BA CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN, BA THIẾU TƯƠNG VÀ BA NHÀ VĂN


Thiếu tướng Hồ Phương

Đó là các Thiếu tướng Hồ Phương, Nguyễn Chu Phác và Dũng Hà. 68 năm trước, cả ba ông đều chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó trở thành nhà văn. Nghỉ hưu hoặc đã về “thế giới người hiền” đã lâu nhưng những kỷ niệm về Điện Biên Phủ để lại vẫn sáng mãi và động viên chúng ta tiếp tục làm việc và cống hiến cho đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Thiếu tướng Hồ Phương sinh năm 1930, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với chức vụ Chính trị viên đại đội pháo cao xạ của Đại đoàn 308, bảo vệ bến phà Tạ Khoa rồi cơ động lên bảo vệ các đơn vị trọng pháo của mặt trận. Trong 56 ngày đêm chiến đấu với máy bay địch, ác liệt, gian khổ, nhiều đồng đội vào trận với các tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có ý chí quyết tử vì Tổ quốc, nhiều người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, thôi thúc ông viết những tác phẩm nổi tiếng như “Lá cờ chuẩn đỏ thắm”, “Điện Biên lửa sáng”… Ông trở thành nhà văn, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi được gặp ông năm 1977 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và mến phục ông theo từng trang viết, nhất là tiểu thuyết “Cánh đồng phía tây” được giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1994. Năm 2007, ông lại cho xuất bản tiểu thuyết “Cha và con” viết về Bác Hồ và cụ thân sinh của Bác, đúng dịp toàn Đảng và toàn dân ta thực hiện cuộc vận động  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được dư luận quan tâm và mọi người đón đọc.

Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác

Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác (sinh năm 1934, mất năm 2016) lên Điện Biên Phủ cuối năm 1953 với cương vị Trung đội trưởng xung kích, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Ngày 24-4-1954, đơn vị ông tham gia khắc phục hậu quả máy bay Pháp ném bom sát hại 444 người dân bản Noong Nhai, sau đó làm nhiệm vụ đánh bộc phá, tiêu diệt các cứ điểm địch ở trung tâm Mường Thanh. Ông kể: “Giờ tổng công kích toàn mặt trận hôm ấy, dưới ánh đèn dù, pháo sáng và chớp đạn, tôi nhìn rõ từng mảng lô cốt của địch bị pháo bắn bay lên. Những luồng đạn đỏ đan chéo cả hai phía ta và địch. Chúng tôi cứ bám sát nhau lên đánh bộc phá mở cửa mở, cứ mỗi phút trôi qua, thương vong lại tăng lên, nhưng không ai lùi bước. Tôi đang chỉ thị mục tiêu cho đồng chí Soạn đánh tiếp thì một loạt đạn pháo của địch trùm lên trước mặt. Tỉnh dậy, tôi sờ lên người thấy nhoe nhoét thịt và máu, miệng tôi mặn chát, lay gọi hai đồng đội ở bên thì đã tắt thở… Có trận trung đội chỉ còn ba người sống sót trở về. Những anh em như Giá, Chân, Sản, Nghệu, Vân, Tùng… hy sinh khi còn rất trẻ”. Có lần ông đưa tôi lên trên sân thượng nhà ông. Ở đó có một ngôi am nhỏ xây đã nhiều năm để thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh. Ông trở thành Cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Tổng tham mưu, Tổng biên tập Tạp chí Nhà trường quân đội. Ông còn là tiến sĩ tâm lý học và giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người. 

Thiếu tướng Dũng Hà

Thiếu tướng Dũng Hà (sinh năm 1929, mất năm 2011) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 251, Đại đoàn 316, đánh chiếm các cứ điểm ở phía Đông, trong đó có đồi A1. Ông vẫn nhớ: Tối 30-3, đơn vị vào đánh đồi A1, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đến ngày 31-3 vẫn không chiếm được, mà thương vong khá nhiều buộc phải rút ra cho Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 vào đánh tiếp. Đơn vị bạn cũng không dứt điểm được, đơn vị ông sau khi bổ sung quân lại vào đánh đồi A1 lần thứ 2, đến 4 giờ sáng ngày 7-5 thì hoàn toàn làm chủ trận địa. Chiều hôm ấy, trời Điện Biên thật xanh và nắng thật vàng, ông cùng Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đứng trên đồi A1 nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh, tiếng súng vẫn còn lác đác, nhưng cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp nơi. Sau này, ông trở thành nhà văn, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Về nghỉ hưu đã lâu, tôi thường gặp ông ra mua báo ở đầu đường Lý Nam Đế và Phan Đình Phùng. Năm 2007, tôi và nhà văn Dũng Hà cùng đ­ược Bộ tư lệnh Đặc công khen thưởng do cùng có tác phẩm kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của binh chủng. Vậy mà, gần đây ông lại có tiểu thuyết “Sông cạn”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Thật là cảm phục những chiến sĩ Điện Biên.


                                                                        Tô Kiều Thẩm