Trao đổi về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Báo cáo tổng kết 20 năm “Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn”

   1- Có ý kiến cho rằng “Khái niệm về “Họ” chỉ xuất hiện khi gắn với chế độ phụ quyền. Và họ Tô cũng như nhiều họ khác là do người Trung Quốc mang vào, sau khi áp đặt sự thống trị ở Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc”. Quan điểm này chưa thấy  được nói đến trong một tài liệu chính thống nào mà chỉ “là ý kiến của các nhà nghiên cứu có uy tín như GS Vũ Khiêu, GS Lê Văn Lan, GS Mạc Đường”. Dù là ý kiến của các nhà nghiên cứu có uy tín thì cũng phải được công bố bằng văn bản và văn bản đó có được các cơ quan chuyên ngành và công chúng chấp nhận không.

   Trong chuyện cổ tích Việt Nam (chuyện cổ tích không phải là hoàn toàn hư cấu mà cũng phải có môt phần sự thật), thì Chử ĐồngTử xuất hiện vào thời Hùng Vương thứ 3 và Mai An Tiêm xuất hiện vào thời Hùng Vương thứ 18. Còn trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì thời nhà Tần (thế kỷ 2 TCN) nước ta có một người nổi tiếng là Lý Ông Trọng, hiện còn được thờ tại Đền Chèm ở làng Chèm, huyện Từ Liêm. Thời Thục An Dương Vương có Tướng quân Cao Lỗ, người giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần. Như vậy là từ thời Hùng Vương, thời Thục An Dương Vương (thế kỷ 2 TCN), nước ta đã có họ Chử, họ Mai, họ Cao, họ Lý (và chắc là còn nhiều họ khác nữa) và  những họ đó còn tồn tại đến ngày nay.

   Còn theo tộc phả Họ Tô làng Thanh Đoài, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, một bộ Tộc phả được viết rất công phu và đầy đủ, bắt đầu viết vào năm 40 (đầu Công nguyên), viết tiếp vào các năm 994 và 1942, thì Thủy tổ của chi họ này là hai anh em Tô Yên Huệ, Tô Đạt Đạo, là tướng Thủy quân nhà Tần (thế kỷ 2 TCN), trên đường đi chinh phạt phương Nam, gặp bão, thuyền đắm,hai anh em trôi dạt vào Mũi Rồng, thuộc huyện Quỳnh Lưu ngày nay, được dân Việt địa phương cưu mang. Sau một thời gian, người anh lấy một cô con gái nhà quyền quý thuộc dòng họ Nguyễn tên là Tại làm vợ. Sau đó người em cưới cô con gái họ Trần có học thức cao, lấy hiệu là Từ Thiện. Như vậy là thế kỷ 2 TCN ở Nghệ An đã có họ Trần, họ Nguyễn.

  Theo những dẫn chứng trên đây, từ chuyện cổ tích, từ các cứ liệu lịch sử, thì từ thời Hùng Vương, thời Thục An Dương Vương, từ thế kỷ 2 TCN, dân nước Việt cổ đã có họ, không phải đợi đến thời Bắc thuộc, dân ta mới có họ do người Trung Quốc mang vào và đặt họ cho các tộc người Việt.

   2- Cũng từ  quan điểm đã nêu trong đầu điểm 1, có ý kiến cho rằng không nên dùng từ “Họ Tô bản địa” vì thiếu tính khoa học và làm chạnh lòng những người Họ Tô mà Tổ tiên mới sang Việt Nam được 4-5 đời.

   Ta phải dùng từ “Họ Tô bản địa”, “Họ Tô thuần Việt” vì trong một thời gian dài, đặc biệt là năm 1979 và những năm đầu 80, nhiều người Họ Tô đã bị kỳ thị và có người còn bị sử lý vì cho là Họ Tô là họ Trung Quốc! Việc xác định Họ Tô là “Họ Tô bản địa” là một thành công của công cuộc Chắp nối dòng họ-Tìm về cội nguồn. Chúng ta đã tìm đến cội nguồn là Thần Tô Lịch và có thể còn xa hơn nữa (Họ Tô có thể xuất hiện từ thời Hùng Vương). Dùng từ “Họ Tô bản địa”, “Họ Tô thuần Việt” là để xóa bỏ sự kỳ thị, dù là quan điểm ấu trĩ, nhưng không phải chỉ của người dân thường mà còn của một số cấp lãnh đạo. Việc dùng từ “Họ Tô bản địa”, “Họ Tô thuần Việt”, có làm chạnh lòng một số người Họ Tô có Tổ tiên mới đến Việt Nam không, thì trong sách Họ Tô Việt Nam (trang 3), trong những trang đầu của quyển TTHTVN số 22 và cả trong Báo cáo tổng kết cũng đã nói rõ: ”Trong quá trình hình thành và phát triển, dòng Họ Tô Việt Nam được bổ sung một số không nhiều những chi Họ Tô có nguồn gốc khác như một số chi Họ Tô có ông Tổ là người Họ Tô từ các nước láng giềng đến Việt Nam để làm ăn buôn bán hoặc chạy khỏi các nước đó sau những biến cố chính trị, cách đây từ 200 đến 400 năm, kết duyên với phụ nữ Việt, hòa chung dòng máu với người Việt, theo văn hóa Việt, trải qua nhiều đời, đã trở thành “thuần Việt” và một số chi họ, ông Tổ là người họ khác vì nhiều lý do đã đổi sang Họ Tô từ mấy trăm năm”. Nói như trên là đúng với sự thật lịch sử và rất có tình, có lý, chắc không làm ai phật lòng.

