Tác giả “Cảm xúc tháng Mười” từ Thủ đô về với cố đô


Ảnh TL: Đoàn quân chiến thắng trở về tiến vào Thủ đô (nguồn internet)

Đầu tháng 5 năm 2013, tôi vào Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thăm nhà thơ Tạ Hữu Yên. Ông đã gầy tóp đi nhiều, mái tóc cắt ngắn bạc trắng, khuôn mặt càng nhăn nheo hơn. Chỉ có đôi mắt là vẫn ánh lên những tia sáng như ngày nào. Nhà thơ nhìn tôi giây lát rồi chậm rãi nói: Tôi vào đây từ ngày 13 tháng giêng âm rồi đấy. Ăn ít lắm, viết thì không được nữa rồi. Thẩm có nhớ tôi năm nay bao nhiêu rồi không. Dạ, bác sinh vào tháng 7 năm Đinh Mão (1927) tết này là 87 tuổi rồi ạ; ông gật đầu đồng ý. Tôi hỏi thêm: Bác có nhớ mình đã viết được bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc không; ông nhìn tôi rỗi sẽ sàng; có 64 đầu sách với các thể loại; truyện, ký, sưu tầm và thơ, trong đó có 10 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong 2 năm gần đây và tập Võ Nguyên Giáp vị Đại tướng văn võ song toàn được dư luận hoan nghênh; với lại có 168 bài thơ được phổ nhạc và đi cùng năm tháng như các bài “Đất nước”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Từ bến Nhà Rồng”, “Cung đàn Huế” và “Cảm xúc tháng Mười”… Vậy mà hôm qua cháu Trang điện cho tôi nức nở “Ông cháu đi rồi, chúng cháu đưa ông về quê chú ạ”. Vẫn biết ngày này sẽ đến nhưng vẫn cứ bất ngờ, cứ thấy nhanh quá vậy. Thế là tác giả “Cảm xúc tháng Mười” đã làm một chuyến đi cuối cùng, từ Thủ đô Hà Nội về với cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Nhà thơ Tạ Hữu Yên quê ở làng Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Ồng nhập ngũ năm 1948 vào ban Địch vận, cơ quan Tỉnh đội Ninh Bình, Liên khu 3. Ngày 10 tháng 10 năm 1954, khi năm cánh quân về tiếp quản Thủ đô thì nhà thơ Tạ Hữu Yên đang làm nhiệm vụ tại vùng Bùi Chu, Phát Diệm vận động bà con giáo dân yên tâm xây dựng đời sống mới, không nghe những lời đồn thổi, huyễn hoặc mà di cư vào Nam theo địch. 20 năm sau, khi ông đã về Hà Nội, một hôm nhạc sĩ Nguyễn Thành đến nhà "đặt vấn đề": Nay là 20 năm Thủ đô giải phóng (10 - 10 -1954 - 10-10-1974), Hội nhạc sĩ đang cần những ca khúc viết về Hà Nội, ông hãy làm một bài thơ để tôi phổ nhạc. Nhận lời nhưng ông cũng rất lo, Hà Nội vốn có nhiều kỷ niệm, nhưng để có nguồn cảm xúc, có hồn thơ lại là chuyện không phải dễ. Mấy ngày liền, Tạ Hữu Yên khi thì đi bộ lang thang khắp các phố phường, lúc ngồi xe điện từ Bạch Mai lên phố Huế, Đồng Xuân; có buổi lại đạp xe lên cầu Long Biên, đứng chờ tàu hỏa… rồi ký ức một thời bỗng ùa về. Dòng máu thấm đẫm chất văn chương trong ông như cựa quậy, thôi thúc. Cũng là những ngày tháng Mười với trời thu trong xanh vời vợi, những nhịp trống rung rộn ràng, hình ảnh từng đoàn quân bừng bừng khí thế… Và dòng cảm xúc đã chảy thành lời thơ:

Không thể nói trời không xanh hơn

Và mắt em xanh khác ngày thường…

Bầu trời hôm ấy bỗng dưng trong hơn, cũng giống như đôi mắt người con gái “xanh khác ngày thường” vì nó lặng im nhưng ẩn chứa xiết bao xao động, xiết bao thổn thức ở bên trong. Đó là nỗi niềm mong nhớ, sự đợi chờ người chiến sĩ giải phóng thân thương trở về. Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã nhìn ra cái điều tinh tế ấy. Rồi ba mươi sáu phố phường mới rung lên tưng bừng, náo nức với những đoàn quân nhấp nhô như sóng, những bước chân rầm rập giữa rừng hoa, rừng cờ đỏ sao vàng và nhịp trống quân hành.

Đoàn quân về nhấp nhô như sóng

Những ngôi nhà dường muốn cao thêm

Không ít người đã ví đoàn quân đi như sóng nhưng nhà thơ Tạ Hữu Yên cảm thấy cái đợt sóng trào dâng làm cho những ngôi nhà, những dãy phố như cũng có tâm hồn, cũng vui sướng như mỗi người Hà Nội khi đoàn quân tiến về. Lại nữa, không chỉ có những ngôi nhà, dãy phố mà còn cả sông Hồng, cả năm cửa ô và một mùa thu đều cất lên câu hát:

Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Nghìn năm vẫn một trái tim này.

…Chỉ trong một đêm, ông miệt mài ngồi viết hoàn chỉnh bài thơ "Cảm xúc thần Mười" rồi chuyển cho nhạc sĩ Nguyễn Thành.

Tạ Hữu Yên tâm sự: Hình như những hình ảnh ấy đã "mai phục" sẵn trong tôi chỉ còn chờ Nguyễn Thành khơi nguồn là thăng hoa thành những vần thơ. Bài hát "Cảm xúc tháng Mười" đã đoạt giải nhất trong cuộc thi năm 1974 và đã đi cùng năm tháng. Mỗi khi cất lên là một lần gợi nhớ về một thời hào hùng của Thủ đô Hà Nội, của con người và đất nước Việt Nam.

Không thể nói trời không xanh hơn

Và mắt em xanh khác ngày thường

Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy

Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.

 

Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt

Xốn xang mẹ thầm gọi các con

Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ

Nghe niềm vui rạo rực tâm hồn

 

Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu

Anh đã hẹn ngày mai trở lại

Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi

Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca

 

Một sớm thu trong đất thắm sao vàng

Năm cửa ô xòa năm cánh rộng

Đoàn quân về nhấp nhô như sóng

Những ngôi nhà dường muốn cao thêm.

Tháng Mười - ấy là khúc ca say

Khúc ca chở những chiến công đầy

Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Nghìn năm vẫn một trái tim này

                                          (Tạ Hữu Yên)

Cái tài, cái tình của Tạ Hữu Yên là bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” viết cách 20 năm sau đó mà vẫn có được không khí của buổi ban đầu, vẫn mang đậm cảm xúc của đoàn quân chiến thắng, của người dân Thủ đô đón đợi quân ta trở về với khúc khải hòan ca.

                                                   Tô Kiều Thẩm