PHẢI CHĂNG HỌ TÔ BAO HÀM - ĐỒN ĐIỀN LÀ DÒNG TRƯỞNG CỦA ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH

Trong một bài viết trước đây nói về các hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành, tôi có nêu một ý kiến là các chi họ hậu duệ của Đức Tô ở Thái Bình, Thanh Hóa là dòng dõi con bà trắc thất,còn dòng dõi con bà chính thất phu nhân là Lã Thị Dung hiện nay chưa tìm thấy.

Nhưng qua đọc và suy nghĩ về một số tư liệu tôi lại thấy cần “tự phản biện” về ý kiến này. Tôi thấy cần nghiên cứu 2 vấn đề.

1.   Tìm hiểu sâu hơn về Tô Trung Từ

2.   Mối quan hệ của các ông Tổ họ Tô Bao Hàm - Đồn Điền với
Tô Trung Từ.

1. Tìm hiểu sâu hơn về Tô Trung Từ

- Tô Trung Từ là con Đức Tô Hiến Thành đã nhiều lần được chứng minh làm rõ; còn Tô Trung Từ là anh vợ hay em vợ Trần Lý cũng cần trao đổi thêm. Một số người cho là Tô Trung Từ là cậu ruột của Trần Thị Dung (con Trần Lý và Tô Phương Lan), nên là em vợ Trần Lý. Ý kiến này không đúng vì:

+ Lúc Trần Lý làm rể họ Tô và được Tô Trung Từ xin cho làm chân trông coi vật liệu xây cung Ngự Thiên ở Long Hưng, Thái Bình thì Tô Trung Từ đã là một đại quan của triều Lý Cao Tông. Tô Phương Lan làm vợ Trần Lý lúc mới 15 tuổi. Nếu Tô Trung Từ là em Tô Phương Lan thì lúc bấy giờ Tô Trung Từ mới là một thiếu niên, làm sao đảm nhiệm được chức đại quan và là chủ một gia đình có thế lực ở vùng Long Hưng, là chỗ dựa ban đầu cho họ Trần.

+ Trần Thị Dung gọi Tô Trung Từ là cậu, đó là cách xưng hô của người Thái Bình. Ở Thái Bình trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, chị và em gái bố đều gọi bằng cô; anh và em trai mẹ đều gọi bằng cậu.

+ Trong phả hệ họ Trần ghi Tô Phương Lan là em gái Tô Trung Từ.

- Tô Trung Từ và Tô Phương Lan là con bà trắc thất của Đức Tô Hiến Thành. Ông Tô Nhuần (lúc còn sống) có cung cấp một thông tin là bạn ông Tô Nhuần là Trần Tử Thắng, họ Trần Nam Định, nói là trong phả tộc họ Trần ghi Tô Trung Từ là con bà vợ thứ của Đức Tô Hiến Thành. Rất tiếc là ông Tô Nhuần đã mất nên thông tin này chưa được kiểm chứng. Nhưng đây là thông tin có thể tin cậy vì:

+ Các quan lại đời xưa năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Đức Tô Hiến Thành có thái ấp ở Thái Bình, có con trai con gái, dựng vợ gả chồng ở đó, chắc chắn phải có một bà vợ ở đó để cai quản gia đình và điền trang thái ấp trong lúc Đức Ông suốt đời nam chinh bắc chiến, lo việc hộ quốc, an dân. Đó không thể là bà chính thất vì Ngài làm quan đầu triều, dinh thự chính ở kinh đô Thăng Long, thì bà Lã Thị Dung phải là mệnh phụ phu nhân cai quản dinh cơ ấy. Và cũng vì bà Lã Thị Dung ở Thăng Long nên Thái hậu mới có dịp đem vàng bạc đến lo lót việc đưa Long Xưởng trở lại ngôi Thái tử.

+ Trần Thị Dung sinh ra và lớn lên ở ấp Ngừ chắc chắn không phải là cháu ở với cậu, mà là cháu ở với bà ngoại, là cháu cưng xinh đẹp và giỏi giang của bà.