   3- Một ý kiến là “không nên cho rằng Họ Tô Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ 4 TCN vì những bằng chứng lịch sử ghi trong văn bia ở nơi này, nơi kia là không vững chắc, do nhận thức hạn hẹp hoặc do sự tưởng tượng của các tác giả văn bia này mà thôi”

   Trong các văn bản, chúng ta cũng không khẳng định mà chỉ nói là người Họ Tô “có thể” xuất hiện vào thế kỷ 4 TCN, thời Hùng Vương thứ 18. Nói điểm này là dựa vào văn bia ở đình làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trong nghiên cứu lịch sử, khi không có nguồn tư liệu nào khác thì nhiều khi cũng phải tham khảo các văn bia là nguồn tư liệu duy nhất. Văn bia này được soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên đời Lê Anh Tông – 1572, cách đây 446 năm. Văn bia nói về sự tích của 4 vị Thần được thờ ở đây là hai vợ chồng quan Lạc tướng của Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) là Đinh Công Bách,Tô Thị Nghi và hai người con của họ là Đinh Quang, Đinh Bảo Nương, có công giúp Vua Hùng đánh quân Thục Phán. Văn bia còn nói đến những người thân của Tô Thị Nghi gồm Tô Ông (bố), Tô Bà (mẹ), hai người em gái và người anh họ là Tô Văn Đán. Như vậy là từ thời Hùng Vương thứ 18 (Thế kỷ 4 TCN) đã có một nhóm người Họ Tô, có thể còn đông hơn nữa, xuất hiện ở vùng Tây Bắc (Lộ Đà Giang) của nước Việt cổ. Tên của Tô Thị Nghi và Đinh Công Bách còn được tìm thấy trong một tài liệu khác, nói về một câu chuyện khác, cũng vào thời Hùng Vương thứ 18. Đó là quyển sách “Hành trình đi tìm chữ Việt cổ” (chữ Khoa đẩu), dày 120 trang của tác giả Đỗ Văn Xuyền do Nhà xuất bản Hồng Đức-Hà Nội ấn hành tháng 10-2012. Hai nguồn tư liệu cùng nói về một con người, cùng một thời điểm lịch sử nhưng trong 2 câu chuyện khác nhau, làm cho tư liệu càng đáng tin cậy.

   4- Có ý kiến cho rằng: “cần hết sức thận trọng khi viết có tính chất xác nhận chi họ này, chi họ kia là hậu duệ trực hệ của Đức Tô Hiến Thành”. Việc tìm ra các danh nhân, các chi họ là hậu duệ trực hệ của Đức Tô Hiến Thành là viêc làm rất cần thiết. Điều này chứng tỏ Đức Tô Hiến Thành không phải là môt danh nhân chỉ lóe sáng nhất thời trong lịch sử, mà còn để lại một sự nghiệp lẫy lừng và gần 30 thế hệ con cháu truyền lại đến ngày nay. Về con cháu của Đức Tô Hiến Thành, không sách vở nào nói đến. Là hậu thế của Người, chúng ta phải có trách nhiệm làm rõ vấn đề này. Nghiên cứu về thân thế Đức Tô Hiến Thành mà không nói rõ được con cháu của Người, thì việc nghiên cứu phỏng có ý nghĩa gì. Chúng ta rất tiếc là không có một chút tư liệu nào nên chúng ta không biết gì về hậu duệ của Thần Tô Lịch. Việc tìm được các thế hệ hậu duệ của Đức Tô là một thành công của công cuộc Chắp nối dòng họ - Tìm về cội nguồn. Việc này không phải do các chi họ tự nhận, nên không lo rằng có chi họ nào đó muốn có “tiếng thơm” mà “ngộ nhận” hoặc “mạo nhận” là con cháu trực hệ của Đức Tô (có người đã nghĩ như thế!). Đây là kết quả của một quá trình thận trọng và công phu nghiên cứu thư tịch, khảo sát điền dã ở nhiều địa phương. Chúng ta làm việc này với tinh thần trách nhiệm cao: Với 17 chi họ có đủ căn cứ vững chắc thì chúng ta khẳng định, còn với 6 chi họ chưa đủ căn cứ vững chắc thì chúng ta chỉ nói là có thể là hậu duệ của Đức Tô Hiến Thành.

                                                                                                 Tô Bỉnh