CỤ CỬ TÔ

Họ Tô làng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh (nay là xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình vừa được đón nhận danh hiệu “Dòng họ văn hóa”, là dòng họ đầu tiên trong tỉnh nhận được danh hiệu này.

Trong lịch sử hơn 500 năm định cư, tồn tại và phát triển của dòng họ, khởi đầu từ cụ Thủy tổ Tô Huyền Thông, ở nơi xa xưa là đồng chua nước mặn và dần dần thành đất chật người đông này, dòng họ đã xây nên một truyền thống “hiếu học, chăm làm, giầu lòng nhân ái và yêu nước” trong đó hiếu học được coi là truyền thống nổi bật.

Từ cụ Thủy tổ Tô Huyền Thông là đời thứ nhất, đến nay dòng họ đã phát triển đến đời thứ 18, đời nào cũng có người đỗ đạt hoặc làm việc nghĩa, làm rạng danh cho dòng họ, không chỉ trong làng xã. Trong đó cụ Cử nhân Tô Văn Thống là một người tiêu biểu được cả làng, cả huyện gọi một cách kính trọng là cụ Cử Tô.

Cụ tên húy là Tô Văn Thống, tên chữ là Lạc Đồng, thuộc đời thứ 11, Họ Tô làng Thượng Tầm. Cụ sinh năm Tân Dậu (1861), con cụ Nhiêu học Tô Văn Thác và cụ bà Lê Thị Kiệt, là một gia đình có truyền thống học hành. Bác ruột cụ (anh ruột cụ Thác) là cụ Tô Văn Thưởng cũng đỗ cử nhân. Cụ là con trai một, nên càng được gia đình chăm lo việc học. Năm 15 tuổi cụ đã nổi tiếng là người học giỏi trong vùng. Năm cụ 24 tuổi có khoa thi hương ở Nam Định. Cụ cũng ghi tên ứng thí nhưng năm ấy (1884) là năm Tự Đức ký hòa ước nhượng Bắc Kỳ cho Pháp làm xứ bảo hộ; đang lúc giao thời lộn xộn, cụ có nói với cụ cử Gia ở Đông Động là cụ sẽ làm bài để không đỗ khoa này, khoa sau sẽ hay.

Đến khoa thi sau là khoa Mậu Tý (1888), cụ thấy tình hình cũng chưa đuổi được Pháp ra khỏi đất nước nên cụ đã viết để trúng tuyển cho xong nợ sách đèn. Cụ đỗ cử nhân năm 28 tuổi.

Trong việc cụ thi đỗ cũng có vài chuyện mang mầu sắc tâm linh, ngày nay ta nghe chắc không tin là có thực, nhưng những chuyện đó cũng chứng tỏ uy tín của cụ với họ hàng, làng mạc và lớp nhà nho địa phương, quan tâm đến việc học hành đỗ đạt của cụ.

Chuyện thứ nhất: Các cụ trong họ có kể lại cho con cháu là năm cụ Thống thi đỗ, tiếng pháo sông Tìm lại nổ. Sông Tìm là sông Trà Lý chảy qua địa phận làng Thượng Tầm, đọc trại đi là làng Tìm; tên chữ là sông Côn. Đây cũng là truyền thuyết trong vùng, nói là mỗi khi có người đỗ đạt cao thì pháo sông Tìm (Côn pháo) lại nổ, như lúc cụ Lê Hầu Thanh ở thôn Thanh Long cùng xã đỗ Hoàng Giáp.

Vì vậy năm cụ Cử 70 tuổi (1930), khi tổ chức lễ thượng thọ có làm đôi câu đối nhắc lại sự kiện này.

Vế trên: Thiên minh côn pháo hùng văn trận.

Nghĩa là trời nổ pháo sông Côn, làm cho trận văn (lúc đi thi) thêm mạnh mẽ.

Cuyện thứ hai: Thời ấy có tục lên đồng bói chữ, người nhập đồng cầm đũa viết lên mặt thúng gạo. Trước khi đi thi, người nhà cũng nhờ thầy đồng xin được chữ Quý (       ) nhưng cũng không ai đoán được ý tứ chữ này. Khi cụ đã đỗ, có người mới làm phép chiết tự để luận ra ý nghĩa của chữ đó. Chữ Quý được cắt thành bốn chữ từ trên xuống đọc là trúng (   ) nhất (       ) mục (    ) nhân (  ), nghĩa là “người một mắt đỗ” ứng đúng vào cụ vì lúc nhỏ cụ mắc bệnh đậu mùa bị hỏng mất một mắt.

Ít lâu sau khi thi đỗ, cụ được Phó Kinh lược Bắc kỳ là Trần Lưu Huệ mời lên Hà Nội dạy cho con trai là Trần Lưu Thứ. Trần Lưu Thứ sau đỗ cử nhân có về thăm thầy.