Dương Quảng Châu viết trong sách Thái Bình với sự nghiệp thời Trần - Sở Văn hóa - Thông tin Thái Bình 2001 “Trần Thị Dung sinh ra ở Hải Ấp - Lưu Xá, nhưng vì cha và các anh còn lo trận mạc trong cuộc chiến tranh cát cứ phe phái nên cô được gửi sang quê mẹ làng Phù Ngự, ấp Ngừ của dòng họ Tô. Cả cuộc đời thôn nữ cho đến ngày trở thành Hoàng hậu của ông vua cuối cùng triều Lý, bà đã gắn bó chặt chẽ với đất này. Vì thế nhân dân mới gọi là Bà Chúa Ngừ (Cô Ngừ thôn nữ của làng Phù Ngự trước đây)”.

- Hậu duệ trực hệ của Tô Trung Từ ở đâu.

+ Cũng Dương Quảng Châu trong sách đã dẫn viết: “Phù Ngự của Tô Trung Từ nay gồm các thôn Nại, Tè (thuộc xã Liên Hiệp) thôn Khuốc (Phúc Khánh) và các vùng giáp ranh xung quanh.

Con cháu dòng họ Tô Trung Từ, ở 2 chi Tô Hiến, Tô Mạnh vùng này cho biết: Cho đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, họ Tô trong vùng (ấp Ngừ trước kia) vẫn tập trung về đây (làng Ngừ xã Liên Hiệp) mỗi khi tế tổ hoặc khi làng vào đám. Các làng xung quanh đều rước kiệu đến hội tế. Điều này chứng tỏ họ Tô cách đây 800 năm - thời Trần Lý làm rể - có uy thế đến chừng nào”.

Vấn đề này còn phải nghiên cứu thêm vì họ Tô ở vùng này và cả vùng Hưng Hà khá đông nhưng còn điều gì nghi ngại không nhận mình là dòng dõi Tô Trung Từ.

+ Tô Trung Từ có thời gian dài chỉ huy quân ở vùng Nam Định đã từng đưa quân từ Nam Định vào dẹp loạn ở Hoa Lư - Thanh Hóa và về bảo vệ cung Ngự Thiên ở Thái Bình, bảo vệ kinh thành Thăng Long. Đến năm 1211 đang làm Thái úy phụ chính triều Lý Huệ Tông, ông treo ấn từ quan về ở ẩn ở làng Vỵ Khê, nay là xã Điền Xá, huyện Nam Trực, dạy cho dân nghề trồng hoa cây cảnh, được thờ làm ông tổ nghề trồng cây cảnh ở đình làng Vỵ Khê. Ở đây có 1 đôi cấu đối mà 1 vế là: Tài thụ, chủng hoa Tô tướng thủy, nghĩa là trồng cây, cấy hoa, Tô tướng công là người mở đầu.

Như vậy Tô Trung Từ quê ở Long Hưng (Hưng Hà - Thái Bình) nhưng lại gắn bó với đất Nam Định. Vậy ông có hậu duệ ở vùng Nam Định không. Hiện nay ở Nam Định tìm được 11 chi họ Tô nhưng hầu hết là dân nơi khác đến mới vài ba trăm năm, nên chắc không phải là hậu duệ của Tô Trung Từ. Ở vùng Tiền Hải - Thái Bình cũng có nhiều chi họ Tô gốc là Nam Định, nhưng chưa biết được làng xã cụ thể nên cũng khó xác định. Hơn nữa trước đây Thái Bình cũng chỉ là một phủ của Nam Định nên cũng có thể ở đây có hậu duệ của Tô Trung Từ mà chưa tìm được. Hậu duệ của Tô Trung Từ cũng có thể là Tô Hiến Chương cháu đời năm của Đức Tô Hiến Thành. Nếu là hậu duệ trực hệ thì là chắt của Tô Trung Từ. Làm quan ở vùng Thần Thiệu, Gia Viễn, Ninh Bình vì sợ mưu sát nên phải chạy về xã Thượng Lao, huyện Nam Trực hiện nay, lấy người con gái họ Lê là Lê Thị Nga sinh đôi được hai con trai cho theo họ mẹ là Lê Hiến Giản, Lê Hiến Tứ. Sau này Lê Hiến Giản, Lê Hiến Tứ chống lại Hồ Quý Ly mưu cướp ngôi nhà Trần bị Hồ Quý Ly sát hại và họ Lê ở Thượng Lao phải đổi thành họ Phạm. Nếu Tô Hiến Chương có là hậu duệ trực hệ của Tô Trung Từ thì đến đời Lê Hiến Giản, Lê Hiến Tứ cũng là đứt đoạn.

2- Các ông tổ họ Tô Bao Hàm-Đồn Điền có quan hệ gì với Tô Trung Từ.

