PHỤ NỮ HỌ TÔ TRONG SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC


Sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân, đế quốc là sứ mệnh thiêng liêng của toàn thể nhân dân Việt Nam, thu hút sự tham gia của triệu triệu người con trăm họ, không phân biệt già trẻ gái trai.Trong sự nghiệp ấy, phụ nữ luôn luôn đóng vai trò tích cực, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, trở thành những tấm gương ngời sáng. Trong số đó có những bà mẹ, người chị, em gái họ Tô. Dưới đây xin giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu của phụ nữ họ Tô và con dâu Họ Tô.

ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới với những cuộc đấu tranh diễn ra trên cả nước. Đầu năm 1930, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nổi lên phong trào cách mạng sôi sục của công nhân và nông dân, nhằm đánh đổ bọn thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền xô viết (Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh). Cuộc đấu tranh quyết liệt đó đã thu hút nhiều người họ Tô tham gia. Người con gái họ Tô xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An tên là Tô Thịm - người đã luôn luôn giương cao cờ đỏ búa liềm đi đầu trong các cuộc biểu tình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lại kéo quân sang, âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Trước sức ép ngày càng tăng của quân xâm lược đến mức không thể chịu đựng nổi nữa, đêm 19-12-1946, theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, quân và dân ta đã nhất tề đứng lên chiến đấu, thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Lúc này, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là bảo vệ Hồ Chủ tịch và cơ quan đầu não kháng chiến, đảm bảo an toàn hành trình lên chiến khu Việt Bắc. Trách nhiệm nặng nề đó được đặt lên vai lực lượng công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng bảo vệ tiếp cận Người. Lực lượng này được thành lập vào tháng 12 năm 1945, gồm tám cán bộ, chiến sỹ; trong số đó có Lê Thị Thanh (tức Tô Thị Ngọc). Cuối năm 1946, thực hiện Chỉ thị của Đảng, một số cán bộ, chiến sỹ của lực lượng bảo vệ tiếp cận, Tô Thị Ngọc đã đi tiền trạm với nhiệm vụ tìm đường trở lại chiến khu. Đầu năm 1947, Tô Thị Ngọc là một trong số các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở và làm việc tại chùa Một Mái trên núi Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), trước khi lên đường tới Thủ đô Gió Ngàn.

Suốt hơn 30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, những người con gái, con dâu họ Tô đã luôn luôn sát vai cùng các chị em thuộc các dòng họ khác, cùng nam giới, cùng toàn dân tộc hăng hái phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, chịu đựng hy sinh, lập nên những trang sử vẻ vang, tiêu biểu là những nữ “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vả những “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

CÁC NỮ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

          Từ bao đời nay, nhân dân ta vẫn thường nói:”Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”. Noi gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu và các vị nữ anh hùng khác, nhiều người con gái họ Tô đã sớm giác ngộ tinh thần yêu nước nồng nàn, hăng hái tham gia chiến đấu chống bọn thực dân, đế quốc xâm lược, anh dũng hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách. Sánh vai cùng Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch) và Tạ Thị KIều là các nữ anh hùng lượng vũ trang nhân dân Tô Thị Hiển, Tô Thị Huỳnh và Tô Thị Tẻ.

