Cần làm rõ danh tính vị thần được thờ ở đền Bạch Mã - Hà Nội

Trong tờ gấp của Ủy ban nhân dân phường Hàng Buồm và Ban quản lý di tích đền Bạch Mã in bằng 3 thứ tiếng Việt – Anh – Hoa để tặng cho du khách và khách thập phương đến viếng thăm đền có một câu: “Đền Bạch Mã thờ Long Đỗ - Thần quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương”.

Theo tôi câu này cách viết sai vì dùng dấu gạch nối giữa chữ Long Đỗ và chữ Thần quân (đáng lẽ phải viết đúng là Long Đỗ Thần quân) và chưa đầy đủ vì chưa nói đúng tên thực của vị thần được thờ ở đây. Trong câu trên có 3 danh từ riêng là Long Đỗ, Quảng Lợi, Bạch Mã trong đó Quảng Lợi, Bạch Mã là thần hiệu còn Long Đỗ là tên người được phong thần. Nhưng xem trong các thư tịch cổ như Lương Thư, Trần Thư, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Báo cực truyện, Giao Châu ký thấy ít nói đến tên Thần Long Đỗ mà thường nói đến một người có tên là Tô Lịch và trong một số trường hợp lại đồng nhất thần Long Đỗ với thần Tô Lịch.

          Sách Lương thư, Trần thư của Trung Quốc từ thế kỷ 6 nói vắn tắt về sự kiện: Nam Việt đế Lý Bí cho đắp dựng một tòa thành bên một dòng sông xưa trên đất Hà Nội cổ (năm 545) được gọi là “Tô Lịch giang thành”. Như vậy lần đầu trong sử sách, Tô Lịch xuất hiện là danh xưng của một con sông. Tuy nhiên tên con sông lại bắt nguồn từ một người có tên là Tô Lịch sống vào cuối thế kỷ 3, đầu thế kỷ 4.

          Trong cuốn sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên thế kỷ 14, Tô Lịch lại được nhắc đến trong truyện “Bảo quốc Trấn linh  Định bang Quốc đô Thành hoàng đại vương”. Cuốn sách này dẫn theo những thư tịch cổ hơn là Báo cực truyện và Giao châu ký nhắc lại truyện về Tô Lịch đại vương như sau:

          “Vương họ Tô, húy là Lịch sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Vương lấy sự thanh bạch và hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau không chút riêng biệt. Thời nhà Tấn đô hộ (Nhà Tấn 280 – 420 –TB) triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Vương sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen. Nhân đó cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng”. Như vậy chắc con sông chảy qua làng  cũng được gọi là sông Tô Lịch ngay từ ngày ấy nên đến năm 545 Lý Bí mới đặt tên ngôi thành xây bên dòng sông đó là “Tô Lịch giang thành”.

     Một phiên bản của cuốn sách Lĩnh Nam chích quái cũng chép về người tên là Tô Lịch

 xưa sống ở Long Đỗ, nay là mé ven sông, ba đời nhân nhượng mà sống với nhau. Đời Tấn được cử làm chức Hiếu liêm, cắm cờ ở trước cổng xóm, vì vậy người đời bèn gọi xóm ấy là xóm Tô Lịch.

          Năm Trường Khánh thứ hai (822) đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Hỷ (hay Lý Nguyên Gia) lúc ấy là quan đô hộ giữ đất Long Biên thấy ngoài cửa Bắc thành có dòng nước chảy ngược (nghịch thủy) sợ dân chúng có lòng phản nghịch nên mới rời phủ  trị tới bên bờ sông. Sau khi chuyển thành tới, Lý Nguyên Hỷ bèn mời các vị phụ lão tới bàn bạc rồi cho xây một ngôi đền lớn, tôn Tô Lịch làm Thần chủ của cả thành.