Như trên đã nói hậu duệ trực hệ của Tô Trung Từ ở vùng Hưng Hà - Thái Bình và có thể có ở Nam Định nhưng chưa tìm được.

Còn họ Tô Bao Hàm và họ Tô Đồn Điền đã xác định là dòng dõi Đức Tô Hiến Thành, có một câu văn khấn nói rõ bước đường phát triển của chi họ.

Tiền cư Noi Cáo

Hậu đáo Tô Xuyên

Ký cư Quảng Nạp

Lập ấp Bao Hàm

Làng Noi, làng Cáo là hai thôn của xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm. Tiền cư Noi Cáo là nói về giai đoạn Tô Hiến Thành làm quan đầu triều ở Thăng Long, một hai đời con cháu có thể ở làng Noi, làng Cáo. Đấy chỉ là “trú quán” có ít gia đình nên khi chuyển cư đi là đi hết, vì vậy ở làng Noi, làng Cáo hiện nay không có dấu tích họ Tô. Lúc Tô Trung Từ là một gia đình có thể lực ở Long Hưng - Thái Bình thì ở Thăng Long vẫn có 1 bộ phận con cháu Đức Tô Hiến Thành. Những người này không thể là con cháu của bà vợ thứ mà phải là con cháu của bà Lã Thị Dung. Theo dõi bước đường thiên cư của bộ phận này càng khẳng định được kết luận trên. Từ Noi Cáo rồi về Tô Xuyên, ở huyện Quỳnh Phụ chứ không phải về vùng Hưng Hà là nơi ở của con cháu Tô Trung Từ. Sau đó về Quảng Nạp ký cư rồi lập ấp định cư ở xã kề bên Quảng Nạp là Bao Hàm. Việc thiên cư này bắt đầu từ đầu triều Trần, lúc con cháu Tô Hiến Thành không còn là gia đình quyền thế ở đất kinh kỳ, cho đến cuối triều Trần mới định cư ở vùng Bao Hàm. Quá trình thiên cư này không thấy “điểm gặp gỡ” giữa dòng dõi bà chính thất và bà trắc thất. Đây cũng là điểm thường tình về quan hệ con cháu vợ cả, vợ lẽ đời xưa.

Như vậy họ Tô Bao Hàm - Đồn Điền có thể là dòng đích trưởng dòng dõi bà Lã Thị Dung. Dòng đích trưởng của Đức Tô Hiến Thành còn có thể tìm thấy ở huyện Hậu Lộc vì họ Tô xã Ngư Lộc và họ Tô xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc cùng thờ Thủy tổ Tô Tường Vân. Họ Tô Ngư Lộc có mấy trang gia phả ghi từ bài vị ra viết: Khởi tổ quan Bồng Nguyên soái đại tướng quân đại thần Tô Quý Công húy Hiến Thành. Còn họ Tô Hải Lộc thì nói Thủy tổ Tô Tường Vân đến lập nghiệp ở làng Vích (xã Hải Lộc ngày nay) phía Bắc cửa biển Lạch Trường từ cuối thế kỷ 12. Phía nam của biển Lạch Trường (xã Hoằng Trường) hiện nay có một ngôi đền thờ Tô Hiến Thành. Tương truyền năm 1161, Đức Tô Hiến Thành đem 2 vạn quân đi tuần du ven biển phía Nam có vào đây tránh bão nên nhân dân lập đền thờ. Liệu có thể Người vào đây tránh bão thấy đây đất đai mầu mỡ nên sau này cho con cháu (Tô Tường Vân) đến đây lập nghiệp. Hoặc chính Tô Tường Vân cũng ở trong đoàn quân tuần du của Đức Tô Hiến Thành thấy đất đai nơi đây mầu mỡ nên sau quay lại định cư lập nghiệp. Tô Tường Vân sinh trước hoặc chí ít cũng là cùng thời Tô Trung Từ. Nếu có là con cháu Tô Hiến Thành, chỉ có thể là dòng trưởng không thể là dòng thứ.

Ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có thôn Sơn Viên trước đây mang tên Tô Xá (Xóm người họ Tô). Hiện nay ở đây có ngôi đền thờ Tô Hiến Thành giao cho người họ Tô ở Tô Xá thờ làm Thành hoàng. Họ Tô ở đây theo lời truyền lại đã được khoảng 18 đời. Liệu đây cũng có thể là dòng dõi đích trưởng của Đức Tô Hiến Thành.


               Tô Bỉnh