Em tôi, liệt sĩ Tô Văn Hùng

Chiến tranh lùi xa mấy chục năm, nhưng mãi vẫn là niềm tự hào của một thế hệ cầm súng ra đi cứu nước, và cũng còn là nỗi đau ám ảnh bao gia đình vì chưa tìm được mộ người thân hy sinh trong cuộc chiến, trong đó có em tôi - liệt sĩ Tô Văn Hùng.

Em đã sống, chiến đấu và hy sinh như một người anh hùng ở chiến trường biên giới Tây Nam, được truy tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba song, đến năm 1985, gia đình mới nhận được giấy báo tử.

Giờ đây, ngồi kể lại chuyến đi tìm mộ em trai (năm 2008), tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại cả một thời gian khổ nhưng rất hào hùng của Thủ đô và của gia đình tôi, nhớ đến lá thư tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu của Hùng (7/1978) và cái chết lẫm liệt của em khi mới tròn sáu tháng tuổi quân.

Gia đình tôi sống trong căn hộ nhỏ ở phố Yên Thái, gần chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Mười tuổi, tôi đã giúp mẹ đi chợ, nấu ăn, chăm sóc bé Hùng từ khi còn ẵm ngửa.

Năm 1964, giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Tôi là phận gái, lại có bốn em nhỏ, nhưng vẫn cùng bạn bè ở Trường Thanh Quan, Tô Hiệu, giấu cha mẹ viết đơn tình nguyện và, đến 7/1965, thì trốn nhà tham gia lực lượng thanh niên xung phong Thủ đô vào chiến đấu ở đất lửa Quảng Bình lúc chưa đầy 17 tuổi.

        

Liệt sĩ Tô Văn Hùng                  

Mấy năm ở Quảng Bình, tôi nhận được thư nhà, nhiều nhất là của hai đứa em trai Cường và Hùng. Các em còn đang học tiểu học mà đã biết hứa hẹn, lớn lên sẽ noi gương chị Hà đi chiến trường để không hổ thẹn là hậu duệ của “Lý triều Thái phó Đại vương Tô Hiến Thành”. Có lẽ vì thế nên hai em tôi sau này đủ tuổi đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu chăng?...

Năm 1967, mẹ tôi đột ngột lâm bệnh qua đời. Cha tôi, đang làm công nhân Xí nghiệp Ô tô 1/5, vừa đi sơ tán ở Đông Anh, vừa thăm nuôi bốn em tôi sơ tán theo trường ở tận Thanh Oai, Hà Tây.

Vì thế, cấp trên cho tôi xuất ngũ, gửi đi đào tạo tại lớp biên tập - xuất bản, Trường Tuyên giáo Trung ương, khóa 1969 - 1973. Ra trường, tôi về công tác ở Nhà xuất bản Thanh Niên, chồng tôi công tác ở Trung ương Đoàn. Tôi được sống gần cha, chăm sóc các em, nhất là Hùng, đứa em tôi bế bồng, bón cháo, hát ru từ khi còn ẵm ngửa. 

Tôi đã qua vài đơn vị công tác, Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm (1974), Trường Đảng quận Hoàn Kiếm (1978 cho đến lúc nghỉ hưu). Các con tôi, ba đứa đều trưởng thành, gia đình đầm ấm, nhưng lòng tôi đêm ngày ngóng vọng về phía trời Nam, không biết thịt xương Hùng vùi ở nơi đâu.

Có lẽ số Tô Văn Hùng phải thế. Lá thư ngày nào em viết gửi vào chiến trường Quảng Bình cho tôi, đã vận vào đời em cái nghiệp phải nối gót chị Hà và anh Cường của nó, mà cầm súng vào lúc đất nước đã thống nhất, sạch bóng quân xâm lược Mỹ, nhưng súng lại nổ ở biên giới.

Thanh niên Thủ đô năm đó lại một lần nữa nô nức lên đường nhập ngũ. Em Hùng của tôi có đầy đủ tiêu chuẩn để không phải nhập ngũ, vì đã có tôi là chị cả từng ra chiến trường và anh trai trên nó là Tô Văn Cường nhập ngũ đi B từ năm 1971, đến năm 1978 vẫn không có tin tức gì, không rõ còn sống hay đã hy sinh.

Thế mà Tô Văn Hùng vẫn giấu gia đình viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu, tại quận Hai Bà Trưng nơi em làm việc, chứ không theo hộ khẩu ở quận Hoàn Kiếm. Ngày lãnh đạo và nhân dân Thủ đô làm lễ tiễn các em lên đường chiến đấu, tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Tô Văn Hùng vinh dự thay mặt mấy nghìn thanh niên Thủ đô, lên đọc lời thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ai ngờ chỉ nhập ngũ vẻn vẹn sáu tháng tuổi quân, em đã thành người thiên cổ.

Sau thời gian hai tháng luyện tập ở Phủ Lý, Hùng được biên chế vào đơn vị pháo binh của Quân đoàn 3. Em tham gia vài trận đánh ác liệt với quân Pôn pốt thì bị thương nặng, điều trị ở bệnh viện dã chiến Núi Bà Đen, Tây Ninh.