          * Anh hùng - Liệt sỹ Tô Thị Hiển

Bà Tô Thị Hiển sinh năm 1920 tại thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Bà là con gái lớn trong một gia đình nông dân có 5 chị em. Thuở nhỏ, Bà được cha mẹ cho ăn học đến hết bậc tiểu học. Khi lớn lên, Bà là một thiếu nữ xinh đẹp. Năm 1936, Bà lấy chồng là ông Cao Văn Cấp, người thôn Khê Nữ cùng xã. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Mặc dù đã có 2 con, nhưng tuổi còn trẻ, lại có học vấn cao (so với phụ nữ nông thôn lúc bấy giờ), Bà đã nhanh chóng tiếp thu được ảnh hưởng của cách mạng. Bà tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc xã.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đầu năm 1947, thực dân Pháp đem quân đánh chiếm các huyện xung quanh thành phố Hà Nội. Xã Nguyên Khê trở thành khu du kích, là cơ sở đưa đón cán bộ ra vào nội thành hoạt động. Bà Hiển tham gia dân quân, du kích, sau đó làm cán bộ giao liên của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện Đông Anh. Ông Cấp - chồng Bà cũng tham gia dân quân, du kích. Năm 1950, trong một trận chiến đấu, ông Cấp bị địch bắt, đưa đi biệt tích. Bà Hiển cũng bị giặc bắt nhiều lần, bị chúng tra tấn dã man. Có lần chúng còn bắt các con nhỏ của Bà, rồi dọa dẫm, đánh đập trước mắt Bà, hòng ép Bà cung khai. Nhưng bà Hiển vẫn một lòng trung thành với Cách mạng, không hề khai báo nửa lời để bảo toàn cán bộ, bảo toàn cơ sở.

Tháng 6.1954, được tin bà Hiển vừa đưa 20 cán bộ Việt Minh ra vùng tự do, kẻ địch đã bắt Bà. Cũng như những lần trước, mặc dù đã dùng mọi cực hình tra tấn, chúng vẫn không moi được một lời khai của Bà. Ngày 20-6-1954, trước một tháng ngày Hòa bình lập lại ở Đông Dương, kẻ địch đã hèn hạ và dã man giết hại bà Hiển. Lúc đó, bà Hiển mới 34 tuổi, để lại 4 con thơ dại, lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất mới lên 5 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Ngày 27-2-2002, Nhà nước đã quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho bà Tô Thị Hiển là “Cán bộ giao liên Ủy ban Hành chính - Kháng chiến huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Bà Hiển có 2 người em là Tô Văn Tiếp và Tô Quang Trung cũng đã hy sinh trên các chiến trường. Ngày 27-8-1995, thân mẫu của Bà là cụ Lê Thị Hợi đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Được chính quyền, dòng họ và các đoàn thể nuôi dưỡng, chăm sóc, cả 4 con (2 trai, 2 gái) của bà Tô Thị Hiển đều đã trưởng thành, gia đình đông vui, kinh tế khá giả.

(Nguồn: Cao Mạnh Cường, Thông tin họ Tô Việt Nam, số 16, 12/2012, tr. 63)

* Anh hùng - Liệt sỹ Tô Thị Huỳnh

Tô Thị Huỳnh sinh năm 1945 ở ấp Ô Chích, xã Lương Hòa - cách thị xã Trà Vinh không đầy 4 cây số. Cha cô bị trúng đạn khi ông đang cầm búa chạy theo du kích đuổi giặc và đã ngã xuống trên mảnh đất vừa mới được chính quyền cách mạng cấp cho. Mảnh khăn tang trên đầu chưa ngả màu, Tô Thị Huỳnh nghỉ học và xin vào đội du kích mật.

Cuối mùa mưa năm 1962, bọn cố vấn Mỹ kéo quân ngụy chi khu về càn quét liên tục mấy ngày đêm. Máy bay quần đảo ầm ĩ, đại bác đì đùng đinh tai, nhức óc. Lính bảo an, biệt động càn đi, quét lại, làm bao nhà tan, cửa nát. Cây cối bị bom đạn cày xới trốc gốc, thân đổ, cành gẫy ngổn ngang khắp nơi. Chịu không nổi, một số bà con gạt nước mắt, gồng gánh ra đi, thà tha phương cầu thực chứ quyết không thèm tập trung vào ấp chiến lược do Mỹ - Diệm bày ra.

Thấy Tô Thị Huỳnh còn nhỏ tuổi, cán bộ xã khuyên Huỳnh tạm thời theo mẹ lánh về quê ngoại cùng với các em. Nhưng Huỳnh kiên quyết không chịu, cô bày tỏ mơ ước của mình là có được một khẩu súng để cùng các chú, các anh đánh giặc. Thế là mùa mưa năm đó, Huỳnh được cấp trên giao cho một khẩu súng tự tạo, không có hộp đạn, gọi là cây “mút nhét”. Mỗi lần bắn, Huỳnh phải nhét đạn vào nòng súng, bắn xong phải thụt vỏ đạn ra, rồi nhét viên đạn khác vào. Vậy mà Huỳnh lại rất mừng, ngày ngày vác súng ra vườn tập bắn.

