TRẦN LÝ LÀ CON RỂ ĐỨC TÔ HIẾN THÀNH - TƯ LIỆU THÀNH VĂN HAY TRUYỂN KHẨU ?

    Năm 2011, tôi về thăm nhà ông Tô Nhuần, ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; được ông Nhuần đưa đọc quyển sách “Nhà Trần và con người thời Trần”, do Viện Sử học và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản. Tôi thu nhận được một thông tin của nhà báo Nguyễn Sỹ Chân (Báo Kinh tế & Đô thị Hà Nội), viết trong quyển sách đó: “…Năm Canh Thìn, ngài Trần Hấp sinh ra Trần Quý, còn có tên là Lý. Ông Lý lấy được con gái Thái úy nhà Lý là Tô Hiến Thành…”.

    Phả hệ Họ Trần, in trong Tạp chí Văn hóa Họ Trần số 1 - Tháng 9 năm 2010 viết là Hoàng hậu Tô Phương Lan (vợ Trần Lý) có anh là Tô Trung Từ làm quan triều Lý.

     Từ đó tôi suy ra Tô Trung Từ là con trai Đức Tô Hiến Thành. Đây là thông tin rất quan trọng với dòng Họ Tô Việt Nam vì nó làm sáng tỏ thêm thân thế Đức Tô Hiến Thành. Vì vậy tôi muốn tìm nhà báo Nguyễn Sỹ Chân để tìm hiểu nguồn gốc thông tin nói trên. Tôi tìm nhiều cách (tìm về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Bình, nơi cung cấp nhiều tư liệu cho quyển sách; tìm về Tòa soạn Báo Kinh tế & Đô thị Hà Nội) nhưng không liên lạc được với ông Nguyễn Sỹ Chân. Nên tôi vẫn chưa yên tâm khi công bố thông tin trên.

    Sau khi ông Tô Nhuần mất, nhân khi lên thắp hương trong lễ 49 ngày, tôi đã xin gia đình quyển sách “Nhà Trần và con người thời Trần”. Vừa qua tôi đã tìm đọc lại bài viết của nhà báo Nguyễn Sỹ Chân, in trong quyển sách trên thì thấy là thông tin trên đã được ông Nguyễn Sỹ Chân trích dịch từ sách “Trần gia thế tộc ký tự” (Gia phả ghi chép các đời dòng họ nhà Trần), bản chữ Hán, lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

    Năm 2011, ở nhà ông Tô Nhuần, không có nhiều thời gian, tôi chỉ đọc lướt và chép được vài dòng thông tin như đã ghi ở đầu bài viết này. Nay đã tìm được xuất xứ chắc chắn của thông tin trên, tôi xin chép lại để khẳng định là: “Tô Phương Lan, con gái Đức Tô Hiến Thành (sau được nhà Trần truy tôn là Nguyên Từ Hoàng hậu) là vợ Trần Lý, ông Tổ của các vua nhà Trần (sau được truy tôn là Nguyên Tổ Hoàng đế). Tô Trung Từ, anh trai của Tô Phương Lan (rõ ràng) là con trai Đức Tô Hiến Thành”.

    Đoạn văn trong bài viết của Nguyễn Sỹ Chân, đựơc ông trích dịch từ quyển sách chữ Hán nói trên, không chỉ nói Trần Lý là con rể Đức Tô Hiến Thành mà còn nói rõ về nguồn gốc nhà Trần, là thông tin rất bổ ích, tôi xin chép lại để độc giả quan tâm, tham khảo:

    “….Ta, tổ tiên vốn họ Quy (Trung Quốc), làm đến Hầu tước, chức Tam công nhà Chu. Sau đó có người lấy quý tiểu thư nhà Chu làm vợ, sinh được một quý tử, đặt tên là Trần Mân. Vì ngài được phong vị ở ấp Trần, nên lấy Trần làm họ, nối tiếp truyền quốc. Đời Sở Huệ vương cầm quyền, đã đổi nơi này làm Phúc Kiến đạo, Phúc Châu phủ, Mân huyện. Đến đời Tống Thiệu Hưng; ở nước ta là khoảng đời Lý Nhân Tông (1085 - 1091), ngài Trần Kinh (có sách chép là Trần Kính), dời đến Nam Thiên đô, tức Thiên Trường phủ, Mỹ Lộc huyện, Tức Mạc thôn. Lấy đánh cá làm nghề. Rồi lấy gái làng ấy, sinh ra Trần Hấp. Ở thời Lý Thần Tông, Trần Hấp được phong làm Thủy sư. Khởi đầu từ đó, ngài Trần Hấp chuyển đến ở Long Hưng phủ, Ngự Thiên huyện, xã Thái Đường, làng Tình Cương (Thái Bình nay).

