Những điều chưa biết về hai Đại khoa họ Tô: Bảng nhãn Tô Lê Hiến Giản và Tiến sỹ Tô Lê Hiến Tứ

Lê Hiến Giản (1341-1390), tên do cha mẹ đặt khi được sinh ra là Lê Hiến Phủ, nhưng vì phạm huý vua Trần (tên Thượng hoàng Trần Phủ) nên đổi thành Lê Hiến Giản. Quê ông ở trang Thượng Lao, huyện Tây Chân nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông vốn dòng dõi Tô Hiến Thành. Cha là Tô Hiến Chương lấy vợ và lập nghiệp ở Tây Chân là Lê Thị Nga. Ông có người em sinh đôi là Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ cùng khoa. Cả hai anh em đều đổi từ họ Tô sang học Lê và đệm họ là Hiến nghĩa là cha hai ông là Tô Hiến Chương; cháu tằng tôn của quan Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành vào cuối thời Trần (tiếp theo là Tô Lê Hiến…).

Năm 34 tuổi Tô Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn khoa Giáp dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Duệ Tông, làm quan đến chức Thị lang. Mưu giết Hồ Quý Ly nhưng việc không thành, ông bị sát hại. Trước khi chết ông có đọc hai câu thơ:

Tấc kiếm trừ gian trời đất biết,

Tấm lòng báo nước quỷ thần hay. 

Tô Lê Hiến Tứ ( 1341 - 1390), là em sinh đôi của Bảng nhãn Tô Lê Hiến Giản. Năm 34 tuổi ông đỗ Tiến sĩ khoa Giáp dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Duệ Tông cùng khoa với anh, làm quan đến Ngự sử đại phu, có công trong việc bình Chiêm Thành. Ông cùng Tô Lê Hiến Giản mưu giết Hồ Quý Ly không thành, bị sát hại.

Như vậy Tô Lê Hiến Giản đỗ cao thuộc vào hàng Tam khôi và Tô Lê Hiến Tứ đỗ Tiến Sỹ tại một trong những khoa thi cuối triều Trần, gặp khi tình hình xã hội rối loạn, triều cương nghiêng ngả, lòng người xáo trộn thì Bảng nhãn Tô Lê Hiến Giản cùng em Tiến Sỹ Tô Lê Hiến Tứ nổi lên như tấm gương trung liệt tiêu biểu cho kẻ sĩ mà cường quyền không thể áp chế, phí quí không sờn lòng, kim ngân không không thể mua chuộc.

Vào đời Trần, cháu tằng tổ của Tô Hiến Thành là Tô Hiến Chương đến sinh sống tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường rồi lấy vợ người địa phương tên là Lê Thị Nga.Hai ông bà ăn ở hiền lành, tính tình nhân hậu, hay làm phúc cứu giúp người nghèo khó lại có công đem nghề dệt dạy cho dân trong vùng nên được mọi người quý mến, kính phục. Hai ông bà lấy nhau đã lâu nhưng không sinh được con, nghe ở  động Hương Tích có chùa thờ Nam Hải Quan Âm Bồ Tát rất là linh ứng, bèn mang lễ vật đến cầu tự; bà Lê Thị Nga có thai. Ngày 10 tháng 2 năm Ất Dậu (1345) bà sinh ra một bọc hai trai mặt mũi khôi ngô, hình dung tuấn tú nên đặt tên chung là Đồng.

Vì hiếm muộn mới có con, hai ông bà thống nhất cho con mang họ mẹ; khi các con lớn lên chừng 5-6 tuổi mới đặt tên chính thức cho người con cả là TôLê Hiến Phủ, con thứ là TôLê Hiến Tứ. Hai người tư trời thông tuệ, lớn lên văn chương đều uyên bác, võ lược thật siêu phàm.

Hai anh em TôLê Hiến Phủ, TôTôLê Hiến Tứ tư chất thông minh, đến tuổi đi học rất chăm chỉ, học lực tấn tới; thầy dạy của họ là Tiến sĩ Đào Toàn Bân, người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường (nay thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định).

Mùa xuân năm Giáp Dần (1374), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về cung Trùng Hoa ở phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình. Khi đi thi, để tránh phạm húy tên Thượng hoàng (Trần Phủ) nên TôLê Hiến Phủ phải đổi tên thành TôLê Hiến Giản. Khoa thi năm đó, con của thầy học là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, TôLê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, em ông là TôLê Hiến Tứ đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Giáp Dần, năm thứ 2 (1374)… Tháng 2, mùa xuân. Bắt đầu đặt khoa thi tiến sĩ. Trước đây, khoa Thái học sinh, cứ 7 năm một lần thi, số đậu chỉ lấy 30 người thôi. Đình thí, số lấy đỗ không có lệ đặt nhất định.

