Lễ đền Bạch Mã-dâng thơ

Đoàn đại biểu họ Tô Xuân Cầu, Hưng Yên sung sướng tự hào năm đầu tiên được tham dự lễ hội đền Bạch Mã, đúng dịp ngày giỗ đức Thủy tổ Tô Lịch.

          Đúng 9 giờ 30 phút ngày 16/3/2011 (12/2 Tân Mão), chiếc xe ca chở 36 đại biểu xuất phát từ quê hương nhà cách mạng Tô Hiệu chạy băng băng trên quốc lộ 5, cờ bay phấp phới, tiếng máy nổ ròn hòa nhịp với trái tim bao người rộn rã.

          Tới bến Chương Dương đoàn xếp 2 hàng tề chỉnh. Lá cờ thần ngũ sắc đi đầu, tiếp đến 3 mâm lễ vật, đi giữa là các cụ già kính cẩn trang nghiêm, lớp thanh niên trai trẻ đi hộ tống sau cùng. Qua chợ Gạo rẽ vào phố Hàng Buồm, dân chúng Thủ đô trầm trồ nhìn theo đoàn lễ tiến về đền Bạch Mã.

          Đoàn Xuân Cầu được ông Tô Quyết Tiến, đại diện Ban liên lạc họ Tô Việt Nam, cùng ông thủ đền ra tận cổng Nghi Môn đón tiếp và dẫn đoàn vào nhà tiền tế. Ba mâm lễ của đoàn được dâng tại bệ thờ nhà Trung tế. Tại đây đã thấy đầy ắp nhiều mâm lễ của các đoàn họ Tô các tỉnh về dự lễ dâng hương Thủy tổ. Đèn nến rực rỡ, khói hương thơm ngát, trước bệ thờ đại diện đoàn đọc tế văn. Mọi người kính cẩn cúi đầu trước anh linh Thủy tổ, cầu nguyện Thần phù hộ cho quê hương mưa thuận gió hòa, gia đình yên vui hạnh phúc.

          Văn tế đọc xong, con cháu họ Tô Xuân Cầu cúi vái tạ, liền đó tờ văn tế được đem hóa để tiễn dâng thần. Tượng Thần Ngựa Trắng uy nghiêm đứng trong điện thờ, cảm động trước tấm lòng thành của hậu duệ họ Tô. Một làn gió thoảng tới, thần Bạch Mã tung bờm, nghe như đang dậm vó hý vang.

          Trong hương bay ngào ngạt, giữa lễ hội huy hoàng, linh cảm mấy vần thơ ca ngợi.

ĐỀN THIÊNG BẠCH MÃ

Ngôi đền Bạch Mã nơi đây

Thờ Thần Tô Lịch giúp xây Hoàng Thành

Thăng Long tứ trấn lừng danh

Đền thiêng Bạch Mã cửa thành phía Đông

Từ đây Ngựa Trắng đi vòng

Sau khi báo mộng về trong đền này

Mười ba âm lịch tháng hai

Giỗ thần hương nến tượng đài khang trang

Lễ dâng Thủy tổ Thành hoàng

Cúi đầu khấn vái râm ran điện thờ

Tâm thành cảm mấy vần thơ

Hiển linh Ngựa Trắng bờm cờ tung bay.

          Rời nhà Trung tế, đoàn lễ qua hậu cung rồi vào cung cấm. Trước khi lên thang, bốn cụ cao niên được mang khăn đỏ che kín miệng, im lặng tuyệt đối thành kính bước lên. Đức Thủy tổ ngự trên ngai vàng, con cháu cúi đầu tâm nguyện, cầu thần ban phúc lành.  Mọi người cảm kích, tưởng nhớ đến công ơn thủy tổ, trong thời kỳ khai ấp lập làng, dựng thành giữ nước khi xưa.

ĐỨC THỦY TỔ TÔ LỊCH

Thủy tổ quê hương tại núi Nùng

Trưởng làng Long Đỗ chí tâm trung

Lý Nam Việt Đế xây bờ cõi

“Tô Lịch Giang Thành” ngợi đức công

Đánh đuổi Cao Biền về xứ Bắc

Đón mừng Thái Tổ đến Thăng Long

Quốc đô kim cổ lừng danh tiếng

Tô Lịch Thành hoàng rạng núi sông.

         

          Bái tổ xong, đoàn họ Tô Xuân Cầu đi tham quan các di tích cổ trong đền. Đoàn dừng lại bên giếng Ngọc, chăm chú nghe ông từ đền diễn giải. Giếng Ngọc từ lâu đã bị lớp bụi thời gian phủ kín dưới tầng sâu 4 mét, mới được khôi phục lại nguyên vị. Mạch nước giếng Ngọc nối liền với mạch nước núi Nùng. Núi Nùng Rốn Rồng là trung tâm của long mạch lớn linh thiêng, kéo dài từ Yên Tử đến Tản Viên. Điểm hội tụ của núi sông là Long Đỗ Núi Nùng, Thăng Long Hà Nội.

 

MẠCH RỒNG GIẾNG NGỌC

Trong đền Bạch Mã lưu truyền

Nước nguồn giếng Ngọc linh thiêng mạch Rồng

Đầu Rồng tận phía biển Đông

Vút cao Yên Tử uy phong hai sừng

Rốn Rồng sông Nhị núi Nùng

Hồn thiêng sông núi oai hùng đâu hơn

Đuôi Rồng trên Tản Viên Sơn

Chon von bồng đảo mây vờn gió bay…

Ngắm nhìn giếng Ngọc hôm nay

Thời gian đã phủ đất đầy bên trong

Lễ đền con cháu ước mong

Khơi trong giếng Ngọc mạch Rồng như xưa.

          Vinh hạnh được dự lễ hội đền Bạch Mã, sung sướng được Thủy tổ ban phúc  lộc . Trên đường về  trong lòng 36 thành viên đoàn họ Tô Xuân Cầu là 36 nỗi vui mừng khôn xiết tả.

                                                Đền Bạch Mã ngày 16 tháng 3 năm 2011

                                                                        (12/2 Tân Mão)

                                                                      TÔ HÙNG LONG

                                                  Xuân Cầu – Văn Giang – Hưng Yên