Chính ủy Tô Ký và chuyện hạ… “Ngưu Ma Vương”


Năm 1972, tôi vừa sang tuổi 25, đang công tác ở Công ty Thiết kế công trình công nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, đóng ở Từ Liêm (Hà Nội) thì có giấy gọi nhập ngũ. Năm đó, nhà nào có hai anh em trai trở lên, tuổi từ 18 đến 32, chưa ai trong quân ngũ thì đều được gọi. Đơn vị tôi là Đại đội 4, Tiểu đoàn 715, Trung đoàn 1, Quân khu Hữu ngạn, luyện quân ở một miền rừng núi đá vôi thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hầu hết là anh em đã tốt nghiệp đại học, ngay từ ngày đầu tôi thân với anh Trần Văn Thông, 31 tuổi, đã có vợ con, trước khi nhập ngũ công tác ở Tổng cục Thống kê. Anh em trong tiểu đội còn gọi anh là "Thông Thái” vì anh lớn tuổi nhất, cũng là người có hiểu biết rộng. Anh vốn quê Long An, năm 1955 theo ba, má ra Bắc tập kết, ba anh hoạt động bí mật từ năm 1945, là em họ của nhà cách mạng Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ngày đó đang là một giáo sư sử học danh tiếng ở Hà Nội.

Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi được nghỉ phép để chuẩn bị bổ sung quân số cho chiến trường Quảng Trị. Anh em đều phải cuốc bộ khoảng 30 cây số ra huyện lỵ, rồi mua vé xe khách, tôi thì về quê ở thị xã Hòa Bình, còn anh “Thông Thái” dự định sẽ từ thị xã Hòa Bình mua vé đi tiếp về với gia đình ở Hà Nội. Đường trường có bạn nói chuyện quên cả mệt nhọc, được cái anh bạn lớn tuổi biết nhiều nên chuyện lúc nào cũng nở như ngô rang. Đi được khoảng nửa đoạn đường, bỗng nghe tiếng còi ô tô từ phía sau vọng lại, anh Thông bảo ngay: "Xe con cậu ạ!". Chúng tôi dừng bước ngoái lại, một xe Com-măng-ca màu cỏ úa bóng loáng đang đến gần. Anh “Thông Thái” lại nói: “Sếp quân khu ta là cái chắc”. Nói vậy, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khi chiếc xe con đi lướt qua. Trước chúng tôi chừng trăm thước, bỗng xe con dừng, bụi từ mặt đường cuộn lên. Chúng tôi thì cứ rảo bước. Cửa xe mở. Một người cao lớn, da đỏ au, đội mũ mềm, mặc quân phục dạ sẫm màu, ve áo đeo hàm Thiếu tướng, đứng hẳn ra bên lề đường có vẻ chờ chúng tôi tới gần. Anh Thông phản xạ rất nhanh, liền xốc ba lô, chạy tới trước mặt vị Thiếu tướng, đưa tay lên vành mũ cối, dõng dạc:

- Báo cáo thủ trưởng. Chúng tôi thuộc Tiểu đoàn 715, Trung đoàn 1, nghỉ phép chuẩn bị đi B.

Vị Thiếu tướng cười rất hiền, giọng Nam Bộ, bảo:

- Quân ông Chương hả? (Trung tá Nguyễn Chương là Chính ủy trung đoàn tôi) -Không chờ trả lời, Thiếu tướng hỏi tiếp:

- Đi đâu?

- Báo cáo-Anh Thông trả lời tắp lự: – Đi thị xã Hòa Bình.

- Cho quá giang. Dô!

Hóa ra xe chỉ có mình thủ trưởng ngồi trước, niềm vui đến quá bất ngờ với hai chúng tôi ngồi ghế sau. Anh "Thông Thái” ghé tai tôi nói nhỏ:

- Thủ trưởng Tô Ký, Chính ủy quân khu.

Không ngờ thủ trưởng nghe được, ngoái lại cười hỏi:

- Sao biết Tô Ký?

- Thưa-Anh Thông nói ngay - Quân khu ta có hai thủ trưởng, Tư lệnh Vũ Yên nói tiếng Bắc, còn Chính ủy người Nam Bộ ạ.

- Ờ, cậu đoán không trật.

Lời khen của thủ trưởng như kích thích “vốn hiểu biết” của anh “Thông Thái”, anh cười nói tiếp:

- Thưa Chính ủy. Tôi còn biết, thời trẻ Chính ủy từng hạ “Ngưu Ma Vương” ở Tà Lài cơ ạ.

- Ủa, cậu sao biết nhiều dậy!

- Báo cáo. Bác ruột tôi là Trần Văn Giàu ạ. Bác kể là hồi năm 1941 chuẩn bị vượt ngục Tà Lài đã phân công thủ trưởng phải hạ cho được con trâu rừng “Ngưu Ma Vương” ạ.

Thủ trưởng Tô Ký quay hẳn người lại, vẻ mặt hồng hào của ông giãn ra với khóe cười vui vẻ. Ông hỏi tiếp:

- Cậu là cháu Sáu Giàu hả? Ảnh có khỏe không? Mấy bận về Bộ họp, bận lu bu, tui không còn thì giờ đến gặp ảnh.

- Báo cáo. Bác Sáu vẫn khỏe, làm nghiên cứu ở Viện Sử học, thỉnh thoảng vẫn đi dạy ở Trường Đại học Sư phạm ở Cầu Giấy ạ.

Đường vắng, chiếc xe con đi khá nhanh, được chừng nửa giờ, Thủ trưởng Tô Ký bảo người lái xe:

- Chỗ này không có nhà dân. Dừng, nghỉ giải lao.

Thủ trưởng đi khuất xuống một thửa ruộng khô trơ gốc rạ, còn hai chúng tôi đứng ra bên đường chờ. Tôi quay sang bảo anh “Thông Thái” là may quá, Chính ủy thương lính, cho quá giang thế này thì sướng bằng lên tiên. Anh bạn nói nhỏ vào tai tôi:

- Mình đã nghe nhiều chuyện về Chính ủy Tô Ký, dễ thì rất dễ, mà khó thì cực khó. Khi nào đến nơi thủ trưởng bảo xuống, cậu cấm được nói câu cảm ơn đấy nhá. Có anh sĩ quan ở quân khu về đơn vị trả phép, thủ trưởng gặp dọc đường cũng cho đi nhờ, đến nơi nói: “Cảm ơn thủ trưởng” thế là thủ trưởng quát: “Giúp nhau, ơn huệ gì!”, tí nữa thủ trưởng bắt xe quay lại trả anh ta ở chính chỗ xin đi nhờ.

- Thế thì nói thế nào?-Tôi hỏi.

- Cứ để mình xử lý…

Thủ trưởng đã lên mặt đường, ông ngồi trên một tảng đá khá bằng phẳng, vẫy chúng tôi. Tôi và anh Thông chạy lại ngồi bên cạnh. Anh Thông nói:

- Nhân tiện nghỉ giải lao, thủ trưởng kể chuyện hạ “Ngưu Ma Vương”, anh bạn này chưa được nghe thủ trưởng ạ.

Chính ủy cười dễ dãi và kể:

- Mình quê ở Bình Lý, Hóc Môn (Sài Gòn-Chợ Lớn), năm 13 tuổi đã được giác ngộ, đi rải truyền đơn. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, mình bị bắt, đưa lên căng Tà Lài, ở đây gặp được anh Sáu Giàu, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, bị bắt từ năm 1939. Sau Tết Tân Tỵ (1941), anh Sáu chủ trương vượt ngục. Một trong những điều đáng lo ngại là vùng Tà Lài ngày ấy đồng bào dân tộc thiểu số người S’tiêng, Châu Mạ, Châu Ho còn rất lạc hậu, địch tuyên truyền treo thưởng muối, vòng vàng đeo tay (vàng giả)… cho những ai bắt được tù cộng sản vượt ngục. Phải cảm hóa họ, trước hết làm cho họ nể phục bằng những việc làm cụ thể. Vùng này có một con trâu rừng vẫn vào sống chung với đàn trâu nhà, nó rất hung dữ, gọi là con "Ngưu Ma Vương”, từng húc lòi ruột một người chăn trâu. Phải tìm cách xỏ dàm (xỏ mũi) nó. Mình lúc đó chưa đầy 20 tuổi, đúng là “sức mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Anh Sáu hơn mình 11 tuổi, hỏi: “Cậu có xỏ dàm con Ngưu Ma Vương được không?”. Nghĩ một hồi, mình bảo: “Cứ thử coi, anh Sáu!” Ngày đó, anh Sáu rất được sếp căng là Mê-nét-tri-ê (Ménetrier) vì nể, anh bảo với nó là đến lễ Phục Sinh này xin ông cho anh em tù chơi trò không thua gì bên xứ Tây Ban Nha là đấu bò. Mê-nét-tri-ê hỏi ngay: Có picador (người đấu bò) không? Anh Sáu liền chỉ tui bảo, đây chính là một picador có hạng. Tui đã tính trước, con “Ngưu Ma Vương” trên cạn là vô địch, trâu mộng của ta còn thua, huống chi người, phải lùa nó xuống nước mới xỏ dàm được. Đàn trâu của người S’tiêng chừng hai chục con được lùa xuống sông Tà Lài và chủ ý dồn con trâu rừng kia vào giữa đàn. Tui chỉ mặc mỗi quần xà lỏn, nhảy từ lưng trâu này sang lưng trâu khác tiếp cận con “Ma Vương”. Mắt nó đỏ ngầu nhìn, định giương sừng nghênh chiến thì vướng những con bên, vả lại dưới nước nó khó xoay xở. Rồi tui nhảy được lên lưng nó, tay cầm sợi dây mây dài. Nó cố hất, không xong, rồi ngụp, định nhấn tui xuống nước. Hai tay tui bám chặt vào cổ con trâu rừng. Nó cứ vùng vẫy liên hồi, đến lúc mệt thở phì phò, mồm sùi ra đám bọt trắng. Đúng lúc nó dừng ngọ nguậy, tui lẹ tay luồn sợi dây mây qua lỗ mũi nó và buộc thắt lại. Tui nhảy vào bờ, trao dây dàm cho già làng trong tiếng hoan hô của mọi người đứng coi kín cả bờ sông…

Kể đến đây, Thủ trưởng Tô Ký nhìn đồng hồ, bảo lên xe, đến thị xã Hòa Bình ông còn kịp họp với Ban chỉ huy Tỉnh đội. Lên xe, anh “Thông Thái” hỏi tiếp:

- Sau lần hạ được “Ngưu Ma Vương”, thủ trưởng với bác tôi vượt ngục thành công chứ ạ?

Thủ trưởng bảo:

- Tám anh em vượt ngục lần ấy, được bà con dân tộc thiểu số trợ giúp, mới biết “bài bản” của anh Sáu. Ra khỏi trại là vô các sóc, các buôn của người Thượng, chuyện xỏ dàm trâu làm họ thêm kính nể tù cộng sản và chính con trâu rừng ấy lại được thuần phục trở thành trâu nhà có ích, nên họ giúp tù vượt ngục rất tận tình. Câu chuyện xảy ra đã 30 năm, nay gặp các cậu kể lại, mình càng thêm tin tưởng ở anh Sáu...

Đến thị xã Hòa Bình, thủ trưởng bảo xe dừng, tỏ ý chia tay chúng tôi. Anh “Thông Thái” nhanh nhẹn đến trước cửa xe thủ trưởng đang ngồi, chỉnh đốn trang phục, đứng nghiêm, giơ tay lên vành mũ rành rọt, nói:

- Báo cáo đồng chí Chính ủy quân khu. Chúng tôi, binh nhì Trần Văn Thông và binh nhì Phạm Quang Đẩu xin hứa, nghỉ phép về đơn vị đúng hạn, sẵn sàng lên đường ra mặt trận.

Chính ủy bật cười, vẫy tay bảo:

- Cho gởi lời chúc sức khỏe anh Sáu, nghe!

Tôi thì thầm nghĩ: Anh “Thông Thái” cố tình không dám nhắc đến câu “húy kỵ” cảm ơn. Nhưng thủ trưởng ơi, vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ thiết thực vừa rồi của thủ trưởng, lớp lính hậu sinh chúng tôi lại còn được biết thêm một câu chuyện rất thú vị, bổ ích về sự dũng cảm, tháo vát của những người tù cộng sản ngày đó…
                                                 

PHẠM QUANG ĐẨU (Quân đội nhân dân)