          Đến khi Cao Biền xây thành Đại La (866) vị thần lại xuất hiện thêm một lần nữa. Sách Lĩnh Nam chích quái cũng chép truyện sông Tô Lịch, tuy nhiên trong đó lại đồng hóa hai vị thần Tô Lịch và Long Đỗ.

          Sách viết: Cao Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La phía Tây Lô giang (Sông Hồng – TB) chu vi 30 dặm để ở. Có con sông con từ Lô giang chảy vào phía Tây Bắc cuộn quanh thành phía Nam, ôm lấy thành Đại La rồi chảy vào sông Cái. Hồi đó đang giữa tháng 6 nước mưa lên cao. Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào tiểu giang đi khoảng 1 dặm bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Đáp: Ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: nhà ở đâu? Đáp: Nhà ở trong sông này. Dứt lời lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần bèn đặt tên sông là Tô Lịch.

          Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô giang, phía Đông thành Đại La thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn mây trời mù mịt, có 1 dị nhân đứng trên mặt nước cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không…Biền rất kinh dị muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần đến nói rằng: “chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ (chứ không phải tên là Long Đỗ - TB), đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp cho nên tới xem đấy thôi, ta có sợ gì bùa phép”. Biền kinh hãi. Sáng hôm sau Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng, thiết phủ để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng reo hò, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phủ bật ra khỏi đất biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Sau Y Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết.

          Sách Việt điện u linh không chép lại truyện này, chỉ ghi rằng: “Kịp đến lúc Cao Biền

xây thành Đại La, nghe Vương (tức Thần Tô Lịch – TB) linh dị lập tức đem lễ điện tế bái chức Đô phủ thành hoàng thần quân”.

          Trong phần mở đầu cuốn sách Lĩnh Nam chích quái, Vũ Quỳnh còn viết: “Tô Lịch là thần đất Long Đỗ”.

- Như vậy trong các sách cổ thì Tô Lịch là tên người, Long Đỗ là địa danh. Còn trong một tờ gấp của Đình Tân Khai ở phố Hàng Gà, phường Bàng Bồ cùng quận Hoàn Kiếm thờ 3 vị thần Tô Lịch, Bạch Mã, Thiết Lâm có ghi sự tích thần Tô Lịch: Năm 866 đô hộ Cao Biền mở rộng thành Đại La, nghe tiếng thần Tô Lịch rất linh dị, muốn yểm trừ  mà không được bèn sắm lễ vật dâng tế và tôn Tô Lịch làm Đô phủ Thành hoàng thần quân.

Về vấn đề này, các nhà sử học cố giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Lê Văn Lan đã đưa ra nhận định rất xác đáng và rất thuyết phục: Thần Tô Lịch là một nhân thần, đó là con người có thực (giáo sư Lê Văn Lan còn gọi là Người Hà Nội đầu tiên –TB) sống vào cuối thế kỷ 3, đầu thế kỷ 4 (thời nhà Tấn 280 – 420CN-TB) là già làng ở hương Long Đỗ, ngôi làng cổ ở đất Hà Nội xưa. Là người đạo cao đức trọng, có nhiều công lao với dân làng nên khi ông mất, nhân dân lấy tên ông để đặt tên làng là làng Tô Lịch. Làng Tô Lịch nay đã biến thành phố và ngôi nhà của Tô Lịch ở là huyệt Rốn Rồng (Long Đỗ) chính là vị trí Điện Kính Thiên ngày nay. Nhưng con sông chảy quanh làng mang tên Tô Lịch thì nay vẫn còn đó. Thần Long Đỗ và thần Tô Lịch là một vì Long Đỗ là tên làng của Tô Lịch. Tục lệ ngày xưa với những nhân vật linh thiêng vì kiêng tên húy, người ta thường lấy tên địa phương người đó để gọi thay tên người.

