VẤN ĐỀ ĐÃ RÕ, SAO CÒN BĂN KHOĂN

Họ Tô làng Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh (nay là thôn Thái Hòa, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình, có một quyển tộc phả, viết bằng chữ Hán-Nôm, cách đây đã hơn 100 năm, viết đến đời thứ 11. Gần đây, tộc phả đã được con cháu dịch ra tiếng Việt và viết bổ sung đến đời 18.

    Căn cứ năm sinh, năm mất của các Cụ Tổ ghi theo âm lịch, sắp xếp hợp lý các đời, đối chiếu với năm dương lịch thì Thủy tổ Tô Huyền Thông, về định cư ở đất Thượng Tầm vào khoảng giữa thế kỷ 15. Nhưng quê quán của Thủy tổ thì vẫn là điều bí ẩn. Về nơi phát tích của Thủy tổ Tô Huyền Thông, trong tộc phả ghi một câu: “Văn truyền Đầu Sơn nhân lai”, dịch ra có nghĩa là: “ Nghe truyền lại là Người từ Đầu Sơn về”. Nhưng Đầu Sơn là đâu, thì con cháu các đời 12, 13, 14 đã nhiều năm đi tìm, nhưng chưa tìm được. May sao, năm 2015, ông Tô Đa Mạn, Trưởng Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam, là người Họ Tô làng Thượng Tầm, tìm được một tài liệu, đăng trên http//haiphong.gov.vn (Giới thiệu chung: Đồ Sơn – Miền đất – Con người), có nói đến từ Đầu Sơn, từ đó hé mở hy vọng, Họ Tô làng Thượng Tầm tìm được gốc tích Tổ tiên. Xin trích ra đây, một đoạn trong tài liệu nói trên: “…Một số bản đồ địa lý thời Pháp cũng ghi đảo Hòn Dấu là Đầu Sơn. Thư của Lãnh sự Hà Nội gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 30-5-1887, cũng nhắc đến Đầu Sơn: “Tỉnh Hải Dương cách đây 3 năm, từng là địa bàn của phong trào (hải tặc) quan trọng nhất…Cách đây vài ngày, cũng bọn ấy đã cướp phá làng Đầu Sơn, cách hải đăng không xa…”. (AOM, AT13002).

    Ban liên lạc Họ Tô Việt Namđã hai lần cử đoàn về Hải Phòng để tìm hiểu thông tin trên. Lần thứ nhất, đoàn về Phòng Văn hóa – Thông tinvà Du lịch quận Đồ Sơn, được chị Lương Việt Hà, Phó Trưởng phòng đưa xem quyển “Địa chí thị xã Đồ Sơn”. Sách do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hải Phòng, phối hợp với Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã Đồ Sơn biên soạn. Giáo sư Sử học – Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu sách. Vì sách của Phòng Văn hóa – Thông tin chỉ có một quyển, không tặng được, nên đoàn phải tranh thủ đọc tại chỗ và chụp ảnh những trang quan trọng. Ở chương Mở đầu của sách có một câu “Địa danh Đồ Sơn, trước đây, nhân dân địa phương và lân cận thường gọi là Đầu Sơn, theo nghĩa là núi Đầu”. Khoảng một tháng sau, đoàn lại đi một chuyến về huyện Kiến Thụy, giáp với quận Đồ Sơn để lấy ý kiến người dân xã Thuận Thiên (đầu huyện), xã Ngũ Đoan (giữa huyện) và Ủy ban nhân dân xã Đoàn Xá (cuối huyện), xác nhận là: trước đây nhân dân (và hiện nay cũng còn một số người) vẫn gọi Đồ Sơn là Đầu Sơn.

    Chỉ cần như vậy cũng đã có thể khẳng định là Thủy tổ Họ Tô làng Thượng Tầm từ Đồ Sơn về Thượng Tầm lập nghiệp. Nhưng có thể có người hỏi: Vậy ở Đồ Sơn hiện nay có người Họ Tô không? Ở đây hiện nay không có người Họ Tô gốc lâu đời. Nhưng Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam có đủ tài liệu để chứng minh là vào giữa thế kỷ 15, lúc cụ Tô Huyền Thông về Thượng Tầm lập nghiệp, thì ở Đồ Sơn có cả một chi Họ Tô đông nhân khẩu. Hậu duệ của những người Họ Tô ở Đồ Sơn thời ấy, nay là bộ phận đông đảo nhất trong cộng đồng người Việt ở vùng Tam Đảo, huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trên báo Họ Tô Việt Nam, cả báo giấy và báo điện tử, có nhiều bài giới thiệu về nguồn gốc của cộng đồng người Việt này. Tóm tắt như sau:

    Vào năm 1511, chưa rõ vì lý do gì, 12 chi họ: Tô, Nguyễn, Đỗ, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng, Lương, đang làm ăn sinh sống ở tổng Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là Hải Dương và Hải Phòng), đã dùng bè vượt biển lên vùng cực Đông Bắc của Tổ quốc, thuộc tỉnh Quảng Yên, định cư lập nghiệp. Năm 1887, để tạo thuận lợi cho việc nhà Thanh (Trung Quốc) công nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã ký với nhà Thanh, Công ước Constans. Theo Công ước này, thực dân Pháp, cắt 12 xã thuộc tổng Kiền Duyên và tổng Bát Tràng, tỉnh Quảng Yên (Việt Nam), cho tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Từ năm 1887, đất 12 xã của Việt Nam thành đất Trung Quốc và cư dân 12 xã này thuộc 12 chi họ nói trên (trong đó Họ Tô là đông nhất) trở thành dân Trung Quốc. Vì mới trở thành dân Trung Quốc, hơn 130 năm, nên hiện nay người Việt ở đây, vẫn còn giữ được trang phục, ngôn ngữ, chữ viết và phong tục Việt. Đài truyền hình Việt Nam, đã phát một bộ phim tài liệu nói về cộng đồng người Việt này. Việc cắt đất được thể hiện trên tấm bản đồ kèm theo Công ước Constans. Báo Họ Tô Việt Nam cũng đã có bản in Công ước Constans và tấm bản đồ này.

    Đọc các tài liệu nói trên, mỗi độc giả bình thường, đều thấy rõ và đúng là Cụ Tô Huyền Thông đã từ Đồ Sơn (Đầu Sơn) về Thượng Tầm lập nghiệp, trải qua hơn 500 năm đã phát triển thành một chi họ lớn với 1500 hộ gia đình và hơn 5000 nhân khẩu. Báo cáo trong lễ khánh thành nhà thờ đại tông mới được tôn tạo lại, ông Tô Hồng Toản, Chủ tịch Hội đồng gia tộc cũng đã khẳng định việc Thủy tổ Tô Huyền Thông, từ Đồ Sơn về Thượng Tầm định cư, lập nghiệp. Vậy mà đến nay vẫn còn một số người (không nhiều) Họ Tô làng Thượng Tầm, không đọc kỹ các tài liệu nói trên, vẫn phát biểu theo cảm tính là tài liệu viết như vậy “là Họ Tô làng Thượng Tầm có nguồn gốc Trung Quốc”!? Những ý kiến sai lạc đó đã có lúc gây nên tình hình căng thẳng, ảnh hưởng đến tình đoàn kết trong chi họ và còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của Họ Tô làng Thượng Tầm với Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam. Đề nghị Họ Tô làng Thượng Tầm nên có cuộc hội thảo, xác định đúng nguồn gốc Tổ tiên để củng cố tình đoàn kết trong chi họ.

                                                                                                    TTHTVN