Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức người trong cuộc


Ảnh TL: Tuần hành, mít tinh Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội ngày 19-8-1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử có một không hai trên thế giới, gắn liền với di sản vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không dễ lặp lại và chứa đựng trong đó nhiều điểm nổi bật, đặc sắc, đó là: Diễn ra trong một thời gian ngắn nhất; trên phạm vi cả nước, trong một không gian rộng lớn nhất; thu hút, lôi kéo đông đảo nhất quần chúng nhân dân tham gia; ít tốn kém và hy sinh xương máu nhất; cách mạng triệt để và mang bản chất nhân văn sâu sắc nhất.

Thực vậy, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8). Trong đó, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây tiếng vang lớn, góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày, từ 13 đến 28-8-1945. Chính quyền trong cả nước thuộc về quần chúng nhân dân. 

Trong “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, khắc họa những thời khắc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa: “Những ngày đầu tháng 8-1945, Bác Hồ ốm nặng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình và Người khẳng định: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể đợi lâu hơn nữa. 11 giờ đêm ngày 13-8, Ủy ban chỉ huy tạm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội. “Sáng ngày 15-8, được tin đích xác Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. Một số chúng tôi ngừng họp và nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ cùng Giải phóng quân tiến về phía Nam. Anh Song Hào về phía Tuyên Quang cùng các đồng chí ở đấy lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền các tỉnh phía Tây”.

Chiều 16-8, một đơn vị Giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam. Các đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trào để tiễn bộ đội lên đường chiến đấu. Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng, trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía Nam trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi, cất cao lời ca hùng tráng.

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000)” có đoạn: “Hội nghị mở rộng của Thành ủy và Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội tối ngày 17-8 đã quyết định những vấn đề cơ bản của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội. Cũng vào tối 17-8, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Xứ ủy họp bất thường để nghe báo cáo về cuộc mít tinh tuần hành ở Hà Nội và tình hình các tỉnh. Hội nghị đã quyết định xúc tiến khởi nghĩa ở Hà Nội”…

“Ngày 19-8, từ sáng sớm Hà Nội đã đỏ rực cờ cách mạng. Theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ ở Láng, Mọc, kéo ra Ngã Tư Sở, tiến lên chiếm Đại lý Hoàn Long trước khi vào nội thành. Hàng vạn nông dân, thợ thủ công các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và các tầng lớp nhân dân ở thị xã Hà Đông theo các ngả rầm rập tiến vào nội thành. Quần chúng mang theo băng, cờ, khẩu hiệu và các loại vũ khí thô sơ như: Mã tấu, dao phát bờ, câu liêm…

Ở nội thành, nhà máy công sở đều nghỉ việc, các chợ vắng hẳn người, nhiều hiệu buôn đóng cửa, đại đa số quần chúng xuồng đường tham gia biểu tình. Cả một biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến quảng trường Nhà hát lớn. Một rừng cở đỏ sao vàng xen lẫn các khẩu hiệu: “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Thành lập chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy. Quần chúng có các đơn vị Tự vệ, Tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu trong thành phố như kế hoạch đã định… Đến tối 19-8, các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn đã về tay cách mạng. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố”.

Ảnh TL: Mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8

Trong cuốn Hồi ký “Những ký ức không bao giờ quên”, Thiếu tướng Cao Pha-nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam; trong Cách mạng Tháng Tám là Trưởng Ban ám sát của Trường Thanh niên tiền tuyến, sau là Trưởng Ban Đặc vụ của Thừa Thiên- Huế; nhớ lại: “Ngày 19-8-1945, Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công ở Hà Nội làm nức lòng nhân dân cả nước. Đồng bào Thừa Thiên-Huế cũng sục sôi chờ đợi một cuộc nổi dậy cướp chính quyền ở cố đô Huế. Tối 20-8, vào khoảng 22 giờ, tôi được anh Đặng Văn Việt-thành viên Ban chấp hành Việt Minh của Trường Thanh niên tiền tuyến trao nhiệm vụ: "Mình đã nhận được lệnh của trên là hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Huế. Sáng mai sẽ hành động, cậu đi với mình và nhớ hết sức giữ bí mật”.

Hôm sau, 21-8, các đồng chí Cao Pha và Đặng Văn Việt cuộn tròn lá cờ, gác lên xe đạp và cùng nhau tiến về kỳ đài. Anh Việt lên gặp viên chỉ huy truyền lệnh “Hạ cờ cũ, treo cờ mới”. Một tiểu đội lính khố vàng canh gác cột cờ ngơ ngác và sợ sệt, nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh buộc cờ vào dây, qua ròng rọc kéo cờ đỏ sao vàng lên và cờ nhà vua từ từ hạ xuống. Sau này, Thiếu tướng Cao Pha được biết, trong khi các ông hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài, có một vị đại thần của vua Bảo Đại chạy ra can ngăn nhưng những người lính khố vàng không những không giúp vị đại thần nọ mà còn ủng hộ Việt Minh.

Ngày 30-8, tại cổng Ngọ Môn, trong buổi nhà vua làm lễ thoái vị “giao ấn vàng, kiếm báu” cho đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ Trung ương, có một nghi thức mới theo đề nghị của Bảo Đại: hạ cờ vàng quẻ ly lần thứ 2 và chính thức treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ cố đô Huế.

Trong hồi ức của mình Giáo sư­ Trần Văn Giàu, năm 1945 là ngư­ời chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn cũng thuật lại rằng, cho đến lúc quyết định khởi sự cuộc nổi dậy giành chính quyền thì Nam Bộ vẫn chư­a nhận đư­ợc Quân lệnh số 1 của Trung ư­ơng gửi vào. Như­ng khi nghe tin Hà Nội đã thành công, thì đó chính là mệnh lệnh phát ra từ trái tim và bản lĩnh của ngư­ời cách mạng. Với Sài Gòn, cũng như­ Nam Bộ mới trải qua thất bại đẫm máu của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thì càng không thể manh động đư­ợc. Như­ng tin tức từ Hà Nội và nhiều địa ph­ương khác khiến những ngư­ời lãnh đạo quả quyết khởi động. Và Sài Gòn, đầu não chính trị ở ph­ương Nam đã giành đư­ợc chính quyền trong ngày 25-8,  chỉ cách 1 tuần sau Hà Nội. Ngày 25-8, khoảng một triệu rưỡi người kéo về Dinh Đốc lý (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) hô vang các khẩu hiệu. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố và bay phấp phới trên các công sở, mái nhà. Cuộc mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng bắt đầu.

Cách mạng Tháng Tám thành công chứng minh cho Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, trở thành đường lối chung của Đảng ta. Chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, về lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong đấu tranh giành chính quyền. Sự trưởng thành đó bảo đảm cho Đảng vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng đến bến vinh quang.

                                                         Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)