Trong lúc chúng ta còn đang tranh luận về Tô Lịch, Long Đỗ, Bạch Mã thì cách đây hàng thế kỷ người ta đã khẳng định về vấn đề này. Hiện nay ở Viện Thông tin khoa học xã hội còn lưu giữ một tờ trình viết tháng 3 năm 1938 của viên Lý trưởng làng Thuần Lương, tổng Bằng Giã, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương tên là Phạm Văn Chính gửi quan tri huyện Bình Giang đã nói rõ thần Tô Lịch chính là thần Bạch Mã được thờ ở phố Hàng Buồm Hà Nội. Lúc đó Viện Viễn Đông bác cổ có mở cuộc khảo sát về các vị Thành hoàng ở các làng xã Việt Nam. Bản tường trình của viên lý trường làng Thuần Lương là để phúc đáp tờ sức số 426 hỏi về việc này. Xin trích một số đoạn trong tờ trình đó:

Kính gửi quan Tri huyện Bình Giang (trong tờ trình viết là Monsieur le Quan Huyện de Bình Giang - TB)

Chúng tôi là hương lão lý dịch ở làng Thuần Lương, tổng Bằng Giã xin khải trình

Quan Lớn huyện Bình Giang một việc như sau

     Duyên thừa sức số 426 hỏi về việc khảo cứu thể lệ điều tra các hạng xin kê ở sau này.

    1.  - Tên làng chữ là Thuần Lương , nôm là Làng Ngói, tổng Bằng Giã, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

   2.  Thần Thành Hoàng

  A. Hiệu ngài là Tô, thường gọi là Đức Bạch Mã, húy ngài là Lịch

………………………………………………………………………………………

 C. Thời nhà Đường có ông Cao Dương Biền sang làm đô hộ… ngày 16 tháng Tư, ông Cao Biền lập đàn cầu đảo, có một ông cụ già đầu bạc, râu trắng, mình cao hơn 20 thước (thước ta = 40cm - TB) hình mạo rất lạ, đầu đội mũ miện, mình mặc hoàng bào, tay cầm cái kim giản, cưỡi con dã cầm vàng từ giữa lòng sông Tô Giang mà hiện lên. Ông Cao Biền hỏi thì ngài nói rằng: Ta là tính (họ -TB) Tô, húy Lịch là ông thần rất thiêng ở thành Đại La. Rồi sau mây mờ sương tối biến đi không trông thấy gì nữa…

D. - Sự tích có sách nhưng xin lược khai

(Liệt kê các sắc phong)

 ……………………………………………………………………………………

H. Có ở phố Hàng Buồm - Hà Nội cũng thờ Ngài còn các nơi khác thì tôi không rõ.  ……………………………………………………………………………………

          (cuối tờ trình ghi)

                                                                   Le Lý trưởng

                                                                   Phạm Văn Chính

                                                                   (Chữ ký và dấu triện)

Hàng năm làng Thuần Lương mở hội vào các ngày 11, 12, 13, 14 tháng Hai (trùng với lễ hội đền Bạch Mã). Trong văn khấn ngài là Quảng Lợi Long Đỗ đại vương.

Như vậy rõ ràng vị thần được thờ ở đền Bạch Mã là thần Long Đỗ - Tô Lịch còn Quảng Lợi, Bạch Mã là thần hiệu của Ngài. Nếu chỉ nói đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ là chưa đầy đủ và do đó chưa chính xác.

Đề nghị Ban quản lý di tích danh thắng Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Hàng Buồm nên mở một cuộc hội thảo có các nhà sử học, các nhà nghiên cứu tham gia để làm rõ danh tính vị thần được thờ ở đền Bạch Mã. Nếu không có điều kiện tổ chức hội thảo có thể căn cứ các chứng cứ lịch sử và các bài nghiên cứu của các nhà sử học để khẳng định là đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ - Tô Lịch. Ngài là Thành hoàng thành Thăng Long (Đại La xưa) suốt từ giữa thế kỷ 9 đến thế kỷ 14.

                                                                                                     Tô Bỉnh