Phàm tam quán thuộc quan học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và những người có tước phong đều được vào thi cả. Đến đây mới bắt đầu gọi là khoa tiến sĩ; ban cho Đào Sư Tích đậu Trạng nguyên, TôLê Hiến Phủ đậu Bảng nhãn, Trần Đình Thâm đậu Thám hoa, La Tu đậu hoàng giáp, cập đệ và các đồng cập đệ gồm 50 người, đều cho ăn yến và ban áo mũ, xuất thân có đẳng hạng khác nhau”.

Theo nguồn tư liệu lịch sử và một số thư tịch cổ còn lưu giữ tại di tích, đặc biệt là cuốn Ngọc phả “Sự tích hai vị đại khoa thời Trần” được Phó bảng Đỗ Huy Uyển chép lại vào niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848) thì đền Thượng Lao và Xối Thượng ngày nay là nơi ở cũ của hai vị đại khoa cùng chiều cùng gia đình. Vì vậy đền Thượng Lao và đền Xối Thượng còn bảo tồn được những giá trị lịch sử đầu tiên mang ý nghĩa tưởng niệm sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của hai vị đại khoa.

Bảng nhãn Tô Lê Hiếu Giản và Tiến sĩ Tô Lê Hiến Tứ vốn là con của ông Tô Lê Hiến Thái và bà Lê Thị Nga. Vào cuối thời Trần, cháu tằng tôn của quan Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành là Tô Hiến Chương đã từng làm quan tại đất Gia Viễn, Ninh Bình, vì sợ mưu sát nên đổi tên họ là Tô Lê Hiến Thái, đến ở tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, sau lấy người con gái cùng trang là Lê Thị Nga. Ngày 10 tháng 02 năm Tân Tỵ (1341) bà Lê Thị Nga sinh đôi được hai người con trai, ông bà liền đặt tên là: “ Đại Đồng” và “Tiểu Đồng”, khi lớn lên đi học mới đổi tên thành Tô Lê Hiến Phủ và Tô Lê Hiến Tứ. Hai ông tư chất thông minh, học hành chăm chỉ, thi Hương đỗ đầu khoa. Mùa xuân tháng 2 năm Giáp Dần (1374) đời vua Trần Duệ Tông tổ chức thi ở cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường. Vì húy Thượng hoàng Nghệ Tông là Phủ nên Tô Lê Hiến Phủ đổi thành Tô Lê Hiến Giản. Khoa ấy Tô Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Tô Lê Hiến Tứ đỗ Tam Giáp Tiến sĩ. Tại đền Thượng Lao ngày nay còn đôi câu đối ca ngợi:

Nhất môn khoa hoạn song đăng bảng

Vạn cổ cương thường biệt lập căn

(Một nhà khoa bảng hai người đỗ

Muôn thuở cương thường một nếp riêng)

Sau khi đỗ đạt, Bảng nhãn Tô Lê Hiến Giản được Triều đình bổ làm Trấn thủ Phủ Thiên Trường, ông có công mở đất vùng Giao Thủy nay là các vùng lân cận huyện lỵ Xuân Trường, ít lâu sau được triệu về cung làm quan tới chức Ngự sử Trung Đại phu. Còn ông Tô Lê Hiến Tứ ban đầu đi trấn thủ tại Cao Bằng có công dẹp giặc ở vùng Quảng Nguyên (nay là Quảng Ninh) về sau cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành thắng lợi được nhà vua thăng chức: Trấn nam Tướng quân và làm quan đến chức Hạ đại phu. Mặc dù làm quan to trong triều đình nhưng hai ông vẫn nhớ quê hương, nên đã xin nhà vua cho cho về xây dựng hành cung tại trang Thượng Lao, giúp dân tiền của khơi sông đào ngòi “dẫn thủy nhập điền” đắp đường chia ruộng thành ô kiểu chữ Tỉnh, khuyên dân ăn ở cho tiện cấy trồng và mở mang đồng ruộng. Các ông cho đào một con ngòi dẫn nước quanh làng, thông với sông Đào, sông Hồng để tưới tiêu cho cánh đồng các xã: Thượng Lao, Xối Thượng, Xối Tây, Xối Trì nay là 4 thôn của xã Nam Thanh. Từ đây thuyền bè đi lại thông ra sông Hồng được dễ dàng.

Bảng nhãn Tô Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Tô Lê Hiến Tứ làm quan vào thời kì mà nhà Trần suy thoái, Hồ Quý Ly chuyên quyền, phế lập vua Trần Phế Đế, uy quyền xã tắc lung lay, vận nước nguy ngập. Vì giận Hồ Quý Ly sát hại những người trung nghĩa nên Tô Lê Hiến Giản đã kịch liệt phê phán hành động bạo ngược của Hồ Quý Ly và bí mật tâu vua giết Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly rất căm ghét Ngự sử Trung Đại phu Tô Lê Hiến Giản nhưng vẫn tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, song không làm lay chuyển lòng trung nghĩa của ông đối với vương triều Trần.

Thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, thường ngày đến làm việc ở nhà chính sự đường vẫn ngồi trên một chiếc ghế sơn đen, Tô Lê Hiến Giản tức lắm liền nói: “Nay ông dám ngồi ghế đen, rồi nữa, ngai vàng ông cũng ngồi à?” Hồ Quý Ly giật mình nhưng vẫn đe lại: “Xin ông hãy đổi cái bụng dạ ấy đi!”

Tô Lê Hiến Giản không hề sợ, cứng cỏi trả lời: “Bụng dạ trời sinh, sao có thể đổi được!” Nói xong ông ngâm mấy câu thơ: Ngã tâm phỉ tịch/Bất khả quyển dã/Ngã lâm phỉ thạch/Bất khả chuyển dã. Nghĩa là: Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu/ Không thể cuốn tròn được/ Lòng ta chẳng phải hòn đá/Không thể chuyển vần được.

Hồ Quý Ly nghe xong giận lắm nhưng để bụng, không nói gì cả. Biết Tô Lê Hiến Giản là người trung thành, có khí tiết nên vua Trần càng tin dùng hơn và phong cho chức Tô Lê Hiến Gián đại phu.

Sự kiện gây nỗi xúc động mạnh trong lòng các trung thần, nghĩa sĩ là các đại thần do Thượng tướng Trần Khát Chân đứng đầu cùng với Thái bảo Trần Nguyên Hãn, Thượng Trụ quốc Trần Nhật Đôn, Thượng thư Hà Đức Lân, Đại phu Tô Lê Hiến Giản, Hành khiển Lương Nguyên Bưu… bàn mưu diệt trừ Hồ Quý Ly, mong cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần nhưng không thành.Phần lớn những người dự mưu và thân thích, tổng cộng hơn 370 người bị giết. Truyền rằng, trước khi bị hành hình, Tô Lê Hiến Giản vẫn ung dung đọc bài thơ cảm khái, có câu rằng: Thốn nhẫn trừ tàn thiên địa bạch/ Thất tâm báo quốc quỷ thần tri.Nghĩa là: Tấc kiếm trừ gian trời đất biết/Tấm lòng báo quốc quỷ thần hay.

Em ông là Tô Lê Hiến Tứ cùng dự mưu giết Hồ Quý Ly nên cũng bị sát hại. Theo dã sử, vụ hành hình xảy ra vào ngày 12 tháng 12 năm Kỷ Mão (thần tích thì ghi là năm Canh Ngọ 1390), thi hài hai ông được đưa về chôn cất tại trang Thượng Lao bên con ngòi do họ cho đào lúc sinh thời, có 4 nàng tỳ nữ theo hầu trước đây cũng gieo mình xuống con ngòi tự vẫn, chết theo hai ông. Từ đó con ngòi này có tên là “mỹ nữ hàn khê” (ngòi mỹ nữ).

Một thuyết khác cho hay, khi Tô Lê Hiến Giản bị xử trảm thì Tô Lê Hiến Tứ đang ở phủ Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), biết chuyện vội xuống thuyền buôn trốn về núi Thần Thiệu (nay thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình) nhưng vẫn bị truy tìm gắt gao; đúng một năm sau ngày chết của anh, Tô Lê Hiến Tứ gieo mình xuống sông tuẫn tiết.

Đương thời có câu đối viếng hai anh em Tô Lê Hiến Giản như sau: Phù chính đân tâm nguyên bất tử/Tận trung hùng khí lẫm như sinh.Nghĩa là: Phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt không bao giờ mất/ Hết lòng trung khí mạnh mãi mãi vẫn như còn...

Một lần Hồ Quý Ly vào phủ đường, Tô Lê Hiến Giản sai gia tướng là Nguyễn Thế Việt dắt dao hành thích, việc không thành, ông bị Hồ Quý Ly mưu hại vào ngày 12 tháng 12 năm Kỷ Mão (1399). Tô Lê Hiến Giản được vua thương tiếc sai niệm thi hài vào quan đồng quách đá, đưa xuống thuyền từ Thăng Long xuôi sông Hồng vào sông Đào (Cỗ Lễ) an táng trên cồn Cây Sơn, cánh đồng Quần Trà bên cạnh con ngòi do hai ông giúp dân đào lúc sinh thời. Còn Tiến sĩ Tô Lê Hiến Tứ sau này ông cũng bị Hồ Quý Ly hại và an táng ở phía Đông nam núi Thần Thiệu (thuộc Gia Viễn - Ninh Bình). Ngày Tô Lê Hiến Tứ mất cũng là ngày 12 tháng 12. Vì vậy đến nay tại Thượng Lao chỉ có một khu lăng mộ của ông Tô Lê Hiến Giản, không có lăng mộ của ông Tô Lê Hiến Tứ.