    Trần Hấp được thầy địa lý giỏi, đặt mả táng ngài Trần Kinh ở chỗ cánh đồng có đám lửa cháy lõm xuống thành Kim huyệt “Thổ Phúc Tàng Kim”. Mặt trước nhìn ra cửa sông (tục gọi là Cửa Vàng), đầu thì gối lên voi quỳ, bia dựng, có lâu đài, cờ trống la liệt, tả phù, hữu bật, văn chương đủ vẻ. Ngày Tân Dậu, giờ Kỷ Sửu, ông tổ họ Trần là Trần Kính được cải táng tại đó. Sau khoảng trăm ngày, phần mộ ấy đùn lên những viên đất nhỏ. Đó là điềm đại cát. Đất ấy gọi là đất “Địa khí chung linh”; con gái thì nhập cung phi, nhan sắc đắc thiên hạ; con trai thì ở ngôi phụ chính, sau trăm năm thì đại phát, ấy là năm Mậu Dần.

    Năm Canh Thìn, Trần Hấp sinh ra Trần Quý, còn có tên là Lý. Ông Lý lấy được con gái Thái úy nhà Lý là Tô Hiến Thành, sinh được 4 trai, 1 gái. Con trưởng là Trần Thừa (sau là Thái Tổ). Con thứ là Tự Khánh, được phong là Thái úy triều Lý, sau này được phong Kiến Quốc đại vương. Con thứ ba là Trần An Quốc, được phong là Chiến Quốc vương. Con trai thứ tư là Thủ Độ, làm Lý triều Điện tiền chỉ huy sứ, sau được phong là Trung Vũ đại vương. Nữ là Thuận Trinh, tên húy là Dung, làm vợ Lý Huệ Tông, sinh ra Công chúa Thuận Thiên và Công chúa Chiêu Thánh. Cả hai người này về sau đều là vợ Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

    Trần Thừa lấy Lê thị, sinh ra 3 người con trai. Con trưởng là Trần Liễu, làm Thái úy, được phong là Yên Sinh vương. Con thứ là Trần Cảnh, sau lấy Lý Chiêu Hoàng, được lập là Trần Thái Tông. Con thứ ba là Trần Nguyệt Cải (còn gọi là Trần Nhật Hiệu), làm Thái úy và người con gái là Thụy Bà công chúa, có công nuôi cháu là Trần Quốc Tuấn làm con nuôi trong 8 năm.

    Tháng Sáu ngày 16 năm Mậu Dần, giờ Thân, Trần Cảnh ra đời, long nhan tuấn tú, dáng vẻ lỗi lạc, có tướng Đế vương. Trần Thừa, Trần Thủ Độ và các bậc cha chú xem xét chính sự, nghĩ trừ đạo tặc, thu lấy sơn hà từ tay họ Lý. Sáng lập cơ nghiệp họ Trần là từ tay Trần Cảnh vậy…”

    Tuy nhiên trong văn bản trích dịch nói trên, thấy cũng còn điều nghi vấn (không liên quan đến việc Trần Lý là con rể Đức Tô Hiến Thành). Trong Phả hệ Họ Trần (đã dẫn ở đầu bài viết này) nói là Tô Phương Lan sinh được 2 con trai và 2 con gái là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thị Tam nương. Còn đoạn trích dịch nói trên lại nói là bà sinh được 4 con trai và 1 con gái là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần An Quốc, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Việc Trần An Quốc, Trần Thủ Độ là con trai Trần Lý, chưa thấy sách nào nói đến. Trong quyển Thuyết Trần (Sử nhà Trần) do cụ Trần Xuân Sinh, 91 tuổi biên soạn năm 1991, xuất bản năm 2003, có Lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Trần Văn Long), Trưởng ban liên lạc Họ Trần Việt Nam, thì Trần Hấp sinh được 2 con trai là Trần Lý và Trần Hoàng Nghị. Trần Hoàng Nghị sinh An Quốc, An Hà và An Bang tức Trần Thủ Độ. Ông Đinh Công Vĩ trong “Chuyện tình Vua chúa Hoàng tộc Việt Nam”, không rõ lấy tư liệu từ đâu, cũng viết là: “Trần Hấp sinh Trần Lý và Trần Thiện. Trần Lý lấy con gái Tô Tân (?) là Tô Thị Hiền(mới 15 tuổi), sau sinh Trần Thừa (1184), Trần Tự Khánh (1188), Trần Thị Ngân (phải chăng là Trần Thị Tam nương?) và Trần Thị Dung (1194); Trần Thiện sinh Trần An Quốc (1191), Trần Thủ Độ (1194). Nhưng ngày 26 tháng 8 năm 2019, Hội đồng Họ Trần Việt Nam, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tổ chức Tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoàng Nghị đã đi đến kết luận là: “Không có căn cứ nào cho việc thừa nhận Trần Hoàng (Hoằng) Nghị là một nhân vật lịch sử và là phụ thân của Thái sư Trần Thủ Độ”. Có nghĩa là trong lịch sử Việt Nam, không có nhân vật Trần Hoằng Nghị và đến nay cũng chưa xác định được phụ thân Trần Thủ Độ là ai.

Tô Bỉnh