Một hôm, có tin giặc tập trung quân, sắp càn vào Ô Chích. Anh Sáu Đấu, chỉ huy bộ đội địa phương bố trí: Anh phụ trách hướng chính, Huỳnh và tổ dân quân canh mặt hậu bên này sông Ô Chích. Mặt trận vừa dàn xong thì bộ binh địch bắt đầu xuất hiện. Anh em bộ đội tràn tới như nước vỡ bờ. Súng ta nổ đều và mạnh. Anh Sáu Đẩu hô xung phong. Huỳnh chụp cây carbin tước được của địch, vừa chạy vừa bắn.

Hiệp đầu kết thúc, bộ đội ta rút qua sông Ba Xe. Huỳnh đưa hai thương binh vào trạm cứu thương, rồi vác súng đi gác. Một lát sau súng địch nổ vang trời, bọn chúng hò nhau tràn tới. Khi tên địch đi đầu còn cách không đây 100 mét, Huỳnh vừa bắn vừa hô lớn: “Trung liên bắn xuyên hông, đại liên vận động lên”. Bọn giặc nghe có trung liên, đại liên thì nhớn nhác bỏ chạy, không dám xáp vào, rồi rút luôn. Đó là thành tích đầu tiên của Tô Thị Huỳnh.

Cũng trong thời gian này, theo lệnh của Mặt trận, ấp Ô Chích thành lập đội du kích. Riêng xã Lương Hòa có Tiểu đội nữ du kích gồm 5 đội viên người Việt và 4 đội viên người Khmer. Lần đầu tiên, Tiểu đội nữ du kích Lương Hòa ra mắt Mặt trận và đồng bào tỉnh Trà Vinh. Tô Thị Huỳnh và tất cả các chị em hứa hẹn sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Đội du kích 9 người tiếp tục chiến đấu và lớn mạnh thành Trung đội nữ du kích Lương Hòa.

Năm 1965, Tô Thị Huỳnh được cử đi dự Đại hội mừng công chiến sỹ thi đua, anh hùng lực lượng vũ trang toàn miền Nam. Từ Đại hội ra về, Huỳnh lại cầm súng ra trận. Cũng năm đó, Huỳnh được Chi bộ kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Trải qua quá trình chiến đấu anh dũng, kiên cường của Trung đội nữ du kích Lương Hòa, hơn 500 tên giặc đã phải bỏ mạng trước mũi súng ngùn ngụt căm thù của các chị em người Việt, người Khmer. Riêng Tô Thị Huỳnh đã tham gia 150 trận đánh lớn nhỏ, diệt hơn 100 tên địch, làm bị tương hơn 20 tên, bắt sống 30 tên, thu 30 súng các loại, vận động được 16 lính ngụy bỏ hàng ngũ địch, mang 18 súng trở về với nhân dân. Ngoài ra, Tô Thị Huỳnh còn tổ chức được 5 cơ sở làm nội ứng cho ta, vận động được 6 thanh niên vào bộ đội và 40 thanh niên nam, nữ khác tham gia lực lượng vũ trang địa phương.

Tháng 12-1966, trong một trận chiến đấu ác liệt, Tô Thị Huỳnh đã anh dũng hy sinh. Ngày 17-09-1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã truy tặng Tô Thị Huỳnh Huân chương Giải phóng hạng Ba và danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tuổi trẻ Tô Thị Huỳnh là một đóa hoa rực rỡ trên đất Lương Hòa. Chị là tấm gương tiêu biểu cho tuổi thanh xuân hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chiến công nối tiếp chiến công, quê hương và dòng họ mãi mãi ghi nhớ công lao của chị cùng các  anh hùng, liệt sỹ khác.

(Nguồn: Tô Quyết Tiến, Thông tin họ Tô Việt Nam, số 14, 01/2011, tr. 48-49).