Lăng Tô Lê Hiến Giản được xây dựng từ đời vua Thành Thái năm thứ nhất (1889), theo kiểu chồng diêm tám mái khang trang. Bốn mặt tường Đông, Tây, Nam, Bắc đều đề thơ xưng tụng.

Tương truyền khi hai ông mất, bốn mỹ nữ theo hầu vì quá thương tiếc nên đã tự gieo mình xuống con ngòi tuẫn tiết, về sau nhân dân đặt tên con ngòi là “Mỹ nữ hàn khê” (Ngòi mỹ nữ). Tại nghi môn đền Thượng Lao còn đôi câu đối viết về sự kiện này:

Trinh tầm bất dẫn Đào giang thủy

Thắng tích do truyền mỹ nữ khê

(Tấm lòng son sắt giữ gìn cùng nước Đào giang còn chảy mãi

Di tích tốt đẹp còn truyền kia khe mỹ nữ vẫn nêu tên)

Ngày nay trong tâm thức của nhân dân địa phương, hai vị đại khoa không chỉ là những vị quan văn võ song toàn, trung nghĩa đối với nhà Trần mà các ông còn được suy tôn là “bậc thánh”. Đó là Đức thánh cả Tô Lê Hiến Giản, Đức thánh hai Tô Lê Hiến Tứ.

Quan niệm này cũng được truyền tụng lại và ghi nhiều trong sử sách: Đời Hậu Trần (1407-1414) Giản Định đế truy phong tước vương của hai ông Tô Lê Hiến Giản và Tô Lê Hiến Tứ là: “Nhất tự tịnh kiện vương”. Tương truyền vào năm Bính Ngọ (1426) Bình Định vương Lê Lợi, khi tiến quân ra Bắc qua vùng Thượng Lao, được hai ông báo mộng. Năm 1428, khi dẹp xong giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua đã ban sắc phong cho hai ông là: “Thượng đẳng phúc thần” và thờ làm Thành hoàng.

Vào thời vua Lê Chiêu Tông bị nhà Mạc cướp ngôi, Thái tử Duy Ninh cùng Thái úy Nguyễn Kim đem quân đóng ở trước đền, đêm nằm mơ thấy thần dâng mũ ngọc xin giúp việc quân về sau quả ứng nghiệm. Khi Thái tử lên ngôi vua (Lê Trang Tông) gia phong cho Tô Lê Hiến Giản bốn chữ “Quan phục linh ứng”.

Đến thời Nguyễn, xét hai ông trung nghĩa và cả nước chưa có ai như hai ông đạt bốn chữ “ đồng”.

- Đồng sinh (cùng sinh một ngày)

- Đồng khoa (cùng đỗ một khoa)

- Đồng liêu (cùng làm quan một triều)

- Đồng tử (cùng chết một ngày)

Vì vậy Triều đình nhà Nguyễn ban Quốc tế vào những ngày mở hội lớn (ba năm hoặc sáu năm một lần) nhân dân địa phương dựng rạp trước cửa đền để quan tỉnh vâng mệnh về tế, khu đất ấy có tên là “Áng quan”. Chuyện linh thiêng về “Đức thánh cả” “ Đức thánh hai” giúp Bình Định vương Lê Lợi và vua Lê Trang Tông đánh thắng giặc hẳn là một biến thể của niềm tin và kính phục của người đời đối với hai vị đại khoa không riêng gì ở Thượng Lao, Xối Thượng mà còn ở Xối Tây, Xối Trì xã Nam Thanh, đền Thánh Cả ở xã Trung Đông huyện Trực Ninh; đền Bình An, thôn Phú Cường, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (núi Thần Thiệu)… Việc tế lễ trước đây được diễn ra vào ngày hai ông mất (12 tháng 12), nhân dân đã làm lễ rước thánh vị của hai ông ở các nơi về đền chính “Đức thánh cả” Thượng Lao hợp tế. Ngày nay, nghi thức có đơn giản hơn nhưng niềm tin vào sự linh nghiệm của hai vị thánh thể hiện qua lễ hội vẫn còn.

Tài liệu tham khảo

1. Báo Pháp luật điện tử Việt Nam, baophapluat.vn, 14.07.2016 

2. Báo Lịch sử Việt mới điện tử, newvietart.com, Nam Định, 31.08.2010

3. Tư liệu của trung tâm VHTT huyện Nam Trực, Nam Định 2016

4. Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định, Nam Định 14.06.2014 

 

 

Tô Duy Phương