn Văn công Quân Giải phóng nhận nhiệm vụ đi phục vụ một đơn vị chiến đấu ở cách đoàn chừng nửa ngày đường. Con đường đến với đơn vị lùi lại càng dài hơn vì nhiều đoạn phải đi vòng để tránh bọn biệt kích, thám báo. Cuối cùng, sau những chặng đường rừng, nhóm của Tô Lan Phương đã đến được địa điểm của đơn vị. Nhưng thật bất ngờ, địa điểm đóng quân vắng ngắt. Thì ra, mới cách đó chừng một tiếng đồng hồ, đơn vị nhận được lệnh hành quân chiến đấu gấp. Nếu trở về Đoàn báo cáo không gặp đơn vị, đó cũng là điều thường gặp của anh em văn nghệ sĩ đi biểu diễn ở chiến trường, mọi người sẽ thông cảm và không phiền trách gì. Nhưng Tô Lan Phương nghĩ, điều chủ yếu với người ca sĩ ở mặt trận là phải đưa bằng được tiếng hát của mình động viên các chiến sĩ dù trong hoàn cảnh nào. Vậy là sau một ngày lặn lội tiếp, có lúc phải đánh lạc hướng để thoát ra khỏi vòng vây của giặc, Tô Lan Phương mới đuổi kịp đơn vị. Biết các chiến sĩ hành quân cũng có lúc tranh thủ nghỉ dọc đường, Tô Lan Phương đón gặp và hát ngay cho các chiến sĩ nghe hết bài này đến bài khác. Ai cũng xúc động, rưng rưng. Khi hát xong, một cán bộ chỉ huy lên bắt tay Phương: “Anh em chiến sĩ chúng tôi rất cảm ơn Tô Lan Phương. Ngày mai ra trận, chúng tôi coi như chị luôn luôn có mặt bên cạnh, trận đánh của đơn vị sẽ có một phần đóng góp rất lớn của ca sĩ Tô Lan Phương…”.

Ở bất kỳ nơi nào, dù dốc cao, đá núi tai mèo, hễ gặp quân Giải phóng là Tô Lan Phương hát phục vụ. Tự nhiên, nhiệt tình, duyên dáng, chị nói: “Chúng tôi xin hát tiếp tặng các anh bài Trông cây lại nhớ đến Người, Người con gái Pakô…” Rồi Tô Lan Phương hát tiếp bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây và những bài quen thuộc khác mà các chiến sĩ yêu thích. Đúng như một câu hát “Em chẳng có chi làm quà… có chi hơn là hát tặng bài ca” mà ta thường được nghe một thuở. Thế là lan truyền như huyền thoại về cô văn công có khả năng hát một mạch hàng chục bài liền, rằng người con gái đó đứng hát ngay bên một quả bom nổ chậm để cổ vũ bộ đội. Và cả cái đầu dốc, nơi người con gái đứng cất cao tiếng hát ấy, anh em bộ đội ta đặt luôn một cái tên mới: Dốc Tô Lan Phương!

Lần khác, một chiến sĩ quân Giải phóng kể: “Ấy là một chiều ba mươi Tết nọ ở chiến khu. Rõ ràng tôi thấy Tô Lan Phương khóc. Biết tôi trông thấy, chị thú thật: “Tết đến, nhớ nhà, nhớ miền Bắc quá anh ạ. Mẹ tôi lại nhắc hai chị em tôi đang chiến đấu ở đây”. Chỉ kịp an ủi chị một câu thì các chiến sĩ kéo đến xem Văn công Giải phóng. Lau vội nước mắt, Tô Lan Phương đứng dậy hát, hát rất say sưa. Lính trẻ chúng tôi nghĩ, tiếng hát của chị là mùa xuân, một mùa xuân mặt trận đầy bom đạn…”.

Một chuyện cảm động nữa. Mùa xuân Mậu Thân 1968, có một đơn vị quân Giải phóng thuộc Sư đoàn 9 (ngày trước gọi là Công trường 9), trước giờ tiến công vào Sài Gòn, được nghe Tô Lan Phương hát. Phương nghĩ, những chiến sĩ ngồi đây, chút nữa ai còn ai mất, sao mà đoán biết được? Thế là miệng hát mà nước mắt Phương chảy quanh. Các chiến sĩ cũng khóc theo. Người hát và người nghe cùng xúc động bên một cửa rừng già miền Đông chờ đợi giờ Tổng công kích. Bất thần, đồng chí Đại đội trưởng bật dậy, đầu vẫn đội mũ tai bèo, nói:

- Chị hát hay quá, lay động lòng người. Đề nghị chị cho chúng tôi đặt tên chị cho đại đội. Từ nay, sẽ gọi là Đại đội Tô Lan Phương. Đồng ý nghe chị?

Trời ơi, đây là một vinh dự quá lớn của một nghệ sĩ trẻ. Phương không bao giờ quên. Từ giờ phút đó đến khi cuộc kháng chiến toàn thắng, Đại đội Tô Lan Phương ai còn ai mất? Và họ đang đi đâu về đâu, khó lòng biết được. Nhưng ca sĩ Tô Lan Phương vẫn không quên họ và giờ phút thiêng liêng ấy.

Tháng 4-1975, vừa ở Liên Xô về tới Hà Nội thì Sài Gòn giải phóng, Tô Lan Phương mừng chảy nước mắt. Đúng ngày 19-5-1975, chị có mặt giữa Sài Gòn rợp cờ cách mạng. Việc đầu tiên là chị tìm về đại đội mang tên mình. Chị bàng hoàng khi biết người đại đội trưởng năm xưa đã hy sinh. Chị sắm nhang đèn, tìm đến phần mộ anh, nghiêng mình trước hương hồn người bạn chiến đấu cũ. Đó là một chiều mùa hè năm 1975 bên sông Đồng Nai.

                                                                    T.T.P