LƯỢC SỬ TÊN HỌ NGƯỜI VIỆT (3) : TÊN HỌ NGƯỜI VIỆT Ở XỨ NGƯỜI

Phương cách lý tưởng nhất vẫn là phép viết họ tên như ở quê nhà. Người Việt ở Pháp vẫn theo giải pháp này vì người Pháp đã quen với tên họ người mình từ thời thực dân ở Việt Nam, biết phân biệt họ với tên.

Sau 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ nước tới định cư ở nhiều nước khắp thế giới. Vấn đề viết tên họ được đặt ra khi hệ thống hành chánh bắt buộc và sự xử dụng máy điện toán trở thành phổ thông. Người Việt phải thật sự đương đầu với tên họ của chính mình. Nhu cầu nảy sinh tìm hiểu tên họ, giải thích cho người bản xứ và ngay cả lựa chọn họ tên mình. Ðó là chưa kể những trường hợp hy hữu phải kể cả giai thoại mới mong có người hiểu như tên họ con cháu nhà Nguyễn. Sở di trú làm sao hiểu được cha họ Vĩnh mà con ruột lại họ Bảo !

Ở Việt Nam ta vẫn có thói quen lấy tên gọi (prénom, first name) làm mốc để lập danh sách: Nguyễn An-Khang sẽ được liệt kê ở vần Kh, trước Khanh và sau Kha. Cách dùng này có từ đã mấy ngàn năm và được sử dụng trong mọi trường hợp, từ thư tịch, lịch sử cũng như sổ lương bổng, danh sách cử tri, ở học đường.

Một khi ở hải ngoại, dù thế nào đi nữa, ta vẫn phải giữ lấy "họ" (family name, nom de famille) cho minh bạch. Có người cốt tránh hiểu lầm hay cốt dễ phát âm, vì muốn tránh họ một chữ cụt ngủn như "Lê", "Lý", "Ðỗ", "Võ / Vũ", đã ghép tên lót vào làm họ mới : Lê Văn, Ðỗ Văn biến thành "Levan", "Dovan". Phái nữ thường họ tên dài có khi gồm 4, 5 chữ, thành ra có người ghép tên lót "thị" vào làm họ : Võ Thị thành Vothi. Dễ cho người bản xứ nhưng đồng hương làm sao nhận ra nhau, nhất là người đó lại có tên gọi theo người bản xứ như Mike, André, Katherine, Joseph, v.v. !

Trong trường hợp "họ kép", ta cứ dùng họ kép như người bản xứ, đàn ông cũng như đàn bà (vì lập gia đình theo dân luật cũ), thí dụ Maurice Marleau-Ponty, Claude Le'vi-Strauss, Cecil Day-Lewis, vv. Vậy Phan-Trần Nam và Ðặng-Vũ Tuấn-Kiệt nên trở thành Nam Phan-Tran và Tuan-Kiet Dang-Vu. Với cách này, ta còn có thể phân biệt họ kép với họ đơn + tên lót vì tên lót vẫn nên giữ thứ tự của nó dù họ tên có phải đảo ngược theo người bản xứ: Nguyễn Thị Nhị nên trở thành Nhi Thi Nguyen.

Về họ kép, cả hai yếu tố phải viết hoa và nên dùng gạch nối. Theo lệ tổng quát và phép chính tả Việt ngữ, tất cả những yếu tố bổ túc cho nhau về ngữ ý phải viết với gạch nối, cũng như những yếu tố chính trong danh từ riêng (địa lý hoặc họ, tên) phải viết hoa. Trên nguyên tắc, "Văn", "Thị" và tất cả những chữ lót chung như "Ðình, Ngọc, Xuân, Huy,..." tương đương với "von, vonder, von und zu" của người Ðức, "op de, ten, van den, van der" của người Hà Lan không phải viết hoa và không được gạch nối với họ cũng như tên (nhưng vì nhu cầu thực tế, chúng tôi viết hoa trong bài này). Từ khi có chữ "quốc ngữ" la tinh, trên các sách báo xuất bản ở Việt Nam, các nhà văn nhà báo có thói quen gạch nối tất cả các yếu tố của họ tên, ngay cả trường hợp chỉ có 2 yếu tố như Nguyễn Du, Phạm Duy. Ðiều này nhiều nhà ngữ học Việt Nam không chấp nhận. Về ngữ ý cũng như theo truyền thống, cách dùng này rất sai lầm.