Xong việc dạy học, Nha Kinh lược Bắc Kỳ mời cụ ra làm Tri huyện nhưng cụ không nhận - cụ viện cớ là con một phải ở nhà phụng dưỡng bố mẹ già. Nhưng trong ý tứ sâu xa là lúc đó ra làm quan, được bổ ở tỉnh nào phải đến chào lạy quan đầu tỉnh (Công sứ người Pháp), cụ cho đó là nhục nên không nhận làm quan. Nhưng Nha Kinh lược vẫn cấp bằng “Tri huyện hậu bổ” nên dân trong vùng gọi cụ là cụ Hậu.

Cụ ở nhà mở trường dạy học, môn sinh khá đông, trước sau khoảng 50 người và cũng có nhiều người đỗ đạt: cử nhân ngoài Trần Lưu Thứ còn có Đào Hữu Môn (ở Đông Quang), tú tài có Lê Văn Duyệt, Tô Văn Độ và nhiều người đỗ nhị trường như Tô Văn Phúc, Nhâm Văn Nghị, Phí Ngọc Quỳnh, Tô Văn Bổng.

Cụ còn làm được việc công đức cho làng là tổ chức đào ngòi lấy nước làm thêm vụ chiêm cho 300 mẫu ruộng ở cánh Đầm Xép, Mét, Quếch.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đóa (Quê ở Hưng Yên sang Thái Bình dạy học và hoạt động cách mạng, là Tổng sư dạy trường tổng Thượng Tầm, đảng viên cộng sản trước năm 1945. Thầy Đóa sau lấy bí danh là Nguyễn Chính hoạt động cách mạng ở huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Cạn, sau cách mạng tháng Tám là Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng năm 1945 - 1946) thì cụ Cử có kết giao với cụ Tổng Thuật (thân sinh cố Đại tướng Hoàng Văn Thái) để hoạt động hội kín chống Pháp. Và cụ Thống cũng là người giới thiệu thầy Đóa để liên lạc với đảng viên kỳ cựu Nguyễn Văn Năng quê ở xã Thượng Phú cùng huyện.

Cụ rất quan tâm giáo dục con cháu. Cụ có hai bà vợ sinh được sáu người con trai (hai trai mất lúc nhỏ tuổi) và năm con gái.

Ba con trai tham gia cách mạng có hai người là đảng viên cộng sản từ 1948, một người là  Phó chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời xã Thượng Tầm năm 1945, 1946. Con rể cụ là cơ sở đi về của ông Trường Chinh lúc hoạt động bí mật ở Thái Bình. Các cháu nội của cụ đều được học hành thành đạt. Ba cháu nội là trí thức tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1944 trong đó một người bị bệnh mất năm 1949, còn hai người được công nhận là lão thành cách mạng, ba người là sĩ quan cao cấp trong quân đội.

Năm 1931 cụ xây một ngôi nhà thờ ba gian để thờ cha mẹ. Lúc kháng chiến chống Pháp, cụ đã mất (cụ mất năm 1939, thọ 79 tuổi), nhà thờ cụ được dùng làm cơ quan Tỉnh đoàn thanh niên Thái Bình, có một căn hầm bí mật tồn tại suốt những năm kháng chiến. Năm 1981 nhà thờ xuống cấp được thu gọn thành một gian. Năm 2003, các cháu cụ đã khôi phục lại thành ba gian theo đúng kiểu dáng cụ đã xây.

Nhân ngày mừng thượng thọ 70, cụ có làm một bài thơ, xin chép ra đây làm lời kết cho bài viết này.

Thơ cụ viết chữ Nôm, con cháu phiên sang chữ Việt, có thể có sai sót cũng xin anh linh cụ đại xá.


Ngày 21 tháng Tám năm Canh Ngọ

Vua Bảo Đại thứ năm, Canh Ngọ

Tiết Trung Thu trăng tỏ trời thanh

Đào nguyên hoa quả đầy ngành

Ngọt ngào rượu đạo để dành đã lâu

Lũ trai, gái, rể, dâu, cháu chắt

Tiệc đoàn viên đông chật một nhà

Mừng trên chiếm bảng khôi khoa

Trâm anh vọng tộc nối nhà lễ thi

Nay  nam cực tinh huy rạng rỡ

Áng sao khuê sáng tỏ góc trời

Thung huyên tam thọ tốt tươi

Bốn dâu, năm rể, chín người gái trai

(1) Học trò của Cụ có ở cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ


So nhân phẩm, anh tài, dĩ thượng

Cùng họ hàng, hưởng đảng ấm êm.

Tiêu dao trong thú điền viên

Cái mùi danh lợi có chen làm gì

Vả trong chốn làng quê khuya sớm

Trên nhà huyên ba khóm đua tươi

Ơn vua lộc nước nối đời

Chen vai chu tử, theo đòi đai cân

Đám môn đồ đầy sân hiển quý

Ở  Lưỡng Kỳ(1) khôi vĩ nhiều người

Chúc mừng tuổi hạc lâu dài

Dầu là tám, chín, mười mươi cũng thường

Chữ rằng vạn thọ vô cương.

                      Tô Quốc Bảo