Lễ đón nhận Bằng di tích, Lịch sử cấp Tỉnh Đình – Miếu Ngọc Vừng


Thừa ủy quyền của UBND Tỉnh, đồng chí Tô Xuân Thao – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh Đình – Miếu Ngọc Vừng cho cán bộ, nhân dân xã Ngọc Vừng

Sáng ngày 18/8/2019, tại  Đình Ngọc Vừng – Thôn Bình Minh, xã  Ngọc Vừng – Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đã long trọng tổ chức “Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Tỉnh Đình – Miếu Ngọc Vừng”. Đến dự có đồng chí Tô Xuân Thao – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy, đồng chí Tô Văn Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, đồng chí Đào Văn Vũ – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, lãnh đạo MTTQ, các phòng ban, cơ quan, đơn vị, các xã thị trấn cùng đông đảo cán bộ, nhân dân và người dân xa quê trên xã đảo Ngọc Vừng.

Theo các đạo sắc phong, thư tịch cổ Hán Nôm, đình Ngọc Vừng được xây dựng vào khoảng cuối thời Hậu Lê (thế kỷ 18) thờ 3 tướng công họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng); Bảo An chi thần và Phụ quốc Đô Thống chi thần. Các vị này được dân làng Ngọc Vừng tôn làm thành hoàng làng và thờ phụng. Các vị thành hoàng đã được triều Nguyễn phong chức thần và gia phong cho dân Ngọc Vừng phụng thờ mãi mãi.

       Đình Ngọc Vừng  thờ 3 tướng công Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng

          Ban đầu Đình được làm bằng tranh tre nứa và lợp mái bằng cỏ, đến khoảng năm 1920, đình được xây dựng lại bằng đá, gạch, mật mía, mái lợp ngói mũi. Do không được tu sửa thường xuyên cùng với những lý do khách quan khác, năm 1963, đình Ngọc Vừng trở thành phế tích. Cách Đình gần 1km về phía Đông Nam, một ngôi Miếu nhỏ cũng được xây dựng ở khu Cẩu Lẩu để thờ 3 vị Thành hoàng họ Phạm.

Đồng chí Tô Xuân Thao – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy cùng các đại biểu thắp hương tại Đình Ngọc Vừng

Đình – Miếu Ngọc Vừng là công trình văn hóa lâu đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xã đảo Ngọc Vừng. Đình là biểu tượng của khối đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tình yêu quê hương, đất nước, sự cần cù trong lao động, trong đấu tranh với thiên nhiên để từng bước cải tạo đất đai và mở mang bờ cõi quê hương. Đình Ngọc Vừng còn là nơi tôn thờ, gửi gắm tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của những thế hệ sau đối với những anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân, những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “Uống  nước nhớ nguồn của ” của dân tộc Việt Nam. Đình Ngọc Vừng cũng là nơi chứng kiến, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử của địa phương trong những ngày đấu tranh giành, giữ chính quyền cách mạng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều này đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.

Ngay từ sang sớm, đông đảo người dân và du khách đến dự Lễ  tại Đình Ngọc Vừng

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con nhân dân trong xã và các nhà hảo tâm, mong muốn phục dựng lại Đình Ngọc Vừng nhằm phát huy những giá trị văn hóa cũng như tạo điểm nhấn tham quan du lịch cho du khách; được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện Vân Đồn, ngày 1/7/2015 (tức ngày 16/5 năm Ất Mùi), Đình đã được khởi công xây dựng lại tại vị trí ngôi Đình cũ bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tài trợ chính trên 4 tỷ đồng, ngoài ra nhân dân trong và ngoài xã ủng hộ kinh phí và cung tiến nhiều hiện vật khác.

Sau hơn 1 năm thi công, đến ngày 10/12/2016 (12/11/2016), công trình Đình làng đã hoàn thành bằng bê tông cốt thép kiên cố trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc cổ xưa, gồm Cổng Nghi Môn, Đình Chính, Tả Hữu Vu, am hóa vàng, nội thất thờ đồng bộ…Công trình đảm bảo về tiến độ, chất lượng và mỹ thuật. Đến nay Đình – Miếu Ngọc Vừng đã được UBND Tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh.

Các đại biểu về dự Lễ

Thay mặt lãnh đạo Huyện, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đào Văn Vũ – Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử” hôm nay nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Đình – Miếu Ngọc Vừng. Đây cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi công dân đối với quê hương, đất nước.

 Đồng chí Đào Văn Vũ – Phó Chủ tịch UBND huyện công bố Quyết định của UBND Tỉnh về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh Đình – Miếu Ngọc Vừng và phát biểu tại buổi lễ

 Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đồng chí đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; kiên quyết ngăn chặn và chống các hành vi xâm hại di tích dưới mọi hình thức; quy hoạch, từng bước tôn tạo, cải tạo cảnh quan làm tăng thêm vẻ trang nghiêm, cổ kính của di tích; có kế hoạch cụ thể để bảo vệ tốt kiến trúc, hiện vật, cổ vật của di tích. tổ chức các lễ hội truyền thống để ngôi đình, thật sự là nơi đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, thu hút sự quan tâm, giao lưu văn hóa của nhân dân trong vùng. Xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, học tập; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Đình Ngọc Vừng.

 Lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng cán bộ và nhân dân xã Ngọc Vừng

Cùng với 3 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp Tỉnh gồm: Thành cổ Ngọc Vừng, trận địa pháo 12,7 mm, Khu lưu niệm Bác Hồ, di tích lịch sử Đình – Miếu Ngọc Vừng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân trên đảo, đồng thời góp phần vào việc phát triển du lịch tâm linh  của Ngọc Vừng nói riêng, của huyện Vân Đồn nói chung.

                         Phòng Văn Hóa thông tin huyện Vân Đồng