TÔI ĐI TÌM XÁC MÁY BAY MỸ


     Xác máy bay B52 Mỹ bị bắn rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội đêm 18/12/1972 (Ảnh TL)

Bây giờ thì Trung tá CCB Đặng Đình Ninh đã về cõi vĩnh hằng lâu lắm rồi. Khi còn sống ông cư trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, tham gia cách mạng năm 1947 tại Nghệ An, làm thợ điện của Xưởng quân giới rồi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 44, Liên khu 4. Sau đó ông làm Quyền trưởng ban Cơ vụ, Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân của Không quân nhân dân Việt Nam). Từ 1961 đến 1969, ông là Trưởng Ban Kỹ thuật của A33, đại tu máy bay, tại sân bay Bạch Mai. Câu chuyện dưới đây của ông là chuyến đi tìm xác chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên miền Bắc, ngày 5 tháng 8 năm 1964.

Dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ lấy cớ để tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, lần đầu tiên, chúng đưa nhiều tốp máy bay ra ném bom Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An… và đã bị các lực lượng hải quân, pháo cao xạ, phòng không nhân dân của ta đánh trả, bắn cháy, trong đó chiếc đầu tiên rơi tại chỗ trên vùng biển Quảng Ninh. 5 giờ chiều ngày 5 tháng 8 ấy, tôi nhận lệnh của Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân là: Chọn năm nhân viên kỹ thuật, với một chiếc xe tải đi tìm và chở chiếc máy bay về Hà Nội cho Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu.

Chúng tôi từ Hà Nội đi suốt đêm, đường xấu lại qua nhiều bến phà nên gần sáng mới tới Tỉnh đội Quảng Ninh. Sau lúc nghỉ ngơi, tôi và Thiếu tá Bùi Đình Mai, Tỉnh đội trưởng đi một chiếc ca-nô của Hải quân ra biển. Lúc này, nhìn mặt biển xanh bao la, những con sóng bạc đầu đuổi nhau như bất tận, tôi mới lo lắng cho nhiệm vụ của mình. Chỉ mới nghe một số người dân đánh cá nói “rơi ở hướng ấy, hướng ấy” thôi, thì giống như “mò kim đáy bể”. Nhưng khi ra cách bờ chừng 10 km, quan sát thấy một lớp váng dầu loang khá rộng trên mặt nước tôi mới hy vọng trở lại. Anh Mai điện về tăng cường thêm hai chiếc thuyền đánh cá và bốn thủy thủ, vừa câu móc, vừa lặn tìm dưới độ sâu hơn 10 mét, mãi đến tối mà không thấy tăm hơi máy bay, đành phải trở vào bờ. Tôi không nghĩ được rằng, máy bay rơi từ khoảng 14 giờ chiều hôm trước, sóng và thuỷ triều đã đẩy vùng dầu loang đi khá xa khu vực ban đầu.

Hôm sau, chúng tôi dốc toàn bộ lực lượng, thêm hai thợ lặn chuyên nghiệp của Hải Phòng và hai phóng viên quay phim, nhiếp ảnh từ Hà Nội cùng đi. Do mở rộng khu vực tìm kiếm, thợ lặn đủ trang bị đi lại hàng giờ dưới đáy biển nên chúng tôi bắt đầu tìm được một số mảnh vụn của chiếc máy bay. Nhưng mảnh to nhất cũng không quá 30 cân vì nó rơi từ trên độ cao 3000m, đâm thẳng đầu xuống biển thì không thể còn nguyên chiếc. Gần trưa, xác chiếc máy bay cơ bản đã đủ nhưng không thấy động cơ. Mọi người đã mệt, muốn nghỉ, nhưng động cơ là quan trọng, là thứ cần nghiên cứu nhất, nên chúng tôi lại động viên nhau tiếp tục lặn ra xa bán kính 50 mét nữa. Gần một tiếng sau, chiếc động cơ nặng hơn 3 tạ được tời lên thuyền. Nhìn tấm nhãn hiệu, tôi biết đây là loại máy bay siêu âm phản lực A4D của Mỹ, chúng thường huênh hoang là “Chim ưng nhà trời”.

Buổi chiều, chúng tôi xếp tất cả chiến lợi phẩm lên 3 chiếc xe vận tải (Tỉnh đội cho mượn thêm 2 chiếc mới chở hết) chằng buộc cẩn thận và chuẩn bị hành quân thì đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đến xem rồi yêu cầu ba ô tô chạy ra vườn hoa thị xã, dỡ xuống, xếp lại thành hình chiếc máy bay. Đồng chí nói: Máy bay Mỹ đầu tiên rơi trên miền Bắc, lại rơi tại Quảng Ninh, thì nhân dân Quảng Ninh phải được thấy trước. Tuy vất vả nhưng không thể tả hết nỗi vui mừng, háo hức của buổi triển lãm bất ngờ đêm hôm ấy. Điện sáng trưng, xác chiếc máy bay được một vòng dây bao quanh và có tiểu đội dân quân giữ trật tự. Loa phóng thanh truyền tin chiến thắng vang dội, nhân dân chen nhau vòng trong, vòng ngoài chỉ chỏ, bàn tán hả hê lắm. Một anh trung uý, chắc là bộ đội địa phương kéo tôi tới chỗ mảnh vụn có hai lỗ tròn đường kính khoảng 8 mi-li-mét rồi năn nỉ tôi ký vào một tờ giấy viết sẵn chứng nhận là xác máy bay có hai vết đạn súng trường. Thực ra đấy là hai lỗ thoát nước, nhưng giải thích mãi không được nên tôi đã ký nhận cho anh.

Hôm sau, trên đường về Hà Nội, khi qua phà Bãi Cháy được chừng hai cây số thì gặp mấy đồng chí bộ đội đeo băng đỏ đứng giữa đường vẫy vẫy. Tưởng xin đi nhờ ô tô nhưng anh em nói đã chờ chúng tôi từ nửa đêm để mời vào đơn vị đóng quân gần đấy. Đó là một tiểu đoàn pháo cao xạ, hai đồng chí chỉ huy cho biết: Đơn vị được trên công nhận là đã góp phần bắn rơi chiếc máy bay Mỹ mà chúng tôi đang chở trên ô tô, nên muốn xin một mảnh để lưu lại trong nhà truyền thống. Biết rằng xác chiếc máy bay này rất quý giá và do Bộ Quốc phòng quản lý, chúng tôi không có quyền, nhưng cũng khó từ chối. Tôi đành chọn một mảnh đuya-ra bằng cái mũ, có dính lòng thòng mấy sợi dây điện xanh đỏ giao cho tiểu đoàn. Các anh xúc động trịnh trọng đón nhận rồi nắm tay chúng tôi lắc mãi... Còn ở bến phà Rừng thấy một đoàn dài ô tô đang đợi sang sông, nếu chờ lần lượt thì phải mất hàng tiếng đồng hồ. Tôi cho đoàn xe “chở sắt vụn” lách lên rồi đưa công lệnh hỏa tốc cho anh phụ trách. Hình như đã được thông báo về kế hoạch, anh vui vẻ ưu tiên cho ba xe phế liệu của chúng tôi vượt lên, trước ánh mắt ngơ ngác của mọi người. Về đến thị xã Quảng Yên thì trời đã quá trưa, chúng tôi dừng lại vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh để nghỉ ngơi. Đang ăn cơm thì một anh công an đến hỏi thăm rồi đưa giấy giới thiệu của Chủ tịch ủy ban hành chính Thị xã đề nghị chúng tôi đưa đoàn xe vào sân vận động “nghỉ tạm” hai giờ cho nhân dân đến xem sức mạnh của “không lực Hoa kỳ”. Trong khi đó ở bên ngoài đã có hàng trăm người vây quanh ba chiếc xe ngó nghiêng bàn tán. Thế là cuộc triển lãm nữa lại bắt đầu…

Khoảng 20 giờ tối hôm ấy, tôi bàn giao xác chiếc máy bay Mỹ cho Viện bảo tàng quân đội và yên tâm là đã hết duyện nợ. Nhưng không, sau đó Bộ Quốc phòng tổ chức một cuộc triển lãm kỷ niệm 19 năm ngày Quốc khánh (1945 - 1964), tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong đó có hai xác máy bay Mỹ là chiếc cánh quạt AD - 6 bị bắn rơi ở Lạch Trường (Thanh Hoá) và chiếc siêu âm phản lực A4D “Chim ưng nhà trời” đưa từ Quảng Ninh về. Tôi lại được điều động phụ trách 40 sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đến lao động xây hai bệ gạch theo hình hai chiếc máy bay, cao 50 phân, sau đó xếp các mảnh vụn vào những vị trí tương ứng. Thời gian khẩn trương, sinh viên phần nhiều là nữ, không quen lao động nặng, vất vả, nhưng trước ngày khai mạc triển lãm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Thủ trưởng Bộ Tư lệnh quân chủng đến kiểm tra đều vui vẻ và hài lòng. Tôi càng tự hào cho nhiệm vụ của mình.

Những năm sau đó, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 4.000 chiếc máy bay Mỹ. Nhưng kỷ niệm về chuyến đi tìm xác chiếc máy bay Mỹ rơi đầu tiên thì tôi không thể nào quên.

                           Tô Bảo Minh