* Anh hùng - Liệt sỹ Tô Thị Tẻ

Tô Thị Tẻ, sinh năm 1943 tại ấp Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Năm 1957, cô bé 14 tuổi vào Đội Thiếu niên tháng Tám, làm các nhiệm vụ canh gác, theo dõi kẻ gian, lính biệt kích, thám báo. Sau 2 năm tham gia, cô trở thành nòng cốt của tổ chức Đội. Năm 1960, phong trào “Đồng khởi” sôi nổi khắp miền Nam, cũng là lúc Tô Thị Tẻ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Năm 1961, cuộc đấu tranh liên ấp, liên xã thu hút hàng ngàn người tham gia. Phát huy vai trò “Cánh tay xung kích của Đảng”, các đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hăng hái đi đầu trong cao trào 3 mũi giáp công: Quân sự, Chính trị, Binh vận.

Ngày 21.3.1961, cuộc đấu tranh trực diện ở huyện Đầm Dơi đạt đến đỉnh điểm. Hơn 5.000 người, trên 1.000 xuồng ba lá chỉnh tề kéo về Chi khu Đầm Dơi đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chấm dứt càn quét, bắn phá, oanh kích nông thôn, chống bình định, dồn dân, quy khu, lập ấp, bắt lính, giết người bừa bãi, lên án tên Quận Thắng và bè lũ tay sai, ác ôn. Trước sức tiến công của quần chúng, nhân dân tay không. kẻ địch đã thẳng tay đàn áp khốc liệt. Chúng xả súng bắn vào các đoàn biểu tình, giết chết 18 người, làm bị thương hàng trăm người khác.

Căm thù chồng chất căm thù. Tổ trưởng Tổ ba người Tô Thị Tẻ cùng các đồng đội xông lên, quyết một mất một còn với kẻ địch. Chúng bắt Tẻ cùng hàng chục chiến sĩ đấu tranh trực diện, đánh đập dã man, còng tay, lôi kéo vào sân Nhà nguyện, khoanh dây kẽm gai nhốt lại và tiếp tục tra tấn. Tên Nghĩa “chuột” chỉ huy cuộc đàn áp đến nhăn nhở với Tẻ: ”Em ưng anh hoặc bị anh giết !”. Chị đã dõng dạc trả lời: ”Tôi thà làm ma đất Đầm Dơi này, chứ không làm vợ anh đâu !”. Bẽ mặt trước thuộc hạ, tên Nghĩa càng mang mối hận với người con gái trẻ.

Đêm 25-3-1961, tên Nghĩa và đồng bọ của chúng lại lôi Tô Thị Tẻ ra ngoài đánh đập, hành hạ. Không run sợ, không đầu hàng, không khuất phục, chị còn vạch trần tội ác của chúng, nhổ nước bọt bào mặt lũ sát nhân. Bọn  địch hò hét man rợ, lao vào xẻo vú trái, rồi vú phải của người con gái đang tuổi thanh xuân. Trong nỗi đau đớn cùng cực, chị hét lớn: ”Tao quyết không đầu hàng. Rồi đây Cách mạng sẽ trừng trị chúng bay. Đả đảo Mỹ-Diệm !”. Không khuất phục được, bọn địch đẩy chị xuống cái hố đã đào sẵn và chôn sống chị. Tô Thị Tẻ hy sinh khi mới tròn 18 tuổi.

Ban Thanh vận khu Tây Nam Bộ đã xây dựng điển hình Tô Thị Tẻ thành bài học về tấm gương bất khuất của đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, phát động phong trào “Tuổi trẻ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh !”

Ngày 30-01-2011, Nhà nước quyết định truy tặng Liệt sỹ Tô Thị Tẻ danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

(Nguồn: http://www.baocamau.com.vn)

Thay cho lời kết

     Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). Ban Liên lạc Họ Tô Việt Nam bằng những trang viết này xin là nén hương thơm kính dâng lên hương hồn các bà mẹ liệt sỹ đã khuất, xin được làm đóa hoa thơm gửi đến các bà mẹ liệt sỹ hiện còn được nhìn thấy đất nước đang đổi mới từng ngày.