Anh hùng về với ruộng đồng


          Liệt sĩ trở về

          Năm 2000, một lần ghé viếng đồng đội ở Đền thờ liệt sĩ xã Nhuận Đức, ông Tô Văn Đực (Út Đực) chợt giật mình, khi thấy tên mình cùng Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cội nằm trên cùng, trong danh sách gần 400 liệt sĩ của xã trên bia đá. Ông nói, có lẽ sau khi giải phóng miền Nam, có một tờ báo đã “khai tử” ông cộng với một khoảng thời gian dài ông bặt vô âm tín, vì đi công tác ở ngoài Bắc nên mới có sự nhầm lẫn. “Giờ mình về đây với bà con lối xóm, chứng tỏ mình hết là liệt sĩ rồi”, ông cười tâm sự.

          Năm 1992, là Trung tá Sư đoàn 317 về nghỉ hưu, tài sản của Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực chẳng có gì. Để bắt đầu cuộc sống mới, ông mở tiệm cơ khí nhỏ, sửa chữa ô tô ở huyện Hóc Môn, Tp Hồ Chí Minh. Thời gian đó, cuộc sống cũng khó khăn quá đỗi. Ba đứa con tuổi ăn, tuổi học mà sức khỏe của ông cứ cạn kiệt dần. Những năm tháng chiến tranh gian khổ, với hệ quả là những trận ốm nằm liệt giường tưởng đã quật ngã ông. Nhưng ông vẫn trụ vững.

Đến năm 2000, ông tìm về quê cha đất tổ - ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi để tìm mua lại đất đai của dòng họ, nay đã đổi chủ bằng toàn bộ số tiền để dành. Thật may là vào thời điểm đó (năm 2000), giá đất ở Nhuận Đức chẳng bao nhiêu. “Mình xuất thân là nông dân, nay lại trở về làm nông, âu cũng là hợp lý”, ông nghĩ.

          Anh hùng trên ruộng đồng

          Để 3 người con ở lại Hóc Môn, ông Út Đực cùng vợ - nguyên là Thiếu tá công an - về quê, quyết gây dựng sự nghiệp trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Hơn 2ha đất ở chỗ trũng, lại nhiều phèn nên muốn trồng trọt phải khắc phục rất nhiều. Mảnh đất bị bom Mỹ cầy xới khắp nơi, sẵn có những hố bom đó, ông tận dụng làm ao nuôi cá.

          Riêng mảnh đất phía trước, đích thân ông cuốc thành từng liếp nhỏ để làm vườn cây ăn trái. Ông kể: “Dạo đó sức khỏe tôi xuống dốc ghê gớm, hai ba bữa lại lên cơn sốt rét một lần. Đi khám, bác sĩ bảo bệnh này chữa không dứt đâu, nếu giữ sức khỏe tốt thì bệnh không phát, chứ yếu là bệnh phát tác ngay. Tôi nằm li bì 1, 2 ngày, khỏe lên lại bò dậy cầm cuốc, cầm xẻng ra đồng. Mình là nông dân mà…”. Rồi ông về miền Tây mua giống chôm chôm nhãn về trồng. Hai ông bà lại suốt ngày đội nắng ngoài vườn với từng cây giống. Chẳng học thầy nào, ông cứ lấy kinh nghiệm ra chăm sóc cây. Hơn 500 cây chôm chôm nhãn tươi tốt, sai quả, ít dịch bệnh mỗi năm cũng đem về cho ông một khoản tiền kha khá.

          Một lần nọ, tình cờ đi chơi ở Đồng Nai với vài người bạn, ông thấy có một số người dân đem bán mấy con heo rừng cho một quán nhậu, ông liền hỏi mua. Ban đầu, ông chỉ tính mua heo rừng về làm thịt ăn. Nhưng về đến nhà, cho chúng ăn vài củ khoai, ông thấy chúng ăn ngon lành. Ngay lập tức, ông nảy ra ý định nuôi heo rừng. Những ngày đầu, nuôi bầy heo rừng này vất vả vô cùng. Do chúng quen sống ở tự nhiên nên hung dữ, bởi vậy nếu sơ sẩy một chút là chúng sổng ngay. Đã thế, người lạ không quen đến gần chuồng dễ bị chúng cắn như chơi. Vậy mà ông vẫn thuần hóa và cho sinh sản hàng hoạt lứa heo rừng và heo rừng lai. Hiện nay, mỗi năm ông bán khoảng 80 con heo rừng lai với giá 80.000 - 120.000 đồng/kg… Trong trang trại của mình, ngoài heo rừng, ông còn nuôi 5 con nai để lấy nhung, khoảng chục con nhím và vài con cừu, dê, khỉ, mễn…

          Ông tủm tỉm cười: “Hai vợ chồng đều hưu cả, lương trung tá cộng với các khoản phụ cấp thâm niên, thương binh, anh hùng của tôi và lương hưu thiếu tá công an của bà xã cũng dư sống. Có cái vườn này, lao động cho đỡ bệnh, lại thêm việc làm cho bà con chòm xóm, cũng vui…”. Khi đã không còn lo lắng về mưu sinh, ông bắt đầu hướng dẫn bà con xung quanh cách trồng trọt, chăn nuôi. Ông hướng dẫn tỉ mỉ, từ cách chăm sóc nhím rồi lo cho chúng đẻ. Nhân rộng mô hình từ ông, rất nhiều hộ xung quanh đã đem nhím về nuôi và thoát nghèo.

          Từ một thanh niên nghèo, thất học, ông tham gia cách mạng, trở thành người chế tạo vũ khí nổi tiếng khắp chiến trường Nam bộ. Người chiến sĩ trẻ thường xuất hiện trên các phim tài liệu về đất thép thành đồng Củ Chi ngày nào nay đã thành lão nông 67 tuổi. Trong chiến tranh, ông là một anh hùng. Trở về với ruộng đồng, ông tiếp tục là một “anh hùng” làm kinh tế giỏi trong mắt bà con lối xóm. 

 

          Trong chiến tranh chống Mỹ, Tô Văn Đực (Út Đực) đã tự mày mò xem nguyên lý nổ của bom bi rồi sáng chế thành “mìn chạm” đánh xe tăng của địch. Rồi chính Út Đực lại tìm ra nhược điểm của loại mìn này, sáng tạo ra “mìn gạt” bằng cách thêm một cái cần trên bộ phận kim hỏa, để xe tăng chạy qua, bất cứ bộ phận nào trên xe vấp phải cần, cần sẽ gạt kim hỏa chạm kíp nổ, làm nổ tung quả mìn. Trong số gần 5.000 xe tăng Mỹ bị phá hủy trong những năm tháng ác liệt nhất ở Củ Chi, hầu hết là do “mìn gạt” tạo nên.

          Năm 1967, Tô Văn Đực được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” cùng đợt với liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và Phạm Văn Cội.

                                                                               THẠCH THẢO (Sài Gòn giải phóng)