Ðối với "tên kép", ta nên giữ thứ tự của cả hai yếu tố tạo thành vì trong nhiều trường hợp, nếu đảo ngược tên kép đó sẽ mất hết ý nghĩa đối với người Việt và khó mà cắt nghĩa với người bản xứ ý nghĩa tên của mình. Một khuynh hướng dung hòa dùng cả hai tên gọi kép để con cái có thể xử dụng theo nhu cầu ở xứ người hay sau này về nước: Catherine Hy-Khuê, Joseph An-Khang. Nói chung, ta cứ dùng "tên kép" như người bản xứ : Jean-Paul Sartre, Paule-Andrée T., Jean-Marie B.. Do đó Lê Hào-Kiệt nên viết là Hao-Kiet Lê, Nguyễn Joseph An-Khang thành Joseph An-Khang Nguyen hơn là Kiet Hao Le và Joseph Khang An Nguyen. Vũ Thị Ngọc-Lan, Trần Thị Bích-Ngo.c thành Ngoc-Lan Thi Vu và Bich-Ngoc Thi Tran, tránh Bich-Ngoc Tran-thi hay Thi Bich Ngoc Tran và Lan Ngoc Thi Vu, vì Lan-Ngo.c và Ngọc-Bích khác nghĩa với Ngọc-Lan và Bích-Ngo.c! Cũng vậy, Cung Văn Hòa nên đổi thành Hoa Van Cung thay vì Hoa Cung Van. Riêng đối với tên họ dài như họ hậu duệ nhà Nguyễn, ta có thể viết tắt yếu tố tên dệm.

Họ tên phái nữ là một phức tạp khác. Khác với người Tây phương, người đàn bà Việt Nam dù đã lập gia đình vẫn xử dụng tên họ con gái trên giấy tờ hộ tịch, hành chánh và thư từ, dù ngoài đời họ vẫn thường được gọi theo tên gọi của chồng, nhất là trong giới trí thức và chính trị gia: bà giáo sư Tăng Xuân An, bà đại sứ Trần Văn Chương, v.v.. Người đàn bà Tây phương từ tạo thiên lập địa tới gần đây đã không có những "quyền lợi" đó của nữ giới con Rồng cháu Tiên, họ phải đổi lấy họ chồng một khi lập gia đình. Mọi người chỉ biết họ qua họ chồng, dù làm thủ tướng và dù đã ly dị. Khi các bà khám phá gì mới cho nhân loại hay ra luận án tiến sĩ, người ta cũng chỉ biết họ qua tên chồng: bà Marie Curie, mấy ai biết họ bà là Sklodowska và là người Ba-lan !

Mấy thập niên gần đây, dưới áp lực của các phong trào đòi bình quyền của nữ giới, dân luật nhiều quốc gia đã bắt đầu cho các bà đổi lấy họ thời con gái và còn đi xa hơn khi không còn bắt phải có tên cha cho đứa trẻ sơ sinh và đứa bé có thể lấy họ mẹ. Nữ giới Việt Nam đến xứ người đông đảo vào cuối thời thịnh đạt của chế độ tộc trưởng, phải theo luật xứ người mà mất họ gốc, từ nay có thể đổi lấy lại họ thời con gái.

Ở Việt Nam khó mà nói rằng người mình lầm lộn nhau vì tên họ hiểu theo nghĩa rộng. Họ được bổ túc bởi tên gọi và chữ lót chung hoặc tên thế hệ, luôn tạo thành một đơn vị độc đáo. Một lớp học có thể có nhiều học sinh tên Hùng, nhưng khác họ và tên lót. Ngoài ra ta còn có nhiều cách để phân biệt nhau tùy hoàn cảnh, bằng ngờ uồn gốc địa lý, bằng chức tước, địa vị xã hội, bằng lãnh vực chuyên môn hay nghề nghiệp, bằng diện mạo, gốc gác, cha mẹ, họ hàng, v.v..

Hoàn cảnh sống mới ở xứ người đặt người Việt trước những lựa chọn khó khăn về văn hóa. Hội nhập hay giữ bản sắc ngờ uồn cội? Uốn theo tục người hay nên giữ phong hóa dân tộc? Nên "Pháp hóa" / "Anh hóa" tên Việt như đã từng xảy ra với những người Do thái và Ðông Âu ở Pháp hay Bắc Mỹ. Thiết tưởng sự sống còn của văn hóa Việt Nam ở ngay những đặc điểm Việt. Một trong những đặc điểm đó là tên họ Việt Nam. Làm sao giữ được tên họ tức gốc ngờ uồn thì ta vẫn là ta. Nếu để mất gốc, mình sẽ hết là mình mà ta cũng chẳng còn là ta. Tên họ vừa là vốn liếng văn hóa vừa là ký hiệu làm người. Họ tên là yếu tố văn hóa nền tảng của một dân tộc và là báu vật văn hóa mà tổ tiên đã để lại cho con cháu, nhất là tổ tiên Việt Nam đã luôn ở vào thế chẳng đặng đừng, bị động, luôn bị xâm lăng và thu hút bởi những nền văn hóa vừa mạnh vừa bạo như Hoa Ấn lân bang và Tây phương thực dân. Ngày nay con cháu Việt đang phải chịu nhận văn hóa người và ở ngay trên lãnh thổ của người ! Hy vọng một số ý kiến đã trình bày sẽ giúp ích cho người Việt trong việc xử dụng, cải đổi hay vay mượn tên họ nơi xứ người

  Nguyễn Vy Khanh

Xem chi tiết tạihttp://www.mevietnam.org