Cũng thời gian này, Quân đoàn 3 của em được lệnh bí mật chuyển ra Bắc làm nhiệm vụ đặc biệt. Đầu tháng 2/1979, lợi dụng tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng, tàn quân Pôn pốt tập trung gần biên giới Tây Ninh mở các cuộc đột kích. Lực lượng ta ở biên giới Tây Ninh bấy giờ rất mỏng, nên thương binh ở bệnh viện Núi Bà Đen, trừ những người quá nặng, tất cả đều tình nguyện ra mặt trận.

Đêm 17/2/1979, tàn quân Pôn pốt đánh lén vào khu vực Tây Ninh. Ở Tây Ninh, Tô Văn Hùng đang tuổi 21 và rất nhiều chiến sĩ ta vĩnh viễn nằm xuống trong đêm 17/2/1979. Vì nhiều lý do quân sự và chính trị, việc hy sinh của Hùng và đồng đội phải được giữ kín.

Chỉ đến năm 1985, gia đình mới có giấy báo tử song hài cốt em quy tập ở đâu vẫn còn tạm thời nằm trong bí mật. Tất cả những điều trên, tôi chỉ được những người có trách nhiệm ở Quân khu 7 và tỉnh Tây Ninh kể lại hoặc giải thích, sau khi tìm được mộ em Hùng vào năm 2008.

Từ năm 1985, gia đình khổ công tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Đau đớn nhất là cha tôi. Từ ngày báo tử em Tô Văn Hùng ông cứ sống vật vờ như xác không hồn. Sau nhiều năm chờ đợi, ông ôm hận ra đi với lời trăn trối: “Các con cố tìm cho được hài cốt em Hùng, đưa nó về Bắc nằm gần cha”.

Đồng đội tôi ở  đơn vị C812 N43 tại Quảng Bình năm xưa, rồi bạn bè cùng học phổ thông hay trường Tuyên giáo Trung ương, ai còn sống và làm việc ở các tỉnh phía Nam cũng hết lòng giúp đỡ tìm kiếm mà tin tức cứ mỗi ngày thêm mờ mịt. Bế tắc, tôi tìm đến sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm như bà N, ông H, bà Th, bà H… cũng đều không có kết quả.

Tình cờ tôi biết đến Trung tâm Quản lý Dữ liệu Liệt sĩ (TT MARIN), một tổ chức thiện nguyện do giới trẻ, sinh viên  ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, lập ra để hỗ trợ các gia đình tìm mộ liệt sĩ. MARIN có hẳn một trang web “Nhắn tìm đồng đội” đầy ắp thông tin, nổi tiếng từ năm 2004.

Nguồn thông tin của các cháu rất đa dạng, phong phú nhờ công tác xã hội hóa, đặc biệt là nhờ sự sưu tầm của các cháu thanh niên, học sinh ở các tỉnh phía Nam. Các cháu còn huy động được nhiều cựu chiến binh, phóng viên chiến trường tham gia giải mã các phiên hiệu đơn vị của liệt sĩ ghi trong giấy báo tử, một vấn đề rất nan giải khi tìm mộ liệt sĩ.

Gặp được cháu Ngô Thị Thúy Hằng, tôi giật mình vì cháu còn kém con trai đầu của tôi dăm tuổi mà làm được công việc lớn lao, đền ơn đáp nghĩa liệt sĩ. Hằng phân tích cặn kẽ nội dung giấy báo tử, chỉ dẫn cho tôi tập trung tìm kiếm ở Ban Chính sách Quân khu 7.

Đó là bước ngoặt quan trọng giúp tôi tiếp cận nguồn tài liệu gốc bao nhiêu năm không hề hay biết. Đồng đội, bạn bè của tôi lại một lần nữa vào cuộc và họ đã thành công.

Anh Vũ Ngọc Xiêm ở  Văn phòng Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dày công tra cứu cả kho tư liệu đồ sộ của Quân khu 7, để tìm ra tờ danh sách có ghi Tô Văn Hùng hy sinh ở mặt trận Tây Ninh ngày 17/2/1979.

Nhà văn Nguyễn Đức Thiện ở Đài truyền hình Tây Ninh nhiều ngày dãi nắng dầm mưa, đi khắp các nghĩa trang trong tỉnh, tìm ra mộ của Tô Văn Hùng ở nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ, xã Thạch Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Và biết bao người khác tôi đội ơn đã vất vả vì em tôi trong những ngày sau đó. Hùng ơi!

Ngày xưa chị hát ru em

Bây giờ chị khóc, thỉnh em về cùng.

Em qua chinh chiến nghìn trùng

Bao năm hồn cốt hóa cùng nước non…

Thế là sau 29 năm hy sinh ở đất rừng Tây Ninh, một ngày thu nắng đẹp năm 2008, tôi đã tìm được mộ em, Liệt sĩ Tô Văn Hùng, đưa em về với quê hương, yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, Thành phố Hà Nội.

                                                         Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

                                          (Báo Tiền phong, ghi theo lời kể của bà